Aa

Hương nắng Làng Sen

Thứ Sáu, 19/05/2023 - 06:06

Trở về trong hương nắng Làng Sen, lòng ta như rộng mở hơn, thân thiết đồng cảm hơn và xích lại gần nhau hơn bởi có chung một tình cảm thiêng liêng với vị cha già dân tộc...

Tháng 5 này ta lại về thăm quê Bác ở Làng Sen. Đó là quê chung của mỗi người dân Việt Nam, cũng là một địa chỉ văn hóa lịch sử thân thiết cội nguồn; là nơi đã sinh ra một con người vĩ đại mà vô cùng giản dị, thanh cao như vẻ đẹp của hoa sen, hương sen.

Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là hoa sen nở rộ vào dịp tháng 5 có ngày sinh của Bác. Đó là sự chắt lọc tinh túy của tạo hóa đất trời mà Bác Hồ - “Người là đài hoa sen tỏa ngát hương trời” (Thuận Yến). Về quê Bác tháng 5, ta bỗng nhận ra hương nắng bắt đầu từ hương sen, từ hoa trái cây vườn, từ lòng người thơm thảo. Đó là nguồn dưỡng khí tinh khiết dồi dào, tươi mới, rạng rỡ, trong ngần lọc qua bao bụi bặm, sương gió để ánh xạ hào quang và bừng sáng lan tỏa. Hương nắng, hương sen quê Bác cho ta cảm nhận được qua ngọn gió đồng thơm hương lúa chín vàng, qua: “Ba gian nhà trống nồm đưa võng / Một chiếc giường tre chiếu mỏng manh” (Tố Hữu). 

Hoa sen có những đặc tính mà không loài hoa nào có được. Đó là khi cả đầm sen nở rộ, hương thơm tỏa ra ngào ngạt nhưng tuyệt nhiên không hề thấy có con ong, cái bướm nào vờn quanh. Hình như hoa sen sinh ra để dâng tặng Bác Hồ, dâng tặng ngày sinh của Bác. Tuy mọc giữa ao hồ, giữa bùn đen nhưng hương sen tinh khiết, thanh tao. Các nhà khoa học cho rằng: “Hoa sen có khả năng chuyển hóa vùng nước từ ô nhiễm thành trong không dơ bẩn”. Chỉ có hoa sen mới có “tâm sen”, chữ “tâm” của đạo Phật là hạt giống của tình người, của lòng từ bi hỷ xả.

Về quê Bác tháng 5, ta bỗng nhận ra hương nắng bắt đầu từ hương sen, từ hoa trái cây vườn, từ lòng người thơm thảo.  (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Sen là một loài hoa đặc biệt, vừa là hoa vừa là vị thuốc. Sen được tôn vinh như là quốc hoa nước Việt, mang trong mình một “căn cước văn hóa” và “căn cước tâm linh”. Khi còn búp giống hình trái tim, giống búp tay thon măng của cô gái trong điệu múa cổ. Khi nở ra thì tỏa ánh hào quang như hào quang quanh tượng Đức Phật tọa thiền trên đài sen. Tháng 5 trời nắng, hạt sen làm dịu mát bằng món chè sen dân dã của làng quê Việt Nam. Ao sen như cái máy điều hòa, điều nhiệt, điều hương. 

Sau bao năm xa cách quê nhà bôn ba tìm đường cứu nước cho dân tộc, làm cách mạng đưa đất nước thoát khỏi ách thống trị của thực dân Pháp, Bác trở về thăm quê Làng Sen được 2 lần. Lần đầu từ mùa hè năm 1957 và lần cuối vào đông 1961. Anh trai Bác mất, do bận việc nước Bác không về được. Trong ngôi nhà lưu niệm ở Khu di tích Kim Liên còn ghi lại lời Bác nghẹn ngào khiến cho mọi người ai cũng xúc động thấm thía những hy sinh của Bác: “Nghe tin anh cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu. Than ôi, tôi xin chịu tội trước linh hồn anh và xin bà con lượng thứ cho một người con đã hy sinh tình nhà vì lo việc nước”.  

