Aa

Hương bánh quê nhà

Thứ Ba, 28/01/2020 - 13:00

Thưởng thức xong thanh bánh cùng chén trà xanh ủ gừng còn ấm, cha tôi nhẹ nhàng, thủ thỉ kể cho chúng tôi nghe về một thời đã xa, rất xa, nơi ấy là quê hương, là nơi chôn nhau cắt rốn, nơi ký ức một thời của ông để lại.

Năm nào cũng thế, cứ gần đến giao thừa, cha tôi lại dọn chiếc bàn, cái ấm tích pha chè xanh cùng bộ chén sứ nâu sùi và chiếc bánh cáy ra cái bàn nước giữa nhà. Khi tiếng pháo đì đùng từ xa vọng lại, hoặc trên vô tuyến, vang lên lời chúc Tết, ấy là lúc ông nhẹ nhàng lấy trong chiếc hộp giấy cái bánh cáy còn nguyên trong lớp ni lông mỏng.

Ông làm nhẹ nhàng, rất chậm, chậm đến mức có thể nghe rõ từng tiếng kim giây chạy, đếm được từng động tác chiếc bánh được lấy ra. Cũng rất chậm rãi, ông lấy con dao bổ cau. Ông lau mặt phải, ông xoa mặt trái con dao trên tấm khăn sạch, cắt theo chiều ngang chiếc bánh ra từng miếng nhỏ, dày cỡ đốt ngón tay. Ông bày từng thanh bánh lên chiếc đĩa sứ màu nâu đất. Các thanh bánh được đặt từ lòng đĩa hướng ra bên ngoài trông như cánh hoa quỳnh đang nở. Cũng rất chậm, ông mở nắp ấm tích, rót vào các chén sứ khoảng hai phần ba nước chè. Xong, ông lại chậm rãi bỏ tích vào chiếc giành ủ ấm.

Nhìn những thanh bánh có đủ màu sắc từ hồng hồng của gấc đồ xôi, nâu nâu của màu đồng đất hạt gạo nếp cái hoa vàng, anh ánh màu tơ của sắc dành dành vừa độ, lấm tấm vàng nâu của vừng, của lạc còn vương hương, hòa vào vị cay cay, ấm nồng của gừng, chút chan chát của vỏ quất và chút bóng bóng của tóp mỡ ngậy bùi. Dường như những sắc màu của bánh chỉ chờ có thế để được ánh lên cùng sắc vàng như mật chén trà tươi pha đặc. Cầm thanh bánh, nhẹ nhàng và thư thả nhấm một chút, để hương vị của bánh đủ thấm trên đầu lưỡi, đủ nhận được vị của đời rồi nâng chén trà, nhấp một ngụm nhỏ. Ở đó, một hương quê nồng nàn và ấm áp, một thoáng cay, chát của đời, một chút hồng tươi của người, cái ngậy bùi của cuộc sống. Tất cả, tất cả những gì của cuộc đời đều có trong sắc bánh, hương bánh người trao cùng hương trà xanh quyện lại.

Khi mọi người đã thưởng thức xong thanh bánh cùng chén trà xanh ủ gừng còn ấm, cha tôi nhẹ nhàng, thủ thỉ kể cho chúng tôi nghe về một thời đã xa, rất xa, nơi ấy là quê hương, là nơi chôn nhau cắt rốn, nơi ký ức một thời của ông để lại.

Ngày ấy, khi vùng đất Thái Bình còn thuộc trấn Sơn Nam hạ. Nơi vùng đất sình lầy cùng năn nác. Nơi đêm đêm nghe rõ tiếng đập nước của bày giải, thuồng luồng; tiếng cướp mồi chí choét của lũ chuột cống to như bắp chuối đánh nhau tranh ăn; tiếng quàng quạc của bày quạ tranh mồi; tiếng ầm ầm của những con sóng xô nhau ngoài bể. Nơi ấy, làng vạn chài có một gia đình sa cơ lỡ vận, chuyển từ vùng núi Tản, sông Đà xuôi dòng, ngược bể về chài lưới mưu sinh. Con cá có sẵn dưới nước, hạt gạo phải mỏi mắt kiếm tìm. Bát cơm đong đầy mồ hôi của vị chua phèn sông nước. Màu da của người cũng mang váng phèn, loang loét. Sau mỗi bữa ăn, lũ con tuổi tin hin, mải chơi, nô đùa chưa thấy vị mặn của mồ hôi cha, nước mắt mặn mòi của mẹ làm cơm vương vãi ra đầy sàn nhà thuyền. Mẹ lại cặm cụi thu vét những hạt cơm vương vãi, chút bám đáy nồi, tích cóp phơi nắng phòng khi mưa gió, ngày giáp hạt.

