Aa

Kỳ 5: “Cãi khô cổ” nhưng công viên Kim Đồng vẫn mất

Thứ Tư, 06/07/2022 - 06:09

Một số ít chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc ở Huế đã từng bộc bạch quan điểm, phản biện, thậm chí phản bác một số nội dung của dự án “Khu văn hóa đa năng Công viên Kim Đồng”.

LTS: Công viên Kim Đồng Huế là không gian sinh hoạt, vui chơi của trẻ em TP. Huế (Thừa Thiên - Huế). Không chỉ vậy, do xung quanh khu đất rộng hàng ngàn mét vuông ở vị trí “trung tâm của trung tâm” thành phố nên đây còn là một không gian xanh, thân thiện môi trường, có chức năng điều hòa không khí trong thành phố và nhất là những cơ quan quan trọng đóng lân cận, trong đó có Bệnh viện Trung ương Huế.

Mặc khác, tồn tại từ hàng chục năm trước, nên với nhiều người dân Huế, không gian văn hóa, cảnh quan công viên Kim Đồng với họ rất có ý nghĩa về mặt tinh thần, là một miền ký ức tuổi thơ. Điều lạ là thay vì cải tạo, chỉnh trang mức độ vừa phải để phát huy công năng, bảo vệ môi trường, sinh thái, làm đẹp thêm mỹ quan đô thị thì công viên Kim Đồng lại bị “xẻ thịt” ra từng mảnh, chia lô, xây các cụm công trình bằng bê tông. Lá phổi xanh của thành phố đã, đang bị thay thế hoàn toàn bằng cụm công trình bê tông cốt thép trong sự tiếc nuối, thất vọng với nhiều người dân Huế.

Nhằm cung cấp những thông tin cần thiết để bạn đọc có cái nhìn đa chiều hơn về “số phận” của khu công viên này, Reatimes xin giới thiệu loạt bài về “số phận nghiệt ngã” của công viên Kim Đồng.

Với dự án đã, đang triển khai ở công viên Kim Đồng, TP. Huế không có nhiều tiếng nói phản biện bởi dường như có một trở lực nào đó vô hình ngăn cản. Nhưng với kiến trúc sư (KTS.) Huỳnh Quang, nguyên Viện trưởng Viện quy hoạch xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế, chuyên gia hàng đầu về quy hoạch, kiến trúc thì khác.

Cùng với đồng nghiệp, vị kiến trúc sư dày dạn kinh nghiệm đã mạnh mẽ phản biện, góp ý, đề xuất nhiều nội dung trước khi công viên Kim Đồng được “xã hội hóa” rồi bị biến dạng hoàn toàn như bây giờ.

Từ công viên dành cho thiếu nhi, là lá phổi xanh hiếm hoi của TP. Huế, giờ đây công viên Kim Đồng đã bị bê tông hóa, biến thành đất thương mại, dịch vụ (ẢNH: Đ.T)

Công viên Kim Đồng mất rồi!”

Dù rất bận vì cả núi công việc chuyên môn, gia đình, nhưng khi nghe PV Reatimes đặt vấn đề về số phận công viên Kim Đồng, KTS. Huỳnh Quang đã cố gắng thu xếp một cuộc hẹn. Gặp chúng tôi, ông không nói ngay vào công viên Kim Đồng, mà cho chúng tôi cơ hội “đi dạo” cùng ông một vòng “ký ức” quanh những khu quy hoạch lớn, khu đất vàng ở TP. Huế và những ứng xử của người đương thời lên những địa điểm ấy. Nơi mà ông dừng lại của dòng “ký ức” là công viên Kim Đồng, để rồi ông “hỏi khó” chúng tôi: “Theo anh bây giờ công viên Kim Đồng có còn không?”.

Để trả lời câu hỏi trên, KTS. Huỳnh Quang kể nhiều năm trước, ông đã được tỉnh mời tham gia phản biện, góp ý về dự án Khu văn hóa đa năng công viên Kim Đồng. Tại cuộc họp ấy không chỉ bằng kiến thức, kinh nghiệm của mình, ông đã phản biện, thậm chí phản bác việc triển khai dự án ở công viên Kim Đồng mà có chức năng làm tầng hầm để giữ xe. Khu đất ấy rộng khoảng 8000m2, người ta dành hơn 4800 m2 (về sau điều chỉnh là 4387m2 - PV) làm tầng hầm giữ xe, để rồi đưa cái “cos” tầng hầm lên +1,5m thì không khác gì anh đưa một cái lô cốt bằng bê tông cốt thép nổi lên mặt đất.

