Aa

Kẻ ngồi tù, người bỏ trốn vì đầu tư… BĐS

Thứ Năm, 18/05/2017 - 18:41

BĐS như một miếng mồi đầy cám dỗ, khi đầu tư thắng có thể mang lại món hời lớn. Nhưng khi “mắc cạn”, không ít người từng là “đại gia” đình đám phải ngồi bóc lịch hoặc trốn biệt tăm.

Dự án PetroVietnam Landmark Tower khiến cựu Chủ tịch Hoàng Ngọc Sáu ngồi tù.

Dự án PetroVietnam Landmark Tower khiến cựu Chủ tịch Hoàng Ngọc Sáu ngồi tù.

Cám dỗ từ ông lớn nhà nước…

Có lẽ, ít có lĩnh vực nào lại từng một thời gắn nhiều đến bất động sản như … dầu khí. Những công ty cháu, chắt có vốn trực tiếp hoặc từ công ty con của PetroVietnam, đã được lập lên để đầu tư vào bất động sản. Có thể kể đến Công ty cổ phần Địa ốc Dầu khí, Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí, Công ty cổ phần Dịch vụ cao cấp dầu khí hay Công ty cổ phần Bất động sản Dầu khí.

Với tiếng tăm của ngành dầu khí, những công ty này nhanh chóng thâu tóm quỹ đất và lập dự án đầu tư. Chỉ có điều, khi thị trường bất động sản lao dốc, và Chính phủ yêu cầu thoái vốn đầu tư ngoài ngành, thì hầu hết các dự án bất động sản có dính đến dầu khí đều bế tắc hoặc phải chuyển nhượng cho đối tác khác.

Chẳng hạn, dự án Hanoi Times Tower và CT15 Việt Hưng của Công ty cổ phần Dịch vụ cao cấp dầu khí đều triển khai dở dang rồi bất động. Ngay như dự án toà tháp 102 tầng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia cũng bị điều chỉnh xuống 79 tầng, nhưng sau đó PetroVietnam cũng buộc phải từ bỏ vì đầu tư trái ngành, để rồi dự án rơi vào tay Công ty cổ phần Đầu tư Mai Linh.

Nhưng cái tên được nhắc đến nhiều nhất phải là Công CP Địa ốc Dầu khí (PVL), với dự án tai tiếng là PetroVietnam Landmark Tower tại Quận 2 và Green House tại quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh. Cả hai dự án đều xây dựng dở dang, rồi nằm bất động vì chủ đầu tư cạn vốn.

Tệ hại hơn, cựu Chủ tịch Công ty là ông Hoàng Ngọc Sáu đã bị bắt và kết án 30 năm tù vì lập công ty sân sau chiếm đoạt 19 tỷ đồng của PVL. Cũng vì thế, dự án PetroVietnam Landmark Tower và Green House càng khó khăn hơn và chưa biết đến bao giờ mới có thể bàn giao nhà dù không ít lần khách hàng chăng băng rôn biểu tình hoặc kéo ra tận trụ sở công ty mẹ ở Hà Nội để đòi lại tiền. 

Một dự án khác cũng tý chút dính đến dầu khí và lâm vào thảm cảnh không kém là tổ hợp Nam Đàn Plaza trên đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Dự án do Công ty cổ phần Xuyên Thái Bình Dương làm chủ đầu tư, trong đó Công ty cổ phần bất động sản điện lực dầu khí (PVPL) là một trong những cổ đông sáng lập. Năm 2010, PVPL ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cho Công ty Xây dựng Minh Ngân do Lê Hoà Bình là cổ đông chính và đã nhận 100 tỷ đồng, còn lại gần 92 tỷ đồng chưa thanh toán.

Nhưng số phận của Nam Đàn Plaza lại rơi vào bế tắc khi Lê Hoà Bình bị bắt liên quan đến một vụ án lừa đảo bán đất dự án khu đô thị Thanh Hà của Cienco 5 Land.

Mặc dù không còn quyền hợp tác đầu tư với chủ đầu tư dự án khu đô thị Thanh Hà nhưng Lê Hòa Bình vẫn lấy danh nghĩa là đơn vị hợp tác đầu tư với chủ đầu tư khu đô thị Thanh Hà để huy động vốn của khách hàng với hàng trăm hợp đồng giao vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất với tổng diện tích gần 81.000m2, thu gần 790 tỷ đồng.

Khách hàng của Cty 1/5 đã trở thành bị hại của vụ án này với số lượng “kỷ lục” là 421 người. Với hành vi phạm tội này, Lê Hoà Bình bị tòa án Hà Nội xử phạt với mức án tù chung thân.

Khu đất ông Lê Hòa Bình cùng đồng bọn lừa bán tại dự án Thanh Hà Cienco 5.

Khu đất ông Lê Hòa Bình cùng đồng bọn lừa bán tại dự án Thanh Hà Cienco 5.

