Aa

Hơn 2.600 công trình nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng

Thứ Ba, 20/08/2019 - 06:30

Hiện vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy.

Theo báo cáo “Kết quả giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2014  - 2018” do Đoàn giám sát của Quốc hội trình bày, đến nay toàn quốc vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy.

Báo cáo cho hay, trong giai đoạn giám sát, toàn quốc đã thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy đối với 58.504 dự án, công trình; tổ chức nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy cho 29.230 dự án, công trình.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy.

Tính đến tháng 7/2018, còn 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy.

Ảnh minh họa.

Cũng theo báo cáo, giai đoạn 2014 - 2018, lực lượng chức năng đã tiến hành 357 cuộc thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy, kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy trên 1,5 triệu lượt.

Trong quá trình kiểm tra đã kịp thời phát hiện hàng triệu tồn tại, thiếu sót, ban hành 98.384 công văn kiến nghị. Các địa phương đã tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành đối với trên 15 nghìn lượt cơ sở.

Cơ quan chức năng đã điều tra đã làm rõ nguyên nhân 11.277 vụ cháy (đạt 85,76%); đã tiến hành khởi tố điều tra, truy tố, xét xử hình sự 66 vụ án với 43 bị can; xử phạt trên 98 nghìn trường hợp vi phạm với số tiền 206 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động 1.956 trường hợp, tạm đình chỉ hoạt động 2.720 trường hợp…

Tuy nhiên, số cuộc kiểm tra do lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chủ trì còn ít nên những tồn tại, thiếu sót mang tính cốt lõi vẫn chưa được chỉ đạo giải quyết dứt điểm; việc tổ chức tự kiểm tra của người đứng đầu cơ sở chưa thường xuyên, chất lượng không cao.

Các hành vi vi phạm các quy định về điều kiện an toàn PCCC được phát hiện còn ít so với thực tế; trong xử lý còn thiếu kiên quyết, đa số là dừng lại ở việc kiến nghị, hướng dẫn.

Đánh giá về lực lượng phòng cháy chữa cháy, báo cáo của Đoàn giám sát cho hay đến nay tỷ lệ thành lập lực lượng PCCC ở cơ sở còn thấp so với quy định (đội dân phòng đạt tỷ lệ 23%; đội PCCC cơ sở đạt tỷ lệ 66%; đội phòng cháy chữa cháy chuyên ngành đạt tỷ lệ 63%).

Các đơn vị Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ chưa được bố trí đầy đủ theo yêu cầu nhiệm vụ, bán kính hoạt động xa, số lượng cơ sở lớn so với quy định đã hạn chế hiệu quả hoạt động.

Giai đoạn 2014 - 2018, ngân sách đầu tư cho công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khoảng 8.341 tỷ đồng, trong đó, nguồn ngân sách trung ương chiếm 32,9%, nguồn ngân sách địa phương chiếm 64,6%, còn lại các nguồn khác chiếm 2,5%.

Tuy nhiên, Đoàn giám sát thấy rằng nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác phòng cháy chữa cháy không đáp ứng đủ yêu cầu thực tế. Số lượng phương tiện được trang bị chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; tỷ lệ xe chữa cháy đã cũ, sử dụng kém hiệu quả chiếm tới hơn 50%; việc trang bị xe thang, xe chuyên dùng phục vụ chữa cháy, cứu nạn cứu hộ còn hết sức hạn chế.

Về công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về PCCC, Đoàn giám sát cho rằng còn thiếu sự phối hợp giữa các lực lượng, chưa quyết liệt, triệt để, có biểu hiện tiêu cực trong hoạt động thanh tra, kiểm tra nên tác dụng răn đe, phòng ngừa vi phạm pháp luật về PCCC còn hạn chế.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top