Aa

Hội nghị Bất động sản Quốc tế - IREC 2018: Bàn về đô thị thông minh và nhà ở giá rẻ

Thứ Năm, 06/09/2018 - 20:21

Chiều nay (6/9), tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hội nghị Bất động sản quốc tế - IREC 2018 tiếp tục với phiên Giới thiệu Thành phố Thông minh – Thành phố Hạnh phúc; Xu hướng mới nhất về xây dựng và kiến trúc trên thế giới; diễn đàn về nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ...

16h15: Kết thúc phiên chiều ngày 6/9/2018

15h40: Phiên thảo luận về nhà ở giá rẻ:

Điều phối phiên thảo luận: Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản.

Tham luận viên:

- Hàn Quốc: Ông Noh Jae Keuk, Chuyên gia về Nhà ở xã hội, Công ty Đất đai và Nhà ở Hàn Quốc

- Thái Lan: Ông Vichai Viratkapan Ph.D, Trung tâm thông tin Bất động sản, Ngân hàng Nhà ở của Chính phủ

- Ông Vinh Nguyễn, Đại diện của Chủ tịch NAR tại Campuchia, thành viên Hội đồng Quản trị của NAR 2008 – 2012, Chủ tịch Hội đồng quản trị năm 2010, Hiệp hội Bất động sản Bắc Virginia

- Ông Nguyễn Vĩnh Trân, Chủ tịch M.I.K

Câu hỏi 1: Ở Hàn Quốc, Chính phủ có chính sách khuyến khích như thế nào để người thu nhập thấp có nhà ở?

Ông Noh Jae Keuk: Ở Hàn Quốc, việc xây dựng nhà ở xã hội được hỗ trợ bởi Chính phủ Hàn Quốc để phù hợp với túi tiền của người dân thu nhập thấp.

Chúng tôi cung ứng nhà ở cho người thu nhập thấp dưới dạng nhà cho thuê trong 10 năm, sau 10 năm có thể bán cho người dân dưới dạng NƠXH. Chính phủ sẽ hỗ trợ về tài chính cho đối tượng nhà ở này. Chúng tôi chia ra 10 nhóm thu nhập, đầu tiên là thu nhập thấp và trên cùng là nhóm nhà giàu.

Mỗi nhóm sẽ được hưởng 1 chính sách khác nhau. Những người nghèo thậm chí không thể thuê nhà thì chính phủ sẽ xây những khu nhà cho thuê này và hỗ trợ về tài chính, giá thuê sẽ thấp hơn thị trường khoảng 30%.

Đối với nhóm trên thu nhập thấp, chúng tôi hỗ trợ qua việc phí thuê nhà thấp hơn 1 chút. Nhóm 3, 4 được hỗ trợ thuê thấp hơn thị trường 15%. Đối với nhóm thu nhập trung bình, không phải là thu nhập thấp, Chính phủ Hàn Quốc sẽ hỗ trợ áp dụng mức lãi suất thấp hơn để họ có thể mua nhà.

Câu hỏi 2 cho ông Vichai: Thái Lan có một chương trình lớn xây 1 triệu căn hộ giá rẻ cho người thu nhập thấp. Vậy chương trình này có thành công không? Và có gì khó khăn?

Ông Vichai: Chúng tôi mong muốn có nguồn cung nhà ở cho người thu nhập thấp chưa đến 1 triệu bath Thái, là mức rất thấp.

Chúng tôi có trao đổi với các công ty phát triển nhà ở, họ có thể bán với mức giá thấp để người thu nhập thấp có thể mua được.

Chúng tôi đưa ra mức lãi suất rất thấp, và giữ ở mức 3 - 4%/năm trong suốt 3 năm đầu tiên. Mỗi tháng người dân chỉ phải trả 1.500 - 2.000 bath một tháng, người ta gọi đó là mua nhà trả góp.

Một cách khác là các công ty xây dựng tư nhân cũng được hưởng ưu đãi để phát triển các dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp.

Chúng tôi hy vọng năm 2018, có 100.000 đơn vị nhà ở sẵn có để bán cho người thu nhập thấp. Vẫn còn 900.000 đơn vị nhà ở phải xây dựng trong những năm tới.

Câu hỏi 3 cho ông Vinh Nguyễn: Hoa Kỳ làm thế nào để giải quyết câu chuyện nhà ở cho người thu nhập thấp?

Ông Vinh Nguyễn: Hoa Kỳ cũng có người thu nhập thấp và có nhu cầu rất cao về nhà ở. Để bắt đầu, tôi nghĩ rằng nên xác định thế nào là người thu nhập thấp ở Hoa Kỳ. Để làm được điều đó, chúng tôi lấy giá trị trung bình thu nhập trên địa bàn nếu mức đó thấp hơn ngưỡng nhất định thì đó là người thu nhập thấp. Đó chỉ là một con số tương đối.

Đơn vị nhà ở có các dịch vụ tiện ích như: Điện, nước phải có ngưỡng để không quá 30% thu nhập của họ. ở Mỹ, chúng tôi chỉ có thể cung ứng cho 25% những người đủ tiêu chuẩn để ở nhà ở xã hội. Do vậy, cần nỗ lực rất lớn để có thể có nhà ở vừa túi tiền của người thu nhập thấp.

