Aa

Nhận diện tư duy nhiệm kỳ và lợi ích nhóm trong quản lý quy hoạch đô thị

Thứ Tư, 22/08/2018 - 06:00

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng số quy hoạch dự kiến lập cho thời kỳ 2011 - 2020 được thực hiện trong các năm qua lên đến con số 13.767 quy hoạch, tiêu tốn hàng trăm ngàn tỷ đồng Ngân sách Nhà Nước (NSNN).

Thiết kế: Đức Anh

Thiết kế: Đức Anh

Gia tăng tình trạng quy hoạch chồng chéo, xa rời thực tế

Nhìn chung công tác quy hoạch thời gian qua đã đáp ứng được một phần nhu cầu quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, các ngành và địa phương. Tuy nhiên, công tác này cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém, không thống nhất về đối tượng, phạm vi, thời kỳ, nội dung và phương pháp lập quy hoạch. Quá trình thực hiện quy hoạch còn coi nhẹ quy trình và trật tự quy hoạch; nội dung, cấp độ quy hoạch chưa rõ ràng.

Quan hệ giữa các loại quy hoạch còn mâu thuẫn, chồng chéo. Đặc biệt, cả trên phạm vi quốc gia, cũng như địa phương, cần nhận diện đầy đủ, sâu sắc và ngăn chặn kịp thời hơn những biểu hiện đa dạng của tư duy nhiệm kỳ và lợi ích nhóm trong quản lý quy hoạch. Tình trạng này còn xuất hiện từ chủ trương, mục tiêu, xây dựng, thông qua và thực hiện quy hoạch.

Tư duy nhiệm kỳ và lợi ích nhóm còn khiến trong quản lý quy hoạch xuất hiện nhiều động thái quản lý “lạ”. Thể hiện như tình trạng mỗi địa phương quy hoạch một kiểu, "lai căng", chắp vá không có và giữ gìn bản sắc, dấu ấn riêng.

Biểu hiện trước hết của sự chi phối bởi lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kỳ trong quy hoạch xuất phát từ lối suy nghĩ dự án càng to thì thành tích lãnh đạo trong nhiệm kỳ càng lớn. Người có quyền thẩm định, thực hiện dự án càng có cơ hội thu lợi ích và ghi lại dấu ấn cá nhân lớn hơn.

Điều này thôi thúc các địa phương đua nhau làm quy hoạch nhanh, nhiều và thường chạy theo những quy hoạch với các dự án hoành tráng, tốn nhiều tiền đầu tư từ nguồn Ngân sách Nhà nước (NSNN). Trong bối cảnh chưa có Luật Quy hoạch và phân cấp quản lý quy hoạch chưa chặt chẽ, tư duy hành xử kiểu này là nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng nhiều quy hoạch được lập có chất lượng thấp. Nhiều dự án xa rời thực tế, không gắn với nguồn lực thực hiện, kém tính khả thi, khiến gia tăng tình trạng quy hoạch “treo”, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn lẫn nhau, gây lãng phí nguồn lực, nhất là các quy hoạch xây dựng liên vùng, liên tỉnh và thời gian triển khai kéo dài…

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong

Dẫn đến quy hoạch "lai căng", chắp vá

Một biểu hiện khá phổ biến khác khi quy hoạch bị chi phối bởi lối tư duy nhiệm kỳ và hành xử lợi ích nhóm là bản thân quy hoạch dễ bị điều chỉnh theo ý chí chủ quan của lãnh đạo và sự “dẫn dắt cuộc chơi” của chủ đầu tư qua mỗi nhiệm kỳ.

Thực tế ở Hà Nội và các đô thị lớn trên cả nước cho thấy, hàng chục dự án mà phần diện tích theo quy hoạch chính thức phải làm đường thẳng hoặc làm bãi đỗ ô tô nhưng cuối cùng, đường thẳng lại bị uốn cong và bãi đỗ xe tĩnh bị chuyển đổi công năng “theo đúng quy trình”. Những lý do khác nhau, dù sai ngược hẳn với mục địch sử dụng như khi xây dựng và thông qua dự án ban đầu vẫn được giải trình hợp lý.

Tình trạng này kéo dài và tái lặp nhiều lần, mà không có ai phải chịu trách nhiệm, khiến thành phố thiếu trầm trọng các bãi đỗ xe tĩnh, làm tăng tình trạng xe chạy lòng vòng tốn nhiên liệu, tăng ô nhiễm môi trường, tăng tắc nghẽn giao thông và làm xấu cảnh quan đô thị.

