Aa

IREC: Quy hoạch đô thị - Con đường của tương lai

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Năm, 23/08/2018 - 06:01

Vài năm trở lại đây, chủ đề quy hoạch và phát triển đô thị luôn được quan tâm thông qua việc tổ chức các hội thảo với sự góp mặt của các chuyên gia trong và ngoài nước. Trên thực tế, quy hoạch đô thị tại Việt Nam còn nhiều vấn đề cần phải bàn từ khâu lập, thẩm định và phê duyệt đồ án quy hoạch. Với những diễn biến của thời hội nhập, nhà quản lý, chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sư sẽ có giải pháp nào để điều chỉnh lại quy hoạch sao cho phù hợp với tiến trình phát triển?

Trong số nhiều lĩnh vực nghiên cứu đô thị, quy hoạch đô thị là một ngành có tính thực hành và công cụ mạnh mẽ, nhằm định hướng phát triển các thành phố và đề ra giải pháp cho các vấn nạn đô thị. Đây cũng là một lĩnh vực có định nghĩa rộng nhưng lại mập mờ và không thể định nghĩa cụ thể. Do đó, cách hiểu về quy hoạch và sản phẩm quy hoạch có sự khác biệt ít nhiều giữa các quốc gia, các chuyên gia làm quy hoạch.

Theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, phần về quy hoạch xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành, khái niệm quy hoạch đô thị thực chất là khái niệm về quy hoạch xây dựng đô thị. Đây là việc tổ chức hoặc định hướng tổ chức không gian vùng, không gian đô thị và điểm dân cư, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống tại các vùng lãnh thổ. Nó cùng là việc làm nhằm đảm bảo kết hợp hài hoà giữa lợi ích quốc gia và lợi ích cộng đồng, đáp ứng được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.

Nhưng sau bao năm, có thể nói quy hoạch vẫn là vấn đề đang làm đau đầu các nhà quản lý cũng như giới chuyên gia. Thứ nhất là câu chuyện làm sao để có thể phát triển được đồng bộ. Theo chia sẻ của chuyên gia, một bản vẽ quy hoạch dự án khi được phê duyệt đều quan tâm đến hai yếu tố chính là hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Sau khi quy hoạch được duyệt, chủ đầu tư có cách nhiệm tính toán chi tiết hai mảng này sao cho đảm bảo cân bằng và thống nhất với quy hoạch chung của thành phố, quy hoạch vùng của Chính phủ.

câu chuyện làm sao để có thể phát triển được đồng bộ

Câu chuyện làm sao để có thể phát triển đô thị được đồng bộ.

Tuy nhiên, trên thực tế, hai mảng này thường mất cân đối, đặc biệt là những mảng sinh lợi như dự án nhà ở thường được phát triển sớm hơn. Hạ tầng giao thông, các vấn đề an sinh xã hội thường đi sau hoặc bị bỏ quên mới dẫn đến câu chuyện chỗ nào cũng thấy có chung cư, nhà ở. Mặt khác, xuất hiện ngày càng nhiều các đô thị có hạ tầng kỹ thuật rối và “đói” các công trình công cộng, dịch vụ xã hội.

Thứ hai là việc quản lý quy hoạch tại các đô thị còn nhiều “lỗ hổng”, thậm chí tư duy “ăn sổi” đã khiến quy hoạch bị méo mó, nhiều đô thị bị “băm nát”. Minh chứng rõ nét nhất là khi làm đô thị nén, xây cao ốc là giải pháp giúp tiết kiệm quỹ đất, phát triển giao thông công cộng. Lý thuyết là vậy nhưng do tầm nhìn về quy hoạch, và cách làm quản lý chưa tới đâu thì ngoảnh đi ngoảnh lại đã thấy các công trình cao tầng được “nhét” vào các ô đất trống nhỏ hẹp nhưng sinh lời cao.

Hệ quả là không chỉ làm tăng mật độ dân số trong khu hạn chế phát triển mà còn khiến hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũ bị quá tải. Một khu vực bị quá tải cũng có thể làm cho những tính toán khoa học, kỹ lưỡng, chi ly của quy hoạch chung thành phố rơi vào cảnh “phá sản”.

Ở Việt Nam, nơi hạ tầng giao thông và giao thông công cộng thấp kém, đặc biệt phát triển sau sự bùng nổ của giao thông cá nhân thì việc mở rộng các thành phố, giãn dân và giảm mật độ nội đô gặp nhiều khó khăn là điều dễ hiểu. Do đó, mỗi đô thị không chỉ là tập hợp của những ngôi nhà và những con đường. Quan trọng hơn, đó là nơi tập hợp của con người, phương tiện, đường xá tương tác với nhau trong một môi trường đông đúc và chật hẹp nhưng vẫn đem lại hiệu quả và sự hài lòng.

Trước đó, tại Hội thảo quốc tế "Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan với hệ thống hạ tầng đô thị tại các thành phố lớn ở Việt Nam", các chuyên gia cùng có đánh giá, nhìn chung chất lượng đô thị ở nước ta còn thấp. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị trong những năm qua đã được cải thiện và nâng cấp, song hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đồng bộ. Trình độ và năng lực quản lý, phát triển đô thị còn thấp so với yêu cầu.

Theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự phát triển nhanh, thiếu đồng bộ, đồng thời thiếu kiểm soát tình hình dân cư tự phát, gia tăng mật độ xây dựng. Tại các khu vực có tốc độ đô thị hóa cao, khu vực hai bên tuyến đường mới mở hoặc mở rộng trong khu vực nội đô, việc gia tăng các chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc so với quy định đã gây quá tải hạ tầng, tắc nghẽn giao thông đô thị. Bên cạnh đó, do những bất cập trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và xây dựng đô thị, kiến trúc cảnh quan tại phần lớn các đô thị còn nhiều tồn tại như: phát triển tự phát, thiếu định hướng, bộ mặt đô thị lộn xộn, không có bản sắc và quản lý chưa làm chủ được tình hình phát triển.

Nằm trong chương trình Hội nghị Bất động sản Quốc tế - IREC 2018, Thảo luận về Quy hoạch đô thị - Con đường của tương lai giữa các chuyên gia trong nước quốc tế nhằm đưa ra các cách thức thúc đẩy tăng trưởng bền vững và cân bằng từ những quan điểm toàn cầu. Việc có cái nhìn toàn cầu về quy hoạch đô thị sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cộng đồng và khách hàng của bạn. Trong thảo luận, còn có bài tham luận về Thành phố San Francisco đến từ chuyên gia nước ngoài.
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top