Aa

Hơn 117.000 liều vắcxin phòng COVID-19 đã về tới Việt Nam

Thứ Tư, 24/02/2021 - 13:00

Được vận chuyển từ Hàn Quốc về Việt Nam, số vắcxin này dự kiến sẽ ưu tiên tiêm cho những đối tượng có nguy cơ cao, với khoảng hơn 50.000 người, mỗi người tiêm 2 mũi.

Vào hơn 10 giờ sáng nay (24/2), chuyến bay chở hơn 117.000 liều vắcxin phòng COVID-19 của AstraZeneca đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM, phục vụ nhu cầu phòng chống dịch cấp bách hiện nay.

Được vận chuyển từ Hàn Quốc về Việt Nam, số vắcxin này dự kiến sẽ ưu tiên tiêm cho những đối tượng có nguy cơ cao, với khoảng hơn 50.000 người, mỗi người tiêm 2 mũi.

Ngay trong chiều nay, Bộ Y tế sẽ họp khẩn về việc kiểm định chất lượng và dự kiến các phương án sẽ tiêm cho những đối tượng có nguy cơ cao.

Vắcxin phòng COVID-19 do hãng dược phẩm AstraZeneca và Đại học Oxford phối hợp bào chế
Nhãn

Trước đó, Bộ Y tế vừa xây dựng kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắcxin phòng COVID-19 giai đoạn 2021 - 2022. Các nhóm đối tượng tiêm vắcxin COVID-19 sắp xếp theo mức độ ưu tiên theo tình huống dịch và trong bối cảnh nguồn vắcxin cung cấp hạn chế tại Việt Nam.

Theo kế hoạch, việc tiêm này để đảm bảo miễn dịch cộng đồng, Việt Nam hướng tới mục tiêu 80% dân số được tiêm vắcxin phòng COVID-19. Tuy nhiên, căn cứ nguồn cung ứng vắcxin hiện nay, mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2022 là bảo đảm khoảng 20% dân số cả nước được tiêm vắcxin phòng COVID19; tiếp nhận, cung ứng kịp thời và tiêm vắcxin phòng COVID-19 cho các đối tượng theo tình hình dịch; đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng vắcxin phòng COVID-19.

Vắcxin chống COVID-19 của AstraZeneca được đồng phát minh bởi Đại học Oxford và Công ty sản xuất hỗ trợ Vaccitech. Vắcxin sử dụng vectơ virus mất khả năng sao chép được tạo ra từ chủng virus gây cúm thông thường ở tinh tinh đã được làm suy yếu (adenovirus), chứa vật chất di truyền của protein gai trên bề mặt virus SARS-CoV-2. Sau khi tiêm vắcxin, protein gai bề mặt được sản xuất, kích hoạt hệ thống miễn dịch tấn công virus SARS-CoV-2 nếu cơ thể bị nhiễm virus sau đó.

Ngoài chương trình do Đại học Oxford dẫn đầu, AstraZeneca đang tiến hành một cuộc thử nghiệm lớn ở Mỹ và trên toàn cầu. Tổng cộng, đại học Oxford và AstraZeneca dự kiến sẽ thu hút hơn 60.000 người tham gia trên toàn thế giới.

Đối với vắcxin phòng COVID-19 của Việt Nam, hôm nay (24/2), Học viện Quân y cũng đã bắt đầu sàng lọc từ 50 - 100 tình nguyện viên để tham gia vào giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng vắcxin Nano Covax của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen. Mũi tiêm thử nghiệm đầu tiên của Nano Covax trong giai đoạn 2 dự kiến diễn ra vào ngày mai (25/2).

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top