Aa

Huy động vốn cho phát triển hạ tầng du lịch qua kênh nào?

Thứ Bảy, 15/04/2017 - 04:40

"Trong bối cảnh ngân sách cho phát triển hạ tầng du lịch hạn chế, tôi cho rằng hình thức đối tác công tư (PPP) sẽ là nguồn vốn chủ lực để phát triển hạ tầng du lịch" - ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và đầu tư - nêu quan điểm trong tọa đàm “Hạ tầng du lịch – nền tảng cho du lịch Việt Nam cất cánh” diễn ra tại FLC Vĩnh Phúc Resort.

Năm 2016, Việt Nam đạt kỷ lục đón 10 triệu lượt khách quốc tế, tăng 26% so với năm 2015. Đây là tin vui của ngành du lịch nhưng con số này vẫn không quá ấn tượng nếu so sánh với các quốc gia lân cận như Thái Lan, Singapore hay Malaysia, với số khách quốc tế từ 15 - 30 triệu lượt khách/năm.

Du lịch Việt Nam đang phát triển dưới mức tiềm năng và chưa khai thác hết hiệu quả của 3.260 km bờ biển, 125 bãi biển lớn nhỏ, hàng ngàn cảnh quan thiên nhiên và di tích văn hoá trải rộng khắp đất nước.

Trong bối cảnh du lịch Việt Nam đang được định hướng thành nền kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch trở thành một nhiệm vụ cấp thiết hàng đầu.

Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách nhà nước hạn hẹp, huy động vốn như thế nào để phát triển ngành?

"Hình thức đối tác công tư (PPP) sẽ là nguồn vốn chủ lực"

Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và đầu tư - nêu quan điểm: "Trước hết, phải nói rằng, Nghị quyết 08 được đưa ra rất chính xác và đúng thời điểm. 

Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và đầu tư. Nguồn ảnh: Bizlive

Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và đầu tư. Nguồn ảnh: Bizlive

Nghị quyết 08 có rất nhiều giải pháp, phát triển hạ tầng là một trong những giải pháp quan trọng. Đây cũng là lần đầu tiên ngành du lịch có một nghị quyết từ cấp cao nhất. Trước đó, năm 2011, Chính phủ cũng đã có phê duyệt chiến lược phát triển ngành du lịch đến 2030. Rất nhiều nhiệm vụ giải pháp đã được đề ra, trong đó có vấn đề đầu tư cho hạ tầng du lịch.  

Về nguồn vốn, hiện nay đã có nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu cho ngành du lịch, đã được triển khai từ năm 2000 nhưng quy mô không lớn lắm. Đến năm 2011, việc này đã được quy định rõ hơn trong nghị quyết Chính phủ. Năm 2015, nguồn vốn cho ngành du lịch đạt trên 3.500 tỷ đồng được phân cho 50 địa phương. Các hạng mục hỗ trợ chủ yếu là khu du lịch các địa phương, trong đó 90% vốn là làm hạ tầng giao thông, kết nối các khu du lịch; một phần là cho hệ thống điện nước cho các khu du lịch".

Ông Quốc Anh cho rằng, nguồn vốn này chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các địa phương. Nhu cầu hàng năm lên tới 3-5.000 tỷ nhưng thực tế chỉ đáp ứng được 25-30%. Tuy nhiên, số vốn này cũng giúp nâng cấp phần nào hệ thống hạ tầng, qua đó thu hút được khách du lịch, tạo nguồn thu và tạo việc làm cho người dân địa phương. Các nguồn vốn chủ yếu được hỗ trợ cho nơi khó khăn như miền Trung, Tây Nguyên. Nguồn vốn hỗ trợ này Nhà nước mong muốn đó là nguồn vốn mồi để thu hút vốn tư nhân, ODA…

Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và đầu tư dự báo, từ năm 2020, vốn cho hạ tầng du lịch sẽ ngày càng ít đi. Nếu chỉ trông chờ nguồn vốn nhà nước thì rất hạn hẹp, trong khi đó, thực tế một số địa phương khó khăn về ngân sách nhưng nhiều khi còn ỷ lại, chưa năng động để thu hút vốn khác.

"Tôi thấy vẫn còn hạn chế trong việc thu hút đầu tư vào hạ tầng du lịch ở các địa phương. Thứ nhất, một số địa phương chưa xác định du lịch là ngành mũi nhọn. Thứ hai, sự hạn chế trong phối hợp, công tác quy hoạch ở các địa phương chậm và chưa và đồng bộ. Thứ ba, cơ chế chính sách còn chung chung, chưa hấp dẫn đầu tư và hạ tầng du lịch.

