Bốn toà tháp căn hộ của The Pride bừng sáng khi màn đêm buông xuống thì ở gần đó, dự án Usilk City vẫn là một màu đen kịt. Cùng nằm ở phía Bắc quận Hà Đông ở phía Tây Hà Nội và cùng gặp khó khăn vào lúc thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng 5-6 năm về trước, nhưng số phận hai dự án lại kết thúc trái ngược.
Trong khi The Pride vượt qua cơn bĩ cực và hoàn thiện gần 2.000 căn hộ để bàn giao cho khách hàng, thì Usilk City vẫn sống dở chết dở. Ba toà nhà đầu tiên chưa hoàn thành xong, chưa có sân chơi, chưa lắp đặt xong hệ thống phòng cháy chữa cháy, chân đế vẫn còn ngổn ngang thì đã buộc phải cho dân vào ở.
Hàng nghìn khách hàng đã đóng tiền mua căn hộ tại dự án này từ nhiều năm trước mắc kẹt vì chủ đầu tư – Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long không còn năng lực tài chính để triển khai tiếp dự án. Mặc dù chủ đầu tư cũng đã tìm mọi cách hồi sinh dự án, như tìm kiếm nguồn tài trợ ngân hàng, tìm nhà đầu tư mua lại dự án, bán bớt dự án ở nơi khác để dồn tiền xây tiếp dự án này nhưng đến giờ vẫn bế tắc.
Chết lâm sàng
Cho dù thị trường bất động sản đã phục hồi mạnh mẽ sau cơn bạo bệnh, các dự án bất động sản mới lại mọc lên như nấm, nhưng hệ luỵ của cuộc khủng hoảng vẫn hiển hiện khắp nơi.
Chỉ riêng quận Hà Đông đã có không ít dự án cùng rơi vào thảm cảnh như Usilk City. Suốt 3 năm qua, công trường Hanoi Times Tower trong khu đô thị Văn Phú không có bóng dáng công nhân và máy móc hoạt động cho dù mới đây niềm hy vọng hồi sinh của dự án được thắp lên khi có nhà đầu tư mới rót vốn. Nhưng, hy vọng lại tắt ngấm khi nhà đầu tư mới nhận thấy thương vụ này không dễ ăn và đã tìm cách thoái vốn.
Từ Bắc chí Nam, la liệt dự án vẫn nằm “trơ gan cùng tuế nguyệt” suốt nhiều năm liền. Ở Hà Nội là chuỗi dự án của Vina Megastar, Tricon Tower, AZ Lâm Viên, Habico Tower. Giữa Đà Nẵng là những “vết sẹo” nham nhở như Golden Square, Danang Centre, Vien Dong Meridian Tower. Cũng không khá hơn khi toà tháp 41 tầng Saigon One Tower hoàn thành dang dở như một vết đen trên bầu trời TP. HCM còn cư dân dự án PetroVietnam Landmark Tower, 584 Tân Kiên đấu tranh ròng rã mấy năm liền mà không biết đến bao giờ mới nhận được căn hộ hoàn thiện.
Cuộc khủng hoảng bất động sản nhiều năm trước như cơn đại hồng thủy nhấn chìm không biết bao doanh nghiệp, bao dự án. Hệ luỵ kéo dài dai dẳng cho đến tận ngày nay vẫn chưa thể giải quyết. Đâu đâu cũng thấy công trường trơ sắt nhọn hoen gỉ, còn hàng nghìn người mua nhà rơi vào thế mắc kẹt, tiền đã trao mà không biết bao giờ mới nhận được nhà. Các nhà thầu cũng không biết bao giờ mới nhận được tiền thanh toán, trong khi ngân hàng thì ôm một đống nợ xấu.