Câu hỏi dành cho ông Nguyễn Vĩnh Trân: Một trong những khó khăn của Việt Nam là làm thế nào để thu hút khu vực tư nhân tham gia vào phát triển NƠXH. Theo ông, cần có những hỗ trợ như thế nào để thu hút các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào thị trường này?

Ông Nguyễn Vĩnh Trân: Như các vị đã thấy, ông Ninh đã nêu ra rất nhiều thách thức về câu chuyện phát triển nhà ở xã hội ở Việt Nam. Chúng ta có nhu cầu rất lớn về NƠXH và nhà giá rẻ đặc biệt là trong bối cảnh tỷ lệ đô thị hóa đang gia tăng rất nhanh, như vậy, có hàng trăm nghìn người sẽ có nhu cầu về NƠXH và nhà ở giá rẻ khi họ đến các thành phố để làm việc.

Vậy đâu là tiêu chí để có nhà ở giá rẻ hợp với túi tiền?

Thứ nhất là vị trí ở đâu? Nếu gần thành phố, sẽ đắt hơn, người thu nhập thấp khó có thể mua được. Do vậy, họ phải chọn mua nhà ở xa hơn để mua.

Thứ hai là vấn đề làm thế nào để mua được NƠXH ở Việt Nam? Nhà đầu tư ở Việt Nam mất rất nhiều thủ tục giấy tờ, nhiều bước để xây dựng được NƠXH nên họ cần có % để kinh doanh, bù vào phần bán cho người thu nhập thấp.

Thứ ba là câu chuyện về vốn, vấn đề cấp vốn từ khu vực công cho NƠXH. Chương trình 30.000 tỷ đồng đã mở ra cơ hội có nhà ở cho rất nhiều người. Trong chương trình đó, người mua nhà được hưởng mức lãi suất thấp trả trong suốt 20 năm và trả góp đều đặn. Vậy thì chúng ta phải có một mức lãi suất phù hợp để người dân có thể trả được.

Chúng ta cần 1 cơ chế để tất cả các bên khi tham gia vào thị trường này đều có lợi. Ví dụ ở TP. Hà Nội, có rất nhiều người lao động đến các đô thị để làm việc. Họ có thể trả được chi phí về đời sống nhưng có khi họ lại không thể chi trả được chi phí về việc học tập cho con cái. Họ phải lựa chọn việc đi xa các khu trung tâm để sinh sống và con cái họ có thể sẽ không được thụ hưởng nền giáo dục tốt nhất.

Chính vì vậy, khi phát triển nhà ở, tôi cho rằng, cần gắn kết chặt chẽ với câu chuyện phát triển các cơ sở giáo dục. Không được bỏ qua các yếu tố xã hội khi phát triển nhà ở. Đừng cho rằng, cứ phát triển các khu NƠXH chỉ dành cho những người nghèo. Như thế có thể sẽ tạo nên các "khu ổ chuột" kiểu mới. Tôi cho rằng mỗi dự án nhà ở thương mại nên dành ra khoảng 10% để dành cho những người thu nhập thấp. Và ở đó thì không ai biết là ai giàu và ai nghèo, tránh tạo ra những bức tường phân biệt trong xã hội.

Ông Vichai: Ở trung tâm thành phố, có một số lô đất, nếu quyết định xây chung cư cao cấp sẽ phải dành một quỹ đất nhất định cho người thu nhập thấp. Khi chuẩn bị lô đất nào đó để xây dựng chung cư cao cấp thì phải chọn 1 lô đất ở gần ngay đó để có thể xây nhà cho những người thu nhập không cao.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đặt câu hỏi với ông Noh Jae Keuk, Chuyên gia về Nhà ở xã hội, Công ty Đất đai và Nhà ở Hàn Quốc:

NƠXH Hàn Quốc có nhiều chính sách mà tôi ấn tượng như đối tượng không có thu nhập vẫn được chính phủ ưu đãi để có nhà. Việc bao cấp 100% cho đối tượng này có mâu thuẫn với chính sách chung của nhà nước với nền kinh tế theo cơ chế thị trường không? Việc phân phối sản phẩm đó có nảy sinh vấn đề gì như người được mua, người không được mua? Chính phủ Hàn Quốc giải quyết vướng mắc này thế nào?

Ông Noh Jae Keuk, Chuyên gia về Nhà ở xã hội, Công ty Đất đai và Nhà ở Hàn Quốc:

Chúng ta phải nói đến sự thất bại của thị trường khi không đảm bảo được nhu cầu về nhà ở cho rất nhiều người. Rõ ràng là thị trường tự nó đã không điều chỉnh được và nếu chúng ta cứ để nó tự vận động thì những người nghèo không thể tiếp cận được nhà ở. Thị trường còn tồn tại nhiều vấn đề và Chính phủ các nước đã phải can thiệp để nhiều người có thể có được nhà ở. Hàn Quốc đã làm vậy và tôi cho rằng không trái với quy tắc thị trường.

