Covid-19: Cú sốc lớn với ngành lưu trú và dịch vụ F&B
Năm 2020 và 2021 là khoảng thời gian đầy thách thức với ngành du lịch, dẫn đến giai đoạn thực sự khó khăn cho các khách sạn, nhà hàng và các cơ sở lưu trú du lịch. Trong giai đoạn dịch căng thẳng, toàn bộ chuỗi cung ứng dịch vụ cho hoạt động du lịch đóng băng, 90 - 95 công ty lữ hành phải dừng hoạt động, 75% cơ sở lưu trú phải dừng hoạt động hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh.
“Dịch vụ lưu trú, các công ty lữ hành và dịch vụ du lịch đã ngừng hoạt động hoặc tạm thời đóng cửa vì hầu hết các chuyến bay quốc tế và nội địa đều bị hủy hoặc gián đoạn đáng kể do hạn chế về du lịch. Tỷ lệ lấp đầy phòng của các dịch vụ lưu trú là khoảng 20% vào năm 2020 và dưới 10% trong năm 2021”, TS. Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết.
Theo đánh giá của các chuyên gia, do phụ thuộc vào khách du lịch nên ngành lưu trú và dịch vụ F&B chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của dịch Covid-19, nhất là ở những thời điểm giãn cách xã hội kéo dài. Do đó, chỉ có những cơ sở lưu trú chất lượng, có tiềm lực mới có thể “vượt bão” Covid-19, duy trì hoạt động chờ ngày ngành du lịch được mở cửa.
Ngày 15/3/2022 được xem là điểm nhấn quan trọng của ngành du lịch cả nước, trong đó có TP.HCM, khi Chính phủ cho phép mở cửa du lịch hoàn toàn. Ngành du lịch TP.HCM đang có dấu hiệu khởi sắc đáng mừng, ước đạt gần 5 triệu lượt khách, tăng 303,3% so với quý IV năm 2021. Chính vì thế kéo theo ngành lưu trú và F&B cũng phục hồi đáng kể khi lượt du khách chọn điểm đến là TP.HCM ngày càng tăng. Tuy vậy, theo ghi nhận, sức hồi phục các hoạt động kinh doanh khách sạn và dịch vụ ăn uống vẫn còn khá dè dặt.
Các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn và du lịch đang điều chỉnh lại chiến lược phát triển để phù hợp với các xu hướng mới về nhu cầu du lịch, đổi mới và đa dạng hóa sản phẩm mới, tập trung vào sức khỏe, an toàn và những trải nghiệm đích thực cho khách hàng.
Đổi mới để thích nghi, chớp thời cơ để phục hồi
Hiện ở TP.HCM, lượt du khách lưu trú tại các khách sạn đạt tỷ lệ mức trung bình từ 30 - 35%. Đặc biệt, đợt nghỉ lễ “Giỗ tổ Hùng Vương” vừa qua, theo báo cáo số liệu từ các doanh nghiệp du lịch do có chính sách giảm giá, lượt khách lưu trú đạt trung bình 50%. Khu vực tiếp cận sân bay Tân Sơn Nhất có nơi đạt 60 - 70% công suất bán phòng của một số khách sạn 4 - 5 sao. Nhiều khách sạn đang tích cực triển khai các kế hoạch đổi mới hơn so với trước đây, nhằm thu hút du khách.
Ông Trần Đức, Quản lý điều hành khách sạn Intercontinental Saigon cho hay, hiện tại lượt du khách đến với khách sạn đang tăng dần (khoảng 20%), chủ yếu là lượt du khách quốc tế. Khách sạn cũng đã có kế hoạch đón và phục vụ du khách an toàn, về set up các vật dụng trang thiết bị trong phòng đảm bảo, lập quy trình xử lý khử khuẩn phòng khách, hỗ trợ khách làm xét nghiệm đối với khách nhập cảnh có yêu cầu.
Còn với Mai House Sài Gòn Hotel, khách sạn này lại xác định thị trường nội địa là đòn bẩy phục hồi chính sau đại dịch, đặc biệt chú trọng 2 thị trường trọng tâm là TP.HCM và Hà Nội. Đồng thời Mai House Sài Gòn Hotel cũng đón đầu những tour du lịch khách quốc tế đến Việt Nam vào quý II/2022 theo chủ trương mở cửa đón du khách quốc tế của Chính phủ. Hiện, uớc tính doanh thu quý I/2022 đã đạt 50%, đây là một tín hiệu tốt đối với khách sạn này.
