Khu đô thị “quên” trường học: Rất cần sự vào cuộc của Thanh tra Chính phủ

Khu đô thị “quên” trường học: Rất cần sự vào cuộc của Thanh tra Chính phủ

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Tư, 15/12/2021 - 06:19

Thanh tra Chính phủ cần vào cuộc làm rõ những vi phạm để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, xin chỉ đạo xử lý triệt để bởi thực trạng này đã diễn ra hàng chục năm nay.

LTS: Hà Nội ngày càng rơi vào tình trạng thiếu trường học trầm trọng, nguyên nhân được xác định là do chủ đầu tư các KĐT mới thực hiện không đúng quy hoạch được phê duyệt, trong khi việc kiểm tra, giám sát từ chính quyền thành phố cho tới các sở, ngành, quận, huyện thì lỏng lẻo. Nhiều ý kiến cho rằng, để giải quyết dứt điểm tình trạng này, rất cần sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ và vai trò giám sát từ Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, truy xét trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị thuộc Hà Nội cũng như trách nhiệm của các chủ đầu tư KĐT. 

Với mong muốn đưa ra nhiều góc nhìn nghiên cứu, phản biện, Reatimes khởi đăng tuyến bài: Nhiều khu đô thị ở Hà Nội "quên" trường học, ai chịu trách nhiệm?

Bài 3: Khu đô thị “quên” trường học: Rất cần sự vào cuộc của Thanh tra Chính phủ

Trân trọng giới thiệu tới quý độc giả!

CHẤT VẤN XONG, NHIỀU KĐT Ở HÀ NỘI VẪN "QUÊN" TRƯỜNG HỌC

Thực trạng các khu đô thị (KĐT) ở Hà Nội “quên” trường học không phải chỉ xảy ra trong vài năm trở lại đây, mà vấn đề này đã từng được các vị đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố (HĐND TP) Hà Nội đặt ra trong các phiên chất vấn suốt từ 12 năm trước.

Trong một phiên họp của HĐND TP từ năm 2009, nhiều đại biểu đã chất vấn về việc kiểm tra và xử lý các chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết xây trường học tại các KĐT mới. Bà Ngô Thị Thanh Hằng khi đó là Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng đã khẳng định trách nhiệm chính thuộc về chủ đầu tư. 

Sau ý kiến từ các đại biểu, bà Ngô Thị Doãn Thanh khi đó là Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội cũng thẳng thắn nêu bức xúc của nhiều người dân về việc quy hoạch mạng lưới trường thì có nhưng chưa có quy hoạch sử dụng đất, có những nơi đặt ra từ năm 2003 nhưng nhiều năm sau vẫn không xây dựng được trường. Chính quyền chưa quan tâm đến vấn đề dân số, cứ đổ đầu mỗi phường 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học và trung học cơ sở công, nhưng không tính đến mỗi phường có mật độ dân số nhiều ít khác nhau, mà phường nào cũng như phường nào.

Nhiều kỳ họp sau đó của HĐND TP. Hà Nội, vấn đề thiếu trường học trong KĐT luôn được nhiều đại biểu quan tâm đặt ra, nhưng rồi chất vấn xong vẫn không cải thiện được bao nhiêu.

Liên tiếp những năm sau đó, tình trạng KĐT “quên” trường học vẫn tiếp tục tái diễn, trong một phiên họp của HĐND TP. Hà Nội vào giữa năm 2017, trả lời các câu hỏi liên quan tới vấn đề quy hoạch, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến Trúc Hà Nội khi đó là ông Lê Vinh cho biết, khi dự án được phê duyệt đều có dành quỹ đất cho việc xây dựng các hạ tầng xã hội thiết yếu như trường học, nhà văn hóa... nhưng việc thiếu trường học tại khu đô thị là do trong quá trình triển khai thực hiện, thường các chủ đầu tư xây nhà trước, xây hạ tầng xã hội sau.

