Tôi có thói quen hay về lại quán cà phê vợt đầu hẻm dẫn vào một khu chung cư cũ kỹ hơn trăm năm ở Sài Gòn vào mỗi lúc lòng nhiều chấp niệm. Giữa ráo hoảnh đãi bôi của thị thành này, nếu có nơi nào mà an nhiên thanh thản nhất, bỏ ngoài tai những tham sân ai oán thì chắc chỉ là những nơi này. Những khu chung cư cũ dường như đứng bên ngoài sự ồn ào náo nhiệt của thị thành. Chỉ cần bước vào khu chung cư ấy, rêu phong vàng phai lên nỗi đời của người cũ, của chuyện xưa, của ký ức, của cầu thang, của cửa nhà và của tỷ tỷ thứ vụn vặt mà chỉ những nụ cười nhẹ tênh của dân chung cư cũ là khiến lòng mình bằng an đến lạ.
Tôi có người bạn thân từ hồi cấp 2 sống ở khu chung cư Hào Sĩ Phường. Chung cư hơn trăm năm tuổi đời này nằm lọt thỏm bên trong hẻm 206 đường Trần Hưng Đạo B thuộc quận 5, TP.HCM. Hào Sĩ Phường của chú Hỏa, một trong tứ đại danh gia của Sài Gòn - Chợ Lớn thời xưa xa. Người ta vẫn nhắc đến “Nhất Sĩ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Hỏa” như một giai thoại của đất này với nhiều câu chuyện lẫm liệt mà kỳ thực chỉ có thể góp nhặt, chắp nối từ những người của muôn năm cũ vẫn neo đời vào các khu chung cư mòn vết thời gian. Khu chung cư này được xây dựng từ năm 1910 và đích thân chú Hỏa đặt cho cái tên với mong cầu một nơi ở cho văn sĩ và dân hào hiệp, trượng nghĩa.
Nhưng, một lần ngồi quán cà phê vợt của bà Lù, một người Hoa gắn trọn phần đời của mình ở khu Hào Sĩ Phường thì lại nghe về cách lý giải cái tên của chung cư này. Cư dân thời đầu của Hào Sĩ Phường chủ yếu là người Tiều và làm công cho một xưởng sản xuất xà bông mang tên Hào Sĩ. Tôi nghe đó, nhớ đó, rồi hỏi người bạn sống trong khu chung cư cũ kỹ này thì cũng chỉ nhận lại câu trả lời nhẹ tênh. Chục cái chung cư cũ ở Sài Gòn sẽ là trăm cái giai thoại. Bản thân mỗi chung cư cũ cũng mang trong mình một câu chuyện của nó. Nhưng, kỳ thực một chung cư cũ là ngàn câu chuyện của đời người. Vậy nên, lắm khi họ chọn sống nơi này, không phải chẳng có tiền dời đi, mà là không nỡ xa ký ức, không nỡ xa hàng xóm láng giềng, không nỡ xa đất đã nuôi đời họ lớn khôn.
Hào Sĩ Phường vẫn cứ nhẹ nhàng ẩn mình trong con đường sầm uất của Sài Gòn. Thoảng khi tôi buồn, ghé ngang uống ly cà phê vợt được pha đúng điệu Sài Gòn rang xay bằng củi, thêm bơ, cau khô, bắp, mắm nhĩ, và muối. Từ ông bà, đến cha mẹ, rồi đến đời con, quán cà phê bà Lù vẫn ghế đẩu, bàn cóc, ngồi san sát nhau, chuyện bàn này rổn rảng sang tới bàn kia. Chuyện vui thì cười chung ha hả. Chuyện buồn thì nhẹ trôi bởi cái vỗ vai, cái gật gù chừng như thấu hiểu cho nhau. Để rồi đứng lên ra về, hòa mình vào dòng chảy người xe nườm nượp của Sài Gòn, lòng vẫn luyến vương cái xóm nhỏ bình dị của người Hoa giữa Sài thành.