Ở khía cạnh khác, tư duy nhiệm kỳ và lợi ích nhóm còn khiến trong quản lý quy hoạch xuất hiện nhiều động thái quản lý “lạ”. Thể hiện như tình trạng mỗi địa phương quy hoạch một kiểu, "lai căng", chắp vá không có và giữ gìn bản sắc, dấu ấn riêng.

Tình trạng độc quyền và không công khai thông tin dự án, quy hoạch; tình trạng cùng một mảnh đất có nhiều “thư tay”, điện thoại "gửi gắm" từ nhiều lãnh đạo tiến cử các chủ đầu tư và doanh nghiệp khác nhau.

Đáng quan ngại hơn là gia tăng xu hướng xuất hiện những khu chung cư mới cao tầng thay cho xây dựng những khu dịch vụ công ích, phi lợi nhuận, gây áp lực ùn tắc giao thông, quá tải cơ sở hạ tầng tại khu vực. Hay chung cư người sống nằm kề nghĩa trang bất chấp các quy định về chủ đầu tư và quy trình đấu thầu triển khai dự án trong quy hoạch.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Làm tăng chi phí ngân sách Nhà nước và nợ công

Việc buông lỏng, bị méo mó và chi phối bởi lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kỳ trong quản lý quy hoạch giao thông nói riêng, quản lý xây dựng đô thị nói chung, không chỉ làm tăng chi phí NSNN cho các dự án đầu tư công về cơ sở hạ tầng do đền bù giải phóng mặt bằng ngày càng đắt đỏ, khó khăn, mà còn làm tổn hại về uy tín, năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước, kéo theo nhiều hệ lụy về tăng nợ công. Thực tế này cũng cản trở thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng; giảm hiệu quả đầu tư, lòng tin, sự đồng thuận và trật tự, an toàn xã hội.

Bởi vậy, để nhận diện, kiểm soát tư duy nhiệm kỳ và ngăn chặn tác hại của lợi ích nhóm trong công tác quản lý quy hoạch, tăng cường tính minh bạch, sự đồng thuận xã hội trong xây dựng, quản lý quy hoạch, cơ quan quản lý cần tăng cường quản lý Nhà nước thống nhất theo hướng kiến tạo và sự chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương, khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ, ngành và tính cát cứ địa phương, giải quyết các vấn đề xung đột lợi ích…

Đặc biệt, cần tuân thủ Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 (Quốc hội thông qua ngày 24/11/2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 2019, riêng các quy định của Luật này về lập, thẩm định quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 3 năm 2018);

Theo đó, cơ quan chức năng không cho phép điều chỉnh nếu việc điều chỉnh này ảnh hưởng đến quy hoạch cao hơn. Cấp có thẩm quyền quyết định và phê duyệt quy hoạch có quyền điều chỉnh quy hoạch thấp hơn trước, mà không cần phải chờ điều chỉnh quy hoạch cao hơn, khi phát sinh các điều kiện trên thực tế, bảo đảm nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến quy hoạch cấp cao hơn.

Hơn nữa, không chỉ nâng cao chất lượng quy hoạch, đáp ứng cả yêu cầu linh hoạt, động và tĩnh trong quy hoạch, mà còn thông tin đầy đủ, giải trình và tăng cường quản lý các quy hoạch đúng mục tiêu, công năng đã được cấp thẩm quyền thông qua.

Cơ quan chức năng cần kiên quyết ngăn chặn hành vi lợi dụng quy hoạch để trục lợi, điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, nhiệm kỳ sau điều chỉnh quy hoạch nhiệm kỳ trước; đồng thời phải có chế tài xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm quy hoạch, kể cả khi những người này đã nghỉ hưu.

Nhận diện và kiên quyết khắc phục tình trạng tư duy nhiệm kỳ, vì toan tính lợi ích riêng, coi nhẹ lợi ích chung trong công tác xây dựng và quản lý quy hoạch để bảo đảm tính định hướng, dự báo kịp thời, khách quan, ổn định, khả thi của hoạt động quy hoạch, bảo đảm tính thống nhất đồng bộ của hệ thống quy hoạch trong cả nước. Tránh tình trạng quản lý chia cắt cục bộ, thiếu liên kết vùng, liên kết các địa phương và sản phẩm ngành; tạo đà sự phát triển giai đoạn mới.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top