Aa

Những mùa hè thơ nhỏ

Nhà thơ Lữ Mai
Nhà thơ Lữ Mai luthimai@gmail.com
Thứ Tư, 13/07/2022 - 06:15

Đã từng và luôn muốn kể cho con nghe những mùa hè thơ nhỏ. Nhưng điều đó có nghĩa gì đâu nếu tuổi thơ con không được tắm gội dưới dòng sông, chạy chân trần trên đường làng, đi bộ thăm bạn ốm...

Hễ hè sang, thể nào cũng phải trả lời, giải thích, động viên cho hàng loạt câu hỏi: "Sao phải về quê hở mẹ? Ở quê thì có những gì? Con về sao thấy chan chán, chả như chuyện mẹ kể ngày xưa”… Biết bắt đầu từ đâu được nhỉ? Không thể nói với con rằng phải thế này, nên thế nọ, hay tiếp tục kể ra bao nhiêu mẩu chuyện còn đong đầy, miên man trong ký ức. Chỉ nhẹ nhàng rón rén gợi mở, vỗ về… để biết con thực sự nghĩ gì và cuối cùng, may chăng le lói thêm hy vọng rằng mình có thể khích lệ con cái chịu hé cánh cửa tâm hồn thêm mà trải nghiệm với cuộc sống mênh mông này.

Cách đây chưa lâu, qua mạng xã hội, nhóm lớp thời tiểu học của chúng tôi được lập ra. Ngày xưa đó, khi còn là những đứa trẻ cắp cặp nhảy nhót giữa đường làng, ai mường tượng được có ngày hôm nay, mỗi đứa một nơi, vẫn nhớ nhung, tha thiết lắm và kết nối với nhau nhờ thế giới ảo. Thuở ấy, nhà cửa, trường lớp, đường sá, ao chuôm… luôn mở ra những không gian ăm ắp sắc màu, thanh âm và cảm xúc. Trường tiểu học của chúng tôi là một gò đất lớn, nổi lên giữa cánh đồng, nghe nói gò đất ấy có từ xa xưa lắm. Chúng tôi vào lớp một, trường vừa được sửa sang, những phần đất mới vừa được cày xới, vun đắp còn nguyên vết tích chiến tranh. Những mảnh bom, góc tiểu sành, mũ áo và tăng võng bộ đội.

Người lớn kể rằng, thời chiến tranh, nơi đây không chỉ là trường học mà gò đất ấy như lòng người mẹ, chở che và cả ru những người lính vào giấc ngàn thu. Trên con đường đến trường, đi qua dốc Gũ, ngoảnh mặt lên mỏm núi sẽ thấy tấm bia căm thù đề rõ ngày, tháng, năm Mỹ ném bom, đã có bao nhiêu thầy cô giáo và học sinh trường tiểu học vĩnh viễn nằm lại. Lạ thay, chúng tôi nghe những câu chuyện đầy đau thương đó và luôn cảm thấy bình thản, thân thương ngay cả khi ngồi gần những ngôi mộ chưa được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ. Chúng tôi thản nhiên chơi ô ăn quan, chơi chắt chơi chuyền, bắn bi… ngay gần đó. Tiếng cười lẫn vào nắng gió xôn xao.

Đường làng, ao chuôm… luôn mở ra những không gian ăm ắp sắc màu, thanh âm và cảm xúc. (Ảnh minh họa)

Học trò quê, ai cũng như ai, ấy vậy nhưng vẫn chia ra từng nhóm, và có những nhân vật đặc biệt, được đặt biệt danh theo xuất thân, tính cách. Quyết “công tử” đích thị là công tử, từ Thủ đô chuyển về theo mẹ. Những gì Quyết có là cả thế giới xa xỉ với chúng tôi. Chiếc hộp bút đầy đủ bút máy, bút chì, com-pa, đến cả cục tẩy cũng rất thơm. Áo quần tinh tươm toàn những mẫu ở quê không ai có. Đặc biệt là, nhà bạn không làm ruộng, mẹ bạn mở cửa hàng sửa chữa đồ điện tử, nhà ngay mặt đường, lát gạch hoa bắt mắt. Mỗi sáng mẹ đưa cậu tới trường đều nán lại, nhìn con qua ô cửa. Có lần, cũng bởi nán lại mà thấy cô bạn cùng lớp chạy tới trêu chọc “công tử” bèn chịu ngay sự nhắc nhở, cảnh báo rất nghiêm. Chị em nhà Hồng, Ninh “thuyền chài” là gọi theo nghề bố mẹ. Nghe đâu con thuyền nhà họ cũng lớn, chứ không phải chiếc thuyền nan cỏn con, nhưng với trẻ quê, những đứa chưa một lần được bước lên thuyền lớn, thì tất cả đều là thuyền chài. Suốt thời gian học cấp một, các thầy cô luôn nơm nớp lo chị em họ và thêm mấy bạn cùng xóm hoặc bên kia sông sẽ nghỉ học xuống thuyền với bố mẹ. Và rồi ngày đó cũng đến, rất gần, ngay khi chúng tôi còn cắp sách. Tôi nhớ ánh mắt buồn buồn, rơm rớm của thầy cô. Nhớ những lần gặp Hồng ở chợ. Hồng đã dậy thì, trổ mã, cao hơn chúng tôi hẳn cái đầu. Gương mặt bạn khi ấy thật đầy đặn, rực rỡ, nhưng buồn vui không rõ. Dung “vẹt” thì đích thị nhỏ bé, nói nhiều như con vẹt. Cũng chính là nhân vật đã nhào đến trêu Quyết “công tử”. Bị nhắc nhở bao nhiêu vẫn không sợ, ngày hôm sau lại như chưa từng có chuyện gì.

“Chị còn nhớ ngày mình đi thăm Hiếu béo bị gẫy tay không?”, câu hỏi của Hường, cô em họ, cũng là bạn học thuở ấy kéo tôi về ký ức vẹn nguyên. Nhớ vết sẹo hình con rết trên tay Hiếu. Nhớ rõ buổi trưa mấy đứa con gái thập thò bên cửa không dám vào thăm, mẹ cậu bạn học nhác thấy bèn mời vào, lấy cả bánh kẹo cho ăn. Đi thăm bạn ốm nhưng vác cái bụng no nê về nhà, rôm rả cả chặng đường. Hiếu bây giờ là bộ đội mang quân hàm xanh. Một người lính tài trí và quả cảm, một tấm gương về sự trong sáng, mẫu mực với chúng tôi. Đôi khi, ở Hà Nội, tôi gặp Quyết, vẫn là Quyết “công tử” tinh tươm, lịch lãm và thành đạt. Quyết thường đi với Sơn “ku ku”, biệt danh từ truyện tranh ngày đó. Sơn ở xã khác đến học, vẫn bị bạn bè có phần ghen tỵ vì được thầy giáo Hải chở đến trường. Thầy Hải là hàng xóm, bà con với Sơn, thường đèo cậu bằng xe đạp. Lúc nào cậu chàng cũng củ mỉ cù mì, hiền lành, vẽ đẹp, mực thước… cho tới tận bây giờ.

Không hiểu vì đâu lại nhớ ký ức nhiều đến thế. Nhớ từng cú nhào lộn trên cây ổi ven bờ ao nhà Phượng Hồng. Nhớ những buổi tập văn nghệ xong, ra ven đường hái quả cà, nướng lên và ăn, thơm ngon đến lạ. Nhớ liên hoan lớp, dẫn nhau lên tận núi voi, lội xuống ao Sao ao Dành – một chiếc ao lớn trên đỉnh núi, quanh năm hoa dành dành và sim, mua nở rực rỡ bên bờ. Trò chuyện, đùa vui, tiếc nuối, giận hờn… rồi lũ trẻ cùng nằm trên những tảng đá lớn như tấm phản. Xa muôn trùng, mờ ảo là biển đó. Bắt đầu thầm thì, mong ước: “Biết bao giờ chúng mình đi tới biển?”, “Trông thế thôi chứ xa vô cùng!”, “Vậy thì học cho giỏi đi!”, “À, không! Hãy lớn thật nhanh và mạnh khỏe nữa chứ”…

Trẻ nhỏ vui đùa trên con đường rơm. (Ảnh minh họa)

“Con tôi ngoan lắm, hiền lắm, chỉ biết có học thôi”, bố tôi vẫn tự hào khắp làng trên xóm dưới. Ngờ đâu, một chiều mùa hè, đi làm về, ngang qua cầu “Quan họ” thấy lũ trẻ đang xúm vào đánh nhau, cặp sách vứt bên đường, may có rơm đang phơi nên không đứa nào bươu đầu mẻ trán. Nhảy vào can ngăn, thấy ngay con gái mình, mà lại “cầm đầu” mới sợ. Cũng chẳng rõ cụ thể nguyên nhân thế nào, nào xóm Bàng, xóm Nứa, xóm Núi… cứ cãi cọ và lao vào nhau. Hôm trước thế, hôm sau lại ô ăn quan, trốn tìm, trèo cây và tập văn nghệ.

Có nhớ nhau không? Có thương nhau không? Có cần thêm những lần gặp lại?... Những câu hỏi trở nên thừa thãi, khi tất cả cùng nhận ra: Hóa ra mình đã chẳng quên điều gì cả. Người công nhân, người giáo viên, người nhà báo… mỗi người một số phận, hoàn cảnh, nhưng hễ “mò” lên nhóm thì y như lũ trẻ ngày xưa. Cũng chành chọe, thắc mắc, tò mò. Rằng vì sao giờ đứa này lại thành chị đứa kia? Sao bỗng dưng mình phải gọi đứa kia là bác? Ồ, hóa ra tuy xa mà gần. Cơ duyên lại thành người nhà hết cả. Anh trai Quyết “công tử” lại cưới Phượng Hồng. Hường gần nhà tôi là em họ Quyết, giờ gọi Hồng là chị. Từ bạn bè rồi bỗng “lên chức” cả. Vui đáo để chứ chẳng đùa.

Khung cảnh đẹp đến nao lòng ở Điện Biên. (Ảnh minh họa)

Tôi luôn ước mong những lần lên biên giới Hiếu sẽ đón mình. Nhưng chưa khi nào đủ cơ duyên để thành hiện thực. Nơi Hiếu đóng quân, tôi nhiều lần đi qua và trở lại, chỉ tiếc lần nào cũng vì lý do gì đó mà không nhắn gọi được cho bạn. Núi đồi ở Điện Biên có những khúc, những nhịp cũng hiền hòa, ngút ngát giống quê tôi. Vẳng nghe đâu đó từ phía núi đồi, đường đất… tiếng cười đùa của lũ trẻ ngày xưa. Lòng thầm dâng lên cảm xúc vô cùng khó tả. Rằng, cũng chẳng quan trọng phải gặp Hiếu, mà trên những cung đường khắp Tổ quốc này, tôi luôn gặp bóng dáng bạn bè mình. Không phải bạn cấp hai, cấp ba, hay thời đại học, mà là những đứa trẻ con bé bỏng năm nào. Cũng như giữa phố phường sầm uất, có lần tôi gặp Quyết và Sơn, cùng uống cà phê ở nhà hàng nổi ven hồ Trúc Bạch. Ba đứa thành ba đứa trẻ ngày xưa. Kể bao nhiêu chuyện cho đủ. Mà cũng lại cảm thấy nói nhiều sẽ thành thừa. Bên nhau, thấy tất cả bạn bè đều ríu rít quanh mình, thế là đủ.

Đã từng và luôn muốn kể cho con nghe những mùa hè thơ nhỏ. Nhưng điều đó có nghĩa gì đâu nếu tuổi thơ con không được tắm gội dưới dòng sông, chạy chân trần trên đường làng, đi bộ thăm bạn ốm, buổi liên hoan mà leo lên tận ngọn núi mờ xa… Đang nghĩ thật lan man chợt điện thoại báo tin nhắn mới. Một bức ảnh con chụp bình minh ở quê. Bên trái là ngôi nhà ngói đỏ, bên phải là một tán cây mảnh mai, duyên dáng. Mặt trời ở giữa nhô lên bừng sáng cả khoảng không gian bình yên tĩnh lặng. Ngôi nhà, mặt trời, cái cây… như những người bạn. Trong bức ảnh còn lưu giữ được, chỉ một khoảnh khắc bên nhau, không cao không thấp, không lớn không nhỏ, không xa không gần… vẫn một tình bạn đẹp. Chợt lóe sáng trong đầu, sẽ kể cho con nghe câu chuyện về tình bạn, từ chính bức ảnh của con, ở chính không gian của thế giới ảo. Những điều thật nhất, gần nhất, vẫn ngời sáng mọi nơi… Bây giờ, ngay lúc này đây, trong tay mẹ và tay con, ắp đầy, thơm hương một mùa hè thơ nhỏ…/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top