Aa

Cung Thiếu nhi cũ cần được bảo vệ nguyên trạng kiến trúc, khuôn viên

Thứ Năm, 18/03/2021 - 14:00

Theo KTS. Trần Huy Ánh, Cung Thiếu nhi cũ cần được giữ nguyên trạng về kiến trúc, khuôn viên cũng như vai trò “bảo tàng Bác Hồ với Thiếu nhi”, không quy ra mét vuông để tính giá trị thành tiền.

Hà Nội vừa tiến hành lễ động thổ Cung Thiếu nhi mới, dự án được xây dựng tại Khu Công viên hồ điều hòa CV1 (Khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm). Dự án có tổng diện tích gần 40.000m2, tổng vốn đầu tư hơn 1.376 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2024.

Thông tin từ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa xã hội thành phố cho biết, Cung Thiếu nhi mới sẽ được xây dựng theo thiết kế kiến trúc hiện đại, gần gũi với thiên nhiên, sử dụng nhiều thiết bị tự động thông minh. Công trình bao gồm các hạng mục: Nhà hát 800 chỗ, rạp chiếu phim 200 chỗ, nhà thi đấu 500 chỗ, bể bơi 10 làn, nhà học và thư viện, tháp thiên văn...

Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng, Cung Thiếu nhi mới được xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu vui chơi thi đấu thể thao, rèn luyện thể chất, giao lưu văn hoá văn nghệ của thiếu nhi Thủ đô, tạo môi trường thuận lợi phát triển tài năng tương lai. Tuy nhiên, về phương án sử dụng Cung Thiếu nhi cũ trên mảnh đất “vàng” hơn 8.000m2 tại Lý Thái Tổ, vị lãnh đạo này cho biết, dự án mới sẽ mất 2 - 3 năm nữa để hoàn thành, các phương án cho mục đích sử dụng Cung Thiếu nhi cũ đang được Hà Nội cân nhắc kỹ, nhưng hiện tại vẫn chưa có kế hoạch cụ thể.

Phối cảnh Cung Thiếu nhi Hà Nội mới
Phối cảnh Cung Thiếu nhi Hà Nội mới.

Các chuyên gia đánh giá, Hà Nội cần một Cung Thiếu nhi xứng với tầm vóc Thủ đô trong thời đại mới nên việc xây dựng Cung Thiếu nhi với quy mô lớn hơn và chất lượng tốt hơn là điều cần thiết. Tuy nhiên, sau khi có cơ sở mới, Cung Thiếu nhi cũ bên cạnh Hồ Gươm có còn thuộc về thiếu nhi nữa hay không là điều người dân Thủ đô đang rất quan tâm.

Bởi Cung Thiếu nhi Hà Nội có bề dày lịch sử hơn nửa thế kỷ, gắn bó với nhiều thế hệ thiếu nhi Thủ đô, gồm những công trình kiến trúc rất đặc trưng của Hà Nội là biệt thự Pháp và kiến trúc kiểu Xô viết. Đây là “ngôi nhà tuổi thơ” - nơi lưu giữ nhiều tầng ký ức thời thơ ấu của thế hệ 7x, 8x của Thủ đô, là nơi ươm mầm tài năng, chắp cánh ước mơ của hàng vạn con em lao động Thủ đô một thời.

"Cung Thiếu nhi là ký ức của nhiều thế hệ người Hà Nội. Thậm chí nhiều gia đình, cả cha mẹ con cái cùng từng gắn bó với Cung Thiếu nhi. Đây lại là món quà của Bác Hồ trao cho thiếu nhi Thủ đô khi Chính phủ Cách mạng tiếp nhận tòa nhà Ấu Trĩ Viên từ thời Pháp thuộc", ông Lê Quang Đại, Giám đốc Cung Thiếu nhi Hà Nội chia sẻ với báo chí.

Trao đổi với phóng viên, nhiều người dân cho biết, họ vẫn muốn Cung Thiếu nhi cũ tiếp tục là ngôi nhà của trẻ thơ, có thể ở quy mô nhỏ hơn, tầm khu vực. Bên cạnh sự luyến tiếc về một không gian văn hóa, vui chơi hơn nửa thế kỷ lưu giữ kỷ niệm của bao lớp người đã trưởng thành, người dân còn bày tỏ lo lắng về việc Hà Nội sẽ sử dụng khu đất này như thế nào nếu không tiếp tục làm Cung Thiếu nhi. Bởi, khu đất nằm ở vị trí đắc địa, giá đất đắt đỏ và càng trở thành “kim cương” nếu xây khách sạn, nhà hàng hay những công trình xây dựng đồ sộ khác.

