Aa

HoREA kiến nghị tháo gỡ 38 dự án của Tập đoàn Hưng Thịnh và các doanh nghiệp khác

Thứ Sáu, 06/05/2022 - 09:26

Trong số 38 dự án bất động sản mà HoREA kiến nghị TP.HCM tháo gỡ các vướng mắc, Tập đoàn Hưng Thịnh chiếm đến 15 dự án.

Thông tin này được Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết tại văn bản 25/2022/CV- HoREA gửi UBND TP.HCM và Sở Xây dựng về việc báo cáo (bổ sung) các kiến nghị của 29 doanh nghiệp đề nghị xem xét tháo gỡ “vướng mắc” của 38 dự án bất động sản nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở tái định cư”.

Các vướng mắc tại 38 dự án phát triển nhà ở trên địa bàn TP.HCM vừa được HoREA gửi tới UBND TP.HCM tập trung vào những lĩnh vực giải phóng mặt bằng, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, miễn tiền sử dụng đất, dự án vướng sai phạm trong đầu tư xây dựng nên chưa hoàn tất thủ tục giao đất, các sở ngành chậm xác định giá bán nhà ở xã hội nên chưa cấp được sổ cho người mua nhà, dự án chưa được phê duyệt tiền sử dụng đất…

Theo HoREA, hầu hết vướng mắc tại các dự án phát triển nhà ở đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa được thành phố gỡ vướng. Đáng chú ý, trong số 38 dự án bất động sản nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở tái định cư” kiến nghị tháo gỡ, có đến 10 dự án của Tập đoàn Hưng Thịnh gặp vướng mắc trong việc cấp “sổ đỏ”, chủ yếu liên quan tới việc tính tiền sử dụng đất. Đơn cử như dự án Lavita Charm, Citizen.TS, Sài Gòn Mia, Richmond City, Lavita Garden…

Vướng pháp lý nhiều dự án chưa thể làm sổ đỏ cho người dân dù đã nghiệm thu bàn giao đã lâu

Một số dự án khác cũng chưa được cấp sổ đỏ do chưa hoàn thành công tác thẩm định tiền sử dụng đất như Melody Residences, Tân Phú; Sky Center, Tân Bình; 9 View Apartment, TP.Thủ Đức; 8X, 8X Đầm Sen… Ngoài ra, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng nêu đề nghị Sở Xây dựng sớm xem xét, tháo gỡ khó khăn vướng mắc ở các dự án như 12View; 8X Thái An; Q7 Riverside Complex…

Trước đó, vào ngày 15/3/2022, HoREA cũng đã có văn bản 14/2022/CV-HoREA gửi UBND TP.HCM và Sở Xây dựng báo cáo tổng hợp kiến nghị của 57 doanh nghiệp đề nghị xem xét tháo gỡ “vướng mắc” cho 64 dự án bất động sản nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội.

HoREA cho biết, năm 2021, TP.HCM đã chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư cho 20 dự án nhà ở thương mại có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác. Tuy nhiên, do nguyên nhân khách quan và chủ quan, hiện vẫn còn nhiều dự án nhà ở thương mại chưa được công nhận chủ đầu tư.

Từ năm 2021 đến nay, Thường trực UBND TP.HCM đã họp “tổ đầu tư” hàng tuần cùng với Lãnh đạo các Sở, ngành, quận, huyện, thành phố Thủ Đức để xem xét, giải quyết các dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trước hết là bất cập của một số quy định pháp luật nên đến nay vẫn còn nhiều dự án chưa được tháo gỡ.

Điển hình là Điều 23 Luật Nhà ở 2014 hiện hành vẫn bỏ sót, chưa công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đối với trường hợp nhà đầu tư “có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở” nên vẫn chưa thống nhất, chưa liên thông với các quy định của Luật Đất đai 2013 cho phép “tổ chức kinh tế được nhận chuyển quyền sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư” bao gồm “đất nông nghiệp” hoặc “đất phi nông nghiệp không phải là đất ở” mà Tờ trình số 535/TTr-CP ngày 01/12/2021 của Chính phủ gọi là “đất khác không phải là đất ở”. Vì vậy, hiện nay vẫn còn nhiều dự án nhà ở thương mại “có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở” chưa được công nhận chủ đầu tư, mà đây lại thường là các dự án nhà ở có quy mô diện tích lớn.

Bên cạnh đó, có một số dự án bất động sản, nhà ở thương mại thuộc diện phải rà soát lại về pháp lý, hoặc phải kiểm tra, thanh tra, thậm chí thuộc diện bị điều tra, nên các dự án này đã phải dừng triển khai thực hiện hoặc phải dừng các thủ tục đầu tư xây dựng hoặc phải dừng thủ tục cấp “sổ đỏ” cho chủ đầu tư, người mua nhà trong dự án…

Đồng thời, trong khâu thực thi pháp luật cũng bộc lộ bất cập mà trong vài năm gần đây xuất hiện tình trạng một số cán bộ, công chức có tâm lý “sợ trách nhiệm, sợ vướng rủi ro trong thi hành công vụ” nên có biểu hiện đùn đẩy, chuyển hồ sơ lòng vòng hoặc không nêu rõ chính kiến khi trình hồ sơ dự án bất động sản, nhà ở thương mại.

Dự án 9View tại TP.Thủ Đức dù bàn giao đã lâu nhưng vẫn chưa được cấp sổ đỏ

Do đó, Hiệp hội đề nghị sớm tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng của các dự án bất động sản, nhà ở thương mại không thuộc diện bị rà soát pháp lý, không bị kiểm tra, thanh tra, điều tra để tạo điều kiện cho chủ đầu tư tiếp tục thực hiện dự án, được nộp tiền sử dụng đất, được cấp Giấy chứng nhận cho khách hàng mua nhà.

Bên cạnh đó, HoREA đề nghị UBND TP phối hợp hoặc đề xuất với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sớm có kết luận đối với các dự án bất động sản, nhà ở thương mại thuộc diện phải rà soát về pháp lý hoặc phải kiểm tra, thanh tra, điều tra theo hướng rà soát, chấn chỉnh, bổ sung các thủ tục đầu tư xây dựng dự án còn thiếu và khâu mấu chốt là phải định giá đất phù hợp với giá thị trường để tính “tiền sử dụng đất” dự án.

Ngoài ra, HoREA kiến nghị xác định nghĩa vụ tài chính phát sinh bổ sung của doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án với Nhà nước (nếu có) đảm bảo nguyên tắc không làm thất thu ngân sách nhà nước, không làm thất thoát tài sản công, trước hết là đất đai, để các doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án biết rõ và thực hiện kết luận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đồng thời tạo điều kiện ổn định an cư cho người mua nhà.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top