KTS. Huỳnh Quang (Ảnh: Đ.T)

"Tôi chất vấn rằng đã làm như thế thì làm sao đảm bảo về mật độ xây dựng đối với một công viên, bởi lẽ chúng là một mảng bê tông lớn nổi trên mặt đất, anh có trồng cây gì thì chúng cũng trồng trên khối bên tông ấy.

Thứ hai, là mật độ xây dựng trong công viên được phép là bao nhiêu phần trăm, phải theo quy định hiện hành (mật độ xây dựng gộp không quá 5% đối với đất công viên, không quá 25% đối với đất công viên chuyên đề). Tôi cũng chất vấn rằng “cos” của tầng hầm +1,5m, cộng thêm lan can công trình 1m nữa thành cao 2,5m so với vỉa hè đường Hà Nội, tuyến đường trung tâm, bộ mặt thành phố. Người đi đường là đi dưới đường Hà Nội, còn cái lan can thì nằm trên đầu, về kiến trúc công trình, công cộng làm sao có thể chấp nhận được?

Họ lý giải rằng sẽ có giải pháp và làm “cos” tầng hầm cao như thế là do địa chất kém. Tôi không chấp nhận vì thấy không khả thi. Tôi lấy ví dụ địa chất gần đấy là tòa nhà do Tập đoàn Sông Đà trước đây xây dựng, hay cái tòa nhà cao tầng Vincom gần công viên tại sao họ xây dựng được mà cứ cho rằng địa chất kém? Tại sao không làm tầng hầm chỉ -1,5m thôi, không -2m để tầng hầm thấp xuống, để công viên với vỉa hè luôn luôn kết nối nhau lẫn nhau, tạo sự thoải mái, vui vẻ. Công viên người ta phá bỏ hàng rào hết. Công viên là phải tiếp cận cộng đồng. Với chiều cao 2,5m cos tầng hầm và lan can có phải anh đã tách biệt giữa không gian đô thị với công viên rồi hay không?”, KTS. Huỳnh Quang, tâm sự về những lần tham gia phản biện.

Cùng với KTS. Huỳnh Quang, còn có KTS. Nguyễn Minh Dũng - nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế, hai chuyên gia được tỉnh mời phản biện, góp ý cho dự án “Khu văn hóa đa năng công viên Kim Đồng”.

Ông Quang kể với dự án này ngay từ đầu ở những cuộc họp ông và ông Dũng đã “cãi khô cổ”, nhưng những gì diễn ra hiện tại cho thấy kết quả phũ phàng đến đau lòng. Đó là những lời gan ruột, tâm huyết và đầy dũng khí, là tiếng nói đầy trách nhiệm với quê hương mình từ chuyên gia hàng đầu về quy hoạch, kiến trúc, nhưng đã bị chối từ. Quay trở lại câu hỏi “công viên Kim Đồng có còn không?”, ông Quang tỏ ra rất buồn khi tự trả lời rằng: “Công viên Kim Đồng mất rồi. Nó không còn dấu tích của một công viên nữa”.

Biến công viên thành đất thương mại, dịch vụ

Như Reatimes đã thông tin ở những kỳ trước, từ năm 2014, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có chủ trương kêu gọi đầu tư vào công viên Kim Đồng, sau đó Công ty Cổ phần đầu tư Sunrise được giao khu đất để thực hiện dự án đầu tư với tên gọi “Dự án khu văn hóa đa năng công viên Kim Đồng”; phương thức đầu tư dự án là xã hội hóa. Mục tiêu dự án là: “đầu tư xây dựng khu vui chơi giải trí kết hợp bãi đỗ xe và tổ chức nhiều loại hình văn hóa các dịch vụ văn hóa thể thao, thương mại, du lịch, vui chơi giải trí công nghệ cao, phục vụ theo nhu cầu của các nhóm đối tượng”.

Cuộc thi tiếng hát Bolero dành cho người lớn diễn ra tối 2/7/2022 bên trong công viên (Ảnh: Đ.T)

Với cái tên “khu văn hóa đa năng”, đi kèm mục tiêu dự án nói trên, số phận công viên Kim Đồng được định đoạt ngay từ sơ khai, cho phép “biến tấu” chức năng một công viên thành khu thương mại, du lịch, dịch vụ tổng hợp dưới danh nghĩa công viên cho thiếu nhi và đầu tư theo phương thức “xã hội hóa” trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục.