Ở Hàn Quốc, chúng tôi có quỹ nhà ở và quỹ này có ngân sách từ Chính phủ. Ngoài ra, một phần quỹ cũng xuất phát từ sự tiết kiệm của người dân. Mỗi tháng, họ đóng góp một khoản tích cóp cho quỹ nhà ở, có thể là 100 USD hoặc nhiều hơn là 500 USD.

Cũng có một số người thu nhập rất thấp, không thể đóng góp. Tuy nhiên, ở Hàn Quốc, muốn mua nhà ở như vậy bắt buộc phải đóng cho quỹ nhà ở. Chúng tôi có cơ chế khuyến khích người dân tiết kiệm cho quỹ nhà ở. Như ở khu vực Seoul, quỹ nhà ở sẽ thông báo rộng rãi về chỉ tiêu và minh bạch để người dân an tâm tiết kiệm trong quỹ nhà ở đó.

Câu hỏi: Các nước có quy định về chính sách lợi nhuận là bao nhiêu cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia phát triển nhà ở xã hội hay không?

Ông Vichai: Chúng tôi không có một quy định cứng vì nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Nhưng chắc chắn là mọi thứ đều phải đảm bảo được lợi nhuận cho doanh nghiệp. Dù vậy, cũng có thể tính toán trung bình là 30%. Ở Thái Lan, Chính phủ cũng có những chính sách hỗ trợ về vốn và tài chính cho các doanh nghiệp khi họ tham gia phát triển nhà ở xã hội.

Ông Vinh Nguyễn: Cần xem xét cả 2 khía cạnh cung và cầu. Phía cầu, Chính phủ cần trao đổi với bên mua. Phía cung, người mua cũng cần bày tỏ với chính phủ xem cần yếu tố gì để có thể mua nhà. Các công ty xây dựng nhà ở tư nhân cũng không muốn mất tiền. Do vậy, Chính phủ cần khuyến khích bằng cách ưu đãi chính sách vay vốn hoặc được hưởng những ưu đãi về thuế từ Chính phủ như giảm trừ thuế thu nhập doanh nghiệp cả các dự án khác.

15h25: Diễn đàn về nhà ở giá rẻ:

Nhà ở giá hợp lý là điều quan trọng đối với sức sống kinh tế của một cộng đồng và ngày nay, nó là một việc đáng lo ở nhiều cộng đồng trên khắp thế giới.

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng:

Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số cao nên câu chuyện giải quyết vấn đề nhà ở cho những người có thu nhập thấp được Chính phủ rất quan tâm. Về chính sách nhà ở xã hội, tôi chia sẻ về những khó khăn vướng mắc và kết quả đạt được. Với một quốc gia có 96 triệu dân, 37,5% tốc độ đô thị hóa, làm sao để có quỹ nhà ở giá rẻ phù hợp với đối tượng thu nhập thấp?

Trong thời gian khoảng 20 năm vừa qua, tốc độ phát triển nhà ở diễn ra rất nhanh chóng. Trong đó, nhà ở thương mại là chủ yếu. Từ năm 2009, Chính phủ có một chương trình phát triển riêng về nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp.

Đối với khu vực đô thị, tập trung 2 đối tượng chính: Người thu nhập thấp và công nhân lao động. Nguồn cung dự án nhà ở xã hội, vốn chủ yếu là của tư nhân.

Nhu cầu về nhà ở xã hội ở một số khu vực: Trước hết, tập trung vào đối tượng thu nhập thấp, đặc biệt ở 2 thành phố lớn: Hà Nội và TP.HCM. Theo Chiến lược Nhà ở Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030, ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM thì nhu cầu nhà ở rất lớn. Đến năm 2020, cần 1 triệu nhà ở mới đáp ứng được nhu cầu của người dân. Để đạt được điều đó, cần rất nhiều nỗ lực của Chính phủ và cả người dân.

Về cơ chế ưu đãi cụ thể, chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được miễn hoàn toàn thuế sử dụng đất, lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất thị trường, được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, được 20% nhà ở xã hội để kinh doanh nhà ở thương mại...

Về lợi nhuận định mức cho nhà đầu tư, pháp luật quy định doanh nghiệp tham gia phát triển các dự án sẽ được hưởng lợi nhuận định mức là 10%. Về giá nhà ở xã hội, với sự ưu đãi hỗ trợ của Nhà nước, giá nhà ở xã hội sẽ giảm 30 - 40% so với giá nhà ở thương mại.

Đến nay, chúng ta đã đạt được: Về nhà ở xã hội tại đô thị, có 86 dự án đã được xây dựng, đang tiếp tục triển khai 134 dự án. Quỹ nhà được đầu tư từ nguồn vốn nhà Nước đã giải quyết được 200 nghìn chỗ ở cho sinh viên. Có 100 dự án nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp và có 72 dự án đang triển khai.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc triển khai nhà ở xã hội. Tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam rất nhanh nên việc lựa chọn nguồn cung về quỹ đất là rất khó khăn, khu vực trung tâm hầu như không còn quỹ đất, ở xa trung tâm thì lại chưa có hệ thống hạ tầng kết nối nên khó khăn rất lớn.

Khó khăn nữa là về nguồn vốn. Nguồn vốn từ ngân sách để đầu tư công chưa đáp ứng nên khó khăn. Nhu cầu là 1 triệu căn hộ nhưng mới đáp ứng được 30%. Nhà ở xã hội chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia.

Về giải pháp, định hướng: Hiện nay, Việt Nam đang cùng chính phủ Hàn Quốc nghiên cứu chính sách nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội trong giai đoạn tới. Câu hỏi là làm sao để khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân tham gia vào phát triển nhà ở xã hội, giảm sự phụ thuộc vào Chính phủ. Thời gian tới, chúng ta phải tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề này.

14h35: Chuyên đề: Xu hướng mới nhất về xây dựng và kiến trúc thế giới. Diễn giả: ông Michael Doring, Tổng Giám đốc, Turner International:

Chúng tôi là công ty xây dựng Tuner International (hoạt động từ năm 1902) là nhà thầu lớn nhất Hoa Kỳ. Trên quy mô thế giới, chúng tôi đã tham gia vào nhiều dự án lớn, có thể đến những tòa nhà cao nhất trên thế giới như Tòa nhà 101 ở Đài Loan hay tòa Trung tâm Tài Chính TP.HCM, khách sạn JW Marriot Hà Nội.

Hôm nay tôi sẽ đề cập đến các công nghệ mà chúng tôi đang áp dụng:

Hệ thống mô hình BIM: Đây không phải là công nghệ mới bởi trong suốt 12 năm vừa qua, chúng tôi đều áp dụng công nghệ BIM. Khi làm việc với các chủ đầu tư, chúng tôi luôn sử dụng công nghệ này để quản lý.

Chúng tôi đã lồng ghép các bản vẽ và thiết kế vào hệ thống để tìm ra những vấn đề chưa ổn và đưa ra giải pháp khắc phục, điều nay giúp tiết kiệm được thời gian thi công. Mỗi khi bắt đầu thiết kế chúng tôi đã sử dụng các mô hình mới và áp dụng công nghệ với các bản vẽ 2D, 3D để hình dung về các công trình trong thực tế để tìm ra giải pháp tối ưu nhất.

Drones: Ngay khi bắt đầu dự án, đặc biệt trong xây dựng tòa nhà chọc trời thì Drones là công nghệ rất quan trọng, giúp các chủ đầu tư có thể đo lường về tiến độ theo từng tháng.

Công nghệ 360 độ: Là một công nghệ rất đơn giản, chúng ta có thể chụp bản vẽ bằng công nghệ này. Lợi thế của camera 360 độ là có thể kéo lên kéo xuống bức ảnh. Chúng ta có thể đi quanh công trường và chụp bằng camera 360 độ và đưa ra các tư vấn.

Thực tế ảo (Virtual Reality): Đây là ứng dụng tuyệt vời thường được dùng trong các bệnh viện. Công nghệ này giúp chúng ta thấy được, hình dung được thực tế qua các mô phỏng. Có thể nói rằng, công nghệ rất tuyệt vời nhưng cũng phải hiểu rằng, công nghệ không thể làm được tất cả mọi thứ khi triển khai một dự án. Chúng ta vẫn cần con người và các quy trình. Chúng tôi đang cố gắng tinh gọn các quy trình để triển khai thực hiện dự án một cách nhanh chóng và đảm bảo được nhu cầu của chủ đầu tư.

Để tinh gọn một quy trình, chúng yêu cầu phải làm được những bước sau: Xác định giá trị của khách hàng; tìm ra sơ đồ giá trị; đưa ra các phương pháp; triển khai các quy tắc và đạt đến sự hoàn hảo.

Tại sao một công ty xây dựng như chúng tôi lại hướng đến tinh gọn như trong sản xuất? Chúng tôi không phải thông minh hơn mà vì chính thị trường yêu cầu chúng tôi làm như vậy.

Hoa Kỳ là một đất nước mà chi phí nhân công đắt đỏ, độ tuổi lao động già hóa và tỷ lệ này đang tăng lên nên chúng tôi bắt buộc phải đổi mới, sáng tạo để phù hợp với thực tế. Ngành xây dựng cũng có những thời điểm công nghệ đỉnh cao nhưng nếu không thay đổi sẽ đứng ngoài cuộc chơi.

Vậy có nên sử dụng 1 mô hình tinh gọn hay không? Câu trả lời là mô hình tinh gọn giúp các nhà thầu có thể triển khai dự án đúng thời gian và chi phí. Mức độ hiệu quả và lợi nhuận cũng cao hơn.

Ông Nguyễn Trần Nam tặng quà lưu niệm cho ông

Ông Nguyễn Trần Nam tặng quà lưu niệm cho ông Michael Doring, Tổng Giám đốc, Turner International.

14h10: TS. Nguyễn Tường Văn, Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng:

Tôi sẽ chia sẻ quan điểm về thành phố thông minh và làm thế nào để xây dựng thành phố thông minh trong bối cảnh thị trường bất động sản hiện nay, với mục tiêu tăng trưởng xanh, tạo ra môi trường sống tiện nghi, thân thiện, bền vững.

