Mở cửa đón khách trở lại
Sau 2 năm chịu tác động nặng nề từ dịch Covid-19, thị trường du lịch Việt Nam bắt đầu bước vào đà hồi phục mạnh mẽ, đặc biệt khi nước ta mở cửa đường bay quốc tế từ ngày 15/3/2022, cho phép khách quốc tế tới tham quan và du lịch. Theo thống kê, trong tháng 3/2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 41,7 nghìn lượt người, tăng 41,4% so với tháng trước và gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước. Du lịch nội địa cũng ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực cùng khả năng phục hồi vô cùng mạnh mẽ với lượng khách ước đạt 26,1 triệu lượt người. Vào thời điểm dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua, hoạt động du lịch nội địa càng trở nên sôi nổi khi rất đông người dân lựa chọn đi du lịch, lưu trú tại các điểm, khu du lịch.
Du lịch Việt Nam chính thức mở cửa trở lại, do đó các cơ sở lưu trú, lữ hành và các khu du lịch đã sẵn sàng đón khách đảm bảo an toàn, hiệu quả. Hàng loạt khách sạn, homestay mở cửa đón khách và mở rộng dịch vụ lưu trú để khách hàng có những trải nghiệm tốt trong các chuyến du lịch mà họ lựa chọn.
Tại các điểm du lịch như Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Phú Quốc, Đà Lạt, khách sạn, homestay luôn trong tình trạng kín phòng. Lượng du khách tăng cao khiến cho các loại hình lưu trú này đã có lúc gặp phải tình trạng quá tải. Nhiều nơi dù có số lượng khách sạn, homestay lớn vẫn chưa thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu đặt phòng của du khách.
Chị Nguyễn Thị Nga, chủ homestay tại Đà Lạt cho biết: “Từ khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3, tôi đã nhận được rất nhiều tin nhắn đặt phòng từ sớm của du khách, hầu như là du khách từ Hà Nội, TP.HCM tới Đà Lạt du lịch kết hợp nghỉ dưỡng. Ngay trong dịp nghỉ lễ vừa qua, tôi đã phải từ chối rất nhiều khách hàng do số lượng phòng tại homestay có hạn, tôi không thể nhận thêm”.
Nâng cấp cảnh quan, hoàn thiện cơ sở vật chất
Mặc dù được hoạt động trở lại nhưng nhiều khách sạn, homestay còn chưa hoàn toàn hồi phục dịch vụ, chỉ hoạt động một phần. Thậm chí, nhiều địa điểm lưu trú vẫn đóng cửa nằm im ngay trong thời điểm du lịch đang có những tín hiệu khởi sắc mạnh mẽ. Nguyên nhân là do cơ sở vật chất khách sạn, homestay sau 2 năm đóng cửa vì dịch bệnh Covid-19 đã có dấu hiệu xuống cấp.
Theo đó, nhiều căn phòng lâu không được sử dụng, không có nhân công dọn dẹp đã có dấu hiệu ẩm mốc và có mùi hôi. Cảnh quan không được chăm sóc, hạ tầng, cơ sở vật chất nhìn đã cũ, khó có thể thu hút khách du lịch trong và ngoài nước tới sử dụng dịch vụ.
Nhận thức được vấn đề này, các đơn vị quản lý khách sạn, chủ homestay đã nhanh chóng có biện pháp để khắc phục. Cụ thể, nhiều khách sạn tại Hà Nội, đặc biệt là các khách sạn quanh khu vực phố cổ đã lên kế hoạch chỉnh trang cảnh quan, xử lý chống thấm, ẩm mốc cho phòng ốc bên trong khách sạn. Đồng thời gấp rút sửa chữa, tân trang, làm sạch toàn bộ phòng ốc và không gian, sảnh đi lại của khách sạn sau chuỗi ngày bị bỏ không do dịch Covid-19.
Theo nhiều quản lý khách sạn, việc nâng cấp khách sạn đặc biệt quan trọng khi nơi này là điểm đến thu hút rất đông khách quốc tế. Họ thường xuyên lựa chọn khách sạn phố cổ, khách sạn cao cấp là nơi nghỉ ngơi khi tham quan, du lịch Hà Nội. Cải thiện chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất sẽ cải thiện doanh thu, từ đó làm hài lòng khách hàng, trở thành địa điểm lưu trú được đánh giá là có chất lượng dịch vụ tốt.
Còn tại Đà Lạt, Sa Pa, các địa điểm phát triển mạnh về dịch vụ homestay, nhiều homestay đã chỉnh trang, nâng cấp và làm mới cơ sở vật chất, trồng hoa tạo cảnh quan, xây dựng các điểm check-in nhằm thu hút du khách tới trải nghiệm dịch vụ. Một số điểm lưu trú được tân trang, xây thêm cơ sở mới để đón thêm nhiều du khách. Các biện pháp phòng dịch và nhân sự phục vụ du khách được bảo đảm, nhiều nơi áp dụng các chính sách kích cầu, giảm giá khi đặt phòng để nâng cao chất lượng du lịch.
Anh Đỗ Văn Hiếu - quản lý khách sạn tại Sa Pa chia sẻ: “Chúng tôi luôn chủ động có kế hoạch để bảo đảm điều kiện tốt nhất khi du lịch được mở cửa. Chúng tôi đã nhanh chóng kiện toàn đội ngũ nhân viên, cải tạo cảnh quan môi trường, nâng cao chất lượng các dịch vụ nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách. Chỉ có như vậy thì mới có khách, doanh thu mới có thể ổn định trở lại”.
Không những vậy, các địa phương nơi có địa điểm du lịch đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện từ cơ sở hạ tầng du lịch và các sản phẩm du lịch như các lễ hội, phố đi bộ; trồng hoa, trồng cây mới tạo cảnh quan ấn tượng 2 bên đường; chỉnh sửa, thay pano, biển mới chào đón khách du lịch… Có thể thấy, nhiều địa phương đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, tạo điểm nhấn về hạ tầng, cảnh quan để phát triển du lịch.
Theo các chuyên gia, dự báo dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 lượng khách du lịch sẽ tiếp tục tăng mạnh. Đây cũng chính là điều kiện để giúp các chủ cơ sở lưu trú như khách sạn, homestay tại các điểm du lịch sẽ có nguồn kinh phí để đầu tư, khôi phục lại. Đồng thời cũng là dịp để họ tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng được về hạ tầng, cơ sở vật chất, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước./.