Có một sắc thắm Điện Biên đã choàng lên tấm áo xanh của “cánh rừng Đại tướng” ở Mường Phăng nơi đóng đại bản doanh Bộ Tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ - “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Những cánh rừng nguyên sinh cổ thụ vào dịp giải phóng Điện Biên bạt ngàn hoa ban nở. Màu hoa trắng tinh khiết mỏng manh, mơ màng mà tươi thắm, đắm đuối mà thổn thức phập phồng như những cánh bướm trắng đính trên hàng cúc áo những cô gái Thái có mái tóc dài như suối chảy giữa bản làng uốn quanh những nếp nhà sàn. Tấm áo Điện Biên mà nhà thơ Tố Hữu đã kết lên đó một vòng hoa 5 sắc màu rực rỡ đan cài vào nhau những gam màu: Thanh (xanh), hồng, lam, trắng, vàng từ tên các địa danh lịch sử gắn liền với mặt trận Điện Biên Phủ thật tài hoa, thật lãng mạn, thật hào hùng:
“Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam
Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng” .
Vòng hoa chiến thắng đó cũng chính là vòng hoa dâng lên tượng đài các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống nơi đây để làm nên một Điện Biên chấn động địa cầu.
Tôi có ấn tượng sâu sắc với tấm áo trấn thủ Điện Biên với những đường may chéo hình quả trám. Mỗi đường may như gửi gắm vào đó bao tình cảm quân dân như “cá với nước”. Có lẽ ít có tấm quân phục nào giản dị đơn sơ mà sống mãi trong ký ức người lính Điện Biên đậm nét như thế. 36 đường may trên áo là 36 đường gian khó, là những ngày rát bàn tay, rộp da tay, chân bấm võng nền đường mòn vẹt cả đế giày, đế dép để “kéo pháo vào” rồi “kéo pháo ra” thực hiện phương châm nổi tiếng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - “Đánh chắc, tiến chắc”.
Đôi lúc tôi cứ hình dung tấm áo trấn thủ đó là một khối bộc phá hình vuông mà trái tim người lính là nụ xòe có sức công phá mạnh hơn thuốc nổ. Đó là sức mạnh tinh thần, là ý chí, là niềm tin, là những gì thật thân quen, mộc mạc như bờ tre, ruộng lúa. Có một tấm ảnh ám ảnh tôi mãi về tình quân dân: Gương mặt bầu bĩnh trẻ trung của người chiến sĩ thật hồn nhiên bên người mẹ đang vá áo trấn thủ cho mình. Sợi chỉ mỏng manh nối giữa mẹ con mà bền chặt, mà sắt son, mà thủy chung, rút ngắn lại bao khoảng cách từ chiến trường với hậu phương. Vang vọng trong tôi lời bài hát: “Tấm áo ấy, bấy lâu nay con thường vẫn mặc”.
Vâng, thưa mẹ, tấm áo đơn sơ ấy người chiến sĩ trẻ Điện Biên mặc trong những đêm công đồn, trong những ngày hành quân mưa dầm, cơm vắt. Sợi chỉ tình thương đã đan cài dệt nối hơi ấm của hậu phương ra đến chiến hào cho con hình dung những ngả đường xóm thôn, quê kiểng đan chéo vào nhau trên tấm áo trấn thủ với những đường may da diết. Những đường may hằn sâu ấy lại là chính những đường hào trên chiến trường Điện Biên Phủ vây lấn, siết chặt cứ điểm quân thù. Tấm áo ấy mang cả hình hài đứa con của mẹ thật gọn ghẽ, rắn chắc với hàng cúc áo đơn sơ mà siết chặt, nung nấu hơn cả bất cứ tấm áo giáp nào.
Tấm áo trấn thủ Điện Biên với những nẻo đường rừng trập trùng đèo dốc, với “Hò dô ta nào…”, đến bây giờ sợi dây kéo pháo vẫn căng không thể đứt trước bao gian khó đời thường khi vẫn còn đó những vực sâu thăm thẳm vô hình và người lính vẫn gồng mình lên trong tư thế tiến công. Tấm áo trấn thủ Điện Biên giờ đang nằm trong tủ kính bảo tàng, vết đạn xưa vẫn nhìn ta nhức nhối. Năm tháng sẽ qua đi, sợi chỉ vá áo có thể bục ra như những mảnh thời gian nhưng xâu chuỗi những đường may tấm áo thì vẫn hằn sâu gắn kết nhau tạo ra những ô vuông, hình thoi, như một căn cước của lịch sử.
