Aa

Kế hoạch kinh doanh năm 2024 của FLC ra sao sau sự cố của các nguyên lãnh đạo cấp cao?

Thứ Ba, 27/02/2024 - 14:15

Sau sự việc các nguyên lãnh đạo cấp cao vướng vào vòng lao lý, FLC từ một tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành đang thực hiện kế hoạch tái cấu trúc với việc từ bỏ hàng loạt lĩnh vực kém hiệu quả để tập trung cho 3 trụ cột kinh doanh cốt lõi là bất động sản, nghỉ dưỡng và M&A các dự án.

Chậm nộp BCTC, tiếp tục bị cưỡng chế thuế, cổ phiếu vẫn bị đình chỉ giao dịch

Mới đây, CTCP Tập đoàn FLC (UPCoM: FLC) đã có văn bản giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) về việc chậm nộp báo cáo tài chính (BCTC) quý IV/2023 và biên bản kiểm phiếu ĐHĐCĐ bất thường.

Cụ thể, theo văn bản số 50/FLC-BNSPC của FLC, ngày 20/2/2024, doanh nghiệp này nhận được công văn số 368/SGDHN-QLNY của HNX về việc "nhắc nhở công bố thông tin và yêu cầu giải trình có dấu hiệu nghi vấn vi phạm quy định về công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 với HNX".

FLC cho biết, hiện nay các BCTC kiểm toán năm 2021 của Công ty chưa được phát hành do Tập đoàn và Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY chưa đạt được sự đồng thuận giữa hai bên về ý kiến kiểm toán. Do đó, doanh nghiệp chưa thể phát hành các BCTC kiểm toán năm 2021, 2022 và các quý của năm 2023.

FLC đang nỗ lực phối hợp cùng đơn vị kiểm toán thực hiện các thủ tục bổ sung làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán phù hợp và công bố thông tin theo quy định.

Cũng liên quan đến vấn đề này, tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 tổ chức hôm 20/2, FLC cho biết, sau sự kiện khởi tố các nguyên lãnh đạo của Tập đoàn, việc kiểm toán của Tập đoàn FLC bị đình trệ, Tập đoàn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn vị kiểm toán. Đến nay, Tập đoàn đã tìm được đơn vị kiểm toán phù hợp là Công ty UHY.

Tuy nhiên, vì một số lý do liên quan đến thất lạc hồ sơ, tài liệu, chuyển trụ sở văn phòng, liên hệ nhân sự cũ làm rõ một số lý do khách quan khác nên cho đến nay một số lý do khách quan khác nên đến nay, một số nội dung tại BCTC 2021 vẫn chưa được công ty kiểm toán xác định, làm rõ. Theo đó, Tập đoàn FLC chưa thể phát hành BCTC kiểm toán năm 2021 và cũng chưa có cơ sở thực hiện kiểm toán BCTC năm 2022 và 2023.

Việc chưa hoàn thành nghĩa vụ công bố thông tin các báo cáo tài chính kiểm toán dẫn đến cổ phiếu FLC bị đình chỉ giao dịch và đưa vào diện cảnh báo.

Phía FLC đang nỗ lực phối hợp cùng đơn vị kiểm toán thực hiện các thủ tục bổ sung làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán phù hợp và công bố thông tin theo quy định. Sau khi các BCTC năm 2021, 2022, quý I, II và III/2023 được phát hành, Tập đoàn FLC sẽ tiếp tục thực hiện kiểm toán BCTC quý IV/2023 và công bố thông tin theo quy định.

Về lộ trình đưa mã FLC vào giao dịch trở lại, lãnh đạo Tập đoàn cho biết, có BCTC kiểm toán năm 2021 sẽ làm cơ sở triệu tập ĐHCĐ thường niên năm 2022. Sau khi tổ chức thành công ĐHCĐ thường niên năm 2022, FLC sẽ tiến hành các công cuộc tiếp theo theo quy định của pháp luật để triệu tập cuộc họp ĐHCĐ thường niên năm 2023 trong thời gian sớm nhất. Để từ đó, hoàn thiện hồ sơ, đưa cổ phiếu FLC giao dịch trở lại sàn UPCoM.

Kế hoạch kinh doanh năm 2024 của FLC ra sao sau sự cố của các nguyên lãnh đạo cấp cao?- Ảnh 1.

Tập đoàn FLC đối diện nhiều khó khăn sau sự cố của các nguyên lãnh đạo cấp cao. (Ảnh: IT)

Ở một diễn biến khác, Tập đoàn FLC vừa bị Cục Thuế TP. Hà Nội cưỡng chế bằng việc trích tiền từ tài khoản ngân hàng hơn 91,2 tỷ đồng. Theo đó, khoản nợ thuế này gồm 15,2 tỷ đồng thuế thu nhập cá nhân, 61,6 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp, 3,2 triệu đồng tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính, và 14,1 tỷ đồng tiền chậm nộp thuế.

Cục Thuế TP. Hà Nội đã cùng lúc gửi 19 quyết định đến các ngân hàng thương mại nơi FLC có tài khoản như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngân hàng Bảo Việt, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Ngân hàng Công thương Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Hàng hải Việt Nam...