Để thực hiện những mục đích trên, hệ thống cây xanh công viên sẵn có bị triệt hạ, các khối công trình bê tông đã được “bành trướng” dưới vỏ bọc những mỹ từ như giáo dục kỹ năng, dịch vụ phục vụ thanh thiếu nhi... nhưng thật ra là kinh doanh, dịch vụ, ăn uống, thương mại. Thậm chí, năm 2019, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế từng có quyết định điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư dự án Khu văn hóa đa năng công viên Kim Đồng và cho phép việc dành 164m2 đất để xây dựng khu bán quà lưu niệm, bán đặc sản Huế (hiện nay khu này chưa xây dựng). Nghĩa là công viên Kim Đồng dường như trở thành một khu thương mại phức hợp thực sự dẫu trong nhiều văn bản “phục vụ thiếu nhi” luôn là cụm từ được lấy làm cơ sở pháp lý. Để phục vụ cho mục đích này, gần 8000m2 đất cây xanh công viên hiếm hoi còn lại ở vị trí đắc địa ngay trung tâm TP. Huế đành phải nhường cho những khối công trình bê tông cốt thép mọc lên dưới tên gọi là “Khu văn hóa đa năng” - điều mà KTS. Huỳnh Quang gọi là cái tên “rất mơ hồ”.

“Định nghĩa thế nào là khu văn hóa đa năng? Nó là cái gì, thiết chế nó nằm ở đâu, có quy định không?”, ông Quang nói.

Từ công viên dành cho thiếu nhi, giờ người Huế và du khách cũng chỉ có thể... lang thang ngoài vỉa hè công viên 

Với tên gọi mơ hồ “Khu văn hóa đa năng” nên dù chưa hoàn thiện nhưng chủ đầu tư đã bắt đầu khai thác thương mại, dịch vụ và tổ chức sự kiện cho người lớn. Gần đây, tại khu vực từng là công viên Kim Đồng trở thành địa điểm tổ chức vòng chung kết cuộc thi Tiếng hát Bolero khu vực miền Trung mà chủ đầu tư “Dự án khu văn hóa đa năng công viên Kim Đồng” là một trong những nhà tài trợ kim cương của cuộc thi. Trên Fanpage của Công viên Kim Đồng - Huế nhà đầu tư cũng không ngần ngại gọi tên công viên Kim Đồng hiện nay là “là khu phức hợp vui chơi giải trí và ăn uống lớn nhất tại Huế, phục vụ nhu cầu giải trí cho mọi người”, mặc dù chức năng ẩm thực đã bị Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế tham mưu UBND tỉnh không bố trí tại công viên Kim Đồng (nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư nêu là “phù hợp”).

Như vậy công viên Kim Đồng không còn là công trình công cộng dành cho đối tượng ưu tiên là trẻ em, mà là một tổ hợp kinh doanh, thương mại phức hợp “phục vụ theo nhu cầu của các nhóm đối tượng”.

Đặc biệt, theo tìm hiểu của Reatimes, mặc dù quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng theo Thông tư 22/2019-TT/BXD do Bộ Xây dựng ban hành năm 2019 và cả Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Xây dựng ban hành trước đó năm 2008, đều quy định mật độ xây dựng gộp tối đa của khu công viên là 5%; Mật độ xây dựng gộp tối đa của khu công viên chuyên đề là 25%. Trong khi đó, công viên Kim Đồng chưa từng được quy hoạch làm công viên chuyên đề nên nó cũng chỉ là “công viên”, trong khi đó Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày 4/9/2018 có văn bản thống nhất phương án kiến trúc dự án, cho phép “Khu văn hóa đa năng công viên Kim Đồng” với mật độ xây dựng cho phép đến bằng hoặc dưới 30%.

Khi có “thượng phương bảo kiếm” là “khu văn hóa đa năng” những gì được mang danh “văn hóa”, dành cho “phục vụ theo nhu cầu của các nhóm đối tượng” sẽ được chủ đầu tư khai thác, trong đó cuộc thi tiếng hát Bolero vừa qua - điều đó có thể là một phép thử dư luận, dò xét thái độ của cơ quan chức trách? Để thực hiện mục tiêu kinh doanh thương mại, rừng cây xanh, khoảng không gian xanh hiếm hoi còn lại bị triệt phá để xây dựng những công trình bê tông cốt thép cao tầng (3 - 4 tầng) là điều dễ hiểu.

