Aa

Lượng cổ phiếu IPO mới xuống thấp kỷ lục trong 1 năm qua

Thứ Hai, 17/04/2023 - 11:12

Trước những biến động của kinh tế vĩ mô, các nhà đầu tư cũng như các công ty đang khá thận trọng trong việc xác định thời điểm gia nhập thị trường. Lượng cổ phiếu mới IPO trên sàn thưa thớt, thấp kỷ lục.

Hơn một năm trở lại đây, hoạt động IPO và lên sàn chứng khoán diễn ra ảm đạm. Lượng cổ phiếu mới IPO trên sàn thưa thớt, ghi nhận ở mức thấp kỷ lục trong 1 năm qua.

Cả năm 2022, tại Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) và Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) chỉ ghi nhận tổng cộng có 12 mã cổ phiếu mới được niêm yết. 

Còn quý I/2023, tại HoSE chỉ có 1 mã cổ phiếu mới niêm yết là PVP của CTCP Vận tải Thái Bình Dương. Tại HNX, cũng chỉ có 1 mã cổ phiếu mới niêm yết là KSV của Tổng Công ty Khoáng Sản TKV - CTCP. Tuy nhiên, đây đều là những mã chuyển từ UPCoM sang chứ không phải gương mặt mới hoàn toàn, càng cho thấy được sự vắng lặng của thị trường trong thời gian vừa qua.

Lượng cổ phiếu chào sàn của HoSE đang ở ngưỡng thấp nhất kể từ năm 2018 trở lại đây.

Việc nộp hồ sơ niêm yết cũng diễn ra thưa thớt, trong 3 tháng đầu năm 2023, Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM chỉ nhận được duy nhất 1 bộ hồ sơ niêm yết của CTCP Tập đoàn Dược Bảo Châu (mã BCH).

Tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, cũng chỉ nhận được 2 bộ hồ sơ niêm yết là TCP Petro Times với 15 triệu cổ phiếu và CTCP Dược phẩm Tipharco với hơn 6,3 triệu cổ phiếu. Đây đều là những mã cổ phiếu được chuyển từ UPCoM với mã PPT và DTG.

Với thị trường IPO tại Việt Nam, tuy nền kinh tế tăng trưởng tới 8,02% năm 2022 nhưng dự báo sẽ bị chậm lại ở mức 6,5% vào năm 2023. Tăng trưởng chậm lại bắt nguồn từ những bất ổn ở thị trường kinh tế toàn cầu và sự phụ thuộc vào đối tác nước ngoài trong các hoạt động sản xuất. Có nhiều công ty chuẩn bị chào bán nhưng đang chờ đến khi diễn biến thị trường có dấu hiệu tích cực hơn. Những thay đổi về quy định trên thị trường vốn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư và ổn định nền kinh tế trong dài hạn, hướng đến một thị trường chứng khoán sôi động hơn.

Theo công ty kiểm toán Deloittee, tại Việt Nam, trọng tâm của thị trường IPO đã chuyển từ bất động sản vào năm 2021 sang sản phẩm công nghiệp và hàng tiêu dùng vào năm 2022. Ngành hàng tiêu dùng được kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng, với những thương vụ IPO sắp tới.

Trước những biến động của kinh tế vĩ mô, các nhà đầu tư cũng như các công ty đang khá thận trọng trong việc xác định thời điểm gia nhập thị trường. Nhưng các cơ quan quản lý đã thi hành nhiều chủ trương tích cực nhằm nâng cao tính minh bạch của thông tin tài chính, thí dụ như áp dụng các quy định khuyến khích tính minh bạch, hiệu quả và uy tín trong quy trình chào bán, đồng thời đề xuất thúc đẩy việc áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). Điều này sẽ củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, đồng thời nâng cao sức hấp dẫn và sự sôi động của thị trường vốn Việt Nam./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top