Mặc dù bất động sản bền vững vẫn còn ở giai đoạn non trẻ nhưng Ấn Độ là một trong những nước đi đầu về phát triển công trình xanh.Hiện quốc gia này chỉ đứng thứ hai sau Mỹ về số lượng các dự án công nghệ xanh.
Tính đến tháng 9/2017, hơn 4.300 dự án sử dụng công nghệ xanh (tương đương khoảng hơn 400 tỷ m2), đã được đăng ký ở Ấn Độ (theo dữ liệu của IGBC). Mặc dù hiện nay chỉ chiếm 5% tổng số tòa nhà, thị trường cho các công trình xanh của quốc gia này dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong vài năm tới và có thể đạt tới 10 tỷ m2 vào đầu năm 2022 (trị giá từ 35 - 50 tỷ USD).
Quá trình đô thị hóa tràn lan và sự gia tăng dân số lớn đòi hỏi tăng trưởng kinh tế nhanh hơn đã gây ra một thay đổi lớn trong lối sống và chất lượng sống tổng thể của người dân. Tốc độ cạn kiệt tài nguyên và sự gia tăng nhanh chóng của phát thải khí nhà kính, chất thải đã dẫn đến suy thoái môi trường liên tục. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng nhiệt độ trung bình, biến đổi khí hậu và chất lượng không khí xấu đi ở các thành phố.
Trong những năm gần đây, tác động sinh thái đáng báo động này đã thu hút sự chú ý của nhiều quốc gia và nhiều nỗ lực lớn đã được khởi động để tìm kiếm cách thức và phương tiện giảm thiểu tốc độ suy thoái, đảm bảo sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.
Trách nhiệm của ngành bất động sản
Phát triển bất động sản là một trong những ngành ngốn nhiều nhất nguồn tài nguyên thiên nhiên (nước, năng lượng, nguyên liệu thô), đồng thời tạo ra một lượng lớn chất thải và chất gây ô nhiễm. Chỉ riêng ngành này đã tiêu tốn khoảng 40% nguyên liệu tự nhiên, 25% lượng nước và 35% tài nguyên năng lượng. Ngoài ra, nó thải ra 40% chất thải và 35% khí nhà kính.
Bằng cách áp dụng các công nghệ xây dựng xanh, ngành này có thể giảm tác động tiêu cực tới hệ sinh thái, đồng thời giúp tạo ra một môi trường bền vững hơn về lâu dài. Nỗ lực hướng tới phát triển bền vững liên quan đến việc sử dụng tối ưu nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu và tái chế chất thải, giảm lượng khí thải gây ô nhiễm.
Công trình xanh gồm những gì?
Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (UEPA) đã định nghĩa: Xây dựng công trình xanh là thực hành sử dụng các quy trình và công nghệ có trách nhiệm với môi trường và tiết kiệm năng lượng trong suốt vòng đời của công trình. Điều này bao gồm sự phù hợp của vị trí, thiết kế, xây dựng, hoạt động, bảo trì, đổi mới và kiến trúc giải tỏa kết cấu.
Công nghệ xây dựng công trình xanh có thể giảm mức tiêu thụ năng lượng của tòa nhà lên tới 20-30% và kéo theo giảm mức tiêu thụ nước khoảng 30-50%.
Lợi ích công trình mang lại: Chất lượng không khí tốt hơn; Tăng ánh sáng ban ngày; Sử dụng tối ưu nguồn nước và điện; Sức khỏe của dân cư tốt hơn; Năng suất cao hơn.
Mặc dù chi phí ban đầu của việc xây dựng một công trình xanh có thể cao hơn so với các công trình thông thường, nhưng các lợi ích lâu dài như chi phí vận hành thấp, sức khỏe cư dân tốt hơn và năng suất tăng cao, làm cho bất động sản bền vững đã trở thành yếu tố quyết định đầu tư dài hạn cho cả nhà phát triển và người tiêu dùng.
Hiệu quả của tòa nhà xanh có thể được nhân lên bằng việc áp dụng các vật liệu xây dựng cải tiến và công nghệ tốt hơn. Có rất nhiều công nghệ xây dựng công trình xanh đang được sử dụng trên toàn thế giới, ví dụ như:
- Biomimicry (mô phỏng các mô hình, hệ thống và các yếu tố của thiên nhiên nhằm mục đích giải quyết các vấn đề phức tạp của con người)
- Mái nhà xanh (green roofs)
- Khu vườn thẳng đứng
- Tấm thạch cao cốt sợi thủy tinh (GFRG)
- Kính “thông minh”
Khó khăn phải đối diện
Tuy mong muốn của chính quyền và nhiều người dân là thế nhưng thực tế, việc phát triển công trình xanh ở Ấn Độ còn đối diện với nhiều vấn đề mà không ít quốc gia đang phát triển khác cũng gặp phải.
Nhận thức hạn chế: Đến nay, phần lớn người Ấn Độ vẫn chưa hiểu rõ các lợi ích lâu dài của các tòa nhà xanh, cho đây là các lựa chọn đắt tiền và không khả thi về tài chính.
Chính sách chưa đầy đủ: Việc thiếu các luật bắt buộc để thực thi quy mô lớn trong việc xây dựng các tiêu chuẩn công trình xanh cũng là một hạn chế.
Thủ tục phiền hà: Các nhà phát triển phải trải qua một quá trình rất tốn sức và tốn thời gian với thủ tục hành chính còn nhiêu khê. Điều đó gây ra sự chậm trễ và cản trở phát triển công trình xanh.
Chính sách không đủ khuyến khích: Có rất ít chính sách khuyến khích và những chính sách này lại khác nhau giữa các tiểu bang (thậm chí là thành phố), tùy thuộc vào các cơ quan quản lý khác nhau. Trong phần lớn các trường hợp, các ưu đãi là dưới dạng Quy định thu nhập liên bang (FAR) bổ sung, tiếp theo là giảm giá đối với thuế tài sản và các chương trình khác. Điều này là không đủ để khuyến khích việc áp dụng trên quy mô lớn.
Thiết bị đắt đỏ: Các thiết bị và sản phẩm được sử dụng trong xây dựng công trình xanh chắc chắn liên quan đến chi phí cao hơn so với các thiết bị thông thường. Mặc dù chi phí tăng thêm không lớn nhưng nhiều nhà thầu và nhà phát triển nhỏ không thể chi trả được.
Thiếu các chuyên gia: Ở Ấn Độ, phần lớn các bên liên quan trong ngành bất động sản (các nhà hoạch định chính sách, kiến trúc sư, kỹ sư, nhà thầu, công nhân) đơn giản là chưa có kỹ năng và kiến thức cần thiết để xây dựng công trình xanh.
Tại quốc gia Nam Á này, sự tăng trưởng của các công trình xanh có thể được đẩy nhanh thông qua việc tiêu chuẩn hóa các định mức, các chương trình khuyến khích tốt hơn và một hệ thống hỗ trợ tài chính vững chắc. Việc nâng cao nhận thức về các công trình xanh và lợi ích lâu dài của chúng chắc chắn sẽ thúc đẩy ngành xây dựng xanh, thông minh và kéo theo đó là mở rộng nhanh hơn phân khúc thị trường rất quan trọng này.