Aa

Hướng thị trường về phân khúc bình dân

Thứ Ba, 30/04/2019 - 21:00

Theo các chuyên gia, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nâng hệ số rủi ro gấp 3 lần đối với các khoản vay mua nhà trên 3 tỷ đồng sẽ khiến thị trường bất động sản hướng về phân khúc bình dân.

NHNN vừa đưa ra dự thảo Thông tư quy định về việc nâng hệ số rủi ro gấp 3 lần đối với bất động sản (với khoản vay có dư nợ trên 3 tỷ đồng, bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai).

An toàn hệ thống ngân hàng

Theo đó, dự thảo xác định hệ số rủi ro 50% với các khoản phải được bảo đảm toàn bộ bằng nhà ở (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai, quyền sử dụng đất, công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất của bên vay) và đáp ứng một trong 3 điều kiện: 

Thứ nhất, khoản cho vay để phục vụ hoạt động kinh doanh theo quy định của NHNN, quy định hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. 

Thứ hai, khoản cho vay cá nhân để khách hàng mua nhà ở xã hội, mua nhà theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ. 

Thứ ba, khoản cho vay cá nhân để khách hàng mua nhà có giá trị dư nợ gốc dưới 1,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các khoản phải đòi của cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống mà dư nợ gốc của một khách hàng có giá trị từ 3 tỷ đồng trở lên thì hệ số rủi ro là 150%.

Trong khi đó, theo quy định hiện hành, các khoản phải đòi được bảo đảm toàn bộ bằng nhà ở (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai), quyền sử dụng đất, công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất của bên vay đều có hệ số rủi ro là 50%.

Giải thích về sự thay đổi nêu trên, NHNN cho biết, thông điệp này kiểm soát cho vay cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống liên quan đến BĐS để mua nhà ở phân khúc cao cấp và gián tiếp yêu cầu ngân hàng, chi nhánh NHNN cần dự trữ thêm vốn đối với lĩnh vực BĐS có tiềm ẩn rủi ro.

Quy định trên cũng giúp thị trường BĐS hoạt động lành mạnh, ổn định hơn và không ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn để mua nhà ở xã hội và mua nhà các chương trình, dự án có giá trị dư nợ gốc dưới 1,5 tỷ đồng/căn.

(Ảnh: Internet)

(Ảnh: Internet)

Thị trường bất động sản "rúng động"?

Nhận định về quy định mới này, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Về mặt quản lý rủi ro tín dụng, đây là một quy định tích cực. Bởi những khoản tiền cho vay mua bất động sản có giá trị lớn nếu trở thành nợ xấu sẽ thiệt hại rất lớn đối với hệ thống tín dụng của các ngân hàng. Tuy nhiên, việc tăng hệ số rủi ro sẽ làm tăng lãi suất cho vay sẽ khiến khách hàng vay mua nhà gặp nhiều khó khăn là điều chắc chắn.

Việc siết cho vay mua nhà ở cao cấp cũng sẽ tác động rất lớn đối với thị trường bất động sản hiện nay. Cụ thể, nếu người dân muốn mua nhà với mức giá trên 3 tỷ sẽ phải trả mức lãi suất ngân hàng rất cao, và điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến người đi vay, kéo theo đó là làm sụt giảm thanh khoản của thị trường - ông Hiếu nhận xét.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM nhận định, việc siết tín dụng cho vay mua nhà được áp dụng ở bất kỳ phân khúc nào chắc chắn cũng sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư cũng như giao dịch của thị trường BĐS nói chung. Đặc biệt, nếu quy định đi vào cuộc sống sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phân khúc BĐS cao cấp, đặc biệt là 2 thị trường lớn là TP HCM và Hà Nội.

Chưa kể việc chúng ta đang muốn tạo dựng các dự án BĐS chất lượng có hạ tầng đồng bộ, mang lại chất lượng sống tốt cho người mua nhà. Mặt khác, các sản phẩm nhà ở cao cấp cũng tạo nên nét đẹp và hiện đại của các đô thị.

"Do đó, quy định này đi vào thực tế sẽ có thể sẽ làm thay đổi xu hướng đầu tư của các nhà đầu tư. Các chủ đầu tư và khách hàng sẽ dành quan tâm nhiều hơn tới phân khúc bình dân và nhà ở giá rẻ, hạn chế các hoạt động đối với phân khúc cao cấp" – ông Châu nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top