Aa

HueWaco xin lỗi, người dân đòi bồi thường sức khỏe, “truy cứu” đến cùng

Thứ Bảy, 07/08/2021 - 15:45

Lãnh đạo HueWaco - đơn vị cấp nước cho gần 5 vạn dân Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đã tổ chức “tham quan” nhà máy cho một số cơ quan báo chí, người dân đồng thời nói lời xin lỗi sau khi bị tố cung cấp nước bẩn.

Động thái nói trên diễn ra ngay sau khi vào ngày 4/8, người dân có đơn chính thức gửi chính quyền địa phương, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên - Huế (HueWaco) khiếu nại vụ việc; Ủy ban MTTQ Việt Nam địa phương vào cuộc thu thập mẫu nước nhiễm bẩn, tăng cường vai trò giám sát. Đặc biệt, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Lộc có báo cáo nhanh gửi Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế về tình trạng nước sinh hoạt tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô “bị bẩn, đục”.

Hệ thống vòi hút lấy nước sông Thừa Lưu
Hệ thống vòi hút lấy nước sông Thừa Lưu vẫn tiếp tục được sử dụng trong ngày 5/8 (Ảnh: Đình Toàn)

Ủy ban MTTQ: “Công ty vô trách nhiệm!”

Sáng 5/8, một số người dân tại xã Lộc Thủy có đơn khiếu nại HueWaco bất ngờ nhận được điện thoại từ đại diện công ty “mời” đến Nhà máy nước Chân Mây (xã Lộc Tiến) để “dự họp”. Quá bất ngờ, đột xuất nên không có nhiều người dân biết tin để tham gia, dù rằng phạm vi ảnh hưởng của việc Nhà máy nước Chân Mây cấp nước bẩn cho người dân có khoảng 8.500 hộ khách hàng với gần 50 ngàn người trong Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Đặc biệt, không chỉ với người dân mà ngay cả lãnh đạo cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam 3/4 địa phương thuộc Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô là xã Lộc Tiến, Lộc Thủy và Lộc Vĩnh cũng bất ngờ nhận được thông tin mời dự họp một cách kỳ lạ bởi họ không được mời trực tiếp mà qua điện thoại của UBND xã cùng cấp. Lãnh đạo các cơ quan này cho biết do không được thông báo trước và phương thức giao tiếp công việc khiếm nhã, nhất là đối với một tổ chức, một cơ quan đại diện cho nhân dân, cho khối đại đoàn kết toàn dân của địa phương nên thoạt đầu họ không đi.

 Nhà máy nước Chân Mây
Đoàn “tham quan” Nhà máy nước Chân Mây đột xuất do HueWaco tổ chức sáng 5/8 với sự tham dự của một số PV cơ quan báo đài (Ảnh: Đình Toàn)

Tuy nhiên, do được sự động viên của cấp trên, cấp ủy, chính quyền và đồng cảm, thấu hiểu bức xúc của người dân nên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam 3 xã đều đến Nhà máy nước Chân Mây “dự họp” sáng cùng ngày. Đặc biệt, ngoài một số ít phóng viên báo chí trên địa bàn tỉnh có mặt tại nhà máy cùng công ty, tham dự cuộc viếng thăm nhà máy, còn có đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tại đây, trước khi dự họp chính thức, các vị lãnh đạo của các cơ quan MTTQ Việt Nam xã cùng 5 người dân có mặt cùng các khách mời khác được lãnh đạo công ty đưa đi tham quan hệ thống hạ tầng, hạng mục kỹ thuật của nhà máy. Cuộc tham quan nhà máy được đích thân ông Trương Công Nam, Chủ tịch HĐQT HueWaco hướng dẫn, thuyết minh và thông tin những nỗ lực khắc phục “sự cố” vỡ bể chứa số 2 gây ra “nước đục” (từ dùng của HueWaco) cho toàn bộ hệ thống cấp nước ở 3 xã và thị trấn Lăng Cô.

mẫu nước
Mẫu nước được đoàn giám sát do Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Lộc Thủy chủ trì thử nghiệm thủ công tại hộ gia đình cựu cán bộ tư pháp xã Lộc Thủy chiều 4/8/2021 (Ảnh: Đình Toàn)

Tại cuộc họp diễn ra sau chừng 1 giờ “tham quan” nhà máy của đoàn khách mời, ông Trương Công Nam cho biết, năm 2001, HueWaco tiếp nhận Nhà máy nước Chân mây với hệ thống hạ tầng nhiều hạng mục xuống cấp buộc công ty sau đó phải thi công lại và tốn kém khá nhiều. Và một trong những hạng mục của hạng mục cũ ấy bị xuống cấp là bể lọc số 2. Cụ thể là bể lọc đã mục rữa phía đáy bể lọc ở độ sâu 2m, gây mất liên kết với phần đan lọc inox. Phần bông cặn chưa được lọc đã đi xuyên qua chỗ hỏng vào bể chứa và nhân viên không phát hiện được dẫn đến xảy ra “sự cố nước đục”. Ngay sau sự cố công ty đã nỗ lực khắc phục, đồng thời lên truyền hình địa phương xin lỗi khách hàng. Song song với đó, hiện công ty đang gấp rút xây dựng nhà máy cơ động lấy nước chứa tại hồ chứa Thủy Yên - Thủy Cam (xã Lộc Thủy, cách nhà máy hiện tại khoảng 10km) với công suất 2.000 hoặc trên 2.000m3/ngày đêm.