Thứ tư, các địa phương chưa phát hành được nhiều trái phiếu cho phát triển du lịch. Thứ năm, quản lý của một số địa phương chưa tốt. Trong bối cảnh ngân sách cho phát triển hạ tầng du lịch hạn chế, tôi cho rằng hình thức đối tác công tư (PPP) sẽ là nguồn vốn chủ lực để phát triển hạ tầng du lịch. Nghị định 15/2015 của Chính phủ có đề ra ưu tiên cho phát triển hạ tầng, nên các địa phương có thể bám sát vào đó để huy động vốn phát triển hạ tầng".

Theo ông Quốc Anh, nguồn vốn thứ hai để phát triển hạ tầng là ODA, nhưng đến nay chưa có nhiều địa phương sử dụng hình thức này. Thứ ba là vốn thông qua phát hành trái phiếu của địa phương. Ngoài ra còn một kênh hỗ trợ nữa là nguồn vốn từ các ngân hàng. Hiện nay tăng trưởng tín dụng bình quân đạt 14-15%/năm, các địa phương cần tạo điều kiện ngân hàng hoạt động tốt tại địa phương của mình, cũng cần tạo điều kiện tín dụng trong xử lý tranh chấp, phát mại tài sản...

"Nhà nước cũng có nguồn vốn phát triển hạ tầng, nhưng càng ngày càng hạn chế. Do đó những kênh như tôi vừa đề cập sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng" -  Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và đầu tư khẳng định. 

Còn cơ chế xin - cho, tư nhân sẽ đầu hàng?

Ông Lương Hoài Nam - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines), Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch thuộc Tổng cục Du lịch - cho rằng vai trò của Nhà nước là có cơ chế chính sách đúng chứ không cần phải lo vốn dự án này, dự án kia.

"Hạ tầng du lịch resort thì tư nhân làm hết, Nhà nước không cần quan tâm. Vấn đề là làm sao để tư nhân thực hiện dự án một cách thuận lợi, không vướng mắc. Còn mảng sân bay, cảng biển tôi nói luôn tư nhân Việt Nam thừa sức đầu tư nếu Nhà nước có cơ chế chính sách hợp lí. Vấn đề là nhà nước có quy hoạch cho người ta làm hay không, có tạo thuận lợi cho người ta làm hay không. Sân bay hay cảng biển vài chục nghìn tỷ tư nhân hoàn toàn có thể làm được việc.

Lâu nay người ta nghĩ theo hướng Nhà nước phải làm, tư nhân không được thì điều này cần phải thay đổi quan điểm đi. Chắc chắn nếu còn tiếp tục cơ chế xin cho thì chả ai làm được, tư nhân là phải đầu hàng. Miễn là Nhà nước tạo điều kiện, hành lang pháp lý cho tư nhân làm thì họ sẽ làm được hết".

Ông Lê Thành Vinh – Tổng giám đốc Tập đoàn FLC. Nguồn ảnh: Bizlive

Ông Lê Thành Vinh – Tổng giám đốc Tập đoàn FLC. Nguồn ảnh: Bizlive

Nói về vấn đề xây dựng dự án giao thông theo hình thức BT, ông Lê Thành Vinh – Tổng giám đốc Tập đoàn FLC bày tỏ: "Những doanh nghiệp như FLC rất quan tâm đến vấn đề làm sao để đưa khách đến các khu du lịch. Chúng tôi đầu tư rất nhiều vào Thanh Hoá, Quảng Bình, nhưng hệ thống sân bay chưa đáp ứng được nhu cầu. Do vậy, vừa rồi chúng tôi đã ký với Vietjet Air để mở một đường bay từ Thanh Hoá đến Quy Nhơn. Các dự án BT mà chúng tôi làm là nguồn vốn thực sự quan trọng, chứ chờ Nhà nước không biết đến bao giờ".

Ông Vinh cũng chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp, nghị định 15 về đầu tư theo hình thức hợp tác công tư có cải thiện so với trước nhưng còn nhiều cái cũng “bí”. Như danh mục thực hiện dự án BT nên mở rộng hơn.

"Tôi cho rằng không việc gì phải hạn chế, Nhà nước không làm thì tư nhân làm. Có nhiều dự án phục vụ cho hạ tầng phát triển du lịch mà không được làm. Ngoài ra, thủ tục thực hiện đấu thầu cũng khá đau đầu. Những doanh nghiệp đầu tư lớn họ tâm niệm phải quay vòng vốn nhanh. Bây giờ chúng ta đã có chu kỳ phát triển rất cao về BĐS nghỉ dưỡng, nếu chậm cơ hội thì sẽ mất. Nhưng thủ tục lại phức tạp, mất thời gian" - Ông Vinh chia sẻ. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top