Aa

“Hệ thống đô thị Việt Nam chưa thích ứng được với biến đổi khí hậu“

Thứ Tư, 16/11/2022 - 16:14

Đó là nhận định của KTS. Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Quy hoạch Đô thị & Nông thôn Quốc gia tại Hội nghị Đô thị toàn quốc 2022 diễn ra ngày 16/11.

Ngày 16/11, hưởng ứng Ngày đô thị Việt Nam, Bộ Xây dựng phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị Đô thị toàn quốc 2022 nhằm triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW.

Tại Hội nghị, có ba hội thảo chuyên đề song hành. Hội thảo chuyên đề 1: Nâng cao chất lượng Quy hoạch đô thị hướng đến phát triển bền vững, tập trung thảo luận về các giải pháp chủ yếu cho công tác lập quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo quan điểm và tinh thần của Nghị quyết số 06-NQ/TW; hội thảo chuyên đề 2: “Phát triển hệ thống hạ tầng và chỉnh trang tái thiết đô thị”, đánh giá, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn của địa phương và giải pháp cải thiện chất lượng hạ tầng đô thị, thúc đẩy xây dựng nền tảng phát triển đô thị thông minh, tạo nguồn lực tài chính bền vững trong xây dựng mới, cải tạo hệ thống hạ tầng đô thị hiện có; hội thảo chuyên đề 3: “Cơ chế, chính sách quản lý phát triển đô thị”, bàn về sự phối hợp của các cơ quan chức năng để xây dựng, hoàn thiện chính sách liên quan đến công tác quản lý phát triển đô thị; các cơ chế chính sách mang tính đột phá tạo đòn bẩy để phát triển đô thị bền vững.

Tại hội thảo chuyên đề 1, các chuyên gia đánh giá, việc quy hoạch, phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đã có nhiều thành tựu, nhưng vẫn chưa phát huy hết các tiềm lực quốc gia. Do đó, việc đổi mới tư duy quy hoạch là rất quan trọng để hạ tầng quy hoạch có thể đi trước một bước, tạo ra động lực cho việc phát triển kinh tế.

Hệ thống đô thị chưa phát huy hết tiềm lực kinh tế

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị nêu rõ mục tiêu đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới. Bên cạnh đó là hoàn thiện thể chế, chính sách về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững, đồng bộ, hiện đại; kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, chất lượng sống tại đô thị nâng cao. Đồng thời, phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy.

Phát biểu tại hội thảo, KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, phát triển đô thị là quy luật khách quan mang tính thời đại và toàn cầu. Đến tháng 9/2022 cả nước đã có 888 đô thị, chiếm khoảng 41,5% dân số cả nước, các đô thị đã và đang là những động lực phát triển quan trọng của các vùng miền và cả nước. Đặc biệt, sau các tác động mạnh của thiên tai và dịch bệnh thời gian vừa qua, các đô thị cũng là những nền tảng trung tâm, hình thành các cơ hội mới, cung cấp các giải pháp thúc đẩy các hoạt động phục hồi nền kinh tế.

KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam 

Bên cạnh đó, ông Trần Ngọc Chính chia sẻ, sự phát triển của các đô thị còn nhiều yếu tố chưa bền vững, trong đó, hạ tầng đô thị vẫn chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa, công tác cải tạo, chỉnh trang và tái thiết đô thị chưa được quan tâm và chưa có kế hoạch tổng thể để thực hiện, nguồn lực còn thiếu và chưa được xã hội hóa. Ngoài ra, nguồn lực tài chính chống chịu trước thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu còn rất hạn chế.

“Quy chuẩn, tiêu chuẩn chậm đổi mới, chưa phát huy được vai trò của quy hoạch đô thị đối với sự phát triển kinh tế. Trong đó, nguồn lực là yếu tố quan trọng trong phát triển đô thị, nhưng quy hoạch chung, quy hoạch phân khu chưa chỉ ra được”, ông Trần Ngọc Chính nói.

Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cũng lưu ý một vấn đề hết sức quan trọng, mặc dù đã được phê duyệt, nhưng khi quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia được thông qua thì quy hoạch tỉnh phải điều chỉnh. Những hạn chế trong vấn đề quy hoạch xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó, nhận thức chưa đầy đủ về mặt quy hoạch vẫn là nguyên nhân chính.

“Do đó, chúng ta cần đổi mới tư duy quy hoạch đô thị, lấy con người làm trung tâm. Kết cấu hạ tầng đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực cho sự phát triển”, ông Trần Ngọc Chính nói.

Đánh giá bất cập của hệ thống đô thị - nông thôn ở cấp độ quốc gia, KTS. Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Quy hoạch Đô thị & Nông thôn Quốc gia cho biết, từ góc độ địa kinh tế và kinh tế đô thị, hệ thống đô thị chưa phát huy hết những tiềm lực kinh tế trong bối cảnh đầu tư dàn trải và nhiều trường hợp phát triển đô thị còn duy ý chí và không theo quy luật thị trường.

Trên góc độ sinh thái môi trường, KTS. Phạm Thị Nhâm cho rằng, hệ thống đô thị chưa phát huy hết những tiềm lực về sinh thái môi trường. Vấn đề chính là phát triển ở những vùng không thuận lợi về sinh thái môi trường, dẫn tới vừa phá huỷ hệ sinh thái, vừa tốn tiền đầu tư. Còn nhìn từ góc độ văn hóa xã hội, hệ thống đô thị chưa phát huy hết những tiềm lực về văn hoá - xã hội. Vấn đề chính là chưa có quan điểm rõ ràng và khả thi đối với mục tiêu văn hoá - xã hội, đặc biệt là chủ đề công bằng xã hội và bản sắc văn hoá trong không gian đô thị. 

KTS. Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Quy hoạch Đô thị & Nông thôn Quốc gia

Đồng thời, hệ thống đô thị Việt Nam chưa thích ứng được với biến đổi khí hậu cũng như chưa phát huy hết tiềm lực mà biến đổi khí hậu mang lại. “Chúng ta còn xem biến đổi khí hậu là thảm hoạ, cần phải đối phó như phòng chống thiên tai, mà không nhận ra đó là thay đổi điều kiện tự nhiên lâu dài và cần phải thay đổi tư duy và ứng xử”, KTS. Phạm Thị Nhâm nói.

Cùng bàn về những hạn chế, KTS. Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam thừa nhận, nhiều vấn đề vướng mắc trong công tác quy hoạch xây dựng có liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực chưa thể giải quyết được ngay.

"Chúng ta có ít hiểu biết về ảnh hưởng của quá trình chuyển đổi kinh tế thị trường sẽ tác động như thế nào đến chất lượng đô thị hóa. Công tác tư duy dự báo còn chậm so với thực tiễn của quá trình đô thị hóa và quy luật nền kinh tế thị trường", KTS. Trương Văn Quảng nhận định.

Trong bối cảnh đô thị hóa tiếp tục là xu thế của thời đại, gắn với những xu hướng và vai trò mới, tạo ra các siêu đô thị và hình thành các vùng đô thị hóa rõ rệt, thì việc quản trị đô thị, với đặc tính hợp nhất và kết nối, phát huy hết tiềm lực kinh tế đang là vấn đề quan trọng trong quy hoạch, phát triển đô thị hiện nay.

Đô thị hóa bền vững, tăng trưởng xanh và thông minh đang là xu hướng

Nhận định tại Hội thảo, bà Phạm Thị Nhâm cho rằng, xu thế đô thị hóa bền vững và phát triển đô thị thông minh, tăng trưởng xanh đang ngày càng được quan tâm, áp dụng thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong khi đó, quan điểm quy hoạch đô thị Việt Nam đang dựa trên cơ sở phát triển bền vững, lấy con người làm trọng tâm và tiếp tục thúc đẩy dịch chuyển cơ cấu kinh tế, hội nhập quốc tế.