Sau hơn 30 năm đổi mới kinh tế, hệ thống đô thị Việt Nam đã và đang phát triển cả về lượng và chất. Cả nước đã có trên 813 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 37,5% (năm 2017). Đô thị hóa tăng nhanh ở khu vực các đô thị lớn, lan tỏa và phân bố đồng đều hơn trên phạm vi cả nước. Nhiều đô thị cũ được cải tạo, nâng cấp, được phát triển mở rộng về qui mô đất đai, dân số, đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Khu vực đô thị tiếp tục khẳng định vai trò tạo động lực phát triển kinh tế.

Sự phát triển nhanh của hệ thống đô thị Việt Nam trong những năm qua có sự đóng góp lớn từ tăng trưởng của thị trường bất động sản. Nhiều dự án nhà ở, khu đô thị mới với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ đã được hình thành, làm thay đổi diện mạo các đô thị trong những năm qua. Các dự án bất động sản hiện nay đã được quy hoạch, xây dựng theo mô hình tổ chức không gian đa chức năng gồm nhà ở, thương mại, dịch vụ, giải trí… với hình thức kiến trúc hiện đại đã trở thành các trung tâm mới thu hút cộng đồng, góp phần làm phong phú không gian và hệ thống công trình nhà ở và dịch vụ đô thị.

Việc xây dựng các dự án khu nhà ở, khu đô thị đã góp phần nâng cấp, mở rộng hệ thống hạ tầng, phát triển các dịch vụ, tiện ích đô thị cả về số lượng và chất lượng. Sự tăng trưởng của thị trường bất động sản từng bước đáp ứng nhu cầu về nhà ở của các tầng lớp nhân dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh những thành tựu và kết quả đã đạt được, hệ thống đô thị nói chung và thị trường bất động sản nói riêng hiện đang phải đối mặt với nhiều vấn đề còn tồn tại. Mô hình tăng trưởng đô thị chưa đa dạng, tăng trưởng thiếu bền vững, năng lực dự trữ và tầm nhìn dài hạn còn hạn chế. Sử dụng tài nguyên đất đai đô thị chưa hiệu quả, phát triển các dự án nhà ở, dự án khu đô thị còn dàn trải, thiếu thông tin về nhu cầu của thị trường. Mạng lưới hạ tầng kỹ thuật khung đô thị chưa đáp ứng yêu cầu, kết nối giữa khu vực phát triển mới và khu vực hiện hữu, dẫn đến những vấn đề như ngập lụt, ách tắc giao thông trong đô thị.

Thị trường bất động sản đã từng bước được hoàn thiện và phát triển mạnh, song vẫn tiềm ẩn nguy cơ, thiếu tính ổn định và bền vững, đã có thời kỳ tăng trưởng quá nóng có lúc tạo “bong bóng”, có lúc “đóng băng”. Hệ thống thông tin về thị trường còn thiếu độ tin cậy và chưa thực sự minh bạch; chưa có nhiều hình thức, giải pháp huy động các nguồn lực xã hội cho thị trường bất động sản. Những năm qua, thị trường bất động sản Việt Nam chỉ sôi động chủ yếu tại các khu vực đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... Tại các đô thị vừa và nhỏ sức hút về di dân nhập cư không cao, hoạt động kinh doanh bất động sản còn thiếu hấp dẫn với các nhà đầu tư. Nguyên nhân chủ yếu là do các đô thị vừa và nhỏ tiềm năng phát triển chưa nhiều do thiếu kết nối liên vùng, ít cơ hội việc làm và điều kiện cơ sở hạ tầng trong đô thị còn khó khăn.

Về định hướng đô thị thông minh, ông Văn cho biết: Trong xu thế toàn cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc, phát triển đô thị thông minh đã và đang trở thành mối quan tâm chung của các quốc gia trên thế giới bởi những lợi ích cụ thể trong việc cải thiện hiệu lực, hiệu quả quản trị đô thị cũng như nâng cao chất lượng của các đô thị.

Ông Nguyễn Trần Nam tặng quà lưu niệm cho ông

Ông Nguyễn Trần Nam tặng quà lưu niệm cho TS. Nguyễn Tường Văn, Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng.

Thực hiện chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp và các thành phần kinh tế trong xã hội đã có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức nghiên cứu, khai thác, ứng dụng phát triển đô thị thông minh ở nhiều cấp độ khác nhau, đặc biệt là trong những năm gần đây. Với mục tiêu phát triển đô thị thông minh Việt Nam một cách thống nhất, ngày 01/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 tầm nhìn 2030 tại Quyết định số 950/QĐ-TTg.

Trong bối cảnh phát triển đô thị thông minh đang là giải pháp mới ở Việt Nam, các nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản có cơ hội tham gia từ đầu, cùng với các cơ quan quản lý, nghiên cứu, tư vấn xây dựng cùng phối hợp nghiên cứu hướng đến từng bước làm chủ công nghệ, phương pháp tạo cơ sở vững chắc để hoạch định những kế hoạch phát triển từ đó có thể chủ động nghiên cứu đưa vào ứng dụng các sản phẩm bất động sản mới cung cấp ra thị trường.

Trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, với thực trạng tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, thúc đẩy phát triển đô thị thông minh sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế bao gồm cả về tài chính và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật từ các quốc gia phát triển, có kinh nghiệm phát triển đô thị thông minh. Việc phát triển đô thị thông minh là cơ hội nâng cao chất lượng nguồn nhân lực không chỉ trong khu vực quản lý nhà nước mà còn cả ở các doanh nghiệp bất động sản tham gia vào quá trình phát triển đô thị tại Việt Nam.

Ông Văn đưa ra các giải pháp ứng dụng đô thị thông minh, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản bền vững, bao gồm:

- Xây dựng hệ thống cơ chế chính sách vừa đảm bảo phù hợp với chủ trương chung của Đảng và pháp luật Nhà nước đồng thời đáp ứng được những yêu cầu thực tiễn của xã hội, thị trường bất động sản;

- Bổ sung hệ thống các tiêu chí, tiêu chuẩn về quy hoạch đô thị thông minh, đô thị tăng trưởng xanh; hệ thống theo dõi, đánh giá quá trình hình thành và phát triển; ban hành các hướng dẫn xây dựng quy chế quản lý, vận hành, kiểm soát quá trình phát triển đô thị để cộng đồng có thể tham gia cùng xây dựng và phát triển;

- Áp dụng khoa học công nghệ trong công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị để từng bước chuẩn hóa các quy trình thực hiện, rút ngắn thời gian thực hiện các quy trình, thủ tục trong công tác lập và phê duyệt quy hoạch đô thị, dự án đầu tư phát triển đô thị và nhà ở, xây dựng công trình và tối ưu hóa hiệu quả công tác quản lý vận hành;

- Nghiên cứu cơ chế thúc đẩy, hỗ trợ các giải pháp mang tính đột phá cả về công nghệ và phi công nghệ như: mô hình tổ chức không gian đô thị; phát triển các loại hình công trình xanh, thông minh, các công trình có chức năng hỗn hợp (mô hình căn hộ khách sạn cho thuê; chung cư kết hợp với văn phòng hoặc với trung tâm thương mại, công trình đầu mối giao thông…);

- Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đáp ứng được các yêu cầu bảo vệ môi trường; đảm bảo kết nối dễ dàng với các khu vực khác bằng nhiều hình thức đa dạng (đường sắt đô thị, xe bus, taxi); hệ thống các công trình hạ tầng xã hội cấp đô thị để nâng cao chất lượng tiện ích từ đó có thể gia tăng cơ hội giao dịch cho thị trường bất động sản;

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nhận thức của cộng đồng xã hội bao gồm các mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý vận hành, hướng đến xây dựng cộng đồng dân cư có khả năng hội nhập, có khả năng tiếp cận, sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin đồng thời cũng tạo cơ hội cho thị trường bất động sản phát triển năng động, gia tăng phân khúc sản phẩm đồng nghĩa với việc tạo ra nhiều cơ hội mới cho thị trường;

- Nghiên cứu các chính sách thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và quốc tế tạo cơ hội cho các doanh nghiệp bất động sản trong nước tăng quy mô về cả tài chính và phạm vi hoạt động.

13h45: Ông Mahmound Al Bruai từ Dubai – Giám đốc điều hành, Viện Bất động sản Dubai, Dubailand, UAE giới thiệu về Thành phố thông minh – Thành phố hạnh phúc:

Tôi không đưa ra công thức nào cho sự hạnh phúc. Làm thế nào nâng cao năng lực cạnh tranh và thông số đảm bảo hạnh phúc cho các quốc gia?

Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới như: Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển,... Đan Mạch là vương quốc tồn tại thể chế có vua. Họ giữ những gì họ đang có, thỏa mãn với những gì họ đang có chứ không đưa ra kỳ vọng quá cao.

Chúng ta nghe thấy rất nhiều cụm từ hạnh phúc, thành công. Thế giới cần chúng ta, còn rất nhiều người nghèo đói bên cạnh những người giàu có. Chúng ta sống trong thế giới có rất nhiều áp lực hạ tầng cũng như nguồn lực. Năm 2050, dân số thế giới dự kiến hơn 9 tỷ người. Làm thế nào quản lý được thành phố, dân số, nguồn lực của mình? Làm sao để họ có cuộc sống bền vững?

Tôi cũng muốn tìm hiểu rằng, một thành phố hạnh phúc thì có đặc điểm như thế nào, và để tìm câu trả lời cho riêng mình, tôi đã đến 2 quốc gia được đánh giá hạnh phúc nhất là Đan Mạch và Phần Lan. Và tôi đã rất ngạc nhiên khi đường phố ở đây rất vắng vẻ. Tôi đặt câu hỏi: Tại sao lại thế, tôi tưởng là thành phố hạnh phúc thì phải rất đông vui nhộn nhịp.

Đô thị hạnh phúc nghĩa là con người hạnh phúc. Người dân muốn đô thị của mình như thế nào thì thành phố ấy sẽ trở nên như thế. Người dân muốn đô thị thông minh, hạnh phúc thì người dân phải thông minh, hạnh phúc. Chúng ta không thể quên vai trò của người dân. Chúng ta xây dựng đô thị cho người dân của mình chứ không phải cho xe hơi, hay những thứ khác.

