Ngày 16/11, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch – Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam”. Khoa Pháp luật Kinh tế - Trường Đại học Luật Hà Nội và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) là đơn vị thực hiện, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes.vn) là đơn vị bảo trợ truyền thông. Tập đoàn CEO là nhà tài trợ của Hội thảo.
Hội thảo được tổ chức tại Trụ sở Trường Đại học Luật Hà Nội dưới hình thức trực tiếp (100 đại biểu) và trực tuyến (200 - 300) đại biểu.
Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các đại biểu quốc hội; các đối tác quốc tế: Hiệp Hội Bất động sản Hoa Kỳ (NAR); Hiệp hội Bất động sản Singapore; Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham); Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham); Phòng Thương mại Australia tại Việt Nam (AusCham); Trung tâm Nghiên cứu Bất động sản Thái Lan; Hiệp hội Môi giới Bất động sản Indonesia…; cùng hơn 50 chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản, kinh tế, tài chính, pháp lý… trong nước và quốc tế.
Hội thảo là diễn đàn khoa học để lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, hiệp hội, tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, giới chuyên gia, học giả trong và ngoài nước, các nhà hoạch định chính sách, giới báo chí - truyền thông, các nhà tư vấn quốc tế, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản du lịch…, trao đổi, phân tích, bình luận, đánh giá về cơ hội, tiềm năng và khung chính sách, pháp luật của thị trường bất động sản du lịch Việt Nam; Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách; đưa ra sáng kiến lập pháp, góp phần xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường bất động sản du lịch Việt Nam trước thềm sửa đổi Luật Đất đai 2013 và các luật có liên quan, nhất là trong bối cảnh hậu Covid-19.
Ban Tổ chức Hội thảo rất chú trọng đến công tác chuẩn bị về nội dung và phòng chống dịch để hướng tới một hội thảo thành công, đạt được những mục tiêu đề ra.
Ngày 16/11, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo Khoa học quốc tế với chủ đề: “Chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch - Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam”. Khoa Pháp luật Kinh tế - Trường Đại học Luật Hà Nội và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) là đơn vị thực hiện, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes.vn) là đơn vị bảo trợ truyền thông. Tập đoàn CEO là nhà tài trợ của Hội thảo.
Hội thảo được tổ chức tại Trụ sở Trường Đại học Luật Hà Nội dưới hình thức trực tiếp (khoảng 100 đại biểu) và trực tuyến (khoảng 300 đại biểu).
Reatimes đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến - Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội; thành viên thường trực Ban Tổ chức Hội thảo về mục đích, nội dung và công tác chuẩn bị Hội thảo.
PV: Thưa ông, ông có thể chia sẻ cho độc giả được biết, xuất phát từ bối cảnh nào Hội thảo Khoa học quốc tế “Chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch - Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam” được tổ chức?
PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến: Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới đã đi vào trạng thái “bình thường mới”, nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi, thúc đẩy các nhu cầu về đời sống của người dân gia tăng, trong đó có nhu cầu về du lịch.
Những năm gần đây, lượng khách du lịch trong và ngoài nước tăng mạnh, tạo ra một thị trường mới đầy tiềm năng - thị trường bất động sản du lịch. Tuy nhiên, sự bứt tốc của thị trường mới này bị cản trở bởi những vướng mắc, hạn chế về chính sách và pháp lý. Tại nhiều nước trên thế giới đã có những chính sách thông thoáng, mở đường cho thị trường bất động sản du lịch phát triển.
Dịch bệnh Covid-19 trong 2 năm vừa qua đã gây ra không ít tổn thất cho các doanh nghiệp phát triển bất động sản du lịch, vốn đã khó khăn về các thủ tục pháp lý. Vì vậy, thị trường đang rất cần những chính sách thông thoáng, tạo điều kiện để họ có thể vực dậy và tăng trưởng mạnh mẽ.
Trong bối cảnh các nước trong khu vực và trên thế giới tái khởi động lại các hoạt động du lịch, là một đất nước hội tụ đầy đủ tiềm năng trong ngành du lịch, Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp lý để giúp thị trường bất động sản du lịch hồi phục sau đại dịch, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của quốc gia.
Nhận thấy tính cấp bách của vấn đề, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Trường Đại học Luật Hà Nội đã lên kế hoạch tổ chức Hội thảo Khoa học quốc tế “Chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch - Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam”.
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang tiến hành tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về chính sách đất đai; tổng kết việc thi hành và sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai; xây dựng Quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021 - 2030.
Hội thảo nhận được sự bảo trợ của Bộ Xây dựng và Bộ Tư pháp; Khoa Pháp luật Kinh tế - Trường Đại học Luật Hà Nội và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) là đơn vị thực hiện; Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes.vn) là đơn vị bảo trợ truyền thông; Tập đoàn CEO là nhà tài trợ của Hội thảo.