Trước Lê Hoà Bình đã có Lê Hồng Bàng, cựu Tổng giám đốc Công ty cổ phần sàn Bất động sản Việt Nam, cũng bị kết án chung thân vì đã chiếm đoạt 340 tỷ đồng từ 400 khách hàng thông qua việc “bán khống” 4 dự án khu đô thị không có thật ở Minh Khai, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Trong khi đó, ông Edward Chi, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư Minh Việt, cũng đã bỏ trốn sau khi huy động khoảng 400 tỷ từ người mua nhà để xây dựng dự án căn hộ Tricon Towers tại Nam An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội.

Nhưng do đầu tư dàn trải vào dự án ở Hạ Long nên Minh Việt không còn tiền xây tiếp dự án Tricon Towers. Dự án mới chỉ hoàn thành phần móng rồi để dở dang, còn ông Edward Chi lặn mắt tăm khiến hàng trăm khách hàng và nhà thầu Coteccons cũng không biết tìm đâu để đòi lại tiền.  

Ông Nguyễn Hoàng Long - Chủ tịch tập đoàn Vina Megastar cũng bị bắt tạm giam về hành vi "lừa đảo, chiếm đoạt tài sản" của một ngân hàng với số tiền gần 30 tỷ đồng, gây ra một cú sốc lớn trên thị trường bất động sản phía Bắc. Những dự án Tập đoàn này đầu tư hoặc hợp tác đầu tư cho đến nay vẫn dậm chân tại chỗ.

Đến đại gia ngân hàng sập bẫy

Ở lĩnh vực ngân hàng, chẳng ai quên được đại án Huyền Như. Giữa lúc thị trường bất động sản hưng thịnh nhất, Huyền Như theo chân các đại gia lao vào đầu tư bất động sản. Huyền Như vay trên 200 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức, cá nhân với lãi suất cao và lao vào mua cổ phiếu, kinh doanh bất động sản tại TP.HCM, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Lạt, Quảng Nam, An Giang. Nhưng khi bong bóng bất động sản bắt đầu đỗ vỡ thì Huyền Như chịu trận.

Bị đẩy vào đường cùng, Huyền Như phải xoay xở đủ kiểu đề kiếm tiền trả nợ. Để đối phó, từ tháng 3.2010 - 9.2011, lấy danh nghĩa huy động vốn cho VietinBank, Huỳnh Thị Huyền Như đã làm giả 8 con dấu của ngân hàng này, 7 công ty đồng thời làm giả tài liệu của nhiều đơn vị, cá nhân để lừa đảo hơn 3.900 tỷ đồng.

Gần đây, phát lộ thêm hai đại án trong lĩnh vực ngân hàng cũng liên quan đến đầu tư và cho vay bất động sản. Trong đó, cựu Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Phạm Công Danh bị kết án 30 năm tù vì chỉ đạo cấp dưới lập chứng từ khống rút tiền ngân hàng để trả nợ cho Tập đoàn Thiên Thanh và gây thiệt hại cho ngân hàng 9.000 tỷ đồng.

Ông Danh chính là người sáng lập Tập đoàn Thiên Thanh, đơn vị đã mua một khách sạn 4 sao và Sân vận động Chi Lăng ở trung tâm Đà Nẵng.

Cũng liên quan đến ông Danh là ông Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch Ngân hàng Đại Dương. Ông Thắm đã bị bắt và đưa ra xét xử với cáo buộc vi phạm quy định cho vay của các tổ chức tín dụng, làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng và lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ. Tuy nhiên, vụ án bị hoãn xét xử đầu năm nay để điều tra thêm nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề liên quan đến Phạm Công Danh.

Ngoài ngân hàng, ông Thắm còn từng là Chủ tịch của Ocean Group, với nhiều dự án đầu tư bất động sản như khu nghỉ dưỡng ở Hội An, khách sạn ở Nha Trang. Trong đó, nổi bật nhất là dự án Vành khăn rộng 4,5ha ở ngã tư Khuất Duy Tiến – Trần Duy Hưng, đã được chuyển nhượng lại cho một đối tác trong nước và đang xây dựng trở lại.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hữu Trí cho rằng, nhân sâu xa đem đến sự thất bại của một số doanh nghiệp bất động sản là do đầu tư trái ngành. “Các công ty mê đắm trong cơn say tìm kiếm cơ hội đầu tư, song lại không dựa trên các năng lực cốt lõi, trong khi đó họ lại chưa xây dựng được một chiến lược cũng như một cấu trúc doanh nghiệp, đặc biệt là bộ máy tổ chức đủ mạnh để thực hiện chiến lược đầu tư lâu dài, còn hội đồng quản trị hoạt động thiếu hiệu quả, thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm, thiếu sự độc lập trong khi ra quyết định… do đó phần lớn đều gặp thất bại”.

Còn ông Trần Ngọc Quang – Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, các nhà đầu tư mới tham gia vào lĩnh vực bất động sản nên có những bước đi thận trọng, tìm kiếm đối tác tốt và làm từ dự án quy mô nhỏ.

“Nếu ngay từ đầu đã ôm tham vọng lớn, làm dự án hoành tráng trong khi tiềm lực tài chính không có sẽ phải chịu sức ép đi vay dễ dẫn tới sa lầy do không đảm bảo dòng tiền cũng như khó rút chân khỏi bất động sản” – ông Quang nhận xét./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top