Ông Nam cũng nói rằng, công ty đã có kế hoạch khai thác nguồn nước từ núi Hải Vân (thị trấn Lăng Cô) và núi khe Thầy (xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc) nhưng người dân không đồng ý nên chưa thể thực hiện; riêng suối Mơ (thị trấn Lăng Cô) thì tranh chấp do người dân làm du lịch nên cũng chưa thể lấy được nước. Liên quan đến việc lấy nước sông Thừa Lưu tại vị trí hạ nguồn, ông Nam thừa nhận đây là dòng sông chảy qua ruộng đồng, tù đọng và thấy cả việc người dân vứt rác thải sinh hoạt xuống sông rất phản cảm, nhưng trước tình trạng thiếu hụt nguồn nước công ty buộc phải lấy nguồn nước tại hạ lưu dòng sông này.

Phát biểu tại cuộc họp “đột xuất” nói trên, ông Trương Văn Túc, Chủ tịch MTTQ Việt Nam xã Lộc Tiến nói rằng với tư cách là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, “là người đại diện hợp pháp cho nhân dân và khách hàng của HueWaco”, ông cho rằng: "Theo Điều 6 của hợp đồng dịch vụ cấp nước giữa khách hàng với công ty thì nếu có sự cố xảy ra ngoài ý muốn mà công ty thông báo cho người dân thì người dân sẽ cảm thông. Nhưng cũng trong Điều 6 hợp đồng quy định nếu bên B (HueWaco) làm sai thì phải chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại theo quy định của pháp luật, do đó không có dùng từ "hỗ trợ" ở đây… Trong biên bản làm việc cũng đề nghị ghi rõ là đền bù cho người dân chứ không phải hỗ trợ. Đền bù bao nhiêu thì theo hợp đồng và các quy định khác của pháp luật”. 

Vị lãnh đạo MTTQ Việt Nam xã Lộc Tiến cũng bày tỏ sự không hài lòng với lãnh đạo HueWaco về xử lý trách nhiệm sau sự cố “nước đục”. “Ở đây đồng chí Chủ tịch HĐQT báo cáo là có trách nhiệm với người dân nhưng tôi khẳng định và người dân cũng khẳng định là công ty vô trách nhiệm. Cụ thể là từ ngày 22/7 là đã xảy ra sự cố (báo đài, mạng xã hội đã thông tin). Đến ngày 27/7 tôi thấy chưa xử lý, tôi điện báo cho anh Phương (lãnh đạo nhà máy) báo rằng nước quá nhớp (bẩn). Cái thứ hai, về thực hiện quy chế dân chủ là các đồng chí sai nghiêm trọng. Chẳng hạn các đồng chí nói hiện nay nước suối Voi, Bồ Ghè thiếu, phải lấy nước sông Thừa Lưu, dù chất lượng nước không bằng khe Mệ suối Voi, nhưng thiếu thì phải lấy, nhưng lấy cũng phải nói cho người dân biết. Nhưng quy chế dân chủ ở đây là không thực hiện. Vì thế khi vỡ một cái thì dân rất bức xúc. Tôi đề nghị các cơ quan bảo vệ môi trường cần phải vào cuộc để xử lý”, ông Túc nhấn mạnh.

HueWaco “xin lỗi” người dân, hứa “giảm tiền nước”

Liên quan tình trạng nước bẩn và những bức xúc của người dân, phát biểu tại cuộc họp nói trên, Chủ tịch MTTQ Việt Nam xã Lộc Thủy Nguyễn Văn Sáu cho hay, tại xã Lộc Thủy trong khoảng 2 tuần qua “người dân không chỉ luôn bịt khẩu trang, mà vòi nước cũng phải bịt khẩu trang. Không chỉ 1 cái mà 2 - 3 cái, bà con bịt để mà lọc nước mà uống. Bởi người có tiền thì mua chai nước bình uống, người không có tiền thì phải lọc để uống”.

người dân xã Lộc Tiến
Sau khi nước sinh hoạt nhiễm bẩn, người dân xã Lộc Tiến, một trong 4 địa phương Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô quay lại với cảnh lấy nước giếng, khe để dùng trong gia đình như cách nay 20 năm (Ảnh: Đình Toàn)

“Ủy ban MTTQ Việt Nam xã chúng tôi đã chủ trì lập đoàn để đi kiểm tra, thu thập mẫu tại nhà người dân. Kết quả là có hiện tượng “một lớp vàng đọng lại trên mẫu vật không thể tưởng tượng nổi. Thậm chí một số nơi như cà phê đen. Còn chúng tôi xem các thùng nước bà con lắng lọc lại cách nay mấy hôm thì… quá tội lỗi. Tôi là trưởng đoàn kiểm tra, đã trực tiếp chứng kiến như vậy”, ông Sáu nói.

