Tuy nhiên, dù đã giảm giá, thậm chí là chịu lỗ nhưng thị trường khách sạn vẫn trong cảnh “lạnh như băng”.
Rao bán khách sạn giữa mùa vàng du lịch
Đăng tin rao bán khách sạn tại phường Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) với giá 160 tỷ đồng, chị Nguyễn Thu Thủy cho biết đành chịu lỗ bởi thời điểm mua khách sạn này, chị đã phải bỏ số tiền gần 200 tỷ đồng.
Trước đó vào năm 2018, khi thấy được tiềm năng của mặt bằng khu Tây Hồ, chị Thủy đã quyết định xuống vốn đầu tư. Vào khoảng thời gian trước dịch, nhất là trong những mùa cao điểm du lịch, chị Thủy có thể kiếm được 350 - 400 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, khi chưa kịp hoàn lại số vốn đã bỏ ra, dịch bệnh ập đến khiến tình hình kinh doanh của khách sạn ảm đạm trong cả năm 2020 và kéo dài đến hiện tại. Dù đã nỗ lực cắt giảm mọi chi phí, giá phòng có thời điểm đã giảm tới 80% nhưng tình hình vẫn không khả quan.
Chính vì thế, chị Thủy đã quyết định bán khách sạn để thu hồi vốn, tìm kiếm cơ hội đầu tư mới.
Cũng như vậy, ghi nhận trên những tuyến phố sầm uất của Hà Nội, tuy giá phòng thuê khách sạn đã giảm kịch sàn nhưng lượng khách đặt phòng rất ít hoặc gần như không có.
Là chủ một trong những khách sạn tốt nhất phố Hàng Bài với doanh thu cả chục tỷ đồng/tháng khi trước dịch nhưng anh Trần Thanh Tùng cũng buộc phải rao bán khách sạn để thu tiền về. Anh Tùng chia sẻ: “Mặc dù đã có những thời điểm khách sạn gần như có thể trở về hoạt động bình thường, nhưng dịch lại tiếp tục bùng phát. Lần bùng phát này như “giọt nước tràn ly” khiến chúng tôi phải bán khách sạn để rút tiền về cho các chủ đầu tư”.
Khảo sát trên một chuyên trang mua bán bất động sản, mỗi ngày có cả chục khách sạn được rao bán với đủ mọi mức giá, từ vài chục tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng. Cách trung tâm Hồ Gươm chỉ vài trăm mét, ngay phố Hàng Bè nơi trước đây luôn sầm uất du khách nước ngoài, một khách sạn mini diện tích 102m2 đang treo biển rao bán với giá 69 tỷ đồng. Cách đó không xa, một khách sạn trên phố Mã Mây cũng rao bán với giá hơn 100 tỷ đồng. Trên phố Hàng Buồm, một khách sạn cuối năm 2020 rao bán 75 tỷ đồng, đến đầu năm 2021 chủ nhà chấp nhận hạ xuống 60 tỷ đồng, giảm đến 15 tỷ đồng mà vẫn chưa có giao dịch. Một khách sạn khác nằm gần phố đi bộ Tràng Tiền có diện tích 374m2 với 65 phòng cũng được rao bán với giá khoảng 254 tỷ đồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhà đầu tư trong giai đoạn này rất thận trọng, đa số là ngồi yên để nghe ngóng thị trường. Tuy nhiên, cũng có một số người tranh thủ lúc giá đang giảm để thu mua. Đối với những khách sạn có vị trí đẹp tại trung tâm thành phố, đầy đủ tiện nghi, có lượng khách ổn định, các chuyên gia cho rằng đây vẫn là một cơ hội đầu tư đáng cân nhắc trong mùa dịch.
Bám trụ chờ cơ hội
Thay vì rao bán, nhiều khách sạn 4 sao, 5 sao vẫn cố bám trụ nhưng cũng phải dùng đủ mọi biện pháp để cắt giảm chi phí, như bỏ một số dịch vụ quầy bar, nhà hàng, spa… Chị Nguyễn Thị Huệ - chủ một khách sạn trên phố Hàng Gai cho biết: “Vào giai đoạn cao điểm du lịch, chúng tôi để nhân viên chia làm 3 ca: sáng, chiều và tối, đến nay chỉ còn hai ca sáng và chiều. Có những ngày lễ tân phải làm thay cả công việc của phục vụ phòng hay đầu bếp làm thay cả công việc của lễ tân với số tiền lương được tính theo giờ”.
Tình hình khó khăn, chị Huệ chỉ còn cách chờ đợi dịch đi qua và cố gắng bám trụ. Còn trên phố Thợ Nhuộm, một khách sạn 3 sao khác cũng rơi vào tình trạng “đóng băng” với doanh thu thấp kỷ lục chưa từng có. Các nhân viên tại đây đều đã được chủ cho nghỉ việc đến khi có thông báo mới. Chị Hà - quản lý khách sạn cho biết: “Nếu rao bán vào thời điểm này, chúng tôi buộc phải chịu lỗ chừng 25 - 30 tỷ đồng. Vì vậy đành phải bám trụ lại đợi cơ hội vào tháng 7 khi dịch có thể được kiểm soát tốt hơn”.
Theo thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trong 5 tháng đầu năm, lượng khách du lịch nội địa đến Hà Nội ước đạt 2,89 triệu lượt khách, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2020; tổng thu đạt 8,1 nghìn tỷ đồng, giảm 50,7% so với cùng kỳ năm trước. Nếu chỉ tính riêng tháng 5/2021, khách du lịch nội địa ước đón 115.000 lượt khách, giảm 53,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thu từ khách du lịch nội địa ước đạt 322 tỷ đồng, giảm 60,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong 5 tháng đầu năm 2021, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1 - 5 sao ước đạt khoảng 23,6%, giảm 8,6 % so với cùng kỳ năm 2020.
Đồng thời, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Do đó, số người nước ngoài đến Hà Nội trong thời gian này chủ yếu là chuyên gia, người lao động lưu lại làm việc tại các địa phương của Việt Nam, có đến làm việc tại Hà Nội.
Hiện tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khả năng phục hồi của thị trường du lịch và khách sạn dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn.