Lỗ Ban và thước Lỗ Ban
Lỗ Ban được xem như ông tổ của nghề mộc và nghề xây dựng của Trung Quốc. Ông tên Ban, họ Công Thâu (còn đọc là Công Du), người nước Lỗ (nay là tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc), sống vào thời Xuân Thu (năm 770 – 476 TrCN). Ông là người thợ mộc giỏi của nước Lỗ, đã phát minh ra cây thước lý tưởng, được thợ mộc, thợ xây dựng lúc đó dùng để đo đạc, tính toán các kích thước trong xây dựng và được truyền lại cho đến bây giờ. Thước Lỗ Ban (Lỗ Ban xích) được gọi theo tên của người phát minh ra nó, tức là ông Ban người nước Lỗ.
Trên thước Lỗ Ban có chia theo đơn vị đo chiều dài và các cung tốt hay xấu, giúp người sử dụng biết được kích thước nào đẹp để sử dụng và kích thước nào xấu để tránh. Thước Lỗ Ban được chia làm hai loại, loại dùng cho Dương phần để tính toán cho nhà cửa và các vật dụng cho người sống và loại dùng cho Âm phần để tính toán cho phần mộ và các vật dụng của người chết (đồ thờ…).
Loại thước dùng cho Dương phần dài 429mm được chia làm 8 cung lớn theo thứ tự là Tài, Bệnh, Ly, Nghĩa, Quan, Nạn, Hại, Mạng. Mỗi cung lớn dài 53,625mm, lại chia làm 4 cung nhỏ, mỗi cung 13,4mm. Khi nào dùng thước, thấy trên thước chia làm 8 cung với các tên như trên thì đó là thước 42,9cm (hay còn gọi là thước 43cm theo cách làm tròn).
Loại thước dùng cho Âm phần dài 38,8cm (còn gọi là thước 39cm vì thực chất độ dài của thước là 39cm) được chia làm 10 cung lớn, mỗi cung dài 39mm theo thứ tự là Đinh, Hại, Vượng, Khổ, Nghĩa, Quan, Tử, Hưng, Thất, Tài. Mỗi cung lớn lại chia làm 4 cung nhỏ, mỗi cung dài 9,75mm. Khi nào dùng thước thấy trên thước ghi tên các cung như trên thì là thước 39cm.
Thông thường người ta chỉ dùng hai loại thước phổ biến trên để tính toán cho mọi vật. Tuy nhiên, cũng có người sử dụng loại thước thứ 3 dài 52,2cm dùng để đo riêng cho thông thủy. Thước này chia làm 8 cung lớn, mỗi cung dài 65cm, theo thứ tự là Quý nhân – Hiểm hoạ – Thiên tai – Thiên tài – Phúc lộc – Cô độc – Thiên tặc – Tể tướng. Mỗi cung lớn chia làm 5 cung nhỏ, mỗi cung dài 13cm. Chúng tôi chỉ giới thiệu cách sử dụng hai loại thước 43cm và 39cm, còn loại 52cm chỉ là để tham khảo.
Thợ mộc ngày xưa dùng thước gỗ với các loại riêng biệt nói trên. Ngày nay, để thuận tiện trong sử dụng, người ta tích hợp cả hai loại thước 43cm và 39cm trên một loại thước rút bằng kim loại với các kích thước dài 5m, 7m, 10m… Trên đó chia theo đơn vị đo chiều dài, đồng thời chia ra các cung lớn và cung nhỏ theo thước Lỗ Ban. Ý nghĩa các cung lớn và cung nhỏ đều được ghi cụ thể trên thước, cung tốt in chữ màu đỏ, cung xấu in chữ màu đen. Trong loại thước này, dòng trên là thước 43cm – dùng cho Dương phần và dòng dưới là thước 39cm – dùng cho Âm phần.
Thước Lỗ Ban dùng cho nhà cửa
Thước Lỗ Ban dùng cho Dương phần nói chung và nhà cửa nói riêng là loại 43cm, nằm ở dòng trên trong thước tích hợp. Thước này sử dụng cho cổng, cửa, giường, tủ, bàn ghế…. Tuy nhiên khi làm nhà, người ta chủ yếu quan tâm đến cổng và cửa là chính.
Cách đo theo nguyên tắc đối với không gian có khoảng trống để đi lại hoặc để dòng khí lưu chuyển thì tính theo thông thủy (đo trong lòng, hay còn gọi là lọt lòng); còn đối với bệ, bậc, các đồ vật thì đo phủ bì, tức là tính kích thước bao bọc bên ngoài.
Cách đo các đồ vật: Như đã nói ở trên là tính theo phủ bì, tức là chiều dài x chiều rộng x chiều cao. Cụ thể đối với bàn, ghế, giường, tủ lấy 3 chiều dài x rộng x cao. Nếu bàn hình tròn thì tính theo đường kính, hình elip thì lấy đường kính lớn là chính, có thể kết hợp cả đường kính nhỏ. Khi đo đồ vật, kích thước được tính cho phần rộng và cao nhất (riêng ban thời có cách đo khác nhưng thuộc âm phần nên chúng tôi sẽ đề cập ở bài sau). Đối với các loại khối xây, bệ, bậc… cũng đo theo phủ bì.
Cách đo cổng, cửa: Đối với các khoảng không gian rỗng như cổng, cửa, khoảng cách tầng, giếng giời…, chúng ta vẫn sử dụng thước 43cm nhưng lại đo theo thông thủy chứ không đo phủ bì. Nguyên tắc đo này là do kích thước phong thủy được áp dụng cho nội khí, tức là được tính cho các khoảng lọt lòng thông thủy cho luồng khí đi qua. Do đó phải đo theo khoảng trống, phần tĩnh ổn định chứ không tính theo cánh cửa là phần mở mang tính động. Cụ thể là đo phần lọt lòng nhỏ nhất của khuôn bao, còn gọi là lọt lòng gió.
Đối với cổng, cửa đi lại (cửa sổ không tính): Đo chiều rộng và chiều cao. Riêng đối với cổng, nếu có mái che thì lấy chiều cao, không có mái che thì chỉ lấy chiều rộng. Nếu cổng và cửa có vòm thì lấy đến điểm cao nhất của vòm.
Như vậy, bạn chỉ cần mua một chiếc thước tích hợp cả hai loại nói trên về để đo là được. Chỉ cần nhớ dòng trên là Dương phần - thước 43cm và dòng dưới là Âm phần - thước 39cm; số đo trong khoảng in chữ màu đỏ là cung tốt và chữ màu đen là cung xấu cần tránh. Trong cung tốt lại có các cung nhỏ cụ thể khác nhau, tùy theo sở cầu mà chọn cung phù hợp; ví dụ cung Tài bao gồm các nội dung cụ thể như Tài đức: có tài và có đức; Báo khố: có kho quý; Lục hợp: Đạt được sáu điều ưng ý; Nghênh phúc: Đón điều phúc
Một điều nữa cũng cần lưu ý là việc chọn kích thước là một chuyện, còn thực tế khi xây dựng hay đóng đồ lại là chuyện khác, khó mà theo đúng kích thước chuẩn mình đã chọn đến từng milimet được. Vì vậy để tránh việc sai một ly, đi một… đời, bạn nên chọn số đo ở khoảng giữa cung tốt, chứ không nên chọn ở điểm sát đầu hay sát cuối khung, vì như thế khi thi công chỉ cần lệch đi một ly là sang cung xấu sẽ rất có hại./.