Aa

Niệm khúc tháng tư

Nhà thơ Lữ Mai
Nhà thơ Lữ Mai luthimai@gmail.com
Thứ Hai, 11/04/2022 - 06:15

Ngắm những gánh hoa loa kèn loa lóa trắng, nghe tiếng rao khoan nhặt len lỏi khắp mọi ngõ ngách, mọi con đường của phố phường Hà Nội lại thấy lòng miên man nhớ…

Nhớ lắm mảnh vườn ngày xưa rộng thênh thang luôn dành riêng một góc trồng vài chục khóm hoa loa kèn đủ màu sắc: Trắng, đỏ, vàng cam, hồng phấn… Tháng tư về, he hé ánh mắt tò mò tuổi ấu thơ mỗi sáng thức dậy ùa ra vườn ngắm nghía mầm nụ nhú lên từ nách lá. Tháng tư về, lom khom dáng mẹ tảo tần dậy từ lúc gà vừa gáy sáng, cắt những cành hoa ướt sương xếp vào quang gánh bước đi về phía chợ huyện. Non trưa, mẹ đi chợ về, nắng, gió và bụi đường xa như làm rạc gầy vai mẹ, hai đầu quang gánh là mớ rau, mớ cá cuối chợ, là đôi đồng quà bánh cho tôi và còn găm lại trong những chiếc nan rổ là một vài chiếc lá hoa loa kèn giập nát.

Có những buổi sáng giữa lòng phố phường Hà Nội, bỗng dưng được người bạn thân tặng một đóa hoa loa kèn còn khép nguyên những chiếc nụ màu xanh ngọc bóng bẩy. Ngắm những cành lá căng đầy sức sống, thấy nao nao, bất chợt giật mình vì đã tới mùa loa kèn tháng tư: "Bất chợt yêu một ngày tháng tư/ Người con gái gánh hoa rải mùa theo gió/ Từng dấu chân bước trùng nỗi nhớ/ Hoa loa kèn thôi ngụy biện tháng tư…".

Người mua hoa tinh tế thường là người ra chợ vào đúng lúc những gánh hàng hoa vừa được đặt xuống. (Ảnh minh họa)

Tôi nhớ ngày chưa lập gia đình, đôi khi sang ở cùng bác gái. Cứ đến độ tháng tư này, sáng sáng bác lại ra chợ mua hoa thật sớm. Người mua hoa tinh tế thường là người ra chợ vào đúng lúc những gánh hàng hoa vừa được đặt xuống chốc lát, khoảng thời gian ngắn ấy đủ để những giọt sương đêm loang đều ra khắp cành lá ánh lên một thứ màu xanh bóng căng tràn, đủ để cho hương thơm của từng bông hoa khẽ khàng lan tỏa mà chưa đến độ cạnh tranh nhau, lẫn vào nhau và khoảng thời gian ấy cũng kịp đủ để người quê vấn lại tóc, ngả nón chào mời. Rời thôn quê sống giữa lòng Hà Nội, tôi chợt nhận thấy người Hà Nội có thói quen mua hoa buổi sáng. Thói quen ấy diễn ra thường nhật dần dà trở thành một nét sinh hoạt văn hóa rất đặc trưng của đất Hà thành bao đời nay có tiếng là thanh lịch.

Hoa loa kèn thuộc loài dễ tính, ưa sự giản đơn và mộc mạc. Chơi hoa loa kèn thường ít đòi hỏi sự cắt tỉa cầu kỳ. Thường thì hoa được đem về cắt tỉa đôi chút rồi cắm vào bình gốm đặt nơi có nhiều ánh sáng. Cứ thế, người ta ngắm nghía, thưởng thức vẻ đẹp của hoa từ lúc còn khép nụ tới khi sáu cánh hoa bung nở đến độ khoe ra màu trắng thanh khiết và mùi hương ngai ngái, thoang thoảng tỏa lan khắp căn phòng.

Bức tranh sơn dầu của họa sĩ Tô Ngọc Vân.

Nhắc tới loài hoa này, thật khó để không liên tưởng ngay tới bức tranh sơn dầu của họa sĩ Tô Ngọc Vân với dáng hình thiếu nữ Hà Nội áo dài trắng, nghiêng mình hoa. Không gian đó mộng mơ, dịu dàng, nhưng cái hay, cái đẹp lại do mỗi người tự cảm nhận, tự thu lượm từng nét riêng đầy ý tứ, ý niệm. Hoa loa kèn rất đẹp về mặt tạo hình. Vừa giản dị, vừa đài các. Vừa trắng trong vừa mông lung. Chỉ cần một bình hoa cánh trắng nhụy vàng cắm vào gốm, đặt ở không gian nào cũng đều sáng bừng như gọi nắng về.

Bước trên đường phố Hà Nội vào khoảnh khắc đầu tháng tư này, ta dễ dàng bắt gặp những cành hoa loa kèn còn nguyên chồi nụ đợi hé dần làm duyên với nắng và người. Tháng tư, hoa loa kèn kín đáo điểm thêm thứ sắc màu tươi tắn cho những gánh hoa chở mùa vào phố, chở cả lo toan chật vật dọc những con đường xe cộ ngược xuôi, nhịp sống ồn ào, tấp nập. Người yêu hoa, yêu vẻ đẹp giản dị mà trong sáng cứ mỗi độ tháng tư về lại nhắc tới hoa loa kèn như một niệm khúc của thời gian đầy thương nhớ.

