Aa

Khách hàng “nuốt đắng” khi mua nhà ở hình thành trong tương lai

Chủ Nhật, 30/09/2018 - 21:00

Thay vì nhận được căn nhà đáng “đồng tiền bát gạo”, không ít khách hàng đành phải “ngậm bồ hòn” vì hàng loạt rủi ro ập tới khi bỏ tiền ra trước để mua sản phẩm bất động sản hình thành trong tương lai.

Có vẻ như con đường để đến với ngôi nhà của mình chưa bao giờ lại chông gai và đầy rủi ro như hiện tại. Rõ ràng, tiền của mình, bỏ ra trước như một hình thức góp vốn cùng chủ đầu tư nhưng cuối cùng chính những khách hàng lại phải mất thời gian, công sức vất vả đấu tranh để đòi quyền lợi cho chính ngôi nhà – thuộc quyền sở hữu của mình.

“Nuốt đắng” khi mua nhà ở hình thành trong tương lai

Tin tưởng vào chủ đầu tư lớn, hài lòng về bức tranh về ngôi nhà mới mà nhân viên môi giới đưa ra, rất nhiều khách hàng đã bỏ tiền túi ra để đặt cọc sở hữu một căn nhà dù chưa biết “mặt mũi” trong tương lai ra sao. Kể từ lúc còn ở trên giấy, khi dự án mới còn là cái móng thô sơ, song, tâm lý đặt trước là sẽ có căn nhà đẹp, giá rẻ nên rất nhiều khách hàng ào ạt xuống tiền sớm ngay từ lúc mở bán dự án.

Để rồi cuối cùng, chính các khách hàng phải thấp thỏm trước ngôi nhà của mình đang nằm giữa hàng loạt rủi ro. Rất nhiều dự án chung cư rơi vào tình trạng chậm tiến độ. Đã thế, đến thời điểm nhận nhà, để tránh vi phạm điều khoản trong hợp đồng khi bàn giao chậm, nhiều chủ đầu tư đã giao nhà khi các cơ sở hạ tầng khác vẫn còn ngổn ngang.

Chị Hoàng Vân (chung cư Eco Green, Nguyễn Xiển, Hà Nội) chia sẻ: “Chủ đầu tư gần như “ép” khách hàng đến nhận nhà. Mình ở nửa năm mà cơ sở hạ tầng vẫn chưa hoàn thiện xong. Lúc mới chuyển đến, công trường vẫn đang thi công, bãi đỗ xe không có, di chuyển phải đi bằng thang hàng. Bỏ ra hơn 2 tỷ đồng mua một căn hộ mà như chuốc sự bực mình vào người”.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Chưa kể, ngay sau đó, chị Vân cũng như nhiều cư dân khác phải tham gia treo băng rôn, khẩu hiệu để đòi chủ đầu tư đáp ứng đúng và đủ cơ sở vật chất như đã cam kết trong hợp đồng.

Tương tự như chị Vân, anh Nguyễn Anh (chung cư Gemek Tower, Hoài Đức, Hà Nội) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Theo hợp đồng, chủ đầu tư phải bàn giao nhà cho gia đình anh từ tháng 9/2016. Tuy nhiên, phải đến tháng 11/2016, gia đình anh mới được chủ đầu tư đưa đến nhận nhà. “Nhưng đến ở, thang máy bụi bặm. Hầm đỗ xe bụi mù mịt. Sáng đi làm đến tối về, nhà phủ một lớp bụi. Đã thế, nhà mình nhận chưa hoàn thiện, cửa gỗ bị vỡ, nẹp cửa thiếu, thiết bị vệ sinh chưa lắp”. – anh Nguyễn Anh chia sẻ.

Anh Nguyễn Anh cũng cho biết thêm: “Đối với một số nhà khác bị nhận bàn giao muộn hơn so với hợp đồng mua bán, hơn 2 năm trôi qua vẫn chưa nhận được tiền trả lãi bàn giao chậm từ chủ đầu tư. Dù đã làm đơn, kêu gọi nhưng khách hàng vẫn phải ngậm đắng vì khoản tiền nợ từ chủ đầu tư. Trong quá trình ở, mới có thời gian ngắn mà cơ sở hạ tầng đi xuống. Muốn gọi thợ đến sửa phải mất rất nhiều thời gian thì chủ đầu tư mới cho nhà thầu đến khắc phục. Bây giờ, diện tích nhà chưa đo nhưng chủ đầu tư đã ép phải làm thanh lý hợp đồng không sẽ phạt tiền hợp đồng”.

Gian nan tìm công lý

Mặc dù trên hợp đồng mua bán, chủ đầu tư rõ ràng đã vi phạm các điều khoản song nhiều khách hàng vẫn đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” để tránh phiền phức rắc rối.

Anh Nguyễn Anh cho biết: “Mỗi lần họp bàn để đưa ra giải pháp yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng trách nhiệm, cư dân phải mất rất nhiều thời gian, công sức. Để mua được căn nhà đã là sự cố gắng, giờ lại phải bỏ tiền, bỏ thời gian ra để đòi quyền lợi cũng mệt. Nhiều cư dân đành ngậm đắng chấp nhận, coi như ở tạm. Nếu gia đình có điều kiện hơn sẽ tìm cách bán tháo căn hộ”.

Cũng trong trường hợp như anh Nguyễn Anh, anh D.H (một luật sư) cho biết: “Là luật sư tôi nắm rõ thủ tục để đòi quyền lợi nhưng nói thật, muốn kêu gọi đòi quyền lợi phải cả cư dân trong khu chung cư. Một gia đình tiến hành khởi kiện cũng khó. Nhưng một gia đình cảm thấy việc đấu tranh kêu gọi rất mệt mỏi nên chúng tôi đành chấp nhận: có sao ở vậy”.

Theo anh D.H, kể cả khi bạn lựa chọn mua chung cư của chủ đầu tư có uy tín nhưng không có nghĩa bạn sẽ tránh được các rủi ro. “Một người bạn của tôi làm luật, đặt 4 tỷ vào một một căn hộ chung cư cao cấp của chủ đầu tư rất uy tín. Nhưng nhà chưa bàn giao mà tất cả các khách hàng phải cùng nhau căng băng rôn đòi chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết”.

Thực tế, việc mua nhà ở hình thành trong tương lai đồng nghĩa với việc khách hàng trở thành người cầm dao đằng lưỡi khi rất nhiều rủi ro đến với mình. Mất tiền rồi mất thời gian, nhiều cư dân phải chuốc lấy bực mình.

Không ít các nhà đầu tư nhỏ lẻ cho rằng, nếu xác định mua một căn hộ để ở, khách hàng nên chấp nhận bỏ khoản tiền chênh lớn hơn so với thời điểm xuống tiền khi dự án chưa hoàn thiện. Có như vậy, chính khách hàng mới thực chứng được chất lượng của căn hộ ra sao, tránh những rủi ro lớn từ việc mua nhà hình thành trong tương lai.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top