"Chúng ta cần tạo cơ hội phát triển công bằng cho người dân và giảm thiểu chênh lệch trong chất lượng sống. Vấn đề công bằng biểu hiện trong việc phân bố không gian lãnh thổ là giải quyết sinh kế đi đôi với thu nhập, an sinh, bao gồm y tế, giáo dục, nhà ở, tiếp cận hạ tầng và sinh thái môi trường. Việc phát triển hệ thống đô thị không đảm bảo đạt được cả yếu tố công bằng, nhưng nó có thể hỗ trợ việc hướng tới các giá trị này", bà Phạm Thị Nhâm chia sẻ.

Đồng thời, theo bà Nhâm, việc quy hoạch đô thị phải gắn với phát triển và phân bố hợp lý hệ thống đô thị theo vùng miền; đề cao yếu tố môi trường, phục hồi sinh thái và các hoạt động phát thải carbon thấp. Ngoài ra, việc bảo đảm an ninh, quốc phòng và an toàn xã hội, chú trọng chất lượng môi trường sống đô thị - nông thôn, huy động tổng hợp và sử dụng hiệu quả các nguồn lực là những quan điểm quan trọng chi phối vấn đề quy hoạch đô thị Việt Nam.

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh vai trò của Nhà nước trong việc điều tiết chính sách phát triển tập trung nguồn lực, không dàn trải, để tạo ra sự tích tụ kinh tế, dân số để đô thị thực sự thành các cực và hành lang tăng trưởng kinh tế quốc gia và vùng, tiểu vùng. Trong đó, hai vùng đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM) cùng các tiểu vùng đô thị ở ven biển, đồng bằng và Tây Nguyên là động lực hình thành cực và hành lang kinh tế quốc gia.

Trong bối cảnh đô thị hóa tiếp tục là xu thế và quy luật tất yếu của thời đại, gắn với những xu hướng và vai trò mới như xu hướng tạo ra các siêu đô thị cũng như đô thị hóa theo vùng và hình thành các vùng đô thị hóa càng trở nên rõ rệt, thì việc quản trị đô thị, với đặc tính hợp nhất và kết nối đang là vấn đề rất quan trọng trong quy hoạch, phát triển đô thị hiện nay.

Theo KTS. Trương Văn Quảng, Nghị quyết 06 NQ/TW xác định rõ vai trò, vị thế của đô thị, đô thị hóa và kinh tế đô thị trong tiến trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước cho giai đoạn mới trên tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

"Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, bền vững và giàu bản sắc, kết hợp hài hoà giữa quá trình đô thị hoá, phát triển đô thị với công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại nền kinh tế sẽ là định hướng quan trọng của công tác quy hoạch đô thị thời gian tới", KTS. Trương Văn Quảng nhận định.

Bên cạnh đó, KTS. Trương Văn Quảng cũng đề xuất một số định hướng phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới, phân bổ hợp lý, phù hợp với từng vùng, miền, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền; Hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới; Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật và ban hành các cơ chế, chính sách có tính đột phá vƣợt trội cho phát triển đô thị bền vững, thúc đẩy kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh và hiệu quả.

Trên cơ sở tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh, đổi mới mô hình phát triển hệ thống đô thị Việt nam theo mô hình mạng lưới, xanh, thông minh và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, có nền kiến trúc đô thị giàu bản sắc, hội thảo hy vọng sẽ gợi mở, tháo gỡ những bất cập hạn chế trong phát triển đô thị, tạo căn cứ để nghiên cứu ban hành các chính sách mới, góp phần thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị bền vững, đáp ứng yêu cầu cuộc sống đô thị ngày càng cao của người dân cả nước và vị thế xứng đáng trong mạng lưới đô thị Châu Á - Thái Bình Dương./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top