Mâm cơm dọn sẵn đã có bát cơm thơm dẻo, đĩa rau muống luộc xanh rì, tô nước luộc rau vắt nửa trái chanh cốm chua dìu dịu. Một bữa cơm của gia đình, trong căn bếp gia đình giản dị mà ấm cúng, nơi cả gia đình tôi đang quây quần đủ đầy ở đó. Tôi chợt nghĩ trong buổi chiều tà mưa gió này, có biết bao nhiêu người vợ đang vui vẻ cầm đôi đũa xới đều nồi cơm bốc khói, hối hả nêm chút đường, chút muối vào nồi thịt kho tàu vàng óng, biết bao người chồng đang mặc áo mưa run rẩy vượt cơn gió lạnh, về với căn bếp của nhà mình.
Hôn nhân phải chăng cũng tựa như căn bếp, ấm cúng hay lạnh lẽo, rộn rã hay buồn tẻ phụ thuộc vào những người thích quây quần trong nó. Trong căn bếp ấy, trong cuộc hôn nhân ấy, dù phụ nữ có là nữ chủ nhân thì việc cời than, nhóm lửa, việc giữ ấm và nêm gia vị cho tròn đều, vừa vặn vẫn mãi mãi phải cần cả hai người.
Không phải phòng khách bóng bẩy, xa hoa, không phải phòng ngủ với ánh đèn vàng dìu dịu, căn bếp mới là nơi kể câu chuyện chân thực nhất về một gia đình. Ấm hay lạnh, thấu hiểu vô tâm, quan tâm hay hờ hững, những nồi niêu xoong chảo, những món ăn được đặt lên bàn, những hành động, cử chỉ xung quanh cái bếp và bàn ăn sẽ nói lên tất cả.
Phụ nữ không phải sinh ra đã tự có lòng yêu thích nấu nướng. Cũng chẳng phải ai là phụ nữ cũng đủ khéo léo để nấu một món ăn ra trò chỉ từ một tờ công thức khô khan. Hôn nhân của mỗi người cũng vậy, đâu phải cứ ký vào tờ đăng ký kết hôn là đã tự tin có thể xây dựng một cuộc hôn nhân mỹ mãn. Một món ăn đơn giản như luộc quả trứng sao cho có lòng đào, luộc rau sao cho xanh, bạn cũng cần phải học, phải trải qua đôi lần trên sống dưới khê mới thành thục. Hôn nhân cũng vậy, cần phải học qua những lần giận dỗi, những lần giận dữ ký vào tờ đơn ly dị rồi lại xé đi. Sóng gió thổi qua thổi lại mà vẫn bên nhau, ấy mới là bạn đã thực sự bước vào chặng đường dài của hôn nhân, và việc học vẫn không dừng lại…
Không phải ngày nào tỉnh dậy, bạn cũng cảm thấy yêu tha thiết người đang nằm bên cạnh mình. Có nhiều khi, bạn sẽ chán ngấy như chán bát cơm vừa mới xới ra, chán mấy món ăn dọn sẵn trên bàn. Tâm trạng ấy cũng như khi người phụ nữ xách giỏ đi chợ, qua hàng cá thấy khó chịu vì mùi tanh, tạt vào hàng thịt lại thấy ngấy, mớ rau cải này vừa ăn tối qua, rau muống mùa này vừa già vừa chát… Không phải lúc nào họ cũng có thể hớn hở làm bếp với công thức tình yêu trong túi, mắt long lanh khi nêm gia vị, và hạnh phúc khi nghĩ đến cảnh chồng con quây quần trong bữa cơm gia đình.
Có khi họ buồn bã chạnh lòng vì bỏ công nấu nướng một bữa nóng sốt mà chờ đến nguội ngắt cũng chẳng có người cùng cầm đũa, nhưng cũng sẽ có khi chỉ mong tối nay được ở một mình, không dầu, không mỡ, không đỏ lửa, bản thân thì bằng lòng với bát mì úp vội. Nhưng có ai mà bỏ được cơm nhà, có ai mà chán được cơm cả đời.
Thử cho bạn hai ba bữa tiệc tùng ê hề, lại chỉ thèm thuồng một bát cơm nóng, một tô nước rau muống luộc dầm sấu, thêm vài trái cà pháo giòn tan. Thử cho bạn rảnh rỗi ngồi chơi dăm bữa nửa tháng, lại buồn chân buồn tay khi nhìn thấy một công thức mới lạ, bụng bảo dạ tối nay về làm cho cả nhà thưởng thức.
