Aa

Soi sức khỏe của doanh nghiệp xây dựng sau một năm thị trường địa ốc lao dốc

Hà Thương
Hà Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Ba, 27/02/2024 - 06:10

Sức đề kháng của ngành xây dựng chưa kịp hồi phục sau 3 năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 cùng "cơn bão giá" vật liệu tăng cao, thì việc tiếp tục bị cuốn vào vòng xoáy khó khăn của thị trường bất động sản đã khiến doanh nghiệp xây dựng yếu càng thêm yếu.

"Môi hở răng lạnh"

Ngành xây dựng và bất động sản có quan hệ chặt chẽ với nhau. Sự sống của ngành xây dựng phụ thuộc vào dòng tiền và khả năng thanh toán của các doanh nghiệp bất động sản. Khi dòng tiền vào bất động sản "tụt áp", các chủ đầu tư chậm thanh toán, mất khả năng chi trả, không còn tiềm lực triển khai dự án…, nhóm ngành xây dựng sẽ trở thành đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên. Thực tế diễn ra trong năm 2023 đã chứng minh rõ điều này.

Trong năm qua, khi toàn bộ thị trường bất động sản gặp khó khăn, ngành xây dựng đã lao đao không kém. Thậm chí, không ít doanh nghiệp nhà thầu bị dồn vào thế nguy hiểm do thua lỗ triền miên.

Điển hình như Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC), dù là một trong những "ông lớn" của ngành xây dựng nhưng năm 2023 vẫn là một năm "kinh hoàng" khi 3 quý đầu năm liên tiếp báo lỗ. Chỉ tới quý IV/2023, tình hình kinh doanh mới được cải thiện khi công ty lãi 109 tỷ đồng. Tuy nhiên, sự khởi sắc này không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi là thi công công trình mà đến từ việc hoàn nhập khoản trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi 310 tỷ đồng.

Tính chung cả năm 2023, doanh thu của Hòa Bình vẫn giảm một nửa so với năm 2022 khi ghi nhận khoảng 7.546 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ghi nhận lỗ 777,5 tỷ đồng.

Với việc tiếp tục lỗ trong năm 2023, tính tới thời điểm 31/12/2023, Xây dựng Hòa Bình đã nâng lỗ luỹ kế từ gần 2.101 tỷ đồng, lên 2.878 tỷ đồng và bằng 105% vốn điều lệ (vốn điều lệ 2.741 tỷ đồng). Như vậy, Xây dựng Hòa Bình chính thức ghi nhận lỗ luỹ kế vượt vốn điều lệ.

Soi sức khỏe của doanh nghiệp xây dựng sau một năm thị trường địa ốc lao dốc- Ảnh 1.

Lợi nhuận sau thuế của Hòa Bình giảm liên tục trong 2 năm 2022 và 2023.

Không nằm ngoài kịch bản khó khăn chung của ngành, Hưng Thịnh Incons (HTN) cũng trải qua một năm 2023 nhiều thử thách khi ngay từ quý I/2023, doanh thu hợp đồng xây dựng của công ty đã giảm mạnh từ 1.478 tỷ đồng về còn 423 tỷ đồng. Doanh thu lao dốc khiến Hưng Thịnh Incons báo lỗ trước thuế 18 tỷ đồng, giảm 72 tỷ đồng so với mức lãi trước thuế 54 tỷ đồng hồi quý I/2022.

Bước sang quý II/2023, dù lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp đạt 48,9 tỷ đồng, song vẫn giảm 43% so với cùng kỳ năm 2022. Đến quý III/2023, lợi nhuận còn vỏn vẹn 1,2 tỷ đồng, giảm 64,7% so với cùng kỳ và giảm 97,5% so với quý trước đó.

Ở quý cuối năm 2023, lợi nhuận Hưng Thịnh Incons có tăng trưởng song không phải đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi mà chủ yếu đến từ doanh thu tài chính của công ty tăng đột biến 367% lên hơn 93 tỷ đồng, đồng thời chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng giảm 43,5% xuống gần 31 tỷ đồng.

Với Coteccons (CTD), đây được xem là một trong những trường hợp "cá biệt" của ngành xây dựng trong năm qua khi ghi nhận doanh thu 16.524 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 187 tỷ đồng và là năm có lợi nhuận trở lại ngưỡng trăm tỷ đồng sau 3 năm sụt giảm.

Tuy nhiên, không khó để nhận thấy lợi nhuận tăng một phần do chi phí quản lý doanh nghiệp giảm mà mức giảm này phần lớn đến từ khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi giảm. Cụ thể, quý IV/2023, khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi của Coteccons giảm 40,5 tỷ đồng, tương đương 45,8% so với cùng kỳ năm trước.

Được biết, trong bối cảnh thị trường bất động sản có những khó khăn, dòng tiền vận hành eo hẹp, Coteccons đã ưu tiên quản lý tài chính và dự phòng rủi ro. Vì vậy, trong 3 năm qua, công ty bắt đầu trích lập dự phòng nợ khó đòi. Có những thời điểm như quý II/2022, vì trích lập dự phòng lớn, Coteccons đã lỗ gần 24 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp âm.

Tương tự, Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cũng phải trích lập dự phòng nhiều khoản nợ xấu liên quan tới các chủ đầu tư. Cụ thể, nợ xấu của doanh nghiệp trong năm 2023 gần 887 tỷ đồng và doanh nghiệp đã phải trích lập dự phòng khoản tương tự.