Bao bận người ta thống kê các chung cư cũ của Sài Gòn để di dời dân và thay thế bằng sự hiện đại xa hoa. Nhưng, cũng bao bận chẳng thể làm được. Bởi nhiều lẽ, bởi nhiều lý, nhưng cuối cùng vẫn còn đó trơ gan cùng tháng năm những cũ càng của một trường phái sống. Tôi cho đó là một trường phái. Bởi có lần tôi leo lên tận lầu 5 của chung cư cũ Lý Tự Trọng, nằm ngay góc ngã tư đắc địa giao với Đồng Khởi. Chung cư được xây từ trước những năm 1975 nên mang dáng dấp cổ điển của Pháp với cầu thang đúc, thanh chắn bằng sắt có điểm xuyết hoa văn cổ điển, thang máy hộp có cửa sắt kéo…
Chung cư cũ, xập xệ, loang lổ tường vôi, mùi ẩm mốc như một minh chứng của thời gian gõ lên phận người của khu chung cư này. Tầng 5 với vỏn vẹn 27 hộ dân cư sống trong các căn nhà nhỏ, phòng ốc bên trong cũng nhỏ và bày biện đơn giản, lắm khi nhìn vào thấy chật chội. Tuy nhiên, họ không rời đi. Nếu 4 tầng lầu bên dưới trở thành những quán cà phê, những nhà hàng, những shop thời trang theo kiểu “Một ngàn chín trăm hồi đó” thu hút dân thị thành dập dìu, thì trên tầng 5 của khu chung cư cũ này, thể như một thế giới khác, thế giới của những người sống giản đơn giữa trung tâm thành phố phồn hoa, giữa đại đô thị lộng lẫy.
Họ, có người làm phục vụ nhà hàng, có người bán nước vỉa hè dưới phố đi bộ, cũng có người làm công sở… nhưng mấy mươi năm khóc cười, vinh thăng, trầm lắng với chung cư cũ này, họ chọn ở lại. Dưới vòm trời lộng gió của tầng 5, họ giữ cái nghĩa của xóm giềng như người ta níu giữ ký ức của đời mình. Tôi vẫn nhớ mãi lời ông bảo vệ già nơi bãi xe dưới hầm chung cư cũ này, khi ông thở dài thườn thượt bởi đâu biết còn sống ở đây bao năm nữa, khi mà giữa dọc ngang xa hoa của cả trăm tòa nhà bao vây, mỗi cái chung cư cũ mòn này là minh chứng cho sự hoài niệm của đất này. Nhưng, có lẽ rồi sẽ phải đi thôi, bởi thành phố này luôn hừng hực những đổi thay hiện đại.
Tôi nhớ lần đó mình xuống đường, ngước nhìn lên khu chung cư cũ, những bảng hiệu xanh đỏ đèn vàng nhấp nháy từ các căn nhà phát ra, tạo thành một bức tranh lấp lánh thể như những căn hộ chung cư nào đó trên đất Hồng Kông tôi từng được thấy. Đổi thay hiện đại hay giữ gìn một nét xưa? Câu hỏi này cứ mãi trăn trở theo chân một đứa con của đất thị thành với hơn ba mươi mùa mưa nắng dọc ngang phố xá này.
Trường phái sống trong chung cư cũ kỳ thực là có, bởi tôi từng làm một cuộc ruổi rong với hàng loạt chung cư cũ ở đất Sài Gòn bỗng phát hiện thì ra, họ chọn sống lại với những cũ càng này, với những yêu thương phong kín tường rêu, những bậc cầu thang mòn vẹt chân đi, là bởi trong họ có một sự thảnh thơi. Kỳ lạ là giữa kim tiền chật vật đời mưu sinh, những người chọn neo phận mình ở các chung cư cũ lại là những người thong dong sống nhất. Nụ cười họ nhẹ tênh dẫu biết bao người trĩu trịt với liến xáo thị thành ngoài kia. Ở các chung cư cũ, đều có những bà hàng xóm, sáng quẩy giỏ đi cái chợ gần nhà, cà kê dăm ba câu chuyện rồi thong thả về nhà chuẩn bị bữa cơm. Dễ dàng tìm thấy mấy quán cà phê lóc cóc liêu xiêu, bạt gió nhỏ mưa ở dưới các khu chung cư cũ. Đó là nơi người chung cư túm tụm lại kể cho nhau nghe chuyện đời, chuyện mình, chuyện nhân tình thế thái rồi tan ra, hòa vào phố, nhưng không lẫn vào đua tranh vội vã. Người chung cư cũ dường như sống rất chậm.
Có lần tôi đến thăm người đồng nghiệp ở chung cư cũ Tôn Thất Đạm, một trong những chung cư cổ nhất nhì Sài Gòn, ghi chép sử sách có từ 1886, thời kỳ Pháp thuộc. Bạn tôi ở trong căn nhà gạch xám, chỗ cầu thang đi lên quanh quẩn hàng quán tự phát. Chật chội, đông đúc là thế nhưng bạn vẫn cứ sống mấy mươi năm với gia đình lớn nhỏ con cháu cộng lại cũng chục người, chia nhau trong 3 căn phòng vừa khít đồ đạc giường tủ. Căn nhà ấm mùi cơm vừa sôi, thơm mùi thịt vừa kho và rộn ràng câu chuyện. Chuyện má đi chợ gặp người này, chuyện ba sáng cà phê nghe vụ kia, chuyện đứa cháu chạy chơi cùng bạn chung cư thấy bà bán nước ngồi khóc… Nhiều câu chuyện lồng vào nhau, lồng tình người lẫn sự ấm áp của một gia đình.