Tại cuộc họp anh Nguyễn Đăng Hưng, ở thôn An Bàng, xã Lộc Thủy nói rằng, bản thân anh cũng như gần 5 vạn dân Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô bỏ tiền ra mua nước sạch, nhưng công ty không đáp ứng, không làm được trong thời gian vừa qua.

“Bằng mắt thường chứng thực của 5 vạn dân chúng tôi cũng đã thấy nó bẩn như thế, thì quý vị nói những tờ giấy kiểm định chất lượng đo lường của quý vị có hợp lệ không? Đấy là chưa nói việc kiểm nghiệm của quý vị có khách quan không?”, anh Hưng chia sẻ và đề nghị các cơ quan ban ngành phải vào cuộc kiểm tra, xử lý, truy cứu trách nhiệm, bồi thường tổn thất cho người dân, nhất là bồi thường về tổn hại sức khỏe cho người dân trong 6 tháng tới kể từ 1/8. “Người dân đã uống nước bẩn mà công ty cung cấp trong một thời gian dài, hiện tại chưa biểu hiện bệnh nhưng trong thời gian tới mới phát bệnh thì dân biết làm sao?”, anh Hưng nói thêm.

Đồng tình với các đề xuất của anh Hưng, ông Trần Bá Ngọc, ở thôn Nam Phước (Thủy Yên thôn) cho rằng: “Người dân chúng tôi nộp tiền nước trễ 2 - 3 ngày các anh đã cắt nước và phạt tiền chúng tôi. Bây giờ các anh cung cấp cho chúng tôi nước bẩn thì các anh cũng phải bị xử phạt. Đấy là luật chơi do các anh đặt ra kia mà?”.

Chủ tịch HĐQT HueWaco Trương Công Nam
Chủ tịch HĐQT HueWaco Trương Công Nam phân trần những khó khăn về hạ tầng Nhà máy nước Chân Mây khiến bể chứa số 2 xảy ra sự cố dẫn đến gây “nước đục” tại 3 xã và thị trấn Lăng Cô, đồng thời xin lỗi người dân về sự cố (Ảnh: Đình Toàn)

Trả lời, giải đáp ý kiến của người dân cũng như Ủy ban MTTQ Việt Nam Lộc Tiến, Lộc Thủy, ông Trương Công Nam thừa nhận những sai sót “trả giá đắt” của HueWaco và thay mặt lãnh đạo công ty, ông Nam nói lời xin lỗi người dân, khách hàng. Cuối buổi họp ông Nam cho biết sau “sự cố” lần này, công ty hỗ trợ người dân - khách hàng bằng việc giảm 40% tiền nước trên chu kỳ hóa đơn tiền nước 2 tháng cho các hộ khách hàng Nhà máy nước Chân Mây, “tăng gấp đôi” so với mức giảm 20%/chu kỳ tiền nước 2 tháng mà ông Nam đưa ra ở đầu cuộc họp.

Liên quan vấn đề này, người dân cũng không đồng ý mức “hỗ trợ” mà phía HueWaco đưa ra mà yêu cầu phải xử lý bồi thường theo hợp đồng, bồi thường tổn hại sức khỏe; công khai đối thoại rộng rãi với người dân, giải quyết khiếu nại theo luật định, yêu cầu HueWaco chấm dứt việc lấy nước sông Thừa Lưu và sớm cấp nước an toàn trở lại cho gần 5 vạn dân 3 xã và thị trấn Lăng Cô.

“Phải vì sinh mệnh của người dân”

Liên quan sự cố HueWaco cung cấp “nước bẩn” cho dân, tại cuộc viếng thăm, họp bàn tại nhà máy sáng 5/8, Đại tá Lê Văn Vũ, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế nhấn mạnh, đây là vấn đề liên quan đến an ninh nguồn nước. Ông Vũ đề nghị HueWaco phải tính toán lại nguồn cung ứng nước để phục cho vấn đề lọc nước.

“Cái nào có lợi cho dân, có lợi cho sức khỏe cộng đồng thì chúng ta làm. Bởi tôi biết rằng người dân không tin tưởng vào nguồn nước lấy từ sông Thừa Lưu, họ cho rằng quá trình sản xuất nông nghiệp nguồn nước ấy, môi trường nước ở đó đã bị ảnh hưởng do trong quá trình ảnh hưởng xử lý phun thuốc trừ sâu chẳng hạn. Đây là ý kiến của người dân vì vậy đề nghị HueWaco phải lưu ý ý kiến này. Vì đây là vấn đề sinh mệnh do đó chúng ta không thể bỏ qua ý kiến tha thiết của người dân”, ông Lê Văn Vũ nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top