Suốt cuộc đời Bác sống thanh cao và giản dị; người gắn bó với đôi dép cao su mộc mạc đơn sơ; với tấm áo kaki bạc màu nắng gió, với giọng trầm ấm miền Trung. Bác yêu những làn điệu dân ca như bầu sữa mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn Người từ khi mới lọt lòng trên tấm võng đay của cánh võng Làng Sen, đến tận lúc trước khi về gặp các cụ Các Mác - Lênin, Bác vẫn tha thiết được nghe một làn điệu dân ca. Nhạc sĩ Trần Hoàn trong bài hát “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” đã ngân lên da diết những cung bậc ân tình làm thổn thức lòng người: “Chuyện kể rằng trước lúc người ra đi - Bác muốn nghe một câu hò xứ Nghệ”. Đó là làn điệu dân ca nơi Bác đã sinh ra. Và Bác muốn nghe một câu hò Huế mênh mang - nơi Người đã có bao kỷ niệm gắn bó ở đó lúc còn nhỏ. Người khát khao “Rằng người ơi người ở đừng về” của làng quê quan họ. Mỗi dòng sông ngọn núi, mỗi bản làng thôn quê cho đến “Sữa để em thơ, lụa tặng già” (Tố Hữu), tất cả đều hòa quyện trong tình cảm máu thịt thiêng liêng của Người.

Bác Hồ về thăm quê. (Ảnh tư liệu: Báo Nghệ An)

Trên ngực áo Người không một tấm huân chương khi Người đưa tay ấp lên ngực mình: “Miền Nam trong trái tim tôi”. Trái tim của vị lãnh tụ dù bôn ba khắp năm châu bốn biển, khi về tới cột mốc 108 của Cao Bằng, người đã cúi xuống hôn lên hòn đất tổ quốc. Ôi, hòn đất của đất nước hình chữ S thân yêu có cả một trầm tích lịch sử vẻ vang, có cả một truyền thống huy hoàng đã thấm máu bao anh hùng liệt sỹ. Hòn đất ấm nóng tay Người biểu trưng cho ý chí bất khuất kiên cường, cho khát vọng thống nhất hòa bình: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Hòn đất mà hương nắng Làng Sen của linh khí đất trời tổ quốc đã truyền, đã thấm, đã lan tỏa, đã chưng cất, đã “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” như câu thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi thật hào sảng trong bài thơ Đất nước. Như hoa sen, hương sen “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” đã vươn dậy tỏa hương, đã bừng sáng, đã thành logo trên những cánh bay hàng không, là sứ giả hòa bình vươn tầm cao đất nước, vị thế của thời đại Hồ Chí Minh đến với bạn bè quốc tế. 

Về Làng Sen tháng 5, ta thăm lại ngôi nhà Bác ở thời niên thiếu. Hiện ra trước mắt ta với mái nhà tranh vách nứa, những vật dụng sinh hoạt hằng ngày quen thuộc đơn sơ như bao nếp nhà nông thôn khác đã nhuốm màu thời gian. Khoảng sân và thửa vườn cây cau cây bưởi, tất cả vẫn còn đó vẹn nguyên, có gì rất đỗi thân thương, gần gũi trong từng kỷ vật còn hơi ấm tay Người, bỗng trào dâng những cảm xúc bồi hồi nhớ Bác.

Khu vườn nhỏ trước nhà Bác có những loài hoa rất bình dị thiết thân với người nông dân Việt Nam, đó là hoa khoai, hoa lạc. Còn nhớ trong lần đón Bác về thăm quê, lãnh đạo tỉnh Nghệ An xin phép Bác trồng thêm hoa trong mảnh vườn này để làm đẹp thêm cảnh quan. Lúc đó mùa hoa khoai lang đang nở, Bác cười và nói: “Trồng hoa cũng đẹp cũng tốt nhưng Bác thấy hoa khoai lang cũng đẹp”. Lãnh đạo Nghệ An hiểu ý rằng trong khi đất nước đang còn khó khăn, phải tích cực tăng gia sản xuất, phải tận dụng từng thước đất để lo cho cái ăn của dân. Từ đó, mảnh vườn trước nhà Bác vẫn chắt chiu những củ khoai củ lạc, dẫu rằng bây giờ cuộc sống của người dân đã khá hơn nhiều. Ôi tấm lòng của Bác Hồ thật cao cả, thật thấm thía, thật ân tình biết bao.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng cây đa tại Công viên Thống Nhất mở đầu Tết trồng cây do Người phát động (11/01/1960) - Nguồn ảnh: Ban Quản lý Lăng