Ông Vinh đã nói rõ là chưa có chế tài buộc các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng xã hội trước nên họ cứ xây nhà trước để bán, đồng thời cũng nêu hướng giải quyết là ở KĐT mới đang xây dựng thì thành phố sẽ yêu cầu nhà đầu tư đẩy nhanh xây dựng nhà trẻ, trường học. Đối với các dự án cấp mới, ngay trong khâu cấp phép phải có chế tài yêu cầu chủ đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội trước khi xây nhà.

Còn ông Nguyễn Thế Hùng khi đó là Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội thì cho rằng, thành phố có quy định, công cụ pháp luật đầy đủ về xử lý vi phạm, tuy nhiên chất lượng của cán bộ quản lý địa bàn, thái độ kiên quyết của chính quyền địa phương trong việc xử lý chưa đạt yêu cầu. Ý thức chấp hành của chủ đầu tư và bộ phận người dân chưa tốt, cố tình vi phạm. Tới đây, thành phố sẽ xem xét từng trường hợp, rút kinh nghiệm trong thực hiện pháp luật, đồng thời sẽ nâng cao chất lượng quản lý, nhất là bộ máy quản lý trực tiếp địa phương bằng cách sàng lọc, xây dựng bộ máy có hiệu quả. Thành phố kiên quyết xử lý nghiêm chủ đầu tư vi phạm, không để phát sinh những vi phạm mới.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đánh giá rằng, giải thích của một số vị như ông Nguyễn Thế Hùng hay ông Lê Vinh chỉ mang tính chất hình thức ở kỳ họp và dường như lãnh đạo từ thành phố cho tới các sở ngành, quận huyện đều “bất lực” trước thực trạng KĐT “quên” trường học.

Hàng loạt cái tên khiến dư luận xã hội bức xúc vì bán nhà nhưng "quên" xây dựng trường mà cơ quan chức năng đã chỉ ra như: KĐT Xuân Phương Viglacera do Tổng công ty Viglacera làm chủ đầu tư; KĐT mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh do Công ty TNHH Một thành viên Kinh doanh Dịch vụ Nhà Hà Nội làm chủ đầu tư; KĐT mới Pháp Vân – Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) do Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (Tổng HUD thuộc Bộ Xây dựng) xây dựng từ năm 2002 và sau gần 20 năm thì mới chỉ có 1 trường mẫu giáo được hoành thành và đưa vào sử dụng, các ô đất còn lại dành xây trường đang để hoang hóa, làm bãi đỗ xe trái quy định; KĐT Tây Nam hồ Linh Đàm cũng do Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - Bộ xây dựng (HUD) triển khai, quy hoạch 6 ô đất xây dựng trường học, tuy nhiên đến nay mới chỉ có 1 công trình trường tiểu học được đưa vào sử dụng, 5 lô đất còn lại quy hoạch xây dựng trường học chưa triển khai, trong đó 2 ô đất (NT1 và TH1) đã chuyển cho nhà đầu tư thứ phát; 2 ô đất (NT2, TH2) đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch; 1 ô đất (TH4) chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng; Khu nhà ở Vĩnh Hoàng (quận Hoàng Mai) có hạng mục nhà tái định cư do Công ty CP đầu tư xây dựng phát triển nhà số 7 Hà Nội làm chủ đầu tư, nhưng không có trường học.

Bên cạnh đó, còn một loạt những cái tên khác như: Khu chức năng đô thị Ao Sào (Hoàng Mai, Hà Nội) do Công ty CP đầu tư và phát triển Lũng Lô 5 làm chủ đầu tư; Dự án khu nhà ở Thạch Bàn (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) chủ đầu tư là Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị BQP; KĐT mới Vân Canh do HUD đầu tư; KĐT mới Phùng Khoang do Tập đoàn Nam Cường đầu tư… cũng rơi vào tình trạng “quên” xây trường học.

Chia sẻ với Reatimes về vấn đề này, GS. TS Nguyễn Minh Thuyết - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội (ĐBQH khóa XI, XII) nhận định: “Sự việc nhiều KĐT tại Hà Nội thiếu trường học trong hơn chục năm qua gây ra rất nhiều hệ luỵ, ảnh hưởng lớn tới chất lượng dạy và học.