Chúng ta đang sống trong bối cảnh có rất nhiều áp lực về dân số, hạ tầng, nhà ở,... câu hỏi đặt ra là làm thế nào có thể quản lý được những đô thị của mình và phát triển nó một cách tốt nhất và làm thế nào để quản lý được nguồn lực của mình. Để tìm câu trả lời, hãy thử nhìn vào thị trường bất động sản.

Để phát triển Dubai thành một đô thị hạnh phúc, chúng tôi đã đưa chương trình nghị sự về hạnh phúc vào các cuộc bàn luận của chính phủ và thậm chí đã có một chức danh là Bộ trưởng Hạnh phúc.

Và chúng tôi yêu cầu các bộ, ngành phải đảm bảo rằng mang lại sự hài lòng và hạnh phúc cho những người mà các bộ, ngành đó phục vụ. Người dân thậm chí còn được đánh giá các dịch vụ bằng các biểu tượng cảm xúc và chính phủ có thể biết được là người dân hài lòng ở đâu và không hài lòng ở chỗ nào. Với sự cam kết mạnh mẽ của chính phủ, chúng tôi ghi nhận sự thay đổi rõ rệt về mức độ hài lòng của người dân.

Chúng ta phải tính đến các yếu tố từ người dân và lấy người dân làm trung tâm khi muốn phát triển đô thị hạnh phúc. Hãy nghĩ một đô thị là một ngôi nhà, ngôi nhà đó có rất nhiều các căn phòng, và trong đó là một gia đình. Gia đình đó luôn cần phải kết nối với nhau và hàng xóm của họ. Nghĩa là, một đô thị thông minh là đô thị có thể giúp con người được kết nối với nhau một cách dễ dàng. Nhân tố đem lại sự hạnh phúc chính là "bền vững". Khi xây dựng đô thị, chúng ta có thể xây dựng hạ tầng, nhà cửa dựa trên một mật độ xây dựng phù hợp. Cần đề cao các không gian cho sinh hoạt cộng đồng.

Sự gắn kết giữa người với người, với xã hội là nhân tố làm nên thành phố hạnh phúc. Khi chúng ta xây dựng đường sá nhưng mật độ đô thị lại quá dày. Qua nghiên cứu, khi những người dân được kết nối với nhau sẽ hạnh phúc và sống lâu hơn. Những đô thị hạnh phúc là những đô thị mức độ tin tưởng cao. Do vậy, cần có những thiết chế tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau.

Chúng ta phải dành nhiều nguồn lực để phát triển hạ tầng đô thị nhưng cũng phải lưu ý đến môi trường và giữ gìn môi trường. Jan Gelh, tác giả cuốn sách "Cities for People" đã nói rằng: Hãy xây dựng các thành phố cho con người, vì con người. Tôi cho rằng, đó chính là cốt lõi của các đô thị hạnh phúc.

Một quốc gia phát triển không phải là nơi mà người nghèo có xe hơi mà là nơi người giàu đi phương tiện công cộng. Nếu xây dựng các đô thị cho các phương tiện giao thông thì các thành phố trên thế giới sẽ chỉ ngày càng có nhiều ô tô hơn. Còn nếu tập trung xây dựng đô thị cho con người thì con người sẽ có nhiều hơn cơ hội được giao tiếp với nhau, kết nối với nhau.

Những số liệu thống kê từ Hà Lan cho thấy, người đi xe đạp hạnh phúc hơn đi xe hơi. Những phương tiện giao thông cũng tác động đến hạnh phúc của con người. Nhân tố nữa mang lại hạnh phúc là xây dựng hạ tầng và mảng xanh đô thị. Yếu tố nữa là sự bình đẳng. Sự bất bình đẳng gia tăng sẽ giảm hạnh phúc.

Theo nghiên cứu, nếu xây dựng quốc gia mang yếu tố thể chế hòa nhập, quốc gia sẽ thành công. Ngược lại, quốc gia xây dựng thể chế cho người giàu, quốc gia đó sẽ thất bại. Ở các thành phố, người dân phải có khả năng tiếp cận với phúc lợi xã hội, với khả năng sở hữu nhà. Một thành phố mà người dân không có khả năng có nơi ở thì không thể gọi là một thành phố hạnh phúc.

Thành tố môi trường, môi trường tự nhiên cũng tác động đến chỉ số hạnh phúc. Quản trị tốt các ngành, các cấp cũng tác động lớn đến sự hạnh phúc của người dân.

Năm 2015, nhiều quốc gia trên thế giới đã thống nhất về 17 mục tiêu phát triển bền vững như xóa đói giảm nghèo, hòa bình, hợp tác và bảo vệ môi trường. Trong đó, môi trường là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong quá trình phát triển các đô thị bền vững.

Ông Nguyễn Trần Nam tặng quà

Ông Nguyễn Trần Nam tặng quà lưu niệm cho ông Mahmound Al Bruai từ Dubai – Giám đốc điều hành, Viện Bất động sản Dubai, Dubailand, UAE.

