Aa

Hương cao nguyên

Thứ Năm, 28/07/2022 - 06:15

Tôi chỉ mới hiện diện như vậy, nhưng cũng đủ nhận ra, Tây Nguyên thật đẹp, đất Tây Nguyên thật màu mỡ, trù phú... và đây là dự báo về hạnh phúc.

Tôi vừa trở lại Tây Nguyên. Điều hạnh phúc nhất của tôi là được gặp lại nhạc sỹ Nguyễn Cường, ca sỹ Siu Black trong đêm chung kết cuộc thi “Tiếng hát đại ngàn” do một tờ báo trụ sở chính tại Hà Nội tổ chức. Gặp lại Nguyễn Cường là gặp lại những ca khúc sống mãi với thời gian về Tây Nguyên. Gặp lại Siu Black là gặp lại “chim sơn ca” với tiếng hát cháy bỏng, khắc khoải về đại ngàn. Và tôi nhớ, bước chân tôi từng lăn lộn đi về với Tây Nguyên hùng vĩ.

Tôi là một người nông dân “ra tỉnh”. Năm 1982, sau khi tốt nghiệp đại học, lũ chúng tôi chia tay nhau với tất cả những điều phía trước chưa ai hình dung ra. Tôi “can tội” học giỏi nên được giữ lại cơ quan Bộ tại Hà Nội. Sinh viên xứ Nghệ học cùng, số về quê, số đi Tây Nguyên. Ngày chia tay, các bạn đi Tây Nguyên khóc thay mùa mưa. 

Năm 1985, lần đầu tiên tôi đặt chân lên Tây Nguyên, nhưng đó là lần đến với Đà Lạt, sau một hội nghị tại TP.HCM. Chặng dừng chân đầu tiên là Bảo Lộc của Lâm Đồng - thời đó được mang tên của hy vọng là “thủ phủ” dâu tằm tơ. Tôi chỉ mới hiện diện như vậy, nhưng cũng đủ nhận ra, Tây Nguyên thật đẹp, đất Tây Nguyên thật màu mỡ, trù phú... và đây là dự báo về hạnh phúc. 

Những cánh rừng café hoa nở trắng...

Năm 1996, lần đầu tiên tôi đi xe đò từ TP.HCM lên Đắk Lắk. Dọc theo quốc lộ 14, bên tả và bên hữu theo hướng xe đò, những cánh rừng café hoa nở trắng trời, thi thoảng lại gặp những cánh rừng nguyên sinh bị đốn hạ, khói bốc cao mù mịt. Những người dân di cư có tổ chức và tự phát từ các tỉnh phía Bắc vào Tây Nguyên ngày càng nhiều. Rừng bị băm nát, nhường chỗ cho nương, rẫy. Rừng Tây Nguyên “chảy máu” hàng ngày. 

Trở lại câu chuyện bạn bè thời sinh viên, sau hơn 40 năm gặp lại, số bạn đi Tây Nguyên đều giàu, có diện tích lớn về trang trại, rẫy café, tiêu, cao su... Nhờ đó, tôi nghĩ thế, các bạn đều mua thêm được nhà ở Hà Nội, TP.HCM cho con cái. Tây Nguyên đã bọc đùm, nuôi dưỡng và làm giàu có đời sống vật chất, tiện nghi cho bạn bè. Thời “vật chất”, người Việt chỉ quan tâm đến điều này, sau mới đến con cái học hành, nên cũng là niềm tự hào “thời cuộc”. 

Liệu sự giàu có của các bạn có liên quan đến những cánh rừng đã chết kia hay không? Không phải các bạn tôi là “thủ phạm” đâu, nhưng chắc chắn có sự liên quan. Người Việt đã từ lâu “lên đồng” về vật chất, họ sẵn sang “thu hẹp” không gian sống, trong đó có cánh rừng, dòng sông của mình bằng nhiều cách. Tất nhiên, không thể không có vai trò của “thủ phạm” là công tác quản lý hàng chục năm trời qua.

Người Việt đã từ lâu “lên đồng” về vật chất, họ sẵn sang “thu hẹp” không gian sống, trong đó có cánh rừng, dòng sông của mình bằng nhiều cách...