PV: Xin ông chia sẻ chi tiết hơn về quy mô khách mời cũng như những nội dung chính được bàn luận tại Hội thảo sắp tới?
PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến: Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; các đại biểu Quốc hội; các đối tác quốc tế: Hiệp hội Bất động sản Hoa Kỳ (NAR); Hiệp hội Bất động sản Singapore; Phòng Thương mại Australia tại Việt Nam (AusCham); Trung tâm Nghiên cứu Bất động sản Thái Lan; Hiệp hội Môi giới Bất động sản Indonesia…; cùng hơn 50 chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản, kinh tế, tài chính, pháp lý… trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó cũng có sự tham dự của các hãng kiểm toán lớn như Deloitte, PwC; các công ty tư vấn, nghiên cứu bất động sản; các trường đại học, viện nghiên cứu; các địa phương có du lịch và thị trường bất động sản du lịch phát triển.
Với số lượng lớn các đại biểu tham dự, khoảng 100 đại biểu tham dự dưới hình thức trực tiếp và 300 đại biểu tham dự dưới hình thức trực tuyến thì đây là một hội thảo có quy mô lớn ở thời điểm hiện tại.
Nội dung chính của Hội thảo sẽ tập trung trao đổi, phân tích, bình luận, đánh giá về cơ hội, tiềm năng và khung chính sách, pháp luật của thị trường bất động sản du lịch Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách; đưa ra sáng kiến lập pháp, góp phần xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường bất động sản du lịch Việt Nam trước thềm sửa đổi Luật Đất đai 2013 và các luật có liên quan, nhất là trong bối cảnh hậu Covid-19.
Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp lý để giúp thị trường bất động sản du lịch hồi phục sau đại dịch, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của quốc gia.
PV: Như ông vừa chia sẻ, Hội thảo lần này không chỉ có sự tham gia của các diễn giả trong nước mà còn có rất nhiều diễn giả nước ngoài. Chắc hẳn các vấn đề về chính sách điều chỉnh thị trường bất động sản du lịch ở các nước trên thế giới sẽ được mổ xẻ, phân tích và so sánh với Việt Nam, thưa ông?
PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến: Hội thảo sẽ tập trung chia sẻ và cùng bàn thảo về kinh nghiệm của các nước có thị trường bất động sản du lịch phát triển như Thái Lan, Úc, Singapore, Mỹ... Bên cạnh đó, Hội thảo cũng sẽ phân tích các bài tham luận của các đại biểu trong và ngoài nước, cùng với các tham luận trực tiếp của một số đại biểu tại Hội thảo. Kết quả phân tích sẽ được Ban Tổ chức tổng hợp lại, trình lên các cơ quan hoạch định chính sách để có những phương án điều chỉnh, bổ sung về mặt chính sách, pháp lý giúp cho thị trường bất động sản du lịch phát triển một cách thuận lợi và mạnh mẽ.
PV: Thưa ông, việc tổ chức một hội thảo mang tính chất quốc tế đem đến ý nghĩa và kỳ vọng như thế nào đối với thị trường bất động sản du lịch?
PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến: Việc tổ chức hội thảo mang tính chất quốc tế sẽ đem lại một cái nhìn khách quan, toàn diện hơn về thị trường bất động sản du lịch; đem đến cơ hội giao lưu, học hỏi từ các cường quốc. Qua đó có thể dễ dàng đưa ra những giải pháp phù hợp để hoàn thiện chính sách, pháp luật cho thị trường bất động sản du lịch Việt Nam, dựa trên kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, những thông tin bổ ích thu được từ Hội thảo cũng sẽ được bổ sung vào kế hoạch giảng dạy của các trường đại học luật trên toàn quốc.
PV: Được biết, Hội thảo được tổ chức tại Trụ sở Trường Đại học Luật Hà Nội dưới 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến đại biểu. Trong diễn biến của dịch bệnh, công tác chuẩn bị Hội thảo đã được thực hiện như thế nào để đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng chống dịch nhưng vẫn đảm bảo Hội thảo diễn ra thành công thưa ông?
PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến: Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, những ca nhiễm và ổ dịch mới được phát hiện tại nhiều tỉnh thành khác, không riêng gì Hà Nội thì việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch được Ban Tổ chức Hội thảo đặc biệt chú trọng và đặt lên hàng đầu.
Không chỉ thực hiện nghiêm túc quy định 5K, đảm bảo giữ khoảng cách an toàn giữa người với người, Ban Tổ chức còn có báo cáo gửi tới cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan y tế của Hà Nội về thời gian, địa điểm tổ chức và số lượng người tham gia Hội thảo. Bên cạnh đó, các đại biểu tham gia Hội thảo cũng sẽ được test nhanh Covid-19.
Tất cả các khâu đều được chuẩn bị kỹ càng, hướng tới một Hội thảo an toàn, chuyên nghiệp và chất lượng.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!