Aa

Kết nối nguồn vốn ưu đãi

Thứ Năm, 10/08/2023 - 11:00

Vốn ưu đãi lãi suất luôn là nguồn lực tài chính có giá trị lớn với các doanh nghiệp. Nhưng việc tiếp cận quá khó khăn sẽ làm vốn ưu đãi này sẽ chỉ có trên… giấy.

Tình trạng giải ngân gói tín dụng ưu đãi lãi suất 40.000 tỷ đồng từ 2022 đến nay là ví dụ.

Vào tháng 6/2023, báo cáo gửi đại biểu Quốc hội của Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, đến cuối tháng 3/2023, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng đạt 327 tỷ đồng cho gần 1.900 khách hàng, tương đương khoảng 0,82% tổng nguồn lực gói 40.000 tỷ đồng đã được Quốc hội quyết định.

NHNN cũng đã có văn bản đề xuất chuyển nguồn từ gói hỗ trợ lãi suất 2% cho miễn, giảm thuế, phí, bao gồm cả thuế VAT.

Nhưng theo văn bản mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN xem xét để chỉ đạo giải ngân hiệu quả gói 40.000 tỷ đồng và 120.000 tỷ đồng. Theo đó, song song với việc giảm thuế VAT đã được triển khai từ 1/7, việc NHNN cho biết trình Chính phủ để kiến nghị Quốc hội sửa đổi Nghị quyết 43/2022, bỏ cụm từ doanh nghiệp phải chứng minh được “có khả năng phục hồi” để tiếp tục triển khai gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng, lại được kỳ vọng sẽ sớm thúc đẩy, mang đến cơ hội tiếp cận vốn ưu đãi thực thụ cho doanh nghiệp.

Bởi cả ngân hàng và doanh nghiệp đều đang “kẹt” về giải ngân vốn ưu đãi, như bài toán “con gà, quả trứng”: Doanh nghiệp muốn ưu đãi thì phải có khả năng phục hồi và doanh nghiệp có khả năng phục hồi, lại cần có vốn ưu đãi.

Tỷ lệ giải ngân gói tín dụng ưu đãi lãi suất 40.000 tỷ đồng cho thấy "độ khó" của việc tiếp cận vốn hỗ trợ. Ảnh minh họa

Trong khi chờ chủ trương, việc tiếp sức, nguồn cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng vẫn rất cần chính các NHTM có sự kết nối, chủ động cùng các doanh nghiệp để đưa ra phương án hấp thụ vốn hiệu quả. Môi trường khó càng cần sự gắn bó để cộng sinh.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, do NHNN phối hợp cùng các địa phương, vốn từ các ngân hàng thương mại đang có tỷ lệ giải ngân tích cực. Đây có thể là một cơ hội khác, tuy cũng không dành cho tất cả và không bao hàm hạ chuẩn tín dụng, nhưng có thể góp phần hóa giải độ khó của bài toán vốn lúc này, trong khi chờ các chính sách tháo mở nút thắt tiếp cận vốn với các "gói"./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top