Cuộc sống hôn nhân là căn bếp ấy, có yêu có giận, có mặn có ngọt. Mở lồng bàn đậy mâm cơm vừa nấu, thấy món yêu thích của chồng, món khoái khẩu của con, mới hiểu cái tình, cái chăm chút quan tâm của người đi chợ, người vào bếp. Ở ngoài thế gian bao nhiêu sơn hào hải vị, nhưng vẫn chỉ mong về ăn bát canh nóng ở nhà, đó mới là cái nặng lòng mà gian bếp nhẹ nhàng gom vào tất cả.
Không phải ai sinh ra cũng là người đầu bếp khéo, cũng như không phải chỉ cần một chữ “yêu” là làm gì cũng đúng. Tôi rất tâm đắc lời tâm sự của một người bạn: “Nấu ăn ngon không phải là nấu đúng theo công thức, mà là biết mình nấu cho ai ăn”. Cuộc sống hôn nhân cũng vậy, cho nhau, vì nhau cũng phải biết cách, bởi đường dài đâu chỉ cần yêu, còn cần phải hiểu. Cũng là món canh chua cá, nhưng thay vì bê nguyên công thức trên sách, người vợ nhớ rằng chồng mình chỉ thích vị thanh thanh của dứa, không thích vị cà chua, thích rắc vào chút hành, răm nhưng lại không thể ăn rau ngổ. Nhớ được điều đó, tô canh chua đâu chỉ còn là tô canh chua thông thường nữa, nó là tô canh của vợ, của sự thấu hiểu và chăm chút yêu thương.
Nhiều người vợ, người chồng cứ tự hỏi: “Tại sao tôi đã hết lòng yêu cô ấy/ anh ấy, hết lòng quan tâm mà cô ấy/ anh ấy vẫn không vừa lòng?”. Liệu đã bao giờ bạn tự hỏi, bạn có hiểu được vợ/chồng mình như người vợ biết nấu tô canh đúng ý chồng ở trên. Vợ ghét hoa hồng, mà bao nhiêu năm chồng cũng chỉ mua tặng một bó hồng đỏ cho mọi dịp. Chồng chỉ thích cà phê đen mà sáng nào vợ cũng pha tách cà phê sữa. Những điều đó giống như một món ăn không hợp khẩu vị, đắt đỏ đến chừng nào, bổ dưỡng đến chừng nào mà không vừa miệng, bạn cũng không thể nuốt trôi.
Ngạn ngữ có câu: “Khi ai đó không yêu bạn theo cách mà bạn muốn, điều đó không có nghĩa là người ta không yêu bạn”. Đúng, nhưng trong một cuộc hôn nhân, nếu không tìm hiểu và hòa hợp, mạnh ai nấy làm, thì chữ chung sống chẳng thể bền bỉ. Ngay cả mấy món ăn đặc sản của vùng miền, khi di chuyển đến nơi khác cũng phải gia giảm cho hòa hợp. Thế nên người Sài Gòn mới ăn phở có trụng hành tây, bún bò Huế ra Bắc thôi không còn cay xé lưỡi. Nấu ăn phải chiều lòng người ăn, sống cùng nhau phải dung hòa với người bạn đời của mình là vậy.
Nhưng dung hòa với nhau, còn phải biết dung hòa trong sự bao dung. Bởi người hoàn hảo bằng mấy, đôi khi cùng có chỗ sai lầm. Đầu bếp giỏi cỡ nào cũng sẽ có lúc nấu ra món ăn không như ý. Không phải hôm nay về dở mâm cơm thấy đĩa nem rán hơi cháy thì đã vội mặt nặng mày nhẹ. Vui vẻ cười xòa cùng nhau ăn bữa cơm dù nem có hơi cháy, cơm có hơi khô, thì món nem ấy sẽ chẳng bao giờ bị cháy cả đời.
Ngày hôm nay khi bạn vào bếp, cứ thử nghĩ xem liệu căn bếp ấy đã nói với mình điều gì trong suốt những ngày qua. Ấm áp hay lạnh lẽo, phải chăng đã đến lúc những người sống chung với nhau nên cùng nhau cời than, nhóm lửa?