Theo một báo cáo mới công bố của Công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Euromonitor International có tên “Các siêu đô thị: Sự thống trị của quốc gia đang phát triển”, vào năm 2030, thủ đô Jakarta của Indonesia sẽ vượt qua Tokyo, trở thành siêu đô thị đông dân nhất thế giới.
Nếu điều này trở thành sự thật, nó sẽ đánh dấu một kỉ nguyên mới trong lịch sử của các đô thị. Vào năm 2030, siêu đô thị Jakarta ước tính sẽ có dân số 35,6 triệu người, tăng 4,1 triệu người trong giai đoạn 2017 – 2030. Bên cạnh những cơ hội, đây cũng là thách thức đối với Jakarta, nơi mà tình trạng giao thông được đánh giá là tồi tệ thứ 3 thế giới. Ngược lại với Jakarta, dân số của Tokyo có thể sẽ giảm đi 2 triệu người, còn khoảng 35,3 triệu người do sự già hóa dân số. Siêu đô thị Karachi (Pakistan) được dự đoán đứng thứ 3, tiếp sau đó là Manila (Philipines) và Cairo (Ai Cập).
“Một số thành phố khác ở khu vực Đông Á cũng đang bị tình trạng già hóa dân số. Seoul tăng thêm 2,5 triệu người già trên 65 tuổi từ năm 2017 tới 2030. Thượng Hải cũng tăng thêm 2,2 triệu người còn với Bắc Kinh là 1,8 triệu người”, Fransua Vytautas Razvadauskas, chuyên gia phân tích của Euromonitor International, cho biết.
Siêu đô thị là một thuật ngữ để chỉ các khu vực đô thị có dân số hơn 10 triệu người. Một số tài liệu định nghĩa một siêu đô thị là khu đô thị có mật độ tối thiểu 2.000 người/km2. Siêu đô thị có thể là một vùng đô thị biệt lập hoặc hai hay nhiều đô thị nằm gần nhau. |
Trong khi 7/10 siêu đô thị lớn nhất dự đoán sẽ nằm ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương vào năm 2030, thì tại châu Phi, nơi đang chứng kiến sự đô thị hóa mạnh mẽ, cũng hứa hẹn là nơi mà nhiều siêu đô thị sẽ hình thành từ nay cho tới thời điểm đó, trong đó có Luanda (Angola) và Dar es Salaam (Tanzania). Bốn siêu đô thị mới khác cũng được đánh giá sẽ có sự phát triển vượt bậc gồm: Chicago (Mỹ), Bogota (Colombia), Chennai (Ấn Độ) và Baghdad (Iraq).
Dữ liệu của Euromonitor International cho thấy, vào năm 2030, 60% dân số thế giới sẽ sống ở thành thị, chỉ riêng các siêu đô thị đóng góp 15% tổng GDP toàn cầu. “Bất chấp những thay đổi trong mô hình siêu đô thị, những thị trường chính trong tương lai vẫn tập trung ở các siêu đô thị đã phát triển, nơi có thu nhập cao hơn, thêm vào đó là nhà ở cơ sở hạ tầng, nhà ở, giao thông và chính sách chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Tổng thu nhập của một siêu đô thị đã phát triển sẽ gấp khoảng 5 lần một siêu đô thị đang phát triển”, ông Razvadauskas đánh giá.
Một số điểm đáng chú ý khác trong báo cáo của Euromonitor International:
- 9% dân số thế giới sẽ sống tại 39 siêu đô thị vào năm 2030
- Quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở châu Phi và Cairo sẽ trở thành thành phố lớn nhất trong khu vực vào năm 2030 với dân số 29,8 triệu người.
- Osaka (Nhật Bản) được dự đoán trở thành siêu đô thị già nhất thế giới với 31% dân số trên 65 tuổi.