Thứ nhất, quy định thì rất rõ là phải có trường học trong KĐT, như vậy là về mặt chính sách rất tốt. Tuy nhiên, triển khai thực hiện thì không nghiêm túc, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền được học tập của trẻ, vì không có các trường xây mới trong KĐT thì áp lực sẽ tiếp tục đè nặng lên hệ thống các trường công lập khu vực lân cận.

Chúng ta đã quá quen thuộc với những thông tin trường này, trường kia có đến gần 60 học sinh/lớp học, thậm chí cá biệt có những lớp gần 70 học sinh. Sĩ số lớp lớn gấp đôi so với quy định Điều lệ trường mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và hiển nhiên là ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng giáo dục. Tôi thấy điều này là vô cùng đáng lo ngại vì đã được cảnh báo từ hơn chục năm trước, nhưng tới nay tình hình không thay đổi được bao nhiêu, trong khi đó Nhà nước vẫn luôn khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu”.

Để giải quyết triệt để tình trạng này, GS. TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: “Đã có luật rồi mà thực hiện không nghiêm dẫn tới hậu quả như vậy thì Bộ Xây dựng phải kiểm tra, xử lý. Thanh tra Chính phủ phải vào cuộc làm rõ trách nhiệm phần nào thuộc về chính quyền địa phương, phần nào là trách nhiệm của chủ đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chỉ đạo xử lý nghiêm khắc với những cá nhân để xảy ra sai phạm, đồng thời khắc phục hậu quả là bổ sung trường học mà luật đã quy định.

Nếu không truy xét trách nhiệm cụ thể thì tất cả rồi sẽ là lỗi chung, tình trạng các KĐT thiếu trường học sẽ còn tiếp diễn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển các thế hệ tương lai của đất nước.

Tôi cũng mong Quốc hội sẽ sớm có các chương trình giám sát quá trình thực thi luật, giám sát sử dụng đất trong đô thị để có những đóng góp giúp Chính phủ giải quyết vấn đề này”.

TS. Hoàng Ngọc Vinh – Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo), thành viên Tổ tư vấn Ủy ban quốc gia về đổi mới giáo dục đào tạo cũng nêu quan điểm: “Việc các KĐT không có trường học thể hiện sự yếu kém trong quản lý, thậm chí là thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương, các sở ngành tại Hà Nội. Câu hỏi đặt ra là ai cũng biết là chủ đầu tư chỉ tập trung xây nhà bán, còn đất xây trường thì bỏ trống, nhưng tại sao vẫn cứ diễn ra mà không bị xử lý? Tôi đề nghị các đồng chí lãnh đạo Chính phủ sớm có chỉ đạo xử lý triệt để, yêu cầu các chủ đầu tư và địa phương phải khắc phục hậu quả ngay”.

Cũng theo TS. Hoàng Ngọc Vinh, việc chính quyền địa phương buông lỏng kiểm tra, xử lý, để đất xây dựng trường bị hoang hóa trong các KĐT là sự lãng phí rất lớn.

“Rõ ràng là có quỹ đất để xây dựng và cũng đã được phê duyệt trong quy hoạch dự án nhưng chủ đầu tư thì không thực hiện, còn chính quyền địa phương cũng không quyết liệt xử lý. Nếu không phải vì năng lực yếu kém thì cũng là một dạng rất thiếu trách nhiệm với đời sống của người dân, với sự nghiệp giáo dục của đất nước”, TS. Vinh nói.

"LÃNH ĐẠO PHẢI THẤY TRÁCH NHIỆM CỦA MÌNH KHI DÂN KHỔ SỞ VÌ THIẾU TRƯỜNG HỌC"

Đây là nhận định của PGS. TS Bùi Thị An – (ĐBQH khóa XIII), Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng khi đề cập tới tình trạng rất nhiều trường học bị quá tải sĩ số, phần lớn rơi vào khu vực quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai.

