Aa

Hương vị núi ở Cao Bằng 

Thứ Ba, 09/03/2021 - 09:00

Một thứ bản sao của người miền núi không thể dứt khi xa quê, bởi vị của món ăn đã thấm chảy từ suối nguồn, thác núi, đâu dễ xóa đi trong nỗi niềm mạn ngược.

Có một thứ cây tên ngải (dưới xuôi gọi ngải cứu) cây không thả bùa ngải gì mà người Tày vùng sơn cước Cao Bằng luôn giữ được chân người mỗi khi lữ khách ngược ngàn. Nỗi nhớ bánh ngải phải vượt những dốc cao như hình con trăn. Ngược ngàn, người núi chỉ có nhớ bánh ngải thôi sao? Còn bánh củ chuối, bánh khảo, bánh tày, vị của bánh không thể nào đem so sánh với bánh dưới xuôi. Hạt gạo nương ngọt đậm, thơm sực mùi gạo mới. Gạo của nước suối và nước sông Quây Sơn nó không lẫn với bất cứ địa phương nào. Bởi thế có lữ khách chịu tiêu phí thời gian cả ngày đường ngất ngưởng trên xe để lên rừng rú ăn bánh lá ngải.

Bánh lá ngải Cao Bằng
Bánh lá ngải Cao Bằng (Ảnh sưu tầm)

Người làm bánh thức dậy trong sương đi hái lá ngải về làm bánh. Họ nhặt từng ngọn lá ngải, ngâm trong nước tro, mới vớt ra đồ lên, rồi đâm giã. Khi tạo được thứ nước xanh xuộm lại, lọc để đó; rồi lo thổi xôi nếp nương và công đoạn giã nhuyễn xôi mới trộn vào lá ngải để tạo thành một thứ bột bánh xanh thẫm. Nhân bánh là mè (vừng) và đậu phộng (lạc), với dừa khô giã giập, trộn đường đỏ tạo nên một thứ nhân bánh bùi ngọt, thanh khiết. Hình như người thiếu kiên nhẫn, không tĩnh tâm, không làm được bánh lá ngải. Cùng với bánh lá ngải còn có bánh chuối kỳ công như vậy gói trong lá bán ở mỗi quán ven đường.

Đường xa, khúc quặt chẳng êm ru gì, có đoạn sửa đường thì người cứ bật người lên như chơi chiếc bập bênh. Xóc. Đường xóc. Khi thấm mệt rồi mới nghỉ, mua bánh nhìn thấy những chiếc bánh màu xanh nhức mắt mà không nỡ ăn ngay. Vì nó đẹp và nó cho ta cảm giác xanh dễ chịu vô vùng. Cảm giác nhẹ chay tịnh, bánh cỏ cây, không có thịt cá, không có thịt gia cầm, gia súc. Những ngày cận tết người Tày, Nùng ở đây làm mè vàng (vừng), hạt mè ở đây bé tý xíu, thơm và đậm hơn, còn đậu phộng đỏ trồng trên nương 6 tháng, đến dừa khô và đường mật mía. Bánh ngải làm từ thiên nhiên, cho ta một cái cảm giác ngọt bùi tới tận chân tóc. Ăn no bánh mà không nặng bụng, gạo nếp nương dẻo, dính thơm mà không nóng ruột. Bởi vậy người Cao Bằng hay người vùng Bắc Kạn chăm lo cái nết ăn kỹ, làm kỹ, họ hay chọn bánh để ăn và bán dọc đường, bán cho khách du lịch làm quà về dưới xuôi.

Bánh ngải cứu Cao Bằng

Riêng loại bánh chuối còn kỳ công hơn, có người vào rừng đào củ chuối, họ từng chọn gốc chuối già giã ra lấy nước, xử lý nước trong, mới thái giã chuối trộn bột nếp làm bánh chuối. Bánh chuối đồ lên có màu vàng sậm. Ngay cả cái chõ đồ bánh của vùng cao cũng khác dưới xuôi. Chõ đất cao thành, đen bóng và cái nồi đồng to bè đỡ vừa cái đáy chõ, đồ chõ trên bếp lửa. Khi bánh chín thơm lắm. Ăn chiếc bánh thấy có mùi của khói, người ăn cũng nhẩn nha nhìn ra sự tận tụy của bàn tay người làm bánh.

Nhiều lữ khách đã mua bánh dự trữ dọc đường để đi thăm mộ Kim Đồng, để leo động Ngườm Ngao hay thăm thác Bản Giốc, thăm suối Lê Nin. Thác và suối cùng hồ nước xanh màu ngọc bích, động và di tích lịch sử là chuỗi di sản của miền núi  Cao Bằng. Nơi đây có một khí hậu trong lành. Mùa đông của thời chưa có tủ lạnh, người Tày muối thịt heo và cho vào nồi đồng chôn xuống đất, rồi lấy lên ăn dần trong mùa đông tháng giá.

Thịt trâu trong nhà có khi treo gác bếp, ăn cả năm. Còn cái xô nhựa cỡ lớn luôn dự trữ mỡ heo nơi cuối bếp. Một thời người núi rừng chưa biết đến tủ lạnh, đến nay dù cuộc sống hiện đại, bán đầy đủ tủ lạnh bếp ga thì người Cao Bằng vẫn chọn bếp củi có lửa có khói nấu nướng. Và cái tủ lạnh của rượu không triết lý gì hơn là vùi vò rượu dưới đất. Một năm sau đào lên uống rượu, vừa êm vừa không say.

Non nước Cao Bằng
Non nước Cao Bằng (Ảnh Hoàng Việt Hằng).
Thác bản Giốc Cao Bằng
Thác Bản Giốc Cao Bằng (Ảnh Hoàng Việt Hằng).

Người Tày, Nùng vẫn tựa vào đất để tồn tại từ trong những năm tháng gieo neo nhất. Những món ngon của người miền ngược thưởng thức cũng khác người miền xuôi. Ngay cả vị của lúa nương và vị của lá thơm chỉ người Tày mới biết khi ngâm tẩm thịt làm bánh. Khi ăn, vị của bánh đậm hơn và thơm hơn mọi thứ bánh khác. Nhiều người ở núi lâu năm, về xuôi cũng phải tập mãi mới ăn được món ăn của đồng bằng. Nhưng tết đến họ vẫn tìm về nơi núi rừng hẻo lánh, để ăn những hương vị thấm gần đất núi, nước thác núi đổ ra, nó khác biệt mà chỉ người miền núi mới nhận thấy, sự tan chảy trong miếng ăn ngày thường.

Khi bạn tôi người bản Co cứ vài tháng lại ngược lên Cao Bằng, về quê một chuyến, khuân hết lá thơm hoa chuối đến nấm hương, cá suối về thành phố ăn dần. Một thứ bản sao của người miền núi không thể dứt khi xa quê, bởi vị của món ăn đã thấm chảy từ suối nguồn, thác núi, đâu dễ xóa đi trong nỗi niềm mạn ngược.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top