Aa

Hủy chặng đua xe F1 tại Việt Nam: "Vừa nhân văn, vừa hợp lý"

Thứ Bảy, 17/10/2020 - 13:54

Đó là nhận định của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế về quyết định huỷ chặng đua F1 mới đây. Vị chuyên gia này nhấn mạnh, Việt Nam có thể lựa chọn hình thức quảng bá du lịch khác, hợp lý và tiết kiệm hơn.

PV: Mới đây, ban tổ chức giải đua Công thức 1 đã thông báo về việc huỷ sự kiện này năm 2020. Dưới góc độ kinh tế, ông đánh giá thế nào tác động của quyết định này?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Quyết định huỷ giải đua Công thức 1 tại Việt Nam năm 2020 sẽ tạo ra 2 vấn đề bao gồm: Chiều hướng tốt và chiều hướng chưa tốt.

Thứ nhất, rõ ràng, tôi cho rằng, việc dừng đua xe trong bối cảnh hiện nay vừa mang tính nhân văn, vừa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội. Chúng ta đang trải qua đại dịch Covid-19 với rất nhiều biến động khó khăn. Thu nhập của hầu hết người dân đang giảm và cũng không ít người dân đang phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp.

Nền kinh tế của Việt Nam đang gặp những khó khăn nhất định dù chỉ số tăng trưởng kinh tế tích cực hơn so với các nước khác trong khu vực. Nhưng không thể phủ nhận rằng, các doanh nghiệp, các tổ chức, và rộng hơn là nền kinh tế đang đứng trước rất nhiều thách thức.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh.

Có thể, những tổ chức đua xe F1 không gặp khó khăn nhưng khi xã hội đang phải đối mặt với nhiều vấn đề cần giải quyết thì việc tổ chức sự kiện sẽ tạo ra ý kiến trái chiều. Thông tin có thể là đánh giá các đơn vị không biết chia sẻ với khó khăn của nền kinh tế nói chung. Tất nhiên, điều này tạo ra tư tưởng và cái nhìn của xã hội với việc đua xe trở nên nặng nề và thiếu ủng hộ.

Thứ hai, trong điều kiện như hiện tại, nếu tiếp tục tổ chức cho bằng được sự kiện giải đua F1 thì chắc chắn hiệu qủa giảm sút. Giải đua F1 kỳ vọng thu hút du khách nước ngoài. Nhưng chúng ta nhìn xem, Việt Nam mới đang mở cửa dần dần và rất cẩn trọng các đường bay với nước ngoài. Và nước ngoài đến Việt Nam không phải dễ dàng. Chưa kể, các nước khác cũng chịu thiệt hại rất lớn từ Covid-19, và người dân trở nên tiết kiệm với các kế hoạch chi tiêu.

Như vậy, giải đua F1 hướng tới những người dân Việt Nam vì khách nước ngoài ít. Nhưng thực sự, phần đông người Việt Nam sẽ chưa chuộng đua xe và lượng khách đến xem chặng đua không lớn.

Chúng ta kỳ vọng giải đua xe mang lại một hình thức vui chơi giải trí mới, tạo ra sự đột phá trong du lịch, khiến du khách nước ngoài thấy Việt Nam là quốc gia có du lịch phong phú đa dạng. Việt Nam đã tham gia được vào mặt bằng chung của các nước phát triển với môn thể thao “cao cấp”, và “tốn kém”. Nhưng nếu tổ chức không hiệu quả, không có khách nước ngoài thì rõ ràng doanh nghiệp tham gia có thể đứng trước nguy cơ lỗ đơn, lỗ kép.

PV: Vậy đâu là những mặt chưa tốt khi dừng giải đua xe F1 lại, thưa ông?

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh: Tôi nghĩ, thiệt thòi sẽ thuộc về đầu tiên là các doanh nghiệp tham gia vào sự kiện đua xe. Họ đã bỏ ra khoản tiền đầu tư lớn và thời gian tương đối lâu. Các chi phí không chỉ là quảng cáo, xây dựng hệ thống chỗ quan sát, làm đường... mà còn rất nhiều khoản đầu tư khác liên quan bảo dưỡng đường xá.

Họ đã nỗ lực vì một sự kiện thể thao có tính chất du lịch, quảng bá hình ảnh Thủ đô và Việt Nam đến toàn thế giới.

Nhưng suy cho cùng, tôi vẫn cho rằng, huỷ chặng đua F1 là hợp lý nhất. Nhìn xa hơn, đây là quyết định vì mục tiêu phát triển chung của đất nước.

Ảnh chụp đường đua F1 tại Mỹ Đình đang trong giai đoạn thi công trước đó. 

PV: Một chuyên gia đã lên tiếng cho rằng, chặng đua F1 nên tạm hoãn từ 7 - 10 năm. Bởi Việt Nam cần khoản thời gian dài để tập trung phục hồi phát triển kinh tế. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh: Đúng là trong bối cả thế giới đang tập trung cho việc khống chế dịch bệnh và phục hồi kinh tế, hình thức đua xe cần huỷ luôn chứ không phải tạm hoãn, vì chúng ta cần đánh giá, sự kiện có tác động đến nền kinh tế như thế nào? Đặc biệt, hình thức này sẽ tác động đến người trẻ, lôi cuốn họ ra sao?

Quan điểm cá nhân, tôi đánh giá, loại hình này chưa phù hợp với mặt bằng kinh tế của Việt Nam ở thời điểm hiện tại. 

PV: Chặng đua F1 từng được kỳ vọng là sự kiện để quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam. Và việc tạm dừng tổ chức sự kiện sẽ tạo ra tiếc nuối. Quan điểm của ông thế nào về ý kiến này?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Đúng là nhiều quan điểm cho rằng, chặng đua F1 để quảng cáo hình ảnh du lịch Việt Nam thông qua thu hút những người có tên tuổi đến đến nước ta. Ngoài ra, lượng khách du lịch nước ngoài cũng sẽ tới Việt Nam. Họ có thể nhận ra Việt Nam đang sở hữu nhiều loại hình thể thao vui chơi, đầy cuốn hút.

Thực tế, tôi cho rằng, những người đến đường đua F1 không phải quá lớn.

Để quảng bá du lịch Việt Nam, chúng ta có rất nhiều cách để thực hiện mà không cần lãng phí khoản tiền lớn. Chúng ta có thể làm tốt hơn, hoàn thiện hơn nhiều sự kiện quảng bá du lịch mà không cần đánh đổi một sự kiện vừa tốn kém, vừa mạo hiểm như cuộc đua F1 trong bối cảnh hiện nay. Chúng ta có thể đánh gía mức độ hiệu quả của nó khi nhìn từ nhiều quốc gia tổ chức cuộc đua F1 như thế nào.

Nếu muốn ngành du lịch của Việt Nam phát triển, sao chúng ta không tổ chức kinh tế ban đêm, không thu hút khách bằng các dịch vụ chất lượng. Tôi nghĩ đó mới là một phần lời giải cho bài toán du lịch.

Còn hiện tại, Việt Nam cần tập trung nguồn lực để sản xuất, phục hồi nền kinh tế. Đó là nhiệm vụ ưu tiên nhất ở giai đoạn hiện nay.

- Cảm ơn chia sẻ của chuyên gia!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top