Tôi đến và hiểu, tại sao có những người vẫn nhẹ tênh sống đời chung cư cũ giữa đất này mà không bán đi, mua nhà xa xa cũng vừa đủ tiền để ở. Giờ ở Sài Gòn cũng nhiều cách mua nhà, có thể vay ngân hàng rồi trả góp. Nhiều người chọn cách này để đâu đó chừng 10 năm có căn nhà cho riêng mình, ở những khu đô thị mới, ở những chung cư cao cấp mới xây. Chắc chắn cái họ chẳng có là không gian quần tụ của một lối sống xóm giềng, tối lửa tắt đèn í ới nhau là có mặt phụ trợ. Nếp sống cũ xưa chỉ có thể tìm được từ những người xưa cũ, chọn không gian xưa cũ để giữ gìn cái nếp trượng nghĩa hào tình của Sài Gòn.
Tôi có cô bạn thân, hăm hở mua căn chung cư cao cấp đâu phía Đông thành phố. Bận giao thừa đầu tiên trong khu phức hợp sang trọng, cô bạn nhắn tin bảo mở cửa cúng giao thừa chỉ thấy toàn là không khí, mỗi nhà một ban công. Không phải như căn chung cư cũ kỹ mà nghe tiếng nhắc nhau giờ cúng, bày mâm ra thấy hàng xóm cũng rì rầm nguyện cầu bình an. Tuyệt nhiên không nghe mùi nhang trầm để vọng tổ tiên, để thương Tết mình. Cô bạn sau đó bán căn nhà ở khu chung cư cao cấp, dọn về xóm nhỏ giữa khu chung cư Bàn Cờ. Sáng sáng cà phê tán dóc rồi đi làm, chiều chiều í ới hàng xóm ra cái chợ gần đó lựa đồ.
Tôi nhớ lần mình đến chung cư cũ Tôn Thất Đạm nghe câu chuyện nổi tiếng về bà Ba Kia. Dân chung cư kể như thể bà Ba Kia là một phần hồn cốt chẳng thể thiếu để làm nên giai thoại về chung cư cũ này. Cô gái đánh máy tốc ký trứ danh thời Pháp thuộc với 300 chữ chỉ trong vòng mấy phút, đến nỗi người ta gán danh thành “Cô Ba đánh máy”. Cô gái tài sắc với chục lon ghi-gô hột xoàn ngày xưa. Giờ cô Ba Kia mà tôi gặp khi ấy đã 98 tuổi, ở căn nhà tầng 1, vẫn nói tiếng Pháp minh mẫn, nhưng hiu hắt cháu con chỉ có người làm chăm sóc. Những lời đồn chẳng thể nào kiểm chứng, nhưng nhắc đến chung cư cũ này, thiên hạ vẫn cứ nhắc đến cô Ba Kia.
Tôi vẫn tin lời người bạn của mình ở Hào Sĩ Phường, mỗi một chung cư cũ ở Sài Gòn đều mang trong mình nhiều câu chuyện, nhiều phận đời, nhiều ký ức và nhiều niềm thương đắng đót. Chính niềm thương ấy gắn con người ta với những căn nhà vàng phai nỗi mình, nỗi đời; với những khu chung cư cũ bảng lảng chuyện đất, chuyện thế thời. Nhiều niềm thương gói họ lại vào một miền thương bình yên giữa đô thành xa hoa.
Nhưng, khi gõ những dòng này để ngỏ hầu bạn đọc về những câu chuyện của một trường phái sống trong các khu chung cư cũ của người Sài Gòn, tôi tin, mỗi một khu chung cư cũ trên đất này, đều mang trong mình nó một sứ mệnh. Sứ mệnh ghi tạc lại thăng trầm biến thiên thời cuộc của mảnh đất hơn 300 năm tuổi. Sứ mệnh ấy, thời gian có thể vàng phai, rêu phong, hoặc sẽ mất đi khi các chung cư cũ bị thay thế, xây dựng mới nhưng chuyện đời, chuyện người của trường phái sống này, vẫn dày lên trong mênh mông biên niên sử phố xá thị thành./.