Mặt khác, theo tìm hiểu, năm 2014 - 2015, Tổ chức Kiến trúc Quốc tế lập hồ sơ để xếp hạng Cung Thiếu nhi cũ là “Công trình di sản Kiến trúc hiện đại thế giới”, nhưng năm 2015, công trình tiến hành cải tạo sửa chữa lớn, nhiều chi tiết kiến trúc có giá trị đã bị thay đổi thô bạo dẫn đến biến dạng nên đã không được đưa vào danh sách Di sản Kiến trúc hiện đại thế giới.

Do vậy, theo các chuyên gia, phương án sử dụng hay cải tạo, sửa chữa Cung Thiếu nhi có giá trị kiến trúc, lịch sử và văn hóa cần được cân nhắc cẩn trọng, tham vấn nhiều chiều ý kiến từ phía chuyên môn.

Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội cũ
Năm 2014 - 2015, Tổ chức Kiến trúc Quốc tế từng lập hồ sơ để xếp hạng Cung Thiếu nhi cũ là “Công trình di sản Kiến trúc hiện đại thế giới”

KTS. Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư TP. Hà Nội) đánh giá, Cung Thiếu nhi Hà Nội cũ không chỉ là ngôi nhà gạch đá vô tri, nó là biểu tượng của bao điều tốt đẹp, tình thương bao la của người lớn đối với trẻ em.

Theo KTS. Trần Huy Ánh, Cung Thiếu nhi có giá trị biểu tượng của một giai đoạn lịch sử hình thành Hà Nội hiện đại (tiền kỳ), điều đó đồng nghĩa với việc đây là công trình “có ý nghĩa kiến trúc và hiếm có”. Đó là hình mẫu cho các kiến trúc sư, nhà thiết kế đô thị - kiến trúc cảnh quan hôm nay và mai sau, nhất là trong bối cảnh Hà Nội mở rộng nhiều lần, nhiều quần thể kiến trúc khổng lồ nhưng giá trị nghệ thuật kiến trúc cảnh quan còn rất yếu.

“Cung Thiếu nhi trở thành một bộ phận cấu thành không thể thay thế, đóng góp cho môi trường và bản sắc kiến trúc cảnh quan Hà Nội”, KTS. Trần Huy Ánh nói.

Vị kiến trúc sư nhấn mạnh thêm, về giá trị kiến trúc, Cung Thiếu nhi cần được bảo vệ nguyên trạng bởi nó gắn bó tổng thể với không gian cảnh quan kiến trúc toàn khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ, kết nối từ Hồ Gươm tới tòa nhà Ngân hàng, bên phải là nhà Bưu điện với Bắc Bộ Phủ, bên trái với Tòa Thị chính mở rộng và ngôi nhà Pháp trong khuôn viên Cung Thiếu nhi. Đây là quần thể hoàn chỉnh, nguyên vẹn, rất may mắn chưa bị phá hủy của một tác phẩm thiết kế kiến trúc cảnh quan theo phong cách phương Tây nhưng hội đủ những niêm luật Nghệ thuật sân vườn phương Đông với tính đối xứng, quan hệ hình khối, đặc rỗng và tỷ lệ vàng.

KTS.Trần Huy Ánh
KTS.Trần Huy Ánh.

Nói thêm về câu chuyện cần bảo tồn các công trình có giá trị kiến trúc, lịch sử, KTS. Trần Huy Ánh dẫn chứng, Thành phố Singapore rất hiện đại nhưng sau khi xây dựng nhiều tòa nhà cao tầng, thành phố đã quyết định giữ lại các công trình kiến trúc lịch sử. Họ đưa 4 tiêu chí bảo tồn các tòa nhà, đó là: Ý nghĩa kiến trúc và sự hiếm có; Ý nghĩa Văn hóa - Xã hội - Tôn giáo và Lịch sử; Đóng góp cho Môi trường và Bản sắc; Tác động kinh tế.

Dựa trên các tiêu chí ấy thì rõ ràng Cung Thiếu nhi cần giữ nguyên trạng về kiến trúc, khuôn viên, cũng như vai trò “bảo tàng Bác Hồ với Thiếu nhi”. Tất nhiên, ngôi nhà không mang lại “tác động kinh tế" trực tiếp, không quy ra mét vuông để tính giá trị thành tiền, thành vàng.

“Hà Nội đang hướng tới xây dựng thành phố thông minh. Cung Thiếu nhi là "vườn ươm tuổi trẻ", những công dân tài năng xây dựng thành phố thông minh. Không có trẻ em thì ai sẽ xây dựng thành phố thông minh? Ai sẽ đủ thông minh để sống trong thành phố ấy? Do vậy, công trình này còn có giá trị “tác động kinh tế“ ở mức độ rất cao và bảo tồn nó là việc vô cùng cần thiết mà không cần so tính”, vị chuyên gia khẳng định.

