Aa

Hơi thở từ ngôi mộ và món quà của người đã khuất

Thứ Bảy, 02/02/2019 - 19:00

Cho đến bây giờ, mỗi khi bước chân vào khu nghĩa trang của dòng họ, tôi lại thấy những hơi thở ấm áp và gần gũi của những người đã khuất dâng lên. Cảm giác ấy là có thực. Và tôi nghe quanh tôi những giọng nói như tôi đã từng nghe trong những ngôi nhà của làng tôi.

Vào buổi chiều ngày cuối cùng của năm cũ, có thể là ngày 29 và cũng có thể là ngày 30 tháng Chạp, những người quê tôi lại khăn áo chỉnh tề lũ lượt khéo nhau ra nghĩa trang cuối làng để mời những người thân đã khuất về nhà ăn Tết.

Từ ngày hôm trước, con đường từ nghĩa trang về làng được quét dọn sạch sẽ. Không ai bảo ai, nhưng những ai có thời gian kể cả những đứa trẻ đều tham gia công việc này. Họ chuẩn bị con đường cho những người đã khuất trở về.

Làng tôi cúng cơm tất niên vào buổi tối ngày cuối cùng của năm cũ. Buổi chiều hôm đó, những ai không phải lo công việc nhà đều đi vào nghĩa trang làng. Khi đi, họ mang theo những nén hương. Nơi họ thắp hương đầu tiên là khu mộ dòng họ. Ở làng tôi, mỗi dòng họ đều có một khu mộ riêng của dòng họ mình. Họ thắp hương để mời tổ tiên và những người trong dòng họ đã khuất về ăn Tết với các con, các cháu. Sau đó, các gia đình mới đi thắp hương cho những người thân đã khuất của gia đình mình mà mộ của họ chưa chuyển về trong khu mộ chung của dòng họ.

Cứ khoảng 4 giờ chiều vào ngày cuối cùng hàng năm, anh em tôi cùng các con, các cháu ăn mặc chỉnh tề để đi ra nghĩa trang. Thường là những buổi chiều như thế, mưa xuân bắt đầu bay trên cánh đồng làng. Cánh đồng rộng lớn mờ ảo trong mưa bụi. Một không khí thiêng liêng và da diết dâng lên. Những buổi chiều như thế, tôi như nhìn thấy rõ những người thân đã khuất của gia đình, dòng họ tôi và cả những người làng đã mất tự ngàn xưa hiện về. Họ ăn mặc đẹp đẽ và đứng trên cánh đồng với gương mặt hạnh phúc đợi cháu con đến đón về nhà ăn Tết.

Khi còn nhỏ, tôi thường hay được lũ bạn thì thào những câu chuyện ma hiện ra trong nghĩa trang cuối làng trong những ngày có gió lạ hay những đêm có mưa. Và lúc nào có việc đi đâu đó qua khu nghĩa trang, lũ trẻ chúng tôi đều nhắm mắt chạy như ngạt thở vì sợ hãi. Tôi nhớ lần đầu tiên cha tôi đưa tôi ra khu nghĩa trang và những ngôi mộ lẻ để mời những người thân đã khuất về ăn Tết. Tôi đã vô cùng sợ hãi khi nghĩ rằng bất chợt một lúc nào đấy từ một ngôi mộ một người chết hiện lên.

Nhưng rồi nỗi sợ hãi mơ hồ của tuổi thơ đã tan biến khi đứng trước những ngôi mộ, tôi đã nghe cha tôi kể về những người đã khuất. Lời kể của cha tôi cứ từng năm, từng năm làm sống lại những người thân yêu của gia đình tôi mà tôi không bao giờ được gặp mặt. Đó là những câu chuyện thật giản dị, xúc động và thiêng liêng. Nó tràn ngập trong tâm hồn trẻ thơ của tôi như mưa xuân ấm áp bay trên cánh đồng.