Tôi cũng từng mang mùa hoa đi khắp muôn nơi. Gửi tặng một người bạn ở Quảng Trị nắng gió. Gửi vào phương Nam tươi vỡ những nỗi niềm. Tháng tư, trên những chuyến bay, có thể bạn sẽ thường xuyên bắt gặp cảnh tượng một ai đó nâng niu cái gói báo dài dài, sợ đụng chạm va quệt lúc lên và xuống máy bay. Trong từng lớp báo dễ là hoa loa kèn lắm. Ai ở xa về Hà Nội, ngắm nghía phố phường, không gian từng nhà quen thân đã đành, lúc rời xa, thể nào cũng mang theo một bó hoa nho nhỏ.

Rồi lại rưng rưng nhớ nhung, đâu đó, nơi từng góc phố, hàng cây lơ đãng rớt rơi niềm thương về một sắc hoa. Sắc hoa khiến cho nắng cũng trở nên ám ảnh, và khiến ta bất chợt khát khao cơn mưa lớn ùa về như một nỗi hoài mong ký ức. Những năm tháng tuổi thơ, mặc cho mưa ào ào trút xuống, người trong làng vẫn vác cày, giong trâu ra đồng, tiếng gọi nhau, reo hò vang lên át cả tiếng gió mưa, sấm chớp. Đường cày đều nhau chạy dọc dài theo bờ ruộng. Trẻ  con ra đón trâu để chăn, thả sức chạy nhảy khắp đồng, vùng vẫy trong các vũng nước mưa đến nỗi đứa nào, đứa nấy ướt như chuột lột. Vùng quê nghèo sau cơn mưa như bừng tỉnh bởi sự đánh thức của thiên nhiên, con người sau thời gian nghỉ ngơi chờ thời vụ…

Và nhớ cả buổi sáng Hà Nội, khi còn rảo bước trên đường phố, gió đã hất tung mái tóc rối bù, tán sấu già mướt xanh hào hứng đón những giọt mưa đầu tiên rồi bình nhiên trả về lòng đất. Bao mộng mơ xưa cũ quay về, mưa đầu hạ rưng rưng thời cắp sách. Có cô trò ngồi bên cửa sổ hoa bằng lăng, hoa phượng vĩ, tay run run trang lưu bút đầu đời… Tiếng ve đã rộ lên từng đợt đầu tiên rồi lặng phắc im ắng, nghe ngóng như chơi trò ú tim. Ôi chao, kiếp ve sầu, như đời nghệ sỹ hát rong đôi lần ngang qua cuộc đời ta, ta ngây người lắng nghe và rón rén đưa từng đồng xu bạc lẻ…

Mưa đầu hạ mang về sự thanh tịnh trong tâm hồn con người. (Ảnh minh họa)

Một sắc hoa miên man trắng cũng đủ đánh thức cả tiếng ve sôi nổi một thời. Ai đã từng tìm nhặt xác ve rỗng không, trong suốt giòn tan như giấy bóng mới thấy xót thương cho quãng đời ngắn ngủi của loài ve. Trải qua nhiều chuyến đi của cuộc đời, lần lượt từng xác ve tôi mang theo không còn nguyên vẹn nữa, cái thì bị nát từ trong vali, cái thì tự vụn vỡ ngay khi vừa chạm nhẹ… Nhưng tôi vẫn giữ lại những mảnh vụn như sự tưởng nhớ đến ngày chúng còn ca hát, nhớ đến những buổi trưa cùng bạn bè nằm dưới vòm cây đoán xem dàn đồng ca kia được tạo nên bởi bao nhiêu “nghệ sĩ”. Đôi khi, tôi thèm được nhìn thấy lại màu xanh biếc trên những đôi cánh mỏng đập đập khi gió thoảng qua. Nhưng tất cả những cảm xúc ấy, chỉ được đánh thức bởi một sắc hoa. Bởi những niềm mong ngóng. “Tháng mấy trời mưa hỡi em/ Mà chiều nay mây dệt xám khung trời/ Đường ngày xưa vắng em, một mình anh lẻ loi/ Nẻo về xa bước chân sao nghe lạnh lùng”… giọng hát Khánh Ly bản thu âm từ trước năm 1975 vang lên trong máy hát cuộn trào nỗi chia phôi, trùng phùng mà da diết. Ai nghe xa vắng trong lòng mà đường gió nẻo mây cuối trời vẫn dáng người lẻ bóng.

Mùa hoa ùa đến nhanh như gió, và cho tới khi đã qua đi thì dư âm vẫn còn vương vít. Lướt qua một tà áo trắng, một vầng nắng ban mai, ta cứ mãi bâng khuâng nhớ sắc hoa tinh khôi, hương thơm dịu nhẹ. Loài hoa chỉ thuộc về tháng tư, nhưng ngay cả khi tháng tư đã qua đi rồi thì ngăn hoài niệm cứ mở ra mãi bằng nỗi nhớ bình dị, thanh tao làm ta nhớ một khoảng trời Hà Nội. Buổi ấy, mưa bắt đầu ngớt hạt nhưng vẫn nghe rõ tiếng mưa lộp bộp dưới mái hiên, tiếng mưa tí tách trên khung sắt ngoài ban công… hòa vào nhau làm nên khúc nhạc dịu lắng. Ngồi trong nhà, lắng nghe giai điệu của mưa, lắng nghe giai điệu tình yêu phát ra từ chiếc loa nhỏ… Cảm giác nhẹ nhõm đến lạ kỳ. Mưa đầu hạ và hoa loa kèn mang về sự thanh tịnh trong tâm hồn con người, vũng nước đọng bên hè phố cũng thật là trong. Chợt thèm được vào bếp nấu bữa cơm chay. Chút muối vừng đen đen trắng trắng, dăm cái nem chay bóng vàng, canh mồng tơi thanh mát, vài bìa đậu phụ hoa mơ... và tất nhiên không thể thiếu bình hoa như những chiếc loa phát ra từng niệm khúc ký ức./. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top