Aa

Người dân Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô phải uống nước bẩn

Thứ Ba, 27/07/2021 - 15:30

Người dân Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phải uống nước bẩn do Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên - Huế (HueWaco) cung cấp.

Những ngày gần đây, người dân các xã Lộc Tiến, Lộc Vĩnh, Lộc Thủy và thị trấn Lăng Cô đã phải dùng nước bẩn nhưng nhiều gia đình không nhận ra hiện tượng này. Mãi đến khi tình trạng nước bẩn được người dân xã Lộc Tiến và Lộc Thủy phát hiện qua kiểm tra thủ công thì tình trạng nước nhiễm bẩn mới được người dân biết đến nhiều hơn.

Nước sạch đầu vòi tại nhà của người dân thôn Phú Cường, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế được người dân kiểm tra lăng lọc qua khăn sạch đêm 26/7
Nước “sạch” đầu vòi tại nhà của người dân thôn Phú Cường, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế được người dân kiểm tra lăng lọc qua khăn sạch đêm 26/7. (Ảnh: Đình Toàn)

Nước chuyển màu như… nhớt!

Theo ghi nhận của PV Reatimes, để kiểm tra chất lượng nước sau khi có nghi ngờ nước nhiễm bẩn, người dân tại xã Lộc Thủy và Lộc Tiến đã dùng khăn sạch hứng nước tại đầu vòi trong gia đình. Sau khi nước chảy qua khăn chừng 2 - 3 phút thì chiếc khăn có lớp cặn, bẩn bám trên bề mặt, màu không khác gì nhớt (luyn) xe đã qua sử dụng. Trong khi đó người dân tại xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc cũng lâm vào tình cảnh không khá hơn khi phải dùng nước “sạch” nhưng lại có màu vàng hoặc đen như màu nhớt.

“Mình hứng một chậu nước, để khoảng 1 giờ sau thì nó lắng xuống bên dưới một lớp cặn như bùn. Trông ghê lắm. Tình trạng như thế này hỏi làm sao không bệnh tật. Chúng tôi đề nghị HueWaco phải có lời giải thích và có trách nhiệm với sức khỏe khách hàng”, anh Trương Đăng, người dân ở thôn Phước Lộc, xã Lộc Tiến bức xúc.

Những chiếc ống cắm xuống sông Thừa Lưu để hút lấy nước, xử lý, sau đó HueWaco cung cấp cho người dân Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô dùng
Những chiếc ống cắm xuống sông Thừa Lưu để hút lấy nước, xử lý, sau đó HueWaco cung cấp cho người dân Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô dùng. (Ảnh: Đình Toàn)

Còn tại tổ dân phố An Cư Đông, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, người dân cho biết “nước sạch” mà bà con dùng trong vài ngày gần đây bỗng dưng có màu vàng “như nước chè” nhưng không phải ai cũng để ý. Nếu người nào để ý lắng lọc nước sẽ nhận ra, còn nhiều người không biết thì cứ thế nấu nướng, ăn uống nên khá nguy hiểm cho sức khỏe.

Người dân cho biết ngày 26/7, sau khi bà con phản ứng với tình trạng nước nhiễm bẩn nói trên, gần tối cùng ngày nước chảy yếu đi, có nơi bị cắt nước đột ngột trong đêm như tại xã Lộc Vĩnh, vùng trung tâm Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Sáng 27/7, một số nơi tình trạng nước bẩn có cải thiện, nước chuyển sang màu sáng trong hơn, nhưng tại tổ dân phố An Cư Đông, thị trấn Lăng Cô thì nước vẫn tiếp tục nhiễm bẩn. Người dân lấy khăn sạch bịt đầu vòi và xả nước một lúc vẫn có hiện tượng bẩn bám vào bề mặt khăn tạo một lớp cặn màu nâu đen. Tại xã Lộc Thủy, một số thôn vẫn còn tình trạng tương tự, nước chưa hết bẩn.

HueWaco hút nước sông bán cho khách hàng khi chưa thỏa thuận

Theo tìm hiểu của PV Reatimes, người dân 4 xã Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đang dùng nguồn nước sinh hoạt do Nhà máy nước Chân Mây thuộc Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên - Huế (HueWaco) cung cấp. Nhà máy nước này đặt tại xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, hoạt động từ năm 2001 với công suất 6.000m3/ngày đêm.

Hệ thống ống dẫn đưa nước sông về nơi xử lý trước khi cung cấp cho dân dùng
Hệ thống ống dẫn đưa nước sông về nơi xử lý trước khi cung cấp cho dân dùng

Theo chu trình xử lý và sản xuất nước tại nhà máy nước này mà HueWaco thông tin, nguồn nước mặt được lấy từ khe nước Bồ Ghè, xã Lộc Tiến ở cao trình +74m và khe Mệ ở cao trình +92m; nước được dẫn bằng 2 tuyến ống PVC DN300 và DN250 có áp về chứa và lắng sơ bộ tại bể điều tiết (công trình được xây dựng từ năm 1936) với dung tích V=8.000m3 ở cao trình +68m. Nước tại bể điều tiết tự chảy đến bể phản ứng giản đơn tạo keo tụ với PAC, sau đó qua bể lắng đứng, rồi đến bể lọc nhanh với cát lọc bằng thạch anh. Quá trình rửa lọc chỉ tiến hành bằng nước rửa ngược. Hoá chất PAC được đưa vào nước bằng hệ thống bơm định lượng. Trước khi vào bể chứa, nước được khử khuẩn bằng nước javen được điện phân trực tiếp tại chỗ từ muối. Nước từ bể chứa tự chảy đến mạng cấp.