Ông Nguyễn Đức Chiến, Quản lý kinh doanh Mai House Sài Gòn Hotel cho biết thêm, sau dịch Covid-19, mối quan tâm của khách hàng thay đổi rõ rệt. Trước đây giá phòng và vị trí là mối quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên hiện tại sức khoẻ, sự an toàn và linh hoạt mới được chú trọng. Chính vì thế, khách sạn đưa ra những gói sản phẩm khuyến mãi theo nhóm, đặt phòng thanh toán trước, linh động check in, check out…, song vẫn duy trì công tác phòng chống dịch đảm bảo an toàn cho khách và nhân viên phục vụ. Cùng với đó là chiến lược giá cả linh động, cạnh tranh, thu hút khách cùng với các chương trình ẩm thực phong phú đặc sắc sẽ hấp dẫn du khách quốc tế và nội địa.
Tại Holiday Inn & Suites Saigon Airport, sự an toàn của khách du lịch cũng được đặt lên hàng đầu, đồng thời chú trọng các dịch vụ để đảm bảo sự hài lòng của khách, từ yêu cầu về phòng đến đồ ăn, đồ uống...
“Holiday Inn & Suites Saigon Airport chuẩn bị chào đón sự kết hợp phân khúc thị trường đa dạng hơn từ các thị trường trung chuyển khác nhau và tiếp tục đáp ứng nhu cầu ổn định của thị trường nội địa. Điều đó có nghĩa là Holiday Inn & Suites Saigon Airport có đủ các lựa chọn ẩm thực địa phương và quốc tế tại các nhà hàng và địa điểm tổ chức hội nghị, đồng thời các kênh đặt chỗ của chúng tôi có sẵn trên các thị trường khác nhau”, bà Michelle Singson, Tổng quản lý Khách sạn Holiday Inn & Suites Saigon Airport cho hay.
Theo Sở du lịch TP.HCM, Thành phố cũng đang có những giải pháp thu hút khách du lịch, đặc biệt là chương trình truyền thông “TP.HCM chào đón bạn”. Chiến dịch được phát động từ tháng 3, trong thời gian ngắn đã có hàng trăm doanh nghiệp tham gia với hàng trăm chương trình ưu đãi hấp dẫn cho du khách. Đây là một tín hiệu vui, phấn khởi, kỳ vọng ngành du lịch TP.HCM sẽ được khôi phục và nhanh chóng khởi sắc.
Thông qua triển khai các sự kiện thu hút khách du lịch, TPHCM cũng lần lượt đón khách quốc tế đến từ thị trường châu Âu, châu Úc, và một số thị trường châu Á. Đặc biệt ngày 8/4 đón 130 khách quốc tế Hoa Kỳ đến tham quan. Đoàn đã chọn TP.HCM là điểm dừng chân, lư trú dài nhất để trải nghiệm tham quan, ẩm thực.
Bà Võ Ngọc Điệp, Trưởng phòng Quản lý cơ sở lưu trú, Sở du lịch TP.HCM khẳng định, mặc dù ngành lưu trú Thành phố vẫn gặp một số khó khăn nhất định về nguồn nhân lực, về tài chính, luợt khách du lịch nội địa và quốc tế đến Thành phố chưa nhiều so với cùng kỳ năm 2019, một bộ phận nhỏ khách sạn vẫn chưa có khách, nhưng vẫn đang tập trung cho việc nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất và đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại chỗ để tập trung đón khách du lịch trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch đã phối hợp với các sở, ngành và các đơn vị có liên quan, thống nhất ký kết kế hoạch liên tịch và phát triển du lịch MICE với nhiều ưu đãi cho du khách như cấp phép tổ chức các chương trình hội nghị, hội thảo, giải quyết các thủ tục xuất nhập cảnh… kết hợp du lịch ẩm thực và mua sắm, nhằm thu hút du khách đến từ mọi miền đất nước và du khách quốc tế đến khám phá vùng đất và con người TP.HCM.
Các chuyên gia dự báo, khi du khách quay trở lại với TP.HCM sôi động hơn, ngành lưu trú và F&B sẽ có cơ hội “hồi sinh” và tăng trưởng trở lại, thậm chí còn bứt phá hơn giai đoạn chưa có dịch. Với những khách sạn còn bám trụ được đến thời điểm này, giá thuê sẽ còn tăng, giá bán cũng tăng so với trước đây bởi nhu cầu khách gia tăng trong khi nhiều cơ sở lưu trú đã phải dừng hoạt động, chuyển hướng kinh doanh trong đại dịch. Theo đó, thị trường bất động sản cho thuê sẽ là phân khúc khởi sắc với những cơ hội sinh lời đáng mong chờ cho các nhà đầu tư./.