Aa

“Kẽ hở” trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Tư, 07/11/2018 - 01:02

Doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa chậm là thực trạng diễn ra từ nhiều năm nay. Nguyên nhân có thể kể đến như sự chưa đồng bộ và hoàn thiện của luật định liên quan, đặc biệt là còn nhiều điều đáng quan ngại về thất thoát tài sản công, kể cả hiện tượng tư nhân hóa ngầm các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).

Đây là nhận định của một số chuyên gia tại diễn đàn “Thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN” diễn ra ngày 6/11.

Theo báo cáo của ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), tình hình cổ phần hóa DNNN diễn ra còn chậm. Cụ thể, năm 2016, theo kế hoạch sẽ cổ phần hóa 66 doanh nghiệp (trong đó có 15 doanh nghiệp cổ phần hóa cùng công ty mẹ, 35 doanh nghiệp độc lập) với tổng giá trị doanh nghiệp là 40.206 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 27.328 tỷ đồng.

Tuy nhiên, 18/35 doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch bán cổ phần đề ra, trong đó có những doanh nghiệp bán được rất ít như: Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp; Công ty TNHH MTV Bột mỳ Vinafood; Công ty TNHH MTV Cao su Tân Biên; Công ty TNHH MTV Cấp nước Gia Lai…

Đến năm 2017, 69 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa. Tổng giá trị doanh nghiệp của 69 doanh nghiệp là 365.953 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước là 160.156 tỷ đồng. Trong số 69 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa, có 48 doanh nghiệp báo cáo tình hình thực hiện bán cổ phần lần đầu và 7/48 doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch bán cổ phần đề ra, trong đó có những doanh nghiệp bán được rất ít so với số cổ phần bán đấu giá công khai như: Tổng công ty Phát điện 3 (GENCO 3); Tổng công ty Công ty Sông Đà.

Ông Đặng Quyết Tiến cho hay: “Tính đến tháng 10/2018, mới có 10% doanh nghiệp có kế hoạch cổ phần hóa. Như vậy là rất chậm. Mặc dù vậy, kết quả gần đây cho thấy, doanh nghiệp bán vốn đều được giá trị cao hơn, tức là đã có sự thay đổi về chất. Tuy vậy, các doanh nghiệp chưa mời được cổ đông lớn, có tiềm lực tham gia. Có trường hợp đáng không bán được, chẳng hạn như GENCO 3. Họ kinh doanh khá tốt nhưng cách làm không chuẩn”.

giá trị Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) là 4.043 tỷ đồng

Ảnh minh họa.

Trong khi đó tại hội thảo, Ths. Nguyễn Trần Minh Trí, Viện Kinh tế & Chính trị thế giới phân tích, nguyên nhân sự chậm trễ và thiếu hiệu quả, thậm chí méo mó trong quá trình cổ phần hóa DNNN thời gian qua không chỉ do sự chưa đồng bộ và hoàn thiện của luật định liên quan, mà còn do hạn chế về nhận thức, quyết tâm chính trị và cả sự chi phối của lợi ích nhóm và thiếu trách nhiệm của người đứng đầu DNNN, cũng như đơn vị chủ quản.

Đặc biệt, còn nhiều điều đáng quan ngại về thất thoát tài sản công, kể cả hiện tượng tư nhân hóa ngầm các DNNN. Biểu hiện tập trung điển hình ở một số vụ bán cổ phần DNNN với giá quá rẻ, thấp hơn nhiều so với giá trị thực của DNNN; cũng như qua việc một số cổ đông tích cực và chủ động công khai hoặc ngấm ngầm mua gom cổ phần và trở thành nhóm nhỏ cổ đông lớn nhất, nắm quyền khống chế trong và sau khi cổ phần hóa DNNN, biến DNNN từ sở hữu Nhà nước thành sở hữu riêng, sở hữu có tính gia đình trên thực tế của một số ít cổ đông vốn là các lãnh đạo cấp cao của DNNN hoặc người nhà của họ, tạo ra thế hệ “đại gia” gia đình trị, giàu có và giàu nhanh đến bất ngờ, nhờ “hớt lộc” cổ phần hóa DNNN.

Ngoài lý do khách quan, tình trạng trên có nguyên nhân lấn cấn về nhận thức, né tránh và e ngại cạnh tranh thị trường, hụt hẫng và “tâm tư” về lợi ích; do sự bấp cập trong chính sách hoặc lạm dụng kẽ hở luật định, sự không tuân thủ đúng hoặc mập mờ, gian lận trong tính toán giá trị và tổ chức CPH.

Do đó, Ths. Nguyễn Trần Minh Trí cho rằng, việc kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp có ý nghĩa rất lớn trong việc minh bạch hóa, góp phần phòng chống tham nhũng, thất thoát tài sản công trong quá trình thực hiện cổ phần hóa DNNN. Thực tế cho thấy, giá trị sổ sách tài sản trên đất có thể rất thấp, nhưng quyền thuê đất và chuyển nhượng đất sẽ cực kỳ quan trọng và hấp dẫn các nhà đầu tư. Đơn cử, quỹ đất vàng trên đường Lê Duẩn của Công ty Xổ số Kiến Thiết TP.HCM được định giá hơn 800 tỷ đồng, nhưng khi tổ chức đấu giá, thu được gần 2.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, để tránh thất thoát tài sản Nhà nước, tránh giá trị cổ phiếu ảo, cần đưa giá trị sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi CPH. Việc định giá đất cần bám sát giá thị trường, gắn với quy hoạch sử dụng đất. Nhà nước không cho doanh nghiệp trả tiền thuê đất một lần cho toàn bộ thời hạn giao đất, mà chỉ ổn định trong khoảng thời gian nhất định và có điều chỉnh giá thuê sau thời gian đó theo nguyên tắc bám sát giá thị trường.

“Tôi cho rằng, cần bổ sung quy định về xử lý đất đai đối với các doanh nghiệp quản lý nhiều đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao theo hướng yêu cầu DNNN cổ phần hóa có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét và phải phù hợp với quy hoạch, xây dựng tại địa phương cũng như phải được gửi đến UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước khi thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp”, Ths. Nguyễn Trần Minh Trí nhận định.

Hơn nữa, quá trình đấu giá cần được thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh trên cơ sở phải thông tin đầy đủ về diện tích đất, vị trí, giá thuê và thời hạn thuê, phương thức thanh toán tiền thuê đất. Đặc biệt, kiên quyết xử lý nghiêm khắc hiện tượng “quân xanh, quân đỏ”, dùng thủ thuật, kỹ thuật (như nộp hồ sơ quá gấp gáp hay bắt tay nhau) để gạt người khác ra, dìm giá và chi phối kết quả đấu giá khi cổ phần hóa DNNN.

Đồng thời, toàn bộ quá trình đổi mới các DNNN, nhất là doanh nghiệp vị lợi nhuận, cần đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, cũng bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, phòng ngừa, khắc phục tình trạng “lợi ích nhóm”, “sân sau” thao túng hoạt động của DNNN trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí, gây tổn hại cho Nhà nước, xã hội và doanh nghiệp.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top