Đáng chú ý, nguồn nước cung cấp lẫn chu trình nói trên do HueWaco công bố không có thông tin nào thể hiện việc công ty này sử dụng nước sông để cung cấp cho người dân, khách hàng. Thế nhưng trước những diễn biến bất thường về chất lượng nước, chính người dân đã “phanh phui” việc HueWaco hút nước sông cung cấp nước cho khách hàng. Sở dĩ nói “phanh phui” bởi chính người dân - khách hàng của HueWaco chưa từng được công ty này cung cấp thông tin về sản phẩm mà họ sử dụng là nguồn nước lấy ở sông quê chứ không phải khe suối.

Cụ thể ngày 26/7, một người dân tại xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc đã tự đi tìm hiểu sự việc và phát hiện ra việc Nhà máy nước Chân Mây đã xây dựng, lắp đặt hệ thống ống dẫn, bể lắng và một số hạng mục, thiết bị khác để lấy nước từ sông Thừa Lưu, xã Lộc Tiến để cung ứng cho khách hàng. Thông tin này nhanh chóng tạo làn sóng phản đối trong hàng chục ngàn khách hàng của HueWaco tại 4 xã, thị trấn nói trên bởi người dân chưa từng được trao đổi, thỏa thuận việc cung cấp nước sông để dùng trong sinh hoạt. Không chỉ thế, sông Thừa Lưu là dòng sông nằm gần khu vực có mỏ đá nổ mìn, gần đồng ruộng thường phun thuốc bảo vệ thực vật; có lưu vực sông không rộng nên lượng rác, cặn lưu cữu nhiều tạo nên những nguy cơ mất an toàn cho sức khỏe.

Trước những thông tin bức xúc của khách hàng 3 xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh và thị trấn Lăng Cô về “nước đục”, “nước bẩn” và việc HueWaco hút nước sông cung cấp cho khách hàng, tối 26/7, trên Fanpage của HueWaco phát đi thông báo gửi khách hàng 4 xã, thị trấn này. Qua đó, HueWaco thừa nhận Nhà máy nước Chân Mây đã lấy nước sông Thừa Lưu rồi xử lý, cung ứng cho khách hàng nhưng đã được “kiểm nghiệm” và “đạt QCVN”.

Thông báo của HueWaco có đoạn viết: “Nhà máy nước Chân Mây của HueWACO hiện cấp nước cho toàn bộ các hộ dân tại 3 xã Lộc Tiến, Lộc Vĩnh, Lộc Thủy và thị trấn Lăng Cô. Trước đây, nhà máy sử dụng nguồn nước từ suối Voi và suối Bàu Ghè. Nhưng trước tình trạng biến đổi khí hậu gây nên các hiện tượng cực đoan làm chất lượng nguồn nước suy giảm và không đủ lưu lượng cung cấp cho nhà máy. Vào mùa khô hạn, HueWACO sử dụng thêm nguồn nước sông Thừa Lưu.

Việc sử dụng nguồn nước sông Thừa Lưu, HueWACO đã có công văn gửi UBND huyện Phú Lộc, UBND các xã, Ban cấp nước an toàn tỉnh. Về chất lượng nước, trước khi khai thác, HueWACO đã tiến hành lấy mẫu gửi các trung tâm kiểm nghiệm bên ngoài (Quatest 2 và Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Thừa Thiên - Huế) phân tích các chỉ tiêu về thuốc trừ sâu và chất lượng nước sau xử lý được Trung tâm kiểm soát bệnh tật của tỉnh lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả chất lượng nước sông Thừa Lưu đạt QCVN 08:2015/BTNMT (chất lượng nước mặt sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt); chất lượng nước sau xử lý đạt QCVN 01:2009/BYT (chất lượng nước ăn uống)”.

Người dân 4 xã Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô trả tiền mua nước sạch, nhưng được cung cấp nước có màu, cặn bẩn
Người dân 4 xã Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô trả tiền mua nước sạch, nhưng được cung cấp nước có màu, cặn bẩn. (Ảnh: Đình Toàn)

Sau khi thông tin trên được đăng tải, HueWaco nhận sự phản hồi bức xúc, thậm chí phẫn nộ của khách hàng, nhất là việc họ phải bỏ tiền mua “nước bẩn”, nước đục và nước hút từ sông mà bản thân họ không được thông báo trực tiếp. Sáng 27/7, thông báo của HueWaco trên Fanpage đã đột ngột bị khóa, không còn thấy xuất hiện.

Để làm rõ những thông tin liên quan, sáng 27/7, PV Reatimes đã gọi nhiều cuộc điện thoại liên lạc với Tổng giám đốc HueWaco - ông Trương Công Hân, nhưng vị này chưa nghe máy. Sáng cùng ngày, PV đã nhận được thông tin từ trợ lý của Tổng giám đốc HueWaco là lãnh đạo đang bận họp và sẽ trả lời, thông tin với báo chí sau về tình hình cấp nước tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc sự việc này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top