LTS: Công viên Kim Đồng là không gian sinh hoạt, vui chơi của trẻ em TP. Huế (Thừa Thiên - Huế). Không chỉ vậy, do xung quanh khu đất rộng hàng ngàn mét vuông ở vị trí “trung tâm của trung tâm” thành phố nên đây còn là một không gian xanh, thân thiện môi trường, có chức năng điều hòa không khí trong thành phố và nhất là những cơ quan quan trọng ở lân cận, trong đó có Bệnh viện Trung ương Huế.
Mặt khác, tồn tại từ hàng chục năm trước, nên với nhiều người dân Huế, không gian văn hóa, cảnh quan công viên Kim Đồng với họ rất có ý nghĩa về mặt tinh thần, là một miền ký ức tuổi thơ. Điều lạ là thay vì cải tạo, chỉnh trang mức độ vừa phải để phát huy công năng, bảo vệ môi trường, sinh thái, làm đẹp thêm mỹ quan đô thị thì công viên Kim Đồng lại bị “xẻ thịt” ra từng mảnh, chia lô, xây các cụm công trình bằng bê tông. Lá phổi xanh của thành phố đã và đang bị thay thế hoàn toàn bằng cụm công trình bê tông cốt thép trong sự tiếc nuối, thất vọng của nhiều người dân Huế.
Nhằm cung cấp những thông tin cần thiết để bạn đọc có cái nhìn đa chiều hơn về “số phận” của khu công viên này, Reatimes xin giới thiệu loạt bài về “số phận nghiệt ngã” của công viên Kim Đồng.
Đến nay, mặc dù dự án Khu văn hóa đa năng công viên Kim Đồng hoàn thành khoảng 85% khối lượng công trình và đã trễ hạn tiến độ 2 lần, nhưng có thể dễ dàng nhận ra công viên Kim Đồng xưa vốn dành chủ yếu cho thiếu nhi đã không còn.
Thay vào đó là những khối bê tông lộ thiên mà công năng của chúng không phải là một “công viên” hiểu theo nghĩa gốc của từ này là “vườn cảnh cho công chúng nghỉ chân”; cũng không hoàn toàn dành cho thiếu nhi mà tự thân cái tên gọi “Kim Đồng” được thế hệ trước đặt ra đã nói lên tất cả. Một chuyên gia quy hoạch, kiến trúc hàng đầu tại Huế khẳng định với Reatimes công viên Kim Đồng hiện nay không còn là một công viên nữa!
Ô nhiễm tiếng ồn
Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 5, phường Vĩnh Ninh, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế với khuôn mặt ưu tư tiếp chuyện chúng tôi giữa cái nắng ngày hè khô khốc trong trụ sở nhỏ nằm bên đường Trương Định. Ông là Cao Đăng Hòa, 68 tuổi, nhà ở cách công viên Kim Đồng chỉ vài trăm bước chân. Ông Hòa lôi trong túi ra tờ giấy mời tiếp xúc cử tri mà ông vừa đi dự: “Nhờ có nó đấy, nếu không người ta không nghe, cũng chẳng làm việc với tôi khi tôi đại diện tổ dân phố đến công viên Kim Đồng yêu cầu họ mở nhỏ nhạc lại, hoặc tắt để bà con dân phố nghỉ ngơi vì lúc ấy đã khuya mà nhạc thì ầm ầm bà con không ngủ, nghỉ được”.
Số là ngày 18 - 19/6 vừa qua, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thừa Thiên – Huế phối hợp với Công ty VKStar (Huế) tổ chức cuộc thi Tiếng hát Bolero khu vực miền Trung. Địa điểm diễn ra là tại Khu văn hóa đa năng công viên Kim Đồng do Công ty Cổ phần Đầu tư Sunrise Huế đang đầu tư xây dựng. Cuộc thi có 4 nhà tài trợ kim cương, 5 nhà tài trợ vàng, 4 doanh nghiệp đồng tài trợ, 6 doanh nghiệp, đơn vị hỗ trợ. Nhiều người lấy làm lạ là tại sao cuộc thi vốn dành cho người lớn lại tổ chức tại nơi mang tên “công viên của thiếu nhi”, nhà tổ chức liên quan gì chủ đầu tư dự án “Khu văn hóa đa năng công viên Kim Đồng”!?