Những nếp gấp quá khứ ôm trọn vẹn hình vóc, dáng đứng, tư thế của người chiến sĩ Điện Biên mà khó có tượng đài nào chạm khắc được. Bởi đó là hình hài, là tâm hồn, là nguồn cội, điểm tựa, là bệ phóng niềm tin. Bởi đằng sau những đường may chằng chịt như chiến hào ấy là trái tim người lính. Tôi bồi hồi khi nâng trên tay mình những kỷ vật của người anh hùng lấp lỗ châu mai Phan Đình Giót quê tôi. Đó là khẩu súng tiểu liên, là chiếc bi đông và đặc biệt tấm áo trấn thủ của anh còn sót lại trong ba lô của mình. Những người đồng đội đã mang tặng cho nhà lưu niệm của anh ở quê nhà - một làng quê nghèo miền Trung gió Lào cát bỏng. Tấm áo vẫn lành lặn mặc dù thân thể anh đã cháy đen, lỗ chỗ vết đạn khi ngã xuống lấy thân mình lấp lỗ châu mai quân thù, cho cánh đồng Mường Thanh, cho cánh đồng Cẩm Quan quê anh hôm nay lúa lên xanh tốt với những ngả đường bê tông hóa thật thông thoáng của một gương mặt nông thôn mới khởi sắc. Đó là tấm áo trấn thủ mang màu xanh ấm no dệt nên từ những chiến công của một quá khứ hào hùng oanh liệt.
Tấm áo Điện Biên chỉ một màu xanh đằm thắm trong muôn sắc màu thổ cẩm - cái màu xanh chủ đạo với ngút ngàn rừng xanh nở rộ mùa hoa ban trắng. Và lấp lánh trong màu xanh bất tận ấy, tôi nhận ra màu đỏ uốn lượn của chiến hào năm xưa - một màu đỏ son sắt đính những tấm huân chương lên những quả đồi vạm vỡ của Him Lam, Hồng Cúm, Mường Thanh… như bầu ngực của đất mẹ yêu thương. Điện Biên trẻ lại và Điện Biên trẻ mãi với các anh - những người chiến sĩ mang tấm áo trấn thủ trên mình vẫn mãi mãi phất cao cờ chiến thắng…
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã 69 năm trôi qua nhưng những ký ức như vẫn còn nguyên vẹn. Nguyên vẹn cả tiếng hò kéo pháo “Hò dô ta nào…”. Nguyên vẹn cả điệp khúc trập trùng: “Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi”. Nguyên vẹn cả hình ảnh anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo. Các anh vẫn nguyên vẹn tươi trẻ nụ cười không có tuổi. Tấm huy hiệu Điện Biên có hình rừng núi tượng trưng cho địa hình lòng chảo Mường Thanh, nổi bật là hình ảnh người chiến sĩ trong tư thế xung phong vươn người lên phía trước, có pháo binh và đặc biệt là pháo cao xạ lần đầu ra trận, có chữ quyết chiến quyết thắng trên quân kỳ (lá cờ đã cắm trên nóc hầm tướng Đờ-cát ngày 7/5/1954). Một tấm huy hiệu cài lên áo trấn thủ Điện Biên gợi lại bao ký ức lịch sử, biểu trưng khái quát được bao hình tượng sống động có sức lan tỏa truyền cảm, khắc họa rõ nét hình ảnh người chiến sĩ Điện Biên năm ấy.
Điện Biên - vùng đất cổ của Tây Bắc, nơi cất giữ nhiều trầm tích độc đáo lâu đời, bền vững. Đây là xứ sở của múa sạp, múa xòe của áo cớm khăn piêu, của những làn điệu dân ca làm say đắm lòng người. Và chất Tây Bắc, chất Điện Biên có cả nét riêng hồn hậu độc đáo trong văn hóa ẩm thực đã dệt nên nét thổ cẩm tinh tế, hồn cốt của “Tấm áo Điện Biên”, của tinh thần, của linh khí đất trời tạo nên khí phách ý chí can trường của người Điện Biên nơi biên cương Tổ quốc. Đại tá, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đã có những câu thơ nhịp điệu say đắm tình người thiết tha trong bài thơ “Điện Biên gọi tôi lên”:
“Đã nhấc khỏi lưng ta chảo bom, chảo đạn
Nghe gió lên chín núi, mười mường
Qua chót vót đỉnh rừng, thăm thẳm suối
Mây che mùa chiến dịch vẫn còn bay
Áo trấn thủ bập bùng đêm đuốc lửa
Nhịp hò dô vượt dốc pháo vào ra
Mưa xối buốt những bàn tay máu tứa
Đất đỡ người ngã xuống hôm qua
Về mùa em, lòng chảo lúa mượt mà
Cầm tay núi nối vòng xòe dìu dặt
Đồi A1 đặt vào tôi câu hát...” .
Và câu hát: “Giải phóng Điện Biên bộ đội ta tiến quân trở về - Giữa mùa hoa nở miền Tây Bắc tưng bừng vui” của nhạc sỹ Đỗ Nhuận ngày ấy vẫn ngân vọng đến hôm nay, vẹn nguyên tươi thắm với “Tấm áo Điện Biên” một thời và mãi mãi./.