Aa

Bộ Xây dựng: Hơn 50% dự án chậm triển khai do khó xác định đâu là giá “thị trường“

Nguyễn Thương
Nguyễn Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Bảy, 06/05/2023 - 06:34

Theo Bộ Xây dựng, có hơn 50% dự án bất động sản gặp vướng mắc, triển khai chậm là do quy định về phương pháp định giá đất rất khó xác định đâu là giá "thị trường".

Trong báo cáo mới nhất gửi tới Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về nội dung liên quan đến tình hình thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng thông tin, trong năm 2022, các dự án bất động sản mới được cấp phép tiếp tục giảm so với năm 2021 khiến nguồn cung bất động sản, nhà ở đặc biệt là nhà ở dành cho đối tượng thu nhập thấp vẫn hạn chế. Số lượng bất động sản, nhà ở trong các dự án mới đưa ra giao dịch rất ít, chủ yếu các sản phẩm bất động sản đưa vào giao dịch là hàng tồn kho của các dự án đã mở bán trước đó.

Bộ Xây dựng cho biết, nguyên nhân khiến các dự án gặp khó khăn trong việc triển khai dẫn đến tình trạng nguồn cung khan hiếm là do vướng mắc liên quan đến pháp luật, vốn tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp và các thông tin tiêu cực trên thị trường. 

Trong đó, các quy định pháp lý còn nhiều bất cập là nguyên nhân chủ yếu gây ra những cản trở lớn cho các doanh nghiệp phát triển bất động sản. Đặc biệt là quy định về phương pháp định giá đất theo giá "thị trường" chiếm trên 50% vướng mắc của các dự án. Cùng với đó là những khó khăn liên quan đến pháp luật về quy hoạch, đầu tư, nhà ở, đô thị và xây dựng.

Cũng theo Bộ Xây dựng, thời gian qua, nhiều thông tin xã hội không chính xác, không chính thống xuất hiện gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, đặc biệt là các thông tin về tài chính, tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu, xử lý vi phạm tại một số doanh nghiệp (như các doanh nghiệp VinGroup, Novaland...) đã gây tâm lý hoang mang cho khách hàng, nhà đầu tư. Những thông tin trên cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu đến thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán. Nhiều doanh nghiệp và dự án đang kinh doanh không bán được hàng dẫn tới không có dòng tiền, khó khăn trong thanh khoản.

Vì vậy, để đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, bên cạnh việc đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, Bộ Xây dựng cũng đề xuất các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là thông tin, truyền thông khôi phục niềm tin, hỗ trợ thị trường và hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản. 

Cũng tại báo cáo này, Bộ Xây dựng chỉ ra hàng loạt các khó khăn, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Đơn cử, về hình thức giao đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho biết, theo pháp luật thì chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không sử dụng nguồn vốn từ Ngân sách Nhà nước, được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được giao hoặc cho thuê để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để được miễn tiền sử dụng đất thì vẫn phải xác định tiền sử dụng đất rồi mới thực hiện thủ tục miễn, từ đó làm phát sinh thủ tục hành chính và theo báo cáo của các doanh nghiệp thì để thực hiện thủ tục này mất thời gian từ 1 - 2 năm.

Bên cạnh đó, quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn nhiều chồng chéo, chưa thống nhất với quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu và đất đai. Tình trạng này dẫn đến việc lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phức tạp, kéo dài thời gian thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng và làm chậm tiến độ triển khai dự án.

Ngoài ra, Luật Nhà ở 2014 quy định các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng. Trên thực tế, có nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích này dẫn đến tình trạng các căn hộ để cho thuê này không được đưa vào sử dụng gây lãng phí. Trong khi đó, chủ đầu tư không được bán dẫn đến không thu hồi được vốn, làm giảm thu hút đầu tư và không khuyến khích chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhất là nhà ở xã hội để cho thuê.

"Các ưu đãi cho chủ đầu tư như miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế, được dành 20% tổng diện tích đất ở (hoặc diện tích sàn xây dựng) để kinh doanh nhà ở thương mại (hoặc sàn kinh doanh thương mại), được vay vốn với lãi suất ưu đãi… là không thực chất vì chủ đầu tư không được hưởng mà là người dân được hưởng do theo quy định không được tính các khoản ưu đãi của Nhà nước vào giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội", báo cáo của Bộ Xây dựng nêu và khẳng định, điều này dẫn đến chưa thu hút, khuyến khích được chủ đầu tư.

Đáng chú ý, do lợi nhuận định mức không vượt quá 10% nên không thu hút được doanh nghiệp tham gia./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top