Xây dựng và bất động sản được ví như răng với môi, "môi hở" thì "răng lạnh". Chính vì vậy, những khó khăn các doanh nghiệp xây dựng gặp phải trong năm qua là điều không tránh khỏi khi thị trường bất động sản liên tục suy giảm. Đặc biệt, khi sức đề kháng của ngành xây dựng chưa kịp hồi phục sau 3 năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 cùng "cơn bão giá" vật liệt tăng cao, thì việc tiếp tục bị cuốn vào vòng xoáy khó khăn của thị trường bất động sản càng khiến doanh nghiệp xây dựng yếu càng thêm yếu. 

Để có thể hồi phục sức khoẻ, vượt qua được giai đoạn đầy thách thức này, có lẽ các doanh nghiệp ngành xây dựng cần tìm cho mình những hướng đi mới với quyết tâm cao.

Kỳ vọng 2024 bớt khó

Thị trường bất động sản được dự báo sẽ có những chuyển biến tích cực hơn trong nửa cuối năm 2024 cùng đầu tư công được Chính phủ đẩy mạnh thực hiện là những cơ sở để kỳ vọng ngành xây dựng sẽ bớt khó thời gian tới.

Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, khi bộ ba Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh bất động sản đồng loạt được thông qua, lãi suất ngân hàng liên tục hạ, các "nút thắt" về pháp lý và dòng tiền của doanh nghiệp bất động sản sẽ dần được gỡ bỏ. Cùng với đó, nhiều chỉ dấu cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đang có biểu hiện hồi phục trở lại - động lực quan trọng giúp thanh khoản thị trường bất động sản nhanh chóng khởi sắc. Khi đó, các giao dịch sẽ được thiết lập, doanh nghiệp địa ốc sẽ mạnh dạn ra hàng và tiếp tục triển khai các dự án dang dở. Doanh nghiệp bất động sản khoẻ, các nhà thầu xây dựng cũng có cơ hội được trả nợ.

Đối với hoạt động đầu tư công, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình kế hoạch dự chi ngân sách cho đầu tư năm 2024. Trong đó, dự toán chi đầu tư phát triển là 677.300 tỷ đồng, tăng 108.000 tỷ đồng so với dự toán năm 2023. Trên thực tế, ngay đầu năm 2024, nhiều dự án hạ tầng giao thông trên cả nước cũng đã được khởi công, từ đó tiếp tục đem lại triển vọng nguồn công việc dồi dào cho các doanh nghiệp ngành xây dựng.

Tất nhiên, khả năng hồi phục của doanh nghiệp xây dựng vẫn chủ yếu phụ thuộc vào sự nỗ lực của bản thân doanh nghiệp. Trong đó, xác định kế hoạch kinh doanh rõ ràng, có chiến lược phát triển phù hợp là yếu tố quan trọng.

Trước tình hình thị trường trong nước gặp nhiều khó khăn, không ít doanh nghiệp xây dựng hiện nay đang có kế hoạch "xuất ngoại". Trong phiên họp bất thường hồi giữa tháng 10/2023, Tập đoàn Hòa Bình xác định triển khai dự án tại thị trường nước ngoài sẽ là chiến lược lớn trong kế hoạch phát triển giai đoạn 2024 - 2028. Theo đó, mục tiêu vào năm 2028, thị trường nước ngoài sẽ chiếm 50% tổng doanh thu của công ty, tương ứng 1 tỷ đô. Trong năm 2024, Tập đoàn này đặt kế hoạch doanh thu từ thị trường nước ngoài là 1.200 tỷ đồng trong tổng doanh thu 10.800 tỷ đồng.

Soi sức khỏe của doanh nghiệp xây dựng sau một năm thị trường địa ốc lao dốc- Ảnh 2.

Đầu năm 2024, Hòa Bình trúng thầu 5 dự án xây dựng nhà ở xã hội tại Kenya (châu Phi) với tổng mức đầu tư 72 triệu USD.

Thực tế, ngay tháng 2/2024, Hòa Bình đã đánh dấu thành công kế hoạch "xuất khẩu" xây dựng trên thị trường quốc tế bằng việc trúng thầu 5 dự án xây dựng nhà ở xã hội tại Kenya (châu Phi) với tổng mức đầu tư 72 triệu USD. Các dự án này được triển khai dành cho lực lượng cảnh sát, quân đội và sinh viên trường Đại học Kỹ thuật của Kenya.

Tương tự, với việc thành lập công ty con Coteccons Constructions Inc. và mua lại 2 công ty con trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, cơ điện có vốn đầu tư nước ngoài, Coteccons cũng cho thấy quyết tâm gia nhập đường đua tiến ra nước ngoài.

Để chuẩn bị cho việc đầu tư ra nước ngoài, về mặt nhân sự, vào tháng 8/2023, HĐQT Coteccons còn thông qua việc phân công lại nhiệm vụ mới đối với các nhân sự cấp cao, mục đích là để công ty thích ứng với những thay đổi của thị trường và gia tăng lợi thế cạnh tranh.

Việc chinh phục các thị trường nước ngoài có thể giúp doanh nghiệp xây dựng cải thiện biên lợi nhuận cũng như giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường bất động sản trong nước giai đoạn khó khăn. Đây có thể xem là hướng đi mà các doanh nghiệp xây dựng nên cân nhắc, nhất là trong bối cảnh hiện tại. Song, các doanh nghiệp cũng cần tính toán kỹ lưỡng để mục tiêu "vươn ra biển lớn" có kết quả, tránh rơi vào tình trạng phát triển dàn trải, chôn vốn, nợ đọng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top