“Hồng thập tự”: Nhân đạo, tận tụy, vô tư
Đó là những khái quát về “Hội Chữ thập đỏ” hay “Hồng thập tự” theo cách gọi của dân ta từ xưa. Tên quốc tế chính thức trên văn bản là Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế - International Committee of the Red Cross (viết tắt: ICRC). Thực ra bây giờ nhiều chỗ lại gọi là Ủy ban Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế kia.
Tại sao có sự không thống nhất về tên gọi như vậy khi tôn chỉ, mục đích, hành động vẫn tuyệt đối như xưa? Ta quay lại lịch sử một chút để tìm hiểu cho rõ ngọn ngành.
Bắt đầu từ năm 1859, một doanh nhân người Thụy Sĩ, quý ngài Jean Henri Dunant vô tình phải chứng kiến một trận chiến đẫm máu, có tới hơn 40 ngàn người lính bị thương mà hầu như không có người cứu giúp. Sốc trước cảnh đó, quý ngài Dunant đã bắt đầu các nỗ lực của mình: tổ chức những đội tình nguyện trợ giúp binh sĩ bị thương trên chiến trường bất kể phe phái, nhà nước, khác biệt tôn giáo, chính trị… chỉ với mục đích nhân đạo cứu giúp những người bị thương trong chiến tranh.
Những nỗ lực của ngài J. H. Dunant và nhiều cá nhân tổ chức khác đã dẫn đến một sự kiện đáng ghi nhớ trong lịch sử nhân loại: Ngày 22/8/1864, Công ước Geneve chính thức được thông qua gồm 10 điều, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế được thành lập. Bắt đầu từ đó, sứ mệnh trợ giúp nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ nhanh chóng lan rộng ra toàn thế giới. Cho đến nay, Công ước Geneve ban đầu đã được bổ sung rất nhiều, thành hơn 600 điều. Tuy nhiên, tôn chỉ ban đầu của nó vẫn tuyệt đối được tôn trọng.
Nhưng vì khi thành lập, ngài J. H. Dunant vốn là người theo công giáo, nên ngài lấy chữ thập, biểu tượng thiêng liêng của đạo Thiên Chúa làm dấu hiệu. Khi phong trào trợ giúp nhân đạo trở nên phổ biến trên toàn thế giới, những người theo đạo Hồi cũng rất tích cực hưởng ứng phong trào này, bởi nó cũng khá phù hợp với giáo lý của họ. Thế nhưng vì lý do lịch sử tôn giáo, những người đạo Hồi không thể lấy chữ thập kia làm biểu tượng. Họ bèn lấy hình trăng lưỡi liềm đỏ làm biểu tượng cho mình. Việc này thực ra cũng không quan trọng lắm. Quan trọng là sứ mệnh được ghi trong Công ước Geneve vẫn được tất cả mọi người thực hiện kia.
Thậm chí người Israel còn lấy biểu tượng ngôi sao David, người Iran lấy biểu tượng sư tử đỏ cho tổ chức trợ giúp nhân đạo của quốc gia mình. Chính vì vậy mà ngày nay, chúng ta thấy có khái niệm Ủy ban Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế! Thực tế đã cho thấy, đúng là tên gọi thế nào không quan trọng lắm. Tôn chỉ trợ giúp nhân đạo vô tư, không phân biệt bất cứ điều gì vẫn được tất cả mọi tổ chức thành viên tuyệt đối tuân theo.
Tại nước ta, ngay sau khi tuyên bố độc lập không lâu, ngày 23/11/1946, “Hội Hồng thập tự Việt Nam” đã được thành lập, cho tới nay đã là 75 năm. Ngay từ khi mới ra đời, trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh triền miên ròng rã mấy chục năm, Hội Chữ thập đỏ đã phát huy được vai trò của mình. Những công việc mà hội đã làm trong thời chiến tranh ác liệt không thể kể hết ra đây. Nhưng trong hoàn cảnh thời bình của nước ta hiện nay, vai trò của Hội Chữ thập đỏ lại nổi lên quan trọng hơn bao giờ hết. Đặc biệt trong vấn đề trợ giúp nhân dân bị thiên tai, vốn thường xuyên xảy ra.
Người dân Việt Nam bản chất vốn có lòng nhân đạo, thương người sâu sắc, luôn sống theo đạo lý “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”… Có lẽ vì thế nên dân tộc Việt mới trường tồn và vượt qua những gian khó của lịch sử để đến được ngày hôm nay. Luôn sẵn sàng cứu giúp nhau trong hoạn nạn, đó như là một thuộc tính của dân tộc.
