Aa

Hội thảo “Phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025: Phân khúc nào phù hợp?"

Thứ Năm, 24/12/2020 - 08:58

Sáng 24/12, tại TP.HCM, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chủ trì, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội thảo: “Phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025: Phân khúc nào phù hợp?”

Được sự bảo trợ và ủng hộ của Bộ Xây dựng, UBND TP.HCM, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chủ trì, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội thảo: “Phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025: Phân khúc nào phù hợp?”

Hội thảo có sự tham dự của: Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng; Ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản; Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội môi giới BĐS Việt Nam; Ông Phạm Lâm – Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam; GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; TS. Võ Chí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương... cùng hàng trăm doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ bất động sản, các nhà môi giới, nhà đầu tư bất động sản, các cơ quan Thông tấn báo chí, Đài truyền hình trung ương và địa phương. 

Phát biểu mở đầu Hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho biết, kể từ năm 2015 đến nay, thị trường bất động sản nhà ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, không khó để nhận ra một thực tế là thị trường nhà ở tại các đô thị xuất hiện tình trạng lệch pha cung - cầu.

Trong khi nhu cầu nhà ở của người dân và nhu cầu đầu tư kinh doanh bất động sản tại các đô thị lớn trên cả nước ngày một tăng cao thì số lượng dự án được phê duyệt đầu tư rất hạn chế. Điều này đã tạo nên sự khan hiếm nguồn cung cho thị trường.

Cơ cấu nguồn cung phân các khúc nhà ở hiện cũng không tương thích với nhu cầu. Tại TP.HCM, phân khúc nhà ở giá rẻ (dưới 25triệu đồng/m2) đã biến mất, còn tại Hà Nội, tỷ trọng của phân khúc này cũng rất thấp (khoảng 10%). Vì vậy, đại bộ phận người dân – là những người có thu nhập thấp như cán bộ, công nhân viên, người lao động đang mất dần khả năng sở hữu nhà ở.

Mặt khác, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và Việt Nam đang chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều chuyên gia cho rằng giá bất động sản sẽ giảm nhiệt. Việc nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu đầu tư lại tăng cao khiến giá bất động sản không hề có dấu hiệu suy giảm, thậm chí còn tăng cao.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Đặc biệt, tại TP.HCM, trong quý 3/2020, giá căn hộ tăng mạnh từ 15-20% so với quý 2/2020. Ở phân khúc trung cấp, nếu so với quý 4/2018 thì quý 3/2020, giá bán tăng 1,43 lần. Thậm chí, tại một số dự án, giá còn tăng gấp gần 2 lần. Tính chung 9 tháng đầu năm 2020, TP.HCM có hơn 16.000 sản phẩm bất động được giao dịch, tỉ lệ hấp thụ trung bình đạt 75%. Điều này đã tạo nên cơn sốt cho thị trường khu vực.

“Trong khoảng thời gian rất ngắn, mặt bằng giá mới tại TP.HCM đã được thiết lập. Các dự án thuộc phân khúc bình dân đã biến thành phân khúc trung cấp, dự án thuộc phân khúc trung cấp biến thành cao cấp... Đáng nói ở đây, sự thay đổi phân khúc là vì tăng giá chứ không phải vì tăng chất lượng của dự án cho phù hợp. Điều này là bất thường khi không phản ánh đúng giá trị của bất động sản, rất dễ xảy ra bong bóng bất động sản. Một thị trường như vậy tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát triển không bền vững, gây nên những bất ổn về kinh tế, tài chính…”, ông Hà nói.

Trước thực trạng này, hội thảo: “Phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, Phân khúc nào phù hợp?” đưa ra góc nhìn toàn cảnh về việc phát triển nhà ở, làm rõ nguyên nhân dẫn đến những vấn đề nêu trên của thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng. Các chuyên gia tại hội thảo sẽ cùng thảo luận để cùng tìm kiếm những giải pháp phù hợp, thiết thực nhằm phát triển thị trường bất động sản Việt Nam ổn định và bền vững.

“Hiện nay, thị trường bất động sản đang nặng về phát triển nhà ở trung – cao cấp trong khi nhà ở giá rẻ gần như không còn. Điều này đồng nghĩa với việc hàng triệu công chức, lao động chỉ có duy nhất thu nhập từ tiền lương, tiền công rất khó tiếp cận nhà ở.

Giá bất động sản và nhà ở tại TP.HCM hiện tại đã tăng mạnh, ước chừng gấp gần hai lần so với năm 2017, đã thiết lập mặt bằng giá mới việc tăng giá nhà ở trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, suy giảm thu nhập người dân là bất hợp lý, không phù hợp với quy luật và có nguy cơ ảo, bong bóng thị trường có thể dẫn đến khủng hoảng kinh tế.

Vậy, bài toán nào hóa giải những hiện tượng trên thông qua chính sách của chính phủ và địa phương là gì? Giải pháp nào của doanh nghiệp, của các chuyên gia để giúp chúng ta có định hướng ổn định thị trường và phát triển nhà ở trong giai đoạn 2021-2025 phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế và sự bền vững của thị trường?

Qua phần tham luận, chúng ta sẽ được nghe những nội dung hết sức cụ thể, ý nghĩa, góp phần quan trọng trong việc xây dựng giải pháp thực hiện được mục tiêu đặt ra của hội thảo”, ông Hà nói thêm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top