13h40: Giới thiệu Thành phố Thông minh - Thành phố Hạnh phúc

Sáng nay (6/9) đã diễn ra Lễ khai mạc Hội nghị Bất động sản quốc tế 2018 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Hội nghị có sự tham dự của 300 khách quốc tế cùng hàng ngàn đại biểu trong nước.

Về phía Chính phủ Việt Nam, có sự tham gia của các đại biểu: Ông Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; ông Nguyễn Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng; ông Hà Hùng Cường, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp; ông Đỗ Thắng Hải, Thứ Trưởng Bộ Công Thương; ông Tống Văn Nga, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - ông Nguyễn Trần Nam và đại diện NAR - ông Vince Malta trao đổi quà lưu niệm.

Đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - ông Nguyễn Trần Nam và đại diện NAR - ông Vince Malta trao đổi quà lưu niệm.

Về phía lãnh đạo địa phương có: Ông Phạm Quang Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang; ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội; ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; Đại diện các ban, bộ, ngành; lãnh đạo các tỉnh, thành phố.

Về phía đại sứ quán: Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam; Đại sứ Campuchia tại Việt Nam; Uỷ viên Xây dựng và Giao thông Đại sứ quán Hàn Quốc...

Chủ tịch Viện Bất động sản Australia; Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Môi giới Indonesia; Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế bất động sản Hàn Quốc; Chủ tịch Hội bất động sản Malaysia; Tổng Giám đốc Hiệp hội các nhà phát triển bất động sản và nhà ở Malaysia; Viện trưởng Viện Chuyên ngành tư vấn bất động sản Malaysia; Giám đốc Học viện bất động sản Mông Cổ; Chủ tịch Hiệp hội các nhà xây dựng bất động sản Philippines; Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Philippines...

Phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị Bất động sản Quốc tế IREC 2018, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đánh giá, sự phát triển của thị trường bất động sản trong thời gian qua đã tạo ra những đóng góp tích cực vào sự phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế và an sinh xã hội của Việt Nam; góp phần quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa và công tác thực hiện các chiến lược quốc gia về Nhà ở và thị trường bất động sản; về Phát triển đô thị, về Du lịch, về tăng trưởng xanh…; đồng thời góp phần tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ của các thị trường tài chính – chứng khoán, lao động, dịch vụ và nhiều ngành công nghiệp liên quan như xây dựng, vật liệu xây dựng…

Nhằm hoàn thiện nền kinh tế thị trường và ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của thị trường bất động sản; trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng đồng bộ hành lang pháp lý cho thị trường bất động sản.

Chính phủ Việt Nam đặc biệt đánh giá cao vai trò tích cực, chủ động vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế hoạt động trong thị trường bất động sản Việt Nam. “Chính phủ Việt Nam cũng hoan nghênh và đánh giá cao Hiệp hội Bất động sản Việt Nam về nỗ lực đăng cai tổ chức Hội nghị bất động sản Quốc tế lần này.

Có thể nói, đây không những là cơ hội kết nối, xúc tiến đầu tư, trao đổi kinh nghiệm và đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa cộng đồng các nhà phát triển bất động sản Việt Nam với quốc tế mà còn là một cơ hội tốt để chúng ta giới thiệu, quảng bá về tiềm năng phát triển, về đất nước con người Việt Nam nói chung và thị trường Bất động sản Việt Nam nói riêng.

Đây cũng không những là một hoạt động chuyên môn tích cực của cộng đồng các hiệp hội, doanh nghiệp và các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản thế giới mà còn là một hoạt động “ngoại giao nhân dân” giàu ý nghĩa”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đánh giá.

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (gọi tắt là VNREA) và Hiệp hội Môi giới Bất động sản Quốc gia Hoa Kỳ - National Association of Realtors (gọi tắt là NAR) đã thống nhất tổ chức Hội nghị Bất động sản Quốc tế IREC 2018 tại Việt Nam. Đây là Hội nghị lần thứ 4 được NAR tổ chức và là lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam sau Philippines (2015), Hàn Quốc (2016), Thái Lan (2017).

Với khẩu hiệu "Việt Nam - Thế giới của cơ hội" (Vietnam - A World of Opportunities!), IREC 2018 sẽ chính thức diễn ra trong 3 ngày (từ 5 - 7/9/2018) tại Trung tâm Hội nghị Quốc Gia và Cung Triển lãm Kiến trúc Quy hoạch Xây dựng Quốc Gia – Thủ đô Hà Nội với nhiều hoạt động ý nghĩa như: Hội nghị các Hiệp hội Bất động sản thế giới; Các diễn đàn chuyên đề về xu hướng phát triển thị trường bất động sản toàn cầu; Các hội nghị giới thiệu, xúc tiến đầu tư; Triển lãm bất động sản VietBuild cũng nằm trong nội dung của Hội nghị.

Chiều ngày 5/9/2018, mở đầu cho chương trình Hội nghị Bất động sản Quốc tế IREC 2018, Hội nghị các Trưởng đoàn Quốc tế IREC 2018 đã chính thức khai mạc tại Khách sạn JW Marriott – số 8 Đỗ Đức Dục, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top