Trở lại Tây Nguyên lần này, tôi không được gặp nhà thơ đồng hương Đặng Bá Tiến. Anh chỉ kịp qua Khách sạn Ban Mê ở số 3 Hùng Vương, Buôn Ma Thuột gửi qua lễ tân tặng tập thơ “Đặng Bá Tiến Thơ chọn” trước khi lên đường về thăm lại cố thổ. Đặng Bá Tiến là nhà thơ “bạc tóc” vì núi rừng Tây Nguyên, thành danh, nổi danh nhờ những “nhát chém” mà con người đã và đang đặt lên số phận đại ngàn. Ngoài Đặng Bá Tiến, còn có Văn Công Hùng, Đinh Thị Như Thúy... những người ít hay nhiều đã “ký thác” sự nghiệp văn chương cùng Tây Nguyên.

Đến Đắk Lắk lần này tôi có dịp đến Bản Đôn, xã Krông Na. Bản Đôn gọi theo tiếng Lào, bởi cư dân xưa chủ yếu gốc Lào - một địa chỉ du lịch văn hóa, du lịch sinh thái nhưng bây giờ còn là tên một thị trấn, tên một huyện. Bản Đôn bây giờ có dáng dấp phố, về mặt nào đó thật mừng nhưng sâu xa là đăm đắm nỗi lo.

Bản Đôn vốn mang trong mình vẻ đẹp của thiên nhiên, văn hóa, con người đặc trưng nhất của cao nguyên Việt Nam. Chỉ riêng viết về Bản Đôn, trong tập thơ “Linh hồn tiếng hú” của nhà thơ Đặng Bá Tiến có đến 8/69 bài, chiếm 11,5% số bài. Điều đó cho thấy Bản Đôn trở thành niềm day dứt đặc biệt trong trái tim nhà thơ.

“.../ Ta / là con của Bản Đôn/ của rừng xanh/ của suối nguồn, chim, hoa” (câu hỏi của linh hồn). Đây là lời Y Thu (Khun Ju Nốp), một “vua săn voi” rừng nổi tiếng bậc nhất vùng Bản Đôn nhưng cũng chính là cõi lòng Đặng Bá Tiến. Ông xác quyết mình thuộc về rừng xanh Tây Nguyên: “...hãy nhìn đi/ những con voi già đang khóc”, “…/nhìn theo bước chân voi/ nước mắt cũng lăn trên gò má già làng” (Nước mắt ở Bản Đôn).

Con voi là biểu tượng văn hóa của Tây Nguyên. Thân phận của voi Bản Đôn cũng là thân phận một “giá trị” đang bị “bóc lột” đến tận cùng thời thị trường: “…/Ama ngà ngà say/ ôm chân voi ngồi khóc/ thương voi hay thương người?” (Bản Đôn).

Hình ảnh những con voi già cuối cùng chân bước nặng nề, gầy giơ xương ở Bản Đôn. Rất ít người xa xót, chỉ có trái tim thi sỹ rung lên bất lực. Trong “Hồn cẩm hương thơ” (NXB Hội Nhà văn, năm 2017), Đặng Bá Tiến còn có “Lời con voi ở Bản Đôn”:

Chiều nay ta nhai nắng đến rã rời

Chẳng còn cỏ thơm chẳng còn mía ngọt

Ta nuốt cả phận mình trong đắng đót

Bản Đôn ơi ai còn hiểu lòng ta?”.

Con voi là biểu tượng văn hóa của Tây Nguyên.

Hôm tôi đến không gặp voi. Chỉ thấy đồ thủ công mỹ nghệ về voi rừng bán bạt ngàn trong các quầy hàng lưu niệm tại Khu du lịch sinh thái Bản Đôn. Dòng sông Sêrêpôk chảy trầm tư. Những cây chò xanh, cao vút, ngửa cổ lên trời viết lên dòng thông điệp.

Tây Nguyên không còn rừng sẽ là gì? Tiếng hú có linh hồn, là linh hồn… Đặng Bá Tiến không chỉ khóc cho những con voi Bản Đôn, cho những cây thông cuối cùng còn sót lại lên QL14… mà khóc cho muôn vàn hoa lá, vốn tạo nên vẻ đẹp kỳ vĩ của Tây Nguyên xưa. Dường như rừng Tây Nguyên chọn Đặng Bá Tiến để cất tiếng về nỗi đau, về tiếng hú.