Trước đó, vào đầu tháng 1, Cục Thuế TP. Hà Nội cũng có quyết định cưỡng chế FLC gần 90 tỷ đồng tiền thuế gồm thuế chậm nộp thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền phạt vi phạm hành chính bằng biện pháp trích tiền từ các tài khoản của FLC tại ngân hàng.

Riêng với khoản nợ thuế quá hạn hơn 678 tỷ đồng tại Cục Thuế TP. Hà Nội, Cục Thuế tỉnh Quảng Bình, Chi cục Thuế Hạ Long (Quảng Ninh), Sầm Sơn - Quảng Xương (Thanh Hóa) và tiền thuê đất tại Ban quản lý Khu kinh tế Quy Nhơn (Bình Định), Tập đoàn FLC bị Cục Thuế TP. Hà Nội cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn.

Liên quan đến vấn đề này, FLC cho biết, Tập đoàn đã nỗ lực tái cơ cấu để thực hiện nộp hơn 800 tỷ đồng nghĩa vụ thuế và tài chính với nhà nước. Còn khoảng 600 tỷ đồng còn lại, Ban điều hành Tập đoàn FLC đang tiếp tục xây dựng các phương án M&A, hợp tác đầu tư tập trung vào các dự án trọng điểm để đủ điều kiện bán hàng theo quy định của pháp luật, còn dư nguồn lực để thanh toán nợ trong năm nay. Đây là vấn đề được ưu tiên hàng đầu của Tập đoàn trong quá trình tái cấu trúc cũng như thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2024.

Kỳ vọng mục tiêu kinh doanh nghìn tỷ năm 2024 

Hai năm vừa qua là giai đoạn gian nan, thách thức đối với FLC khi phải trải qua rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động do chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi các thông tin cũng như các vấn đề phát sinh có liên quan đến vụ việc của các nguyên lãnh đạo cấp cao Tập đoàn.

Trong bối cảnh đó, Tập đoàn FLC buộc phải tái cơ cấu mạnh mẽ để tồn tại: Định biên nhân sự điều chỉnh giảm 60% nhân sự cơ hữu, cân bằng tổ chức bộ máy và ổn định thu nhập cho hơn 3.500 cán bộ nhân viên, tổng lương thưởng 2023 đạt hơn 300 tỷ đồng. Tập đoàn đã tiến hành sáp nhập 50% phòng ban, thành lập mới Ban Kinh doanh & Chiến lược, Phòng CNTT.

Tổng giá trị tài sản hiện hữu ước tính đạt hơn 21.000 tỷ đồng. Trong năm 2024, doanh nghiệp mạnh dạn đề ra những mục tiêu lớn. Theo đó, FLC vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc Tập đoàn và định hình lại các lĩnh vực cốt lõi với 3 trụ cột chính: Kinh doanh bất động sản, Kinh doanh nghỉ dưỡng và M&A các dự án để tái cấu trúc các khoản vay và duy trì hoạt động kinh doanh.

Kế hoạch kinh doanh năm 2024 của FLC ra sao sau sự cố của các nguyên lãnh đạo cấp cao?- Ảnh 2.

ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 của Tập đoàn FLC tổ chức hôm 20/2. (Ảnh: FLC)

Đối với lĩnh vực bất động sản, Tập đoàn sẽ tiếp tục triển khai thi công theo cam kết với khách hàng tại 07 dự án trọng điểm như: FLC Premier Parc thấp tầng, C4C5 Thanh Hóa, Biệt thự Hạ Long, Tropical 1&2, HH1 - HH4... Bên cạnh đó, Tập đoàn có kế hoạch triển khai thi công xây dựng thêm 06 dự án: Hilltop Gia Lai, Legacy Kon Tum, FLC Sầm Sơn, Sadec, Quy Nhơn và dự án Quảng Bình.

Tập đoàn cũng sẽ tiếp tục tái cơ cấu lại tài sản theo hướng giữ lại các tài sản chất lượng tốt, khả năng sinh lời cao; chuyển nhượng hoặc hợp tác đầu tư, kinh doanh một số tài sản để đem lại nguồn tài chính cho Tập đoàn.

Năm 2024, FLC đặt mục tiêu doanh số cho mảng Kinh doanh bất động sản là 1.187,2 tỷ đồng để tiến hành thi công hoàn thiện các dự án theo cam kết với khách hàng.

Về lĩnh vực khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng, kế hoạch doanh thu đặt ra trong năm 2024 cho mảng Kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng đạt 1.213 tỷ đồng, lợi nhuận đủ để duy trì bộ máy cũng như thực hiện các cam kết với các bên liên quan khác như cơ quan nhà nước, khách hàng, ngân hàng.

Tập đoàn FLC cho biết sẽ tập trung khai thác vận hành các quần thể nghỉ dưỡng FLC Hạ Long, FLC Sầm Sơn, FLC Quảng Bình, FLC Quy Nhơn, khai thác tối đa công suất phòng, đảm bảo dòng tiền huy trì hoạt động của doanh nghiệp. 

Về các lĩnh vực khác, Tập đoàn FLC sẽ tiếp tục nghiên cứu triển khai hoạt động tại một số các lĩnh vực kinh doanh có khả năng đem lại nguồn thu và lợi nhuận cho Tập đoàn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top