Liều lĩnh, nhắm mắt làm ngơ cho sai phạm mọc lên bằng những biên bản phạt cho tồn tại, những cán bộ đó không xứng đáng có chỗ trong bộ máy chính quyền. Không thể để tiền thuế của dân nuôi những cán bộ hoặc vô trách nhiệm, hoặc thoái hóa biến chất (hoặc… cả hai) như thế. Nhưng lạ kỳ là không có một vị nào bị kỷ luật, cách chức chứ chưa nói đến việc chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đó có lẽ là lý do để sai phạm ngày càng nghiêm trọng và làm mất niềm tin cho nhân dân.
Có một câu hỏi đặt ra: Để bộ mặt trong trật tự xây dựng của Hà Nội xấu xí và “vô phép” như hiện nay là lỗi dân hay lỗi quan? Phải đặt câu hỏi như vậy vì chưa bao giờ quan chức ở Thủ đô đứng ra nhận trách nhiệm của mình. Thế nên mong họ dũng cảm tự nhận hình thức kỷ luật, thậm chí từ chức vì năng lực yếu kém của mình có lẽ vẫn mãi chỉ là... giấc mơ.
Cho dù, chứng cứ sai phạm là cả một thành phố với đầy rẫy công trình vi phạm tồn tại một cách ngang nhiên và đầy thách thức với kỷ cương, phép nước. Nếu không có sự “bật đèn xanh” từ cán bộ, từ sự nhắm mắt làm ngơ thì người dân, doanh nghiệp đâu thể vi phạm? Khi mà những quy định pháp luật để quản lý xây dựng đã đầy đủ thì không thể nào đổ cả lỗi cho người vi phạm.
Nhìn ở một góc độ rộng hơn, sẽ thấy rằng việc nhấp nháy “đèn xanh” đó đã đẩy những người dân vốn hiền lành trở thành những người vi phạm pháp luật với vòng xoay kim tiền và cả sự thoát hóa biến chất của cán bộ.
Hà Nội không thể thiếu cán bộ đến nỗi để mà không xử lý kỷ luật một ai, khi mà sai phạm xây dựng đã bao trùm khắp thủ đô. Chỉ tính từ năm 2014 đến đầu năm 2016, đã phát hiện hơn 3.000 công trình vi phạm trật tự xây dựng. Các sai phạm của những công trình vi phạm chủ yếu liên quan đến xây dựng vượt tầng, sai quy hoạch, sử dụng sai công năng đối với các phần diện tích dùng chung, sai nội dung giấy phép, tăng diện tích sàn, xây trên đất nông nghiệp...
Đó mới chỉ là những con số trên giấy, bởi còn nhiều, rất nhiều những công trình sai phạm bị lọt lưới trong những đợt thanh kiểm tra. Lọt lưới vì trước đó đã có những cuộc bắt tay, "nhắm mắt" trước vi phạm. Và nghiêm trọng hơn là trong số đó có cả nhà của không ít cán bộ, quan chức. Khi mà những vi phạm trật tự xây dựng đã lan vào tới tận những “hang cùng, ngõ hẻm” thì sai phạm không còn là của doanh nghiệp, người dân. Đó là sự vô trách nhiệm của những cán bộ được giao nhiệm vụ trong lĩnh vực này, là người đứng đầu quận, huyện đã được quy trách nhiệm rõ ràng và không thể chối cãi được.
Sai phạm thì có rồi, nhưng chiếc ghế của quan chức vẫn vững vàng thì niềm tin của người dân vơi đi cũng là dễ hiểu. Đã đến lúc chính quyền Hà Nội phải mạnh tay xử lý cán bộ của mình, phải chịu đau bằng những cuộc thanh kiểm tra quyết liệt, truy trách nhiệm, xử lý đến cùng. Không thể trông chờ sự tự trọng của cán bộ mình bởi lẽ nhiều khi ngay cả họ có khi cũng “nhúng chàm”!