Khủng hoảng bất động sản còn kinh khủng đến mức những doanh nghiệp ngoại được cho là có nhiều kinh nghiệm và tài chính tốt cũng phải lao đao. Như Tập đoàn Berjaya (Malaysia) vật lộn với dự án khu Đô thị Đại học Quốc tế và Trung tâm Tài chính Quốc tế tại TP.HCM mà chưa thể khởi động được dù đã được cấp phép cách đây nhiều năm. Đó là Daewon (Hàn Quốc) phải bỏ chạy khỏi dự án khu căn hộ bên cầu Tuyên Sơn và khu đô thị quốc tế Đa Phước ở Đà Nẵng.
Hầu hết các dự án “chết lâm sàng” thuộc về những chủ đầu tư thiếu kinh nghiệm triển khai dự án và yếu năng lực tài chính. Gần 10 năm trước, khi thị trường bất động sản đang trên đỉnh cao, các doanh nghiệp đổ xô đầu tư bất động sản. Nhiều doanh nghiệp tay ngang đến từ các lĩnh vực kinh doanh khác như bánh kẹo, thủy sản, xuất nhập khẩu, taxi, phân phối… thay vì dành tiền lãi để tái đầu tư sản xuất, kinh doanh thì dồn hết vào để chơi “canh bạc” mang tên bất động sản. Năng lực yếu nên việc triển khai dự án phục thuộc vào “bầu sữa” ngân hàng nên khi ngân hàng thắt chặt tín dụng bất động sản, đồng thời nâng lãi suất cho vay có lúc vượt 20% để đối phó với lạm phát cao, thì nhiều doanh nghiệp hoàn toàn bế tắc về vốn.
Khi thị trường bất động sản lao dốc không phanh thì cũng là lúc các doanh nghiệp ngập chìm trong nợ nần do dự án ế ẩm, hàng tồn kho chất đống. Lúc này các doanh nghiệp phải tìm đủ đường để thoái lui ra khỏi lĩnh vực đầu tư trái ngành. Một số doanh nghiệp đầu tư dàn trải nên khi thị trường khó khăn thì dự án nào cũng dở dang.
Ngóng chờ cứu tính
Với những nỗ lực giải cứu từ cơ quan quản lý, đến nay sau gần 10 năm thị trường bất động sản đã sôi động trở lại. Một số dự án “chết lâm sàng” đã hồi sinh nhờ những vị cứu tinh. Điển hình như Novaland từ năm 2013 đến nay đã mua lại gần 40 dự án được liệt vào diện “chết lâm sàng” từ các doanh nghiệp khác. Hưng Thịnh Corp cũng vực dậy thành công hàng chục dự án.
Muốn vực dậy những dự án “chết lâm sàng” thì chủ đầu tư phải có tiềm lực tài chính rất mạnh và chiến lược kinh doanh hợp lý. Nhưng những doanh nghiệp đi mua dự án “chết lâm sàng” để hồi sinh như Novaland hay Hưng Thịnh Corp cũng chỉ chọn mua những dự án “hoa hậu”, gần như hoàn chỉnh pháp lý, khả thi về kinh doanh, nên những dự án vướng về pháp lý hoặc vị trí không tốt thì không mua.
Vì thế, những như Usilk City, Saigon One Tower hay Golden Square… vẫn “nằm trong vũng bùn”. Chủ đầu tư thì không còn năng lực tài chính để triển khai tiếp còn ngân hàng cũng không muốn cho vay vì họ cũng đang mắc kẹt với đống nợ xấu bất động sản và tính khả thi của những dự án này yếu.
Chủ đầu tư muốn bán dự án cho rảnh nợ không có ai mua vì những thách thức phải giải quyết như nợ ngân hàng lớn, chủ đầu tư thu tiền của khách hàng rồi nhưng đem đầu tư khác nên nếu mua lại gặp rất nhiều rủi ro, hoặc các vấn đề về nợ thuế sử dụng đất hoặc thuế VAT. Một số chủ đầu tư dính vào vòng lao lý dẫn đến việc tái khởi động dự án gặp bế tắc.