Điều này lý giải vì sao công viên Kim Đồng dễ dàng trở thành sân chơi của người lớn, một sân chơi có vận động tài trợ. Sân chơi này là dấu hiệu cho thấy dù “Khu văn hóa đa năng công viên Kim Đồng” chưa hoàn thành và chưa chính thức đi vào hoạt động, nhưng công năng, mục đích một công viên dành cho thiếu nhi bước đầu đã có dấu hiệu biến tướng và trong tương lai, những sự kiện, chương trình tương tự nhiều khả năng, vẫn tiếp diễn...
Nhưng đó là chuyện tương lai, chuyện hiện tại là đêm ấy, vị Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 5 bị đánh thức bởi những cuộc gọi giục giã, “cầu cứu” của bà con tổ dân phố, cả bệnh nhân ở Bệnh viện Trung ương Huế. Họ nhờ ông Cao Đăng Hòa can thiệp, do bị quấy rối trong đêm muộn bởi hệ thống âm thanh khuếch đại phát ra ở “Khu văn hóa đa năng công viên Kim Đồng”. Ông Hòa kể, hơn 23h đêm, ông khoác vội bộ đồ lên người, vị Bí thư Chi bộ tuổi gần 70 gọi thêm một cán bộ công an khu vực nữa, rồi cùng đến công viên Kim Đồng. “Tôi tới công viên Kim Đồng thì chương trình ca nhạc Bolero đã kết thúc, nhưng có một số người đang ngồi uống bia, nhạc vẫn mở to. Tôi giới thiệu mình là Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 5, bà con nhân dân cử tri yêu cầu chủ dự án ở công viên Kim Đồng giảm âm lượng, vì đã khuya rồi mà mở nhạc quá to khiến bà con, bệnh nhân không nghỉ ngơi được. Họ nói họ không biết tôi là ai, vì thế tôi phải đưa họ tờ giấy mời tôi tiếp xúc cử tri của thành phố mới đây. Họ coi giấy xong thì đồng ý mở nhỏ nhạc lại. Sau đó tôi đi về...”, ông Hòa kể.
Người dân mù mờ thông tin dự án
Công viên Kim Đồng có diện tích gần 8.000m2, tọa lạc tại tổ dân phố 5, phường Vĩnh Ninh, TP. Huế. Tổ dân phố 5 vốn là nơi đóng chân của nhiều trụ sở, cơ quan trọng yếu, lớn của tỉnh và Trung ương như UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, Bệnh viện Trung ương Huế; các sở: Giáo dục – Đào tạo, Sở Y tế, Sở Khoa học – Công nghệ; Bưu điện tỉnh... Tổ dân phố 5 có khoảng 300 hộ dân, phần lớn là gia đình cán bộ, trí thức, trong đó khá nhiều cán bộ từng giữ trọng trách, chức vụ quan trọng trong bộ máy của Đảng và chính quyền Thừa Thiên – Huế... Với “tầm vóc” một tổ dân phố như vậy, nhưng người dân, cán bộ Tổ dân phố 5 không có nhiều thông tin về cái gọi là "dự án Khu văn hóa đa năng công viên Kim Đồng".
Cho đến nay, đã trải qua rất nhiều năm, kể từ khi hình thành ý tưởng kêu gọi đầu tư vào công viên Kim Đồng năm 2014, 2015, đến khi UBND tỉnh giao đất cho chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Sunrise (TP. Huế) năm 2017, kể cả đến lúc triệt hạ “khu rừng sinh thái của công viên” để khởi công dự án năm 2019 và thi công đến nay, những chủ thể có khu đất công viên Kim Đồng là đông đảo nhân dân, cán bộ Tổ dân phố 5 hoàn toàn không được tiếp cận thông tin dự án. Điều tối thiểu nhất của một dự án giúp người dân tiếp cận thông tin và đã được pháp luật quy định phải có là tấm bảng cắm trên công trường (công trình) ghi thông tin cơ bản của dự án như tên dự án, chủ đầu tư, đơn vị thi công, đơn vị giám sát, thời gian thực hiện... đều không tồn tại với dự án Khu văn hóa đa năng công viên Kim Đồng.
