Đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội
Sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) từ lâu đã được xem là một trong những ngành công nghiệp nền tảng, có vai trò thiết yếu trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế và đô thị hóa, ngành VLXD tại Việt Nam đang ghi nhận bước tiến đáng kể trong những năm gần đây.
Phát biểu tại Tại khuôn khổ hội thảo "Phát triển ngành vật liệu xây dựng Việt Nam hiện đại và bền vững" tổ chức ngày 9/11, TS. Nguyễn Quang Hiệp, Viện trưởng Viện VLXD (Bộ Xây dựng) nhìn nhận, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp sản xuất VLXD trong nước đã có bước phát triển mạnh mẽ, đáp ứng tốt nhu cầu xây dựng và phát triển hạ tầng trên phạm vi cả nước. Điều này đánh dấu sự chuyển mình lớn của ngành, từ việc phải phụ thuộc vào nhập khẩu trước năm 2010 đến khả năng tự chủ sản xuất. Đặc biệt, nhiều sản phẩm VLXD Việt Nam như clanhke, kính tiết kiệm năng lượng, gạch gốm ốp lát, đá ốp lát, sứ vệ sinh, vôi công nghiệp,… đã đạt chất lượng quốc tế và được xuất khẩu, góp phần vào kim ngạch xuất khẩu quốc gia, nâng cao vị thế ngành VLXD Việt Nam trên thị trường quốc tế.
"Những thành tựu này không chỉ giúp tăng cường sản lượng và hiệu quả sản xuất mà còn góp phần nâng cao vị thế của ngành trên thị trường quốc tế", TS. Nguyễn Quang Hiệp cho biết.
Cùng với đó, giá trị sản xuất VLXD không ngừng tăng, tỷ lệ đóng góp của ngành công nghiệp sản xuất VLXD vào GDP ngày càng đáng kể hơn. Đến hết năm 2023 đóng góp của ngành sản xuất VLXD cho GDP Việt Nam chiếm tỷ lệ khoảng 6 - 7%.
PGS.TS. Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) nhìn nhận, trong hơn một thập kỷ qua, tổng năng lực sản xuất các loại VLXD chủ lực của Việt Nam đã tăng trưởng đạt khoảng 120 triệu tấn xi măng, 830 triệu m2 gạch ốp lát, 26 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, 330 triệu m2 kính xây dựng, 20 tỷ viên gạch đất sét nung và 12 tỷ viên gạch không nung theo quy chuẩn. Trong đó, sản lượng xi măng và gạch ốp lát của Việt Nam hiện nằm trong nhóm hàng đầu thế giới, với chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của ngành VLXD Việt Nam trên bản đồ toàn cầu.
Ngoài ra, trình độ công nghệ, tổ chức sản xuất, kinh doanh, môi trường của ngành công nghiệp VLXD Việt Nam đứng top đầu trong các nước ASEAN. Tổng doanh thu hàng năm của ngành ước đạt khoảng 47 tỷ USD, chiếm khoảng 11% GDP quốc gia. Trong đó, các loại VLXD không bao gồm thép xây dựng ước đạt 600.000 tỷ đồng, tương đương hơn 24 tỷ USD, chiếm gần 6% GDP.
"Với những thành tựu nổi bật trên, ngành VLXD đã đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động và có vai trò trong xử lý rác thải thông qua việc đồng xử lý trong các lò nung sản xuất, giúp giảm thiểu tác động đến môi trường", PGS.TS. Lê Trung Thành nhìn nhận.
Nhìn về tiềm năm phát triển của ngành, Lê Trung Thành cũng nhận nhận định, hiện nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng trong nước vẫn còn rất lớn vì diện tích nhà ở toàn quốc vẫn thấp, tỷ lệ đô thị hóa mới đạt khoảng 43%, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng chưa hoàn thiện. Những đặc điểm này tạo ra cho ngành vật liệu xây dựng một dư địa phát triển khá lớn.
Vẫn còn những thách thức
Bên cạnh những thành tựu nổi bật, ngành VLXD cũng phải đối mặt với không ít những khó khăn và hạn chế còn tồn tại.
Theo TS. Nguyễn Quang Hiệp, nhiều lĩnh vực sản xuất của ngành vẫn chủ yếu là các khoản đầu tư có quy mô nhỏ và trung bình. Đặc biệt là ở các cơ sở sản xuất gạch, ngói, vật liệu đất sét nung, gạch không nung và các hoạt động khai thác đá, cát phục vụ xây dựng. Chính vì thế, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất gặp không ít trở ngại, khi các doanh nghiệp trong ngành thiếu nguồn lực để đầu tư mạnh mẽ vào thiết bị và công nghệ tiên tiến.
