Aa

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: "Của công thành của ông"

Thứ Bảy, 29/09/2018 - 06:01

Từ nay đến năm 2020, cả nước sẽ thực hiện cổ phần hóa gần 140 doanh nghiệp nhà nước, trong đó có nhiều doanh nghiệp nắm giữ "đất vàng".

Câu chuyện về đất đai trong giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá là một trong những vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Có những DNNN làm ăn bết bát, thậm chí là thua lỗ triền miên nhưng lại quản lý nhiều khu "đất vàng", có vị trí đắc địa tại các thành phố lớn. Đến khi cổ phần hóa, những doanh nghiệp này được định giá rất thấp, bởi lẽ đất thuê không được tính vào giá trị doanh nghiệp. Có thể thấy rõ vấn đề này trong câu chuyện cổ phần hóa một số DNNN như: Hãng phim truyện Việt Nam, Công ty CP Kem Tràng Tiền, Công ty Giày Sài Gòn...

Giá trị đất đai đưa vào quá trình cổ phần hóa DNNN không bao gồm đất thuê của Nhà nước và không tính giá trị lợi thế kinh doanh liên quan tới địa điểm vào giá trị đất thuê là những kẽ hở khiến Nhà nước thất thu cả nghìn tỷ. Thực tế này đòi hỏi cần có những đổi mới trong quản lý nhằm ngăn tình trạng trục lợi về đất đai trong quá trình cổ phần hóa.

Cà phê cuối tuần sẽ cùng bàn luận về chủ đề này. Xin giới thiệu các chuyên gia: Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, bà Bùi Thị An - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội, và luật sư Trương Anh Tú - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội.

PV: Khi nhắc tới câu chuyện về đất đai trong giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá chúng ta không thể không nói đến quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Mới đây, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã chỉ ra hàng loạt sai phạm liên quan đến công tác cổ phần hóa hãng phim này. Trong Kết luận, TTCP nêu rõ, Ban chỉ đạo cổ phần hóa không thực hiện việc lựa chọn đơn vị tư vấn định giá doanh nghiệp, Hãng phim truyện Việt Nam được định giá với giá rẻ. Theo Luật sư Trương Anh Tú, đâu là nguyên nhân khiến cho quá trình cổ phần hóa ở Hãng phim truyện Việt Nam lại có nhiều khuất tất như vậy?

Luật sư Trương Anh Tú: Qua kết luận của TTCP, tôi thấy rằng đây là câu chuyện "bình mới rượu cũ". Cốt truyện vẫn là cốt truyện chung xung quanh các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa. Chẳng qua "bình mới" ở đây là Hãng phim truyện Việt Nam, còn về bản chất nó không có gì mới. Trong quản lý công sản đang tồn tại vấn đề là mua đắt, bán rẻ. Đối với các doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa trong một chừng mực nào đó cũng có thể coi là bán doanh nghiệp. Muốn bán doanh nghiêp với giá rẻ thì phải định giá rẻ.

Một vấn đề nữa trong cổ phần hóa DNNN là xác định giá trị đất đai vào giá trị doanh nghiệp. Chúng ta đang vướng ở cơ chế pháp luật về đất đai. Đối với những mảnh đất đã giao và thu tiền sử dụng đất thì tính vào tài sản doanh nghiệp để định giá; còn đối với những mảnh đất được giao nhưng không thu tiền sử dụng đất thì lại không tính vào giá trị doanh nghiệp. Đây chính là kẽ hở vô cùng lớn để một số cá nhân vin vào đó để trục lợi. Bên có quyền bán (nhà nước giao cho quản lý để bán) cũng nhìn vào đó hưởng lợi, bên mua cũng nhìn vào đó hưởng lợi.

Đó là câu chuyện tại sao một doanh nghiệp không làm nghệ thuật cũng xông vào mua Hãng phim truyện Việt Nam. Họ vào đây vì cái gì? Mục đích của họ là gì? Xin thưa là vì đất, vì bất động sản. Họ không quan tâm ông đạo diễn nào ở đây nổi tiếng, và có lẽ họ cũng chằng quan tâm hãng phim này tồn tại từ năm nào, đã có những bộ phim nào đạt giải Bông sen vàng, đạt giải quốc tế, cái mà họ cần đó là bất động sản.

Khi họ mua doanh nghiệp thì thương hiệu và một vài tài sản cũ kĩ là không đáng kể, nhưng mua xong họ lại ôm được những mảnh "đất vàng" với giá trị khổng lồ. Thế rồi họ sẽ tiến hành thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất hoặc tiến hành trả tiền sử dụng đất một lần theo khung giá nhà nước, và khoảng cách từ khung giá nhà nước đến giá thị trường là một sự chênh lệch khổng lồ.

