Aa

Quy hoạch đô thị ven sông Hồng và cuộc “đại dịch chuyển” về phía Đông

Hà Trang
Hà Trang changha1605@gmail.com
Thứ Tư, 26/10/2022 - 10:30

Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được xem là cầu nối quan trọng giúp Thủ đô chạm tới giấc mơ trở thành “thành phố hai bên bờ sông”. Trong đó, khu phía Đông chính là điểm sáng của cuộc “đại dịch chuyển”.

Sông Hồng và giấc mơ về “thành phố hai bên bờ”

Ngày 25/10, Diễn đàn “Quy hoạch đô thị ven sông Hồng - Chuyên đề 2: Điểm sáng phía Đông” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp chất lượng, giúp hình thành cách nhìn đa chiều và lối tư duy mở để tiếp cận Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng một cách đầy đủ và thiết thực hơn.

Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được xem là dấu mốc quan trọng để Thủ đô hiện thực hóa giấc mơ trở thành “thành phố hai bên bờ sông Hồng”. “Giấc mơ lớn” này đã đặt ra những thách thức tất yếu theo sự phát triển của thời đại, đòi hỏi từ bản vẽ của quy hoạch phân khu ra thực địa phải là những công trình chất lượng, thuận tiện; là những đô thị xanh thông minh, hiện đại; là những không gian đáng sống mà vẫn giữ được đặc trưng văn hóa sông Hồng. Đây chính là bước tiến quan trọng, tạo điểm đột phá nhằm cải thiện, nâng tầm cảnh quan và phát triển đô thị mới văn minh, hiện đại hơn nữa.

Phát biểu tại diễn đàn, TS.KTS. Trương Văn Quảng - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho biết: “Quá trình phát triển của Thủ đô Hà Nội có rất nhiều vấn đề cần phải quan tâm giải quyết. Trong đó, chủ đề về hình thành và phát triển các phân khúc đô thị, bất động sản, các dự án công trình kiến trúc phải mang dấu ấn thời kỳ đổi mới. Đồng thời, phát triển hạ tầng, môi trường, không gian đô thị cũng đòi hỏi ngày càng chất lượng hơn”. Để làm được điều đó, việc quy hoạch không gian một cách bài bản, thông minh có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc thiết lập cấu trúc đô thị trung tâm.

TS.KTS. Trương Văn Quảng - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam (Ảnh: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp).

“Quy hoạch khu trung tâm Thủ đô gắn với sông Hồng là rất quan trọng. Cấu trúc “chùm đô thị” gắn với trung tâm lịch sử và các “vệ tinh” như Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên... sẽ giúp Hà Nội có đủ điều kiện để phát triển một cách tốt nhất. Chúng ta đã đầu tư cơ sở hạ tầng tương đối mạnh nhưng vì nhiều lý do mà các đô thị vệ tinh vẫn chưa thực sự có điều kiện phát triển tối đa”, ông Trương Văn Quảng nhận định.

Chia sẻ về tầm quan trọng của quy hoạch trong việc phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực địa ốc, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam phát biểu: “Phải có quy hoạch thì mới sử dụng đất đai một cách hiệu quả. Đi đầu trong phát triển kinh tế chính là phát triển các hệ thống bất động sản. Do đó, quy hoạch mà không tốt thì giá trị các bất động sản tạo ra cũng sẽ không cao. Nếu cứ xây bừa bãi trong khi dịch vụ đô thị chưa có, chất lượng hạ tầng chưa đồng bộ, các vùng xung quanh chưa tương tác lẫn nhau được thì những bất động sản đó chỉ có mỗi giá trị xây dựng mà thôi”.

Ông Đính cũng cho biết, việc quy hoạch đô thị có sự tác động rất mạnh mẽ đến giá trị thị trường bất động sản, dù cho là mới công bố hay thậm chí còn đang trong giai đoạn nghiên cứu.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (Ảnh: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp).

Từ ngàn đời này, sinh hoạt của người dân Thủ đô và nhiều tỉnh thành lân cận đã gắn liền với việc hình thành văn hóa sông Hồng. Do đó, việc đưa sông Hồng trở thành trục chính của quy hoạch không gian đô thị Hà Nội là điều tất yếu.