Bên cạnh đó, sản xuất vật liệu tại Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố đầu vào như tài nguyên khoáng sản, công nghệ, năng lượng và vốn. Việc cân đối cung cầu của các chủng loại sản phẩm còn bất cập, dẫn đến tình trạng dư thừa cũng như không khai thác hết năng lực sản xuất của doanh nghiệp. Cùng đó, việc sử dụng nhiên - nguyên liệu thay thế, đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn trong sản xuất vật liệu xây dựng chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức…
ThS. Lê Văn Tới, Phó Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam nhìn nhận, ngành VLXD Việt Nam hiện cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức do ảnh hưởng từ biến động của tình hình kinh tế thế giới. Sự trầm lắng của thị trường bất động sản trong nước, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao cùng những khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ VLXD đang tạo ra áp lực nặng nề lên các doanh nghiệp trong ngành. Nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp quy mô hoặc ngừng hoạt động một phần hoặc toàn bộ cơ sở sản xuất, dẫn đến thua lỗ kéo dài và nợ xấu tăng cao. Bên cạnh đó, niềm tin vào nền kinh tế vĩ mô và triển vọng của ngành VLXD cũng đang xuống thấp, khiến các doanh nghiệp phải nỗ lực tối đa để duy trì hoạt động và vượt qua giai đoạn khó khăn này.
"Những biến động trên thị trường thị trường đang gây khó khăn không nhỏ cho ngành sản xuất VLXD trong việc tối đa hóa công suất dây chuyền sản xuất. Điều này trở thành một thách thức lớn, đặc biệt đối với các loại VLXD thân thiện với môi trường", ThS. Lê Văn Tới chia sẻ.
Theo đó, lãnh đạo Hội VLXD Việt Nam kiến nghị, trước mắt cần có chính sách hỗ trợ giảm lãi suất vay vốn cho doanh nghiệp. Mặc dù trong thời gian qua, mức lãi suất vốn vay cũng đã có xu hướng giảm, nhưng vẫn duy trì ở mức cao, khiến cho việc giảm bớt chi phí tài chính trở nên khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp trong ngành. Theo đó, sự hỗ trợ từ chính sách tài chính, đặc biệt là việc điều chỉnh lãi suất, sẽ tạo ra điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp VLXD duy trì hoạt động sản xuất và tối ưu hóa chi phí, giúp họ vượt qua những thách thức hiện tại do chi phí tài chính cao gây ra.
Ngoài việc cần giảm lãi suất vay vốn, lãnh đạo Hội VLXD Việt Nam cũng đề nghị giảm thuế suất và thuế xuất khẩu cho một số mặt hàng VLXD như clinke xi măng và đá ốp lát tự nhiên. Hiện tại, những mặt hàng này đang bị áp thuế xuất khẩu ở mức cao, tương đương với thuế suất dành cho khoáng sản thô, gây ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng cạnh tranh của ngành VLXD. Theo Hội, việc điều chỉnh mức thuế này cần dựa trên đúng tinh thần của Luật Thuế nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu và tăng cường sức cạnh tranh của sản phẩm VLXD Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, cần có chính sách để tăng giải ngân vốn đầu tư công. Áp dụng tối đa phương pháp thi công cầu cạn bê tông cốt thép thay cho phương pháp đắp nền để làm đường cao tốc cùng với chính sách quản lý chặt chẽ nhưng phải có sự hỗ trợ để bất động sản phát triển.
Về dài hạn, theo ThS. Lê Văn Tới, Nhà nước cần duy trì và tăng cường chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chuyển giao công nghệ mới, đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại cũng như cải tiến công nghệ. Đồng thời duy trì và thúc đẩy việc thực hiện chính sách tăng cường sản xuất và ứng dụng VLXD thân thiện, đặc biệt là việc sử dụng; có chính sách thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng rác thải, đặc biệt là rác thải sinh hoạt làm nhiên liệu thay thế sản xuất VLXD.
Theo TS. Nguyễn Quang Hiệp, để khắc phục các tồn tại và hạn chế hiện nay, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước và doanh nghiệp trong việc tăng cường quản lý và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất VLXD. Đặc biệt, TS. Hiệp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển các loại VLXD mới có tính năng cao, đáp ứng nhu cầu của các công trình hiện đại và thân thiện với môi trường.
"Việc nghiên cứu và triển khai các sản phẩm này sẽ đẩy mạnh mục tiêu xây dựng bền vững và phù hợp với xu hướng phát triển xanh trong ngành xây dựng", TS. Nguyễn Quang Hiệp nhìn nhận.