Luật sư Trương Anh Tú

Luật sư Trương Anh Tú

PV: Như Luật sư Trương Anh Tú đã đề cập ở trên, sau khi thâu tóm được một DNNN, "ông chủ mới" sẽ hưởng nguồn lợi nhuận khổng lồ từ sự chênh lệch giữa khung giá nhà nước và giá thị trường. Các chuyên gia nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

ĐBQH Bùi Văn Xuyền: Có hai vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong quá trình cổ phần hóa DNNN, thứ nhất là giá trị thương hiệu và thứ hai là giá trị về đất đai. Nói đến giá trị đất đai thì phải tính đến giá thị trường, không thể nói vị trí địa lý không liên quan đến giá thị trường của một mảnh đất. Chúng ta đã có phương pháp tính toán theo quy định nhưng vẫn còn nhiều bất cập, chưa bao quát hết được thực tiễn, dẫn tới việc xác định giá không đúng với giá thị trường.

Vấn đề là giá thị trường là giá như thế nào? Để xác định cho đúng giá thị trường hiện nay vẫn đang là một bài toán khó. Ví dụ, trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất, để tiến hành bồi thường cho người dân sẽ căn cứ vào cách xác định giá thị trường theo quy định. Tuy nhiên, với cách tính ấy thì Nhà nước và người dân sẽ khó tìm được tiếng nói chung. Tương tự như vậy, trong cổ phần hóa DNNN, việc xác định giá trị đất đai không thống nhất, dẫn tới sự chênh lệch so với giá thị trường và thất thoát tài sản nhà nước là điều khó tránh khỏi.

Thực tế hiện nay, việc mua bán đất không phản ánh đúng với giá trị của mảnh đất. Các giao dịch mua bán đất được thanh toán bằng tiền mặt rồi khai báo nộp thuế không chính xác. Tiếp đó là công tác điều tra của cơ quan chức năng tại các vị trí, địa điểm vẫn còn mang tính hình thức dẫn tới đánh giá không sát với thực tiễn. Do đó, dù chúng ta có quy định chung để xác định giá trị đất đai nhưng nó không phản ánh đúng thực tế. Để lượng hóa giá trị đất đai theo giá thị trường cho đúng là cả một vấn đề. Cơ quan chức năng phải xem xét lại vấn đề này một cách nghiêm túc.

Bà Bùi Thị An: Trong quá trình cổ phần hóa tại một số DNNN đã để xảy ra lãng phí rất lớn về tài sản của nhà nước do định giá doanh nghiệp không đúng, đặc biệt định giá về đất đai. Đó là vấn đề cốt lõi, bởi lẽ phần lớn các doanh nghiệp được cổ phần hóa giai đoạn vừa qua là ở các thành phố. Những doanh nghiệp này nằm ở vị trí đắc địa, tài sản chính là đất, nếu định giá không đúng sẽ gây lãng phí rất lớn.

ĐBQH Bùi Văn Xuyền

ĐBQH Bùi Văn Xuyền

PV: Việc định giá doanh nghiệp ở Việt Nam dường như đang bỏ qua khâu định giá nguồn lực đất đai. Nhiều thương vụ cổ phần hóa không tính giá trị lợi thế vị trí địa lý của đất thuê vào giá trị doanh nghiệp, trong khi đó thị trường lại định giá cao lợi thế quyền thuê đất của nhiều doanh nghiệp. Theo Luật sư Trương Anh Tú, lỗ hổng trong vấn đề này nằm ở đâu?

Luật sư Trương Anh Tú: Thực ra nếu đổ cho các công ty định giá thì cũng oan cho họ. Ở đây không phải lỗi của các công ty định giá, mà vấn đề là chúng ta đang có kẽ hở về pháp luật. Cụ thể, các loại đất thuê lại không được tính vào giá trị doanh nghiệp, không được coi là một tài sản nên không được đinh giá. Thế nhưng doanh nghiệp thâu tóm được DNNN sau cổ phần hóa lại được quyền thuê đất tiếp và có thể chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc là thay đổi công năng sử dụng đất, ví dụ xây văn phòng cho thuê, xây chung cư để bán... Đây thực sự là một lỗ hổng mà chúng ta phải nhanh chóng bịt nó lại.

PV: Theo các chuyên gia, giải pháp cấp bách hiện nay để vá những lỗ hổng trong cổ phần hóa DNNN là gì?

Bà Bùi Thị An: Đầu tiên phải khẳng định, cổ phần hóa DNNN là chủ trương đúng. Chính phủ đã chỉ đạo là phải minh bạch trong cổ phần hóa, minh bạch tất cả thông tin của doanh nghiệp, trong đó có giá trị thương hiệu, giá trị tinh thần, và giá trị vật chất... Giá trị vật chất trước hết là đất đai và tài sản trên đất.