“Thăm lại vườn xưa mái cỏ tranh/ Thương hàng dâm bụt, luống rau xanh” (Tố Hữu). Ta mới hiểu vì sao Bác Hồ với cương vị Chủ tịch nước vẫn ở nếp nhà sàn lộng gió giữa bát ngát cây vườn muôn hoa khoe sắc; ta mới hiểu vì sao Bác chăm chút cây vú sữa đồng bào miền Nam tặng với một tình cảm đặc biệt. Ta mới hiểu vì sao trên chiến khu Việt Bắc những tháng năm gian khổ trường kỳ kháng chiến, Bác vẫn cho trồng các loại cây ăn quả mà mặc dù có thể nay mai dời đi nhưng Bác bảo: “Ta trồng, ta đi thì để cho người sau đến ở đến ăn”. Ta mới hiểu vì sao Người có tầm nhìn chiến lược rất nhân văn khi phát động “Tết trồng cây” với mục đích “Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người”. Một con người sống hòa mình với thiên nhiên, với suối “Lênin”, với núi “Các Mác”; một con người chúc Tết đồng bào bằng những câu thơ có tầm dự báo tiên tri chiến lược dễ nhớ, dễ thuộc; một con người “Ai yêu các nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh” với: “Đêm thu trăng sáng như gương / Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng”. Con người đó, nhân cách cao cả đó đã được sinh ra, nuôi dưỡng, được tắm mình lớn lên trong hương nắng của Làng Sen, hương của cuộc đời, hương của sự chắt chiu chắt lọc sưởi ấm, hương của cây đời xanh tươi, hương của tình người đầm ấm.

Người về thăm quê: “Gặp lại tiếng thoi mẹ ngồi dệt vải / Gặp lại giọng trầm đêm trăng cha đọc thơ / Gặp lại tuổi thơ đi nghe hát đò đưa” (Người về thăm quê - Thuận Yến). Làng Sen bao năm vẫn vẹn nguyên trong ký ức của Người: Vẫn hàng rào dâm bụt đỏ vườn quê, vẫn những ngõ đường đầm hương sen ngan ngát, vẫn lò rèn của cố Điểm, vẫn giếng Cốc lúc còn nhỏ Người hay ra múc nước, vẫn khung cửi mẹ Loan dệt vải năm nào. Trở về Làng Sen, ta gặp ở đây giọng nói trăm quê, gặp lại xúc cảm bao lứa tuổi không chỉ trong tâm khảm của người con đất Việt mà cả bạn bè quốc tế. Trở về trong hương nắng Làng Sen, lòng ta như rộng mở hơn, thân thiết đồng cảm hơn và xích lại gần nhau hơn bởi có chung một tình cảm thiêng liêng với vị cha già dân tộc: “Người không con mà có triệu con / Nhân dân ta gọi người là Bác / Cả đời người là của nước non” (Nguyễn Đình Thi). 

Trở về Làng Sen, mỗi người như bắt gặp ở đây hình bóng của chính quê hương mình mộc mạc đến đơn sơ, bình dị đến gần gũi. Ta cũng như thấy đâu đó hình bóng Bác đang đi giữa “Làng Trù quê mẹ và Làng Sen quê cha”, để rồi bao xúc cảm bồi hồi bỗng trào dâng, với bao niềm kính yêu thành kính, bao tình cảm yêu thương tìm về ký ức cội nguồn. Hương sen tháng năm chính là hương của Bác: “Một đời thanh bạch, chẳng vàng son / Mong manh áo vải hồn muôn trượng / Hơn tượng đồng phơi những lối mòn” (Tố Hữu). Và tên Bác, tấm gương đạo đức, phong cách của Bác như một áng ca dao thật hay, thuần Việt: “Tháp mười đẹp nhất bông sen / Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” (Bảo  Định Giang).

Hà Tĩnh, tháng 05 năm 2023

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top