Minh chứng hùng hồn là trong đợt bão lụt tàn phá miền Trung năm 2020, hầu như đồng bào cả nước đã đồng lòng hành động trợ giúp vùng thiên tai bị nạn. Có thể nói, đó là một phong trào trợ giúp chưa từng có trong những năm gần đây về quy mô. Hầu như rộng khắp trong cả nước đều có hoạt động “hướng về miền Trung ruột thịt”. Những trợ giúp kịp thời và hữu hiệu của mọi người, mọi tổ chức, đặc biệt là các hoạt động cứu trợ của Hội Chữ thập đỏ các cấp đã giúp đồng bào ta tại vùng thiên tai qua được cơn hoạn nạn và mau chóng ổn định lại cuộc sống…
Tuy nhiên dịp gần đây, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta biết được những lùm xùm cứu trợ, đặc biệt là của các nghệ sĩ, cá nhân những người có ảnh hưởng trong công chúng đã phát sinh. Thậm chí là có cả hiện tượng lợi dụng cứu trợ để trục lợi cá nhân. Rất buồn. Nhưng cũng từ đó để thấy rằng, vai trò của các tổ chức chính trị xã hội là cực kỳ quan trọng trong công việc cứu trợ nhân đạo. Đặc biệt là vai trò của Hội Chữ thập đỏ nước ta vốn có mạng lưới thành viên từ trung ương đến tận cơ sở.
Chúng ta cần xem xét, đánh giá lại những điều này một cách trung thực và cầu thị. Bởi những năm qua, tuy Hội Chữ thập đỏ đã làm được nhiều việc tốt, nhưng thời gian gần đây hoạt động của hội có phần công thức, hành chính hóa dẫn đến vai trò có nơi có lúc còn mờ nhạt. Và thêm nữa, sự tuyên truyền, quảng bá hình ảnh hoạt động của hội còn hạn chế, dẫn đến nhiều cá nhân những người gọi là người của công chúng, người có sức ảnh hưởng đã tranh thủ đánh bóng hình ảnh, khoa trương những việc làm của họ rồi tranh thủ trục lợi. Đây là một thực tế đáng buồn.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cần nhìn thẳng vào sự thật này để điều chỉnh hoạt động, tổ chức bộ máy tình nguyện trợ giúp nhân dân một cách thật sự hiệu quả, sâu rộng đến tận từng thôn bản xa xôi nhất. Hội cần mở rộng tuyên truyền một cách mạnh mẽ trên mọi phương tiện truyền thông để mọi người dân biết về công việc của mình. Đồng thời cần phải minh bạch hóa, công khai hóa mọi hoạt động thiện nguyện trợ giúp… Từ đó, hội sẽ thu hút được mọi nguồn lực của xã hội cho công việc cứu trợ nhân đạo trong mọi tình huống.
Một khi Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nắm được lá cờ tiên phong cứu trợ như tôn chỉ khi thành lập của mình là: “Nhân đạo, vô tư, trung lập, độc lập, tự nguyện, thống nhất, toàn cầu”, thì các nguồn lực dành cho cứu trợ giúp đỡ đồng bào sẽ tập trung được thành sức mạnh rất to lớn để cùng với các tổ chức chính trị xã hội, cùng với chính quyền sẵn sàng trợ giúp những khu vực, những người gặp khó khăn sớm hồi phục cuộc sống bình thường.
Một đặc điểm cần hết sức chú ý trong công tác Hội Chữ thập đỏ là, nước ta với địa hình trải dài hàng ngàn ki-lô-mét, với nền kinh tế đang phát triển năng động nhưng hệ thống, phương tiện giao thông lại chưa được hoàn chỉnh, quy chuẩn nên tai nạn giao thông luôn là một trong những rủi ro, hiểm họa thường trực với mọi người dân khi tham gia giao thông.
Bởi thế khi di chuyển trên các cung đường, thỉnh thoảng chúng ta nhìn thấy các lá cờ với dấu hiệu chữ thập đỏ luôn sẵn sàng trợ giúp nếu xảy ra tai nạn. Đã có nhiều, rất nhiều sự trợ giúp thiết thực. Nhưng thiết tưởng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng cần chú trọng hơn nữa vấn đề này trong hoạt động của mình. Huấn luyện kỹ năng cấp cứu, sơ cứu tai nạn giao thông; tổ chức mạng lưới ứng phó sẵn sàng 24/24. Và có lẽ hội nên nghĩ đến việc đăng ký với ngành truyền thông một đầu số của mạng lưới trợ giúp nhân đạo khẩn cấp quốc gia, tương tự như các số khẩn cấp 113, 114, 115? Được như thế, hoạt động của hội càng thiết thực và hiệu quả hơn. Và tầm ảnh hưởng của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ tương ứng với vị thế như cần phải có./.