Phải định giá doanh nghiệp thế nào cho đúng, cho sát với giá thị trường, minh bạch giá đó là bao nhiêu. Ai sẽ đấu thầu, doanh nghiệp tư nhân nào đấu thầu, doanh nghiệp nào thắng thầu, thắng thầu với giá bao nhiêu? Một chuỗi quá trình đó phải minh bạch hoàn toàn. Mặt khác, cần xác định rõ doanh nghiệp thắng thầu có người nào liên quan đến người có chức trách hay không. Bởi trước đây có một số quan chức, các vị không đứng tên cổ phần nhưng lại để cho người thân đứng tên. Để làm được điều này cần có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như của các tổ chức chính trị - xã hội.

Tôi nghĩ Chính phủ nên chỉ đạo giao hẳn vấn đề cổ phần hóa DNNN cho một đồng chí Phó Thủ tướng phụ trách. Mặc dù các bộ, ngành đều có người tham gia thực hiện nhưng cần thiết phải có một người phụ trách, chịu trách nhiệm cao nhất, chỉ đạo sát sao từng công việc cụ thể. Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ cho ai thì người đó phải chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm đến cùng. Có như thế thì mới giữ được tài sản cho Nhà nước.

Mặt khác, quá trình cổ phần hóa DNNN nào xảy ra sai phạm phải bị xử lý và xử lý đến cùng, không có ngoại lệ, không có vùng cấm nhưng phải minh bạch để người dân nắm được thông tin.

ĐBQH Bùi Văn Xuyền: Theo tôi, giải pháp hiện nay là các cơ quan chức năng cần phải rà soát lại trình tự thủ tục về cổ phần hóa DNNN. Rà soát lại các phương pháp tính toán cả về giá trị hữu hình và giá trị vô hình của doanh nghiệp một cách khoa học. Phải có các quy định chặt chẽ để ngăn chặn lợi ích nhóm, nghĩa là có những người lợi dụng thẩm quyền để làm méo mó chính sách của Nhà nước, khiến quá trình tổ chức thực hiện cổ phần hóa DNNN diễn ra không đúng. Cần công khai minh bạch những hoạt động cổ phần hóa về các nội dung liên quan theo quy định của pháp luật để người dân, doanh nghiệp giám sát quá trình này. Từ đó, cơ quan chức năng có thể có sự điều chỉnh hợp lý, đánh giá xác thực hơn trong quá trình triển khai cổ phần hóa DNNN.

Bà Bùi Thị An

Bà Bùi Thị An

PV: Có một số ý kiến cho rằng, Nhà nước nên tính đến biện pháp thu hồi nguồn lực đất đai của các DNNN trước khi tiến hành cổ phần hóa nhằm tránh tình trạng thất thoát tài sản. Các chuyên gia có đồng tình với ý kiến này không? 

Bà Bùi Thị An: Tôi kiến nghị phải thu hồi lại nguồn lực đất đai để không còn ai dám làm sai nữa. Doanh nghiệp cần sự ủng hộ của người dân, nhà nước và ngược lại. Tuy nhiên, cái chúng ta cần là những doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước chứ không phải là những doanh nghiệp làm ăn không chân chính.

Luật sư Trương Anh Tú: Việc thu hồi hay không thì cần phải bàn. Thế nhưng tôi cho rằng, chúng ta cần tìm giải pháp chung cho tất cả các bất động sản trong DNNN mà đang tiến hành cổ phần hóa, phải tạo một cơ chế chính sách riêng biệt cho loại hình bất động sản này. Đó là trước khi cổ phần hóa, nhà nước sẽ tiến hành giao đất có thu tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp. Khi cổ phần hóa, doanh nghiệp này phải đưa giá trị bất động sản vào giá trị của doanh nghiệp để định giá và giá đó phải được xác định trên cơ sở giá thị trường chứ không phải là khung giá đất nhà nước.

Dạng thứ hai là đối với các doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng đất hoặc nhu cầu sử dụng đất không tới, ví dụ một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đơn giản nhưng mà có hàng chục héc ta đất ở trong nội thành các thành phố lớn thì rõ ràng thực tế họ không có nhu cầu đó. Như vậy nên giao cho họ, bán cho họ một mảnh đất ở ngoại thành, ở các khu công nghiệp để họ sản xuất, còn đất trong nội thành nhà nước tiến hành thu hồi lại phục vụ mục đích phát triển kinh tế xã hội. Và nếu như có chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp bất động sản thì tiến hành đấu giá công khai, rộng rãi trên cơ sở giá bán thị trường. Phải minh bạch như vậy chúng ta mới chống thất thoát được tài sản của Nhà nước, đặc biệt là trong bối cảnh hàng nghìn, hàng vạn doanh nghiệp đang chuẩn bị cổ phần hóa và họ đang nắm giữ rất nhiều bất động sản.

Xin trân trọng cảm ơn các chuyên gia!

Thiết kế: Đức Anh

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top