Ông Cao Đăng Hòa nói rằng, ngày ngày ra thấy không gian xanh công viên Kim Đồng mất dần mà xót. Ông kể nhiều năm trước, do quá lo lắng về số phận của công viên Kim Đồng, bà con cử tri, nhân dân Tổ dân phố 5 của ông đã nhiều lần kiến nghị với đại biểu HĐND 3 cấp trong các cuộc tiếp xúc cử tri. Bà con đề nghị công khai thông tin dự án, tiến độ và đặc biệt là khi thực hiện dự án, nhà đầu tư, các cấp chính quyền phải đảm bảo mục tiêu là một công viên xanh, công viên dành cho thiếu nhi. Những kiến nghị này bao năm qua vẫn rơi vào im lặng.
PV Reatimes đã liên hệ với một vị đại biểu HĐND TP. Huế, người từng tiếp xúc cử tri phường Vĩnh Ninh và ghi nhận những phản ánh, kiến nghị của cử tri liên quan công viên Kim Đồng và được vị này giải thích: “Sau khi tiếp nhận ý kiến của cử tri phường Vĩnh Ninh về dự án Khu văn hóa đa năng công viên Kim Đồng, chúng tôi đã tổng hợp chuyển lên thành phố, tỉnh. Nhiệm vụ chúng tôi là thế, còn giải quyết kiến nghị của bà con thế nào là của cơ quan có thẩm quyền”.
Có vẻ “sốt ruột” với những gì diễn ra với những thông tin ít ỏi về một số dự án lớn ở vị trí đắc địa trên địa bàn phường Vĩnh Ninh, nhất là dự án có ý nghĩa quan trọng về dân sinh trên địa bàn phường như dự án Khu văn hóa đa năng công viên Kim Đồng, mới đây, Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Vĩnh Ninh, TP. Huế đã có Báo cáo công tác mặt trận 6 tháng đầu năm 2022, trong đó Ban thường trực Ủy ban này đã đưa nội dung, kiến nghị liên quan đến dự án Khu văn hóa đa năng công viên Kim Đồng làm một trong những nội dung chính để thực hiện, quyền, chức năng giám sát của cơ quan mặt trận địa phương. Cụ thể Ban thường trực kiến nghị “Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Huế kiến nghị UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, UBND TP. Huế khi có quyết định phê duyệt kéo dài thời gian thực hiện dự án so với kế hoạch ban đầu phải có giải trình và thông báo cho địa phương nhằm tạo tiền đề cho việc giám sát đầu tư của cộng đồng đối với các dự án…".
Liên quan dự án Khu văn hóa đa năng công viên Kim Đồng, ngày 30/6/2022, PV Reatimes cũng đã liên hệ làm việc với ông Nguyễn Đức Tường Thoại, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Ninh để được nắm thông tin về cơ chế phối hợp giữa chủ đầu tư cũng như cơ quan chức năng UBND phường trong quá trình triển khai dự án. Ông Thoại trao đổi nhanh qua điện thoại cho biết, dự án này do UBND tỉnh triển khai, công viên là thành phố quản lý chứ không phải phường. Quá trình triển khai dự án, UBND phường có tham gia phối hợp với cơ quan chức năng xử lý về trật tự, chỉ giới xây dựng công trình mà thôi. Riêng việc chủ đầu tư hay cơ quan cấp trên phối hợp, hỏi ý kiến UBND phường về phương án kiến trúc, thay đổi công năng, mục đích sử dụng đất đối với công viên Kim Đồng thì ông Thoại khẳng định chưa từng.