Liên quan vấn đề mật độ xây dựng, KTS. Huỳnh Quang nói rằng: “Tôi không biết họ dựa vào cơ sở nào cho phép mật độ xây dựng đến mức đó. Tôi cũng đã từng chất vấn trong cuộc họp góp ý về dự án việc cấp giấy phép chỉ giới xây dựng trùng với chỉ giới đường đỏ. Đấy không phải là công trình nhà ở, mà là công trình công cộng. Không ai xây dựng ở khu vực lưu lượng phương tiện đông đúc, có cả bệnh viện lớn mà như vậy cả.

Đã là công trình công cộng khi xây dựng anh phải lùi từ 3 - 6m để tạo sự thông thoáng. Nhưng họ không nghe, thậm chí có xây nhô ra đường và phải đập (năm 2019 cơ quan chức năng buộc chủ đầu tư tháo gỡ phần công trình lấn chiếm đường Hai Bà Trưng - PV)”.

Phải trả lại không gian xanh quý hiếm

Chia sẻ với Reatimes, KTS. Huỳnh Quang tâm sự rằng ông luôn muốn chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của mình trên tinh thần góp ý, xây dựng vì quê hương xứ Huế. Nhưng tiếc là nhiều góp ý đã không được lắng nghe. Ví như công viên Kim Đồng, ông và KTS. Nguyễn Minh Dũng (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên – Huế) đều khẳng định “là một không gian cực kỳ quý hiếm”, phải giữ bằng được tại các cuộc họp.

“Chúng tôi phân tích vì khu vực chung quanh công viên mật độ xây dựng rất dày. Đi từ Bắc vào Nam của Huế duy nhất tồn tại 8.000m2 đất cây xanh đó để nó điều hòa lại cái tỷ lệ với khối kiến trúc đồ sộ chung quanh nó. Nó vừa là chỗ để các cháu chơi, vừa điều hòa lại không khí. Ở TP.HCM người ta luôn tìm cách tăng diện tích cây xanh, mình đây làm ngược lại, đi xóa đi!”, KTS. Huỳnh Quang nói.

Cũng theo vị chuyên gia, những góp ý của ông để mong không có những công trình tái phạm: “Phải trả lại không gian xanh. Phải trả lại không gian gần gũi với cộng đồng”.

Ths. KTS. Trần Ngọc Tuệ (Ảnh: Đ.T)

Cùng quan điểm, Ths. KTS. Trần Ngọc Tuệ, Ủy viên Ban chấp hành Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng cần phải có giải pháp làm cho công viên Kim Đồng xanh trở lại, điều này dù rất khó nhưng cần phải tính toán để thực hiện.

Ông Tuệ bộc bạch rằng “không thích” dự án Khu văn hóa đa năng công viên Kim Đồng, bởi nó làm mất không gian xanh hiếm hoi của thành phố.

“TP. Huế vốn không có công viên lớn, công viên khổng lồ, mà chỉ những công viên nhỏ, tựa như hoa viên. Chính vì lẽ đó mà chúng rất quý. Đây là điều mà tôi cho rằng UBND tỉnh nên thận trọng khi cấp phép dự án, ứng xử và quản lý những không gian xanh trong thành phố, nhất là khu vực trung tâm đô thị. Ứng xử như với công viên Kim Đồng là đang làm giảm những không gian xanh của thành phố.

Cần phải nhận diện ra “căn bệnh” ở đó rồi mới điều trị. Trên thế giới vẫn có những công trình biến đổi, nhưng người ta vẫn có giải pháp xanh hóa công trình, xanh hóa từ mái cho tới mặt đứng. Chẳng hạn khoảng bê tông mặt trên của tầng hầm giữ xe có thể lợp cỏ, tạo không gian xanh cho trẻ em vui chơi. Trên mái nhà người ta vẫn có thể trồng xây để xanh hóa, từ mặt đến đến mái. Nói chung là cần tìm giải pháp xanh hóa trở lại cho công viên”, KTS. Trần Ngọc Tuệ, bày tỏ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top