Ở làng tôi, mỗi dòng họ đều có một khu mộ riêng của dòng họ mình. Họ thắp hương để mời tổ tiên và những người trong dòng họ đã khuất về ăn Tết với các con, các cháu

Ở làng tôi, mỗi dòng họ đều có một khu mộ riêng của dòng họ mình. Họ thắp hương để mời tổ tiên và những người trong dòng họ đã khuất về ăn Tết với các con, các cháu... (ảnh minh họa)

Và một mối liên hệ bí ẩn, kỳ lạ nhưng thật rành mạch và gần gũi giữa những người thân đã khuất và tôi đã được thiết lập. Mối liên hệ ấy được thiết lập qua giọng kể của cha tôi. Cho đến bây giờ, mỗi khi nước chân vào khu nghĩa trang của dòng họ, tôi lại thấy những hơi thở ấp áp và gần gũi của những người đã khuất dâng lên. Cảm giác ấy là có thực. Và tôi nghe quanh tôi những giọng nói như tôi đã từng nghe trong những ngôi nhà của làng tôi.

Khi tôi có con, như cha tôi thuở trước, tôi lại đưa các con tôi ra khu nghĩa trang làng trong những buổi chiều như thế để mời những những người thân đã khuất về nhà ăn Tết. Và cũng như tôi, lần đầu tiên các con tôi đã run lên vì sợ trước những ngôi mộ. Có đứa không dám khóc thành tiếng những nước mắt giàn dụa chảy dài trên gương mặt thơ ngây. Và cũng lại như cha tôi thuở trước, sau khi thắp hương xong, tôi lại kể cho các con, các cháu tôi về những người thân trong gia đình đã khuất.

Tôi nói họ đã sống và đã lao động như thế nào. Tôi nói về những người thân mà tôi đã được sống cùng và cả những người thân tôi cũng chưa bao giờ được gặp như ông nội tôi, như người chú, người cô chết trẻ của tôi. Tôi nói như tôi đã từng sống với họ trong ngôi nhà của ông bà, cha mẹ tôi. Tôi nói như cảm thấy có mùi trầu cay bay ra từ các cụ bà và mùi thuốc lào bay ra từ các cụ ông.

Vào một năm, sau buổi chiều ra khu nghĩa trang mời những thân về ăn Tết, sáng mồng 1 Tết thức dậy, con gái tôi đã thì thầm với tôi rằng đêm qua cô bé gặp cụ nội. Cô bé nói cụ nội đã cho cô một con tò he đất nung thổi được như một cái còi. Nhưng khi tỉnh dậy, cô bé đã tìm không thấy đâu. Và cô bé nghĩ anh trai của cô đã lấy trộm con tò he đất nung ấy của cô bé khi cô đang ngủ.

Nghe câu chuyện đó, lòng tôi ngập tràn hạnh phúc. Từ lúc đó, tôi biết rằng trong tâm hồn của con gái tôi vĩnh viễn có một món quà vô giá. Cho đến khi lớn lên và khi trở thành một bà già, con gái tôi sẽ chẳng bao giờ quên được món quà của cụ nội của cô, người đã mất cả trăm năm trước khi cô bé được sinh ra.

Không có một người thân yêu nào của chúng ta cắt rời khỏi chúng ta cho dù người đó ta không gặp lại hoặc chưa bao giờ gặp. Chính điều đó là tâm hồn và đời sống của chúng ta không cô độc và giàu có. Ngay cả khi chúng ta không thể trò chuyện với ai về những phiền muộn hay thất vọng của chúng ta thì chúng ta vẫn có thể bước đến và trò chuyện với những người thân yêu đã khuất.

Và ở đấy, chúng ta chỉ nhận được những an ủi lớn lao và tình yêu thương vô tận. Thế nhưng, lúc đó một câu hỏi lại vang lên trong sâu thẳm lòng ta : Tại sao có nhiều lúc ta lại không tìm được những an ủi và tình yêu thương từ những người đang sống?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top