Bệnh viện Trung ương Huế “không có ý kiến”
Công viên Kim Đồng được ví như “lá phổi xanh” của TP. Huế, có giá trị quan trọng trong điều hòa không khí nên với hệ thống Bệnh viện Trung ương Huế nằm cạnh công viên, địa chỉ này càng có nhiều giá trị, ý nghĩa, nhất là với bệnh nhân, người nhà khi đi khám bệnh, điều trị. Việc triệt hạ rừng cây xanh để xây công trình là những khối bê tông cao 3 – 4 tầng không chỉ làm tan nát một “lá phổi xanh” của thành phố; mất hẳn một không gian cảnh quan, thân thiện môi trường hiếm hoi còn lại ở trung tâm TP. Huế dành cho thiếu nhi, mà Bệnh viện Trung ương Huế, người nhà, người bệnh cũng mất đi một “chỗ dựa” về cảnh quan, sinh thái, môi trường vốn có lợi cho sức khỏe.
Không chỉ vậy, nhà đầu tư dự án Khu văn hóa đa năng công viên Kim Đồng đã tận dụng triệt để diện tích để xây hai cụm công trình là tòa nhà bê tông cao 3 – 4 tầng sát bên đường Hai Bà Trưng, trong đó có tòa nhà bán phở, bún, kem, cà phê xây ngay nút giao lộ “chữ V” giao giữa đường Hai Bà Trưng – Hà Nội. Đây là đoạn đường có hai cổng chính để mọi người vào – ra; vận chuyển bệnh nhân cấp cứu của Bệnh viện Trung ương Huế nên giao thông phương tiện, người đi lại, sinh hoạt rất đông. Thay vì cần được xây dựng có độ lùi hợp lý, tạo không gian thông thoáng, công trình dự án Khu văn hóa đa năng công viên Kim Đồng lại mọc lên ngay sát chỉ giới đường đỏ khiến đường Hai Bà Trưng không thể mở rộng, đoạn cổng chính Bệnh viện Trung ương Huế vốn thiếu sự thông thoáng, nay càng bí bách hơn, do lượng người ngày một đông, xe cộ tấp nập sớm tối, dẫu ai cũng hiểu sinh mệnh bệnh nhân khi cấp cứu có thể tính bằng giây.
Liên quan đến những hệ lụy ảnh hưởng đến giao thông, cảnh quan chung quanh Bệnh viện Trung ương Huế, ngày 29/6, PV Reatimes đã liên lạc với một lãnh đạo của cơ quan này để hỏi những ý kiến, góp ý của bệnh viện với dự án Khu văn hóa đa năng công viên Kim Đồng từ trước đến nay, thì vị này nói rằng dự án của tỉnh triển khai, từ trước đến nay bệnh viện không có ý kiến hay góp ý gì.
Như vậy, một dự án nằm ngay “trung tâm của trung tâm” TP. Huế, ở vị trí đắc địa, nhạy cảm về cảnh quan, sinh thái, môi trường, kiến trúc bộ mặt đô thị Huế, được triển khai suốt chiều dài hơn 5 năm qua, được nhiều cơ quan quản lý, chuyên môn, chuyên gia họp, góp ý, kiến nghị trong nhiều cuộc họp, nhưng rồi kết cục là “từ một công viên cảnh quan đã bị băm nát, bê tông hóa”. Một không gian xanh hiếm hoi trong lòng thành phố, bên cạnh một cơ sở y tế lớn nhất Miền Trung “biến mất” trong im lặng. Một sự im lặng đáng sợ!
Mời độc giả đón đọc Kỳ 5: Chuyên gia quy hoạch, kiến trúc nói gì về dự án công viên Kim Đồng? Việc thực hiện dự án Khu văn hóa đa năng công viên Kim Đồng ngay từ đầu đã được chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc ở Huế góp ý, phản biện, nhưng điều này đã không được tiếp thu, thực hiện.
Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.