Không chỉ đến bây giờ Đặng Bá Tiến mới viết về rừng. Tập trường ca “Rừng cổ tích” ông dự giải Cuộc vận động viết về đề tài công nhân do Hội Nhà văn Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức, giai đoạn 2010 - 2014 và đạt giải nhất. Trường ca này được ông in lại trong “Đặng Bá Tiến Thơ tuyển”, NXB Hội Nhà văn năm 2022.

Nhà thơ Vũ Quần Phương trong lời giới thiệu “Hồn cẩm hương”, NXB Hội Nhà văn 2017 của Đặng Bá Tiến nhận xét: “Sống kỹ lưỡng, thấm đẫm từng ngày những sự kiện, những vui buồn, lo lắng, khổ ải và hy vọng của bà con dân tộc. Phong vị Tây Nguyên thấm vào hồn câu, hồn chữ của thơ anh”. Tập thơ này có hai phần, phần I chính là “Nỗi rừng”. Đặng Bá Tiến viết về tiếng tù và, lời chiêng, con bìm bịp, hoa cúc quỳ; viết về Bản Đôn, sông Sêrêpốk, hồ Lắc… ăm ắp “nỗi đời”, (tên phần II), nỗi người.

Ta bạn với rừng mà giờ bỗng bơ vơ

Không thú, không cây, không cả làn gió mát

Buồn ôm ché, uống hoài không trôi hết

Nỗi nhớ rừng nghẹn đắng giữa lòng ta”, (Ây Nô nhớ rừng).

Tây Nguyên bây giờ không còn “đại ngàn”. Chỉ còn lại những cây thông già là đại diện. Thế nhưng, những năm 2019, 2020, thông trong rừng, ven quốc lộ 14 cũng bị các đối tượng xấu “hủy diệt” với rất nhiều động cơ, trong đó có mắc mưu thương lái nước ngoài. Công an các tỉnh Tây Nguyên phải vào cuộc.

Thông với tư cách là nguồn gen, được người Pháp thời thuộc địa đưa sang Tây Nguyên. Sau này các lâm trường phát triển làm phong phú thêm diện mạo thảm thực vật. Thế nhưng, thông đã và đang “sống sót độc hành”, có thể “lìa đất trong đêm”. “Lần đầu tiên trong đời ta nghe thông nói: “Kiếp sau xin trời đừng bắt tội/ ta làm thông ở xứ sở này”, (Mong ước của thông).

Nhà thơ Văn Công Hùng (hiện sống ở Gia Lai) cũng viết nhiều về rừng.

Những cánh rừng xưa đã thành dĩ vãng

đất lật tung dưới ánh sáng mặt trời

những viên sỏi tự nung trong nắng lửa

đốt mắt nhìn cô gái Jrai”.

...đó là những câu thơ trong trường ca “Rừng vàng biển bạc” của ông. 

Sau khi cuộc thi “Tiếng hát đại ngàn” khép lại màn nhung, tôi về nhà chú em ở thị xã Buôn Hồ. Nhiều lần vào rẫy của người đồng hương xứ Nghệ, nhiều lần nghe bản nhạc “Ly café Ban Mê” của nhạc sỹ Nguyễn Cường. “Ly cà phê như muốn nói / Nói cùng em câu gì / Ly cà phê như muốn hát / Hát cùng em câu gì” giọng ca đầy nội lực, âm vực rộng của ca sỹ Siu Black cất lên da diết, khắc khoải.

Café góp phần làm nên thương hiệu Buôn Ma Thuột, thương hiệu Đắk Lắk.

Phải rồi. Café góp phần làm nên thương hiệu Buôn Ma Thuột, thương hiệu Đắk Lắk. Ly café như muốn nói, nói gì? Không chỉ “Hương bay theo làn tóc vẽ tình yêu mong manh” mà trước đó “Hương bay theo làn khói vẽ mùa xuân long lanh”. Café Buôn Ma Thuột, hạt tiêu Gia Lai... góp phần vì mùa xuân quê hương, đất nước. Không chỉ bằng lợi thế của một vùng đất mà cả lịch sử đấu tranh. 

Làm sao để Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng phát triển bền vững, tiếp nối giữa lịch sử - hiện tại và tương lai? Làm sao để “Hương cao nguyên còn mãi phía trời mây xa” như nhạc sỹ Nguyễn Cường gửi gắm trong ca khúc “Ly café Ban Mê”? Đó là trách nhiệm của thế hệ hôm nay và ngày mai, của tôi và tất cả.

Tây Nguyên đang mùa mưa./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top