Bà An bình luận: “Luật đã quy định trong các KĐT phải có trường học nhưng hầu hết chủ đầu tư đều phớt lờ, trong khi lãnh đạo thành phố lại không có biện pháp nào đủ mạnh để xử lý triệt để tình trạng này. Mỗi KĐT mới xây dựng có thêm hàng chục nghìn dân sinh sống, nhưng không có trường học thì các cháu phải chen nhau vào những trường học cũ, nhiều lớp lên tới hơn 60 cháu thì làm sao đảm bảo được chất lượng dạy và học.

Tôi nghĩ các đồng chí lãnh đạo thành phố và lãnh đạo các sở ngành của Hà Nội khi nhìn thấy điều này phải thấy trách nhiệm của mình. Các đồng chí giữ cương vị là lãnh đạo, nắm trong tay quyền kiểm tra giám sát, xử lý mà lại để sự việc diễn ra hàng chục năm trời, như thế là các đồng chí có lỗi với nhân dân.

Những gì đang diễn ra ở Hà Nội cũng sẽ là bài học cho TP. Hồ Chí Minh và các đô thị khác và để giải quyết tận gốc thì cần phải có sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội”.

Đề cập tới thực trạng này, Bộ Xây dựng cho biết, theo các quy định hiện hành tại các Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Luật Xây dựng năm 2014 đã có quy định bắt buộc về đất để phát triển các cơ sở giáo dục khi quy hoạch các KĐT.

Các quy định được cụ thể hóa hơn ở Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị, Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng... Các chỉ tiêu, tỷ lệ đất phát triển các cơ sở giáo dục trong các đồ án quy hoạch được quy định tại Quy chuẩn xây dựng Việt Nam - QCXDVN 01:2008/BXD về quy hoạch xây dựng.

Tuy vậy, thực tế việc triển khai đầu tư xây dựng các KĐT thì chưa đúng với quy định của pháp luật, tình trạng “quên” xây trường học diễn ra rất phổ biến tại Hà Nội. Theo nhiều chuyên gia thì chỉ có Tập đoàn Vingroup dành sự quan tâm, xây dựng trường học và bệnh viện tại các KĐT, những chủ đầu tư khác thường chỉ tập trung bán căn hộ kiếm lời, đất xây dựng trường thì bỏ cho cỏ mọc hàng chục năm trời.

Quốc hội cũng đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2014 có hiệu lực đến hết năm 2018. Kết quả giám sát cũng đã chỉ ra  tại một số đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM xảy ra tình trạng thiếu đất cho phát triển các công trình phúc lợi công cộng như giáo dục, y tế, vui chơi giải trí, giao thông tĩnh… Việc quản lý, sử dụng đất đô thị cũng tồn tại nhiều bất cập như: Việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị còn bất cập, hạn chế.

TS. Lưu Bình Nhưỡng – Phó trưởng ban Dân nguyện Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm: “Quốc hội đã tiến hành giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị sau khi Luật đất đai 2013 có hiệu lực cho tới 2018. Tôi cho rằng, Quốc hội phải tiếp tục thực hiện giám sát nội dung này không chỉ với Hà Nội mà triển khai ở tất cả các đô thị trên cả nước, qua đó sẽ có những tổng kết đánh giá giúp cho việc điều hành của Chính phủ.

Tôi đề nghị thực hiện nghiêm theo luật, tất cả các KĐT phải tiến hành xây dựng trường học, nơi nào vi phạm thì phải truy trách nhiệm cá nhân, xử phạt và khắc phục hậu quả triệt để. Tôi cũng đề nghị Chính phủ sớm có chỉ đạo thanh tra làm rõ trách nhiệm, dứt khoát không cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất làm trường học sang dịch vụ khác, những nơi nào đã âm thầm thay đổi phải xử lý kiên quyết thu hồi để phục vụ cho giáo dục”.

Theo TS. Lưu Bình Nhưỡng, sự việc không chỉ xảy ra một hai lần mà là rất phổ biến ở hầu hết các KĐT và kéo dài nhiều năm, điều đó khẳng định lãnh đạo địa phương tại Hà Nội rất yếu kém trong công tác quản lý, cần có sự chỉ đạo từ Chính phủ để xem xét trách nhiệm từng cá nhân, tập thể.

Ngọc Quang
15/12/2021 06:19
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top