Thậm chí, theo chia sẻ của ông Đỗ Viết Chiến - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thì hình ảnh sông Hồng trong cấu trúc đô thị đã nhiều lần được đưa vào quy hoạch từ trước đây chứ không phải tới bây giờ mới đặt vấn đề khai thác cảnh quan và phát triển đô thị 2 bên bờ. Tuy nhiên lần này, giấc mơ “thành phố hai bên bờ sông Hồng” sẽ được hiện thực hóa bằng việc thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh theo Quyết định 1259/QĐ-TTg về phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời phát triển tiếp mô hình thành phố trong thành phố.

Cuộc “đại dịch chuyển” hướng về phía biển

Đánh giá về tiềm năng phát triển, ông Đỗ Viết Chiến nhận định các khu vực phía Bắc, phía Đông của Thủ đô là những nơi có xung lực rất mạnh. Phía Bắc Hà Nội có sân bay quốc tế và dự kiến sẽ còn tiếp tục mở rộng trong tương lai, trở thành “cực hút” lớn. Ở đâu có đầu mối cảng hàng không, ở đó sẽ kéo theo đà phát triển đô thị không thể cưỡng lại. Trong khi đó, "cảng biển nước sâu" của Hà Nội lại nằm ở phía Đông.

“Các quốc gia lớn trên thế giới đều hướng biển để phát triển kinh tế, không ai lại quay lưng với biển. Kể cả các địa phương ở xa thì hướng hút về phía biển vẫn là xu thế. Nếu đặt vị trí Hà Nội so với vị thế của cả vùng thì sẽ thấy các cảng biển nằm ở khu vực phía Đông. Không phải ngẫu nhiên mà những đường lớn đều kéo về phía Đông hết, bởi vì đó là quy luật phát triển đô thị. Do vậy, phía Đông sẽ luôn luôn là “cực hút” phát triển với tốc độ đô thị hóa vô cùng nhanh chóng”, ông Chiến cho hay.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn chia sẻ: “Nhìn ra thế giới, đa phần các thành phố lớn đều có đô thị phát triển dọc hai bên bờ sông như Paris có sông Seine, Seoul có sông Hàn... Trong khi đó, khu vực phía Đông mà đặc biệt là đô thị hai bên bờ sông Hồng đã có quy hoạch rõ ràng. Việc triển khai quy hoạch tốt và đồng bộ sẽ giúp giá đất tăng, đem lại tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ cho khu vực”.

Bên cạnh đó, chính sách phát triển cơ sở hạ tầng kết nối của khu vực phía Đông Thủ đô đều được đề ra cụ thể. Trong khi về nguồn vốn, các nhà đầu tư đều kỳ vọng vào tương lai khi xuống tiền vào bất động sản. Nhìn xa hơn, khu vực phía Đông còn có các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Phòng… Đây đều là những nơi thu hút nguồn vốn đầu tư FDI lớn và có chỉ số cạnh tranh tốt.

“Nghiên cứu khảo sát của chúng tôi cho thấy khu vực nào có vốn FDI tăng trưởng tốt đều có tăng trưởng giá bất động sản tốt qua mỗi năm. Tại khu vực phía Đông, khảo sát của chúng tôi cho thấy những điểm sáng tốt”, ông Quốc Anh cho hay.

Phía Đông Hà Nội đang là điểm sáng trên bản đồ Quy hoạch đô thị ven sông Hồng (Ảnh: Hà Trang).

Một số nhà đầu tư đã “nhìn xa trông rộng” rằng sự dịch chuyển của dòng tiền đầu tư như thế này đều sẽ tạo ra các khu kinh doanh sầm uất đa chiều. Đứng từ góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) nhìn nhận, khu vực phía Đông tuy được hưởng lợi từ các hành lang kinh tế giúp tạo lực hút dòng tiền đầu tư nhưng tiến độ triển khai các dự án còn chậm, nhiều dự án được khởi công đã lâu nhưng đến nay vẫn bỏ hoang gây lãng phí và qua thời gian, giá trị đất đai sẽ bị mất đi.

“Phải có việc làm, có người ở thì mới có đô thị chất lượng. Phát triển đô thị nên đi kèm nhiều phân khúc để hút người ở thực, tránh lãng phí tài nguyên. Một khu đô thị sáng đèn mới là khu đô thị thành công”, ông Toản nêu quan điểm.

Có thể thấy, khu vực phía Đông đang trở thành “điểm sáng”, là nơi sở hữu rất nhiều tiềm năng phát triển của khu vực Thủ đô và các tỉnh thành lân cận. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn cần rất nhiều sự quan tâm, sát sao của các cấp chính quyền từ khi các đồ án còn là những kỳ vọng trên giấy cho tới quá trình triển khai, thực thi trong tương lai./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top