Tuy là người chài lưới mưu sinh nhưng người cha lại là người có thú thích chơi hoa. Ông yêu đến đắm đuối loài hoa quỳnh. Mỗi dịp trăng lên, mỗi ngày con nước, mỗi buổi vắng chài, mỗi đêm bỏ bãi, ông lại làm ấm chè tươi ủ tích ra ngồi cạnh chậu quỳnh cuối thuyền, đợi trăng lên.

Thương chồng yêu hoa, thức đêm bên cánh quỳnh mà chỉ có bát chè tươi. Người vợ sáng ngày đi tìm mấy quả dành dành bên sông, dăm ba củ gừng ngoài bãi, nhúm vừng cùng vài ba hạt lạc rang lên giã nhỏ. Bà ghé qua giàn gấc tẻ ai đó bỏ quên bên bìa làng đã chín ửng hái về đồ xôi, rồi hòa vào chút bạc nhạc mỡ lợn. Bà mang đám cơm nguội đánh đều vào hương hoa của đất trời bên bờ, bên bãi làm thành món bánh. Miếng bánh tằn tiện từ cuộc sống và thiên nhiên trao tặng, mỗi khi cắt ra, trên mặt bánh các sắc màu hiện lên lóng lánh như vạt trứng cáy vào mùa sinh nở bám trên ngọn lau, gốc sậy. Bà lặng lẽ làm, ép lại thành bánh dành cho chồng mỗi khi nhâm nhi chén nước chè cùng cánh quỳnh khuya đêm xót ruột.

Thời gian cứ thế trôi, kiếp người cứ thế trải. Một đời, hai đời rồi ba đời. Bờ bãi thành làng, thành xóm. Vạn chài hết chỗ kiếm ăn. Con cá, con tôm người đời giành để mưu sinh. Nhà chài chuyển lên bờ cày cấy làm nông. Tay lưới gửi người, chiếc thuyền trao bạn. Tất cả để lại sông nước làm quà chỉ mang theo cái bánh chắt chiu, tằn tiện từ hạt cơm nguội, từ màu vàng của quả dành dành, từ sắc hồng tươi của gấc, từ vị chát, đăng đắng của vỏ quất khô, từ chút ấm nóng của gừng và cái bùi ngậy của vừng của lạc với chút tóp mỡ từ bạc nhạc mang theo.

Năm tháng lùi xa, chiếc bánh dành cho người cha đêm đêm bên chén chè tươi cùng hương quỳnh đợi nở cũng được đổi thay. Mặc thế, dù năm tháng có lùi xa, xa mãi; dù kiếp người có lớp lớp truyền nhau nhưng hương bánh có đủ ngọt bùi, đắng cay, chua chát vẫn ấm nồng hạt gạo, miếng gừng của kiếp người chẳng hề thay đổi.

Sắc bánh kiếp người, vị bánh nỗi người, hương bánh vẫn vẹn nguyên. Vẫn cái mặn chát chua phèn một thuở, vẫn ấm nóng của chút gừng cay, vẫn hạt cơm đẫm mồ hôi cày cấy.

Bánh cáy đấy hay là ký ức của một thời năn nác, lau sậy nơi đồng đất đã xa của kiếp người thuở hồng hoang chài lưới. Hương quê lẫn trong vị đất chua phèn. Đồng đất quê xưa thấm vào hương bánh chẳng rời xa như cái tên bánh mộc mạc, dân dã từ con cua, con cáy kiếp người.

Mấy đứa chúng tôi ngồi nghe cha tôi kể. Lặng trong tiếng xuân lúc giao thừa có tiếng cỏ nẩy mầm, tiếng lộc vỡ vỏ, lẫn trong hương bánh quê nhà xưa. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top