Aa

IPO– Chặng đường nhiều thách thức của doanh nghiệp Việt

Thứ Tư, 19/07/2023 - 09:10

Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp vừa, nhỏ và doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) cần chuẩn bị đầy đủ đối mặt với những khó khăn, thách thức trước khi tiến tới phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Nhiều thách thức tại thị trường Việt Nam

Thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) được coi là cột mốc quan trọng, mà bất kế doanh nghiệp nào cũng muốn hướng tới, đặc biệt là các doanh nghiệp mới thành lập. Sau đó, sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán để có thể huy động được lượng vốn khổng lồ và “sánh vai” cùng với các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, không khí IPO tại Việt Nam vẫn chưa sôi động, con đường đến IPO của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều thách thức và khó khăn.  

Theo ông Đậu Minh Nhật, Chủ tịch Aura Capital, hầu hết các doanh nghiệp nghe rất nhiều về IPO nhưng lại không tìm hiểu kỹ về IPO và chưa nắm bắt được cách vận hành và kinh doanh doanh nghiệp của mình khiến IPO của các doanh nghiệp khó thành công.

“Tài chính và pháp lý là hai thứ đi song song cùng nhau, nhưng đa số các doanh nghiệp còn có lỗ hổng về pháp lý, dẫn đến rào cản về pháp lý trong huy động vốn. Đã có rất nhiều doanh nghiệp huy động vốn sai cách nên dẫn đến kết quả không được viên mãn, các doanh nghiệp muốn IPO thành công thì phải giải quyết về pháp lý, chiến lược tài chính rõ ràng”, ông Nhật nói.

Ông Đậu Minh Nhật
Ông Đậu Minh Nhật, Chủ tịch Aura Capital. ( Ảnh: Aura Capital)

Mặc dù theo Luật Chứng khoán 2019 về hồ sơ đáp ứng IPO, quy định doanh nghiệp IPO phải có lãi trong 2 năm liền trước IPO, đồng thời không có lỗ lũy kế đã khiến không ít doanh nghiệp gặp cản trở trên con đường IPO. Đặc biệt là đối với nhóm doanh nghiệp lĩnh vực fintech, bởi đa phần đây là những startup chưa lâu, dù mang vóc dáng kỳ lân nhưng thường phải tốn kém chi phí duy trì và chưa thể có lãi ngay được.

Ông Lâm Minh Chánh, nhà sáng lập của BizUni cho biết, các doanh nghiệp tại Việt Nam muốn IPO đang phải đối mặt với hàng loạt các yêu cầu của cơ quan quản lý, khi mà đòi hỏi phải đáp ứng các điều kiện về vốn sở hữu, làm ăn có lãi, không lỗ lũy kế,… Song, đối với các doanh nghiệp lên sàn, tiêu chuẩn còn khó hơn.

Con đường đến IPO của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều thách thức và khó khăn. (Ảnh minh họa: IT)

“Đây là điểm chung của nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á và cũng là lý do khiến tỷ lệ IPO của các doanh nghiệp tại nước ta vẫn còn rất thấp và chưa thực sự bùng nổ. Tuy nhiên, đa phần là các doanh nghiệp startup thì hiếm có thể thực hiện được, do họ còn đang chạy chợ từng bữa thì sao có thể đảm bảo được các yêu cầu đề ra”, ông Chánh chia sẻ.

Ngoài ra, không ít các doanh nghiệp còn vướng vào rào cản khi chưa chuẩn bị kỹ càng về chuẩn mực kế toán, thông tin nhân sự, minh bạch thông tin, hoạt động công ty, xác định khả năng tăng giá cổ phiếu,… tuy nhiên họ lại chưa sẵn sàng cơ chế quản trị công ty đại chúng, kiểm toán số sách thường niên,…

IPO - Giấc mơ "gần" của các doanh nghiệp Việt

Mặc dù hành trình IPO của các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng thị trường cũng đã chứng kiến 163 thương vụ IPO thành công năm 2022, tăng 7% so với đợt IPO vào năm 2021. Trong khi số lượng công ty IPO tăng lên, nhưng tổng số vốn gọi qua IPO lại giảm so với năm 2021. Kết thúc năm 2022, thị trường IPO Đông Nam Á có mức vốn hóa thị trường là 56,1 tỷ USD. Mặc dù vốn huy động đã giảm 43% (chỉ được 7,6 tỷ USD) nhưng giá trị vốn hóa thị trường lại tăng 10,3% so với năm trước.

Thị trường IPO tại Đông Nam Á năm nay có nhiều công ty quy mô nhỏ chào bán nhiều hơn, đây là hiện tượng do các công ty này vẫn tiếp tục kế hoạch IPO bất chấp những tình hình bất ổn của nền kinh tế hiện tại, trong khi đó các công ty lớn với đòn bẩy tốt hơn lại trì hoãn chào bán, đang chờ đợi điều kiện thị trường tốt hơn.

Thị trường IPO tại Việt Nam trong kế hoạch năm 2023 sẽ tạo ra nhiều bước ngoặc. (Ảnh minh họa: IT)

Riêng thị trường IPO tại Việt Nam, nền kinh tế tăng trưởng tới 8,02% trong năm 2022 nhưng đang được dự báo sẽ chậm lại ở mức 6,5% vào năm 2023. Tăng trưởng chậm lại do còn nhiều bất ổn ở nền kinh tế toàn cầu và phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài trong hoạt động sản xuất.

Hiện nay, tại Việt Nam đang có rất nhiều doanh nghiệp chuẩn bị hành trình IPO, chào bán nhưng vẫn muốn chờ diễn biến thị trường có dấu hiệu tích cực hơn. Những thay đổi về quy định trên thị trường vốn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy niềm tin nhà đầu tư và ổn định nền kinh tế trong dài hạn, trong thời gian tới, thị trường chứng khoán được kỳ vọng sẽ kênh phục hồi đầu tiên, sôi động hơn.  

Việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng là mục tiêu tiên quyết mà các doanh nghiệp Fintech hướng đến với mong muốn mở rộng quy mô và tăng giá trị. IPO mang lại cho doanh nghiệp kênh tiếp cận vốn rẻ nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, do vậy các doanh nghiệp Fintech cần chuẩn bị lộ trình rõ ràng, thiết lập mô hình quản trị chuẩn xác.

Để tăng khả năng IPO thành công , các doanh nghiệp cần có kế hoạch chi tiết, toàn diện với mục tiêu trở thành công ty đại chúng, có một đội ngũ lãnh đạo dày dặn kinh nghiệm thị trường tài chính. Bên cạnh đó, muốn thu hút nhiều nhà đầu tư, các công ty phải có lợi nhuận ổn định, đang trên một quỹ đạo đi lên, có lộ trình đáng tin cậy,…

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới châu Âu sẽ tiếp tục rơi vào khủng hoảng nên các nhà đầu tư sẽ chuyển hướng sang nền kinh tế châu Á, trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư phương Tây. Đặc biệt, Việt Nam đang là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng vượt trội so với ước tính, vì vậy nếu các doanh nghiệp biết tận dụng xu hướng toàn cầu thay đổi thì việc IPO cho doanh nghiệp Việt Nam trong kế hoạch năm 2023 sẽ tạo ra nhiều bước ngoặc để các nhà đầu tư nước ngoài biết đến và có cơ hội đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top