Về vấn đề ứng xử với các công trình kiến trúc cổ trong Cung Thiếu nhi, KTS. Trần Huy Ánh nhấn mạnh, Hà Nội cần thực hiện đúng Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cổ. Theo đó, quần thể xung quanh toà nhà Ấu Trĩ Viên được yêu cầu bảo vệ nguyên trạng. Bên cạnh đó, cần phục chế, tôn tạo và duy trì mở rộng các hoạt động cho thiếu nhi tại đây cũng như khắc sâu những giá trị văn hóa lịch sử nhân văn vốn có của nó.

“Chúng tôi lớn lên khi đất nước bị chia cắt, thiếu thốn đủ bề, nhưng tất cả trẻ em Hà Nội được đến Cung Thiếu nhi - thiên đường có thật, món quà yêu thương của cả thành phố dành cho, nơi hun đúc lòng yêu thương tới những lứa trẻ sau này. Nếu lấy đi một chỗ chơi cho con trẻ, cá nhân tôi tự hỏi: Việc này có quá tàn nhẫn không?", KTS. Trần Huy Ánh bày tỏ. 

Theo vị chuyên gia, trong 100 năm đô thị hóa (1900 - 2000), Hà Nội xây dựng 12 triệu mét vuông sàn nhà ở và có một Cung Thiếu nhi. Sau mở rộng, mỗi năm xây dựng bằng cả 100 năm (mỗi năm xây thêm 12 triệu mét vuông). Trong 10 năm trở lại đây, Hà Nội mở rộng gấp nhiều lần, mỗi năm xây thêm khoảng 12 triệu mét vuông sàn nhà ở. Mật độ dân cư, nhà ở tăng chóng mặt nhưng không gian xanh, công viên, hồ nước, sân chơi cho con trẻ không được bổ sung kịp thời nên ngày một thiếu thốn trầm trọng. 

"Do đó, xây thêm một Cung Thiếu nhi cũng chưa chắc đã thấm tháp gì so với nhu cầu hiện tại, nên không có lý do gì để không nâng cấp, cải tạo để tiếp tục sử dụng Cung Thiếu nhi cũ. Đất chật, người đông, trẻ em nhiều lên... Cứ theo tỷ lệ ấy thì Hà Nội cần có kế hoạch làm thêm 10 Cung Thiếu nhi nữa ngoài Cung Thiếu nhi cũ thì mới xứng đáng danh hiệu Thành phố vì Hòa bình, Thành phố Sáng tạo, Thành phố nói đi đôi với làm, Thành phố của một Quốc gia châu Á đầu tiên ký vào Công ước Quốc tế bảo vệ Quyền Trẻ em", KTS. Trần Huy Ánh khẳng định.

Cung Thiếu nhi Hà Nội nằm trên phố Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm), có diện tích 8.100m2. Thời Pháp thuộc, khu vực Cung Thiếu nhi mang tên “Ấu Trĩ Viên” (vườn trẻ). Toà nhà kiến trúc Pháp trong cung là nơi Hồ Chủ tịch cùng đại diện chính phủ Pháp ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946.

Từ ngày tiếp quản Thủ đô (1954) đến nay, toà nhà vẫn được sử dụng để phục vụ cho thiếu niên, nhi đồng. Trong đó, toà nhà Pháp có phòng truyền thống, phòng học, phòng làm việc của Ban Giám hiệu và một số phòng chuyên môn khác. Từ khu vui chơi chỉ dành cho con em các gia đình giàu có, Câu lạc bộ Thiếu nhi Hà Nội - tiền thân của Cung Thiếu nhi - ra đời ngày 1/6/1955 đã thu hút hàng vạn con em những người lao động đến tham gia sinh hoạt, trở thành lá cờ đầu trong phong trào “việc nhỏ nghĩa lớn, chống Mỹ cứu nước” của thiếu nhi Hà Nội.

Năm 1974, Tiệp Khắc đã giúp đỡ xây dựng toà nhà 6 tầng với diện tích sàn hơn 10.000m2, gồm 100 phòng học. Năm 1985, công trình được cải tạo, nâng cấp.

Trong quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cổ (do UBND TP. Hà Nội ban hành năm 2015), quần thể xung quanh toà nhà Ấu Trĩ Viên được yêu cầu bảo vệ nguyên trạng.

Hà Nội hiện có khoảng 200 vườn hoa, sân chơi, trong đó, 4 quận nội đô chỉ có 30 điểm vườn hoa, khu vui chơi (tương đương 2,08m2/người). Tại quận Thanh Xuân, cả 11 phường, 100% số tổ dân phố không có khu thể thao nơi vui chơi trẻ em nào trong khi mật độ dân số lên tới 32.140 người/km2. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top