Phát biểu khai mạc, chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 6 là kỳ họp giữa nhiệm kỳ nên Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng, bao gồm:
Thứ nhất, bên cạnh việc xem xét, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, Quốc hội sẽ xem xét, đánh giá toàn diện việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 trong nửa nhiệm kỳ, đánh giá 3 năm thực hiện chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, để từ đó đề ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tận dụng tối đa nguồn lực, cơ hội phát triển nhằm thực hiện thắng lợi, bền vững các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Thứ hai, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 09 dự án luật và 01 Nghị quyết, đồng thời, cho ý kiến 06 dự án luật khác nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đẩy mạnh cải cách tư pháp, củng cố quốc phòng an ninh, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đây là những dự án luật quan trọng, được đông đảo cử tri và xã hội quan tâm, được chuẩn bị chu đáo, trong đó, dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 và thứ 5; dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ được Quốc hội tiếp tục cho ý kiến lần thứ hai để xem xét, thông qua tại kỳ họp sau.
Thứ ba, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn lại những vấn đề liên quan đến việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ, của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của cử tri, từ thực tiễn theo dõi, giám sát của mình, mỗi đại biểu Quốc hội sẽ thực hiện việc đánh giá với tinh thần trách nhiệm, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm.
Thứ tư, Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước; xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm và bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng thời, thảo luận quyết định một số vấn đề quan trọng khác theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,98%
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, đến thời điểm này, đất nước ta đã đi qua nửa chặng đường của nhiệm kỳ 2016-2020. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các địa phương, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội phát triển khá toàn diện, GDP tăng từng năm, an sinh xã hội và đời sống của Nhân dân từng bước được nâng lên, quốc phòng, an ninh được giữ vững, vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới không ngừng được nâng cao. Việc cơ cấu lại nền kinh tế cũng đã đạt được những kết quả khả quan.
Tiếp nối đà phát triển, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2018 đã đạt được những kết quả rất tích cực. Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,98%, cao nhất kể từ năm 2011 trở về đây, các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu… tăng khá cao. Đời sống xã hội tiếp tục có nhiều khởi sắc, công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí tiếp tục được quan tâm tích cực.
Mặc dù vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, nhưng những thành tựu đạt được trong thời gian qua đã tạo đà tăng trưởng, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Mục tiêu tăng trưởng 6,6-6,8% trong năm 2019
Trình bày báo cáo về kinh tế, xã hội, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2019, Chính phủ đặt mục tiêu, tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế; tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; đẩy mạnh, tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; quyết liệt đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và tận dụng hiệu quả Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng bộ máy liêm chính, hành động, phục vụ.
Củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Cụ thể, về kinh tế: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6 - 6,8%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP.
Về xã hội: Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1 - 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60 - 62%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 24 - 24,5%; Số giường bệnh/một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 27 giường; Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 88,1%.
Về môi trường: Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 89%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85%.
8 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nêu trên trên, báo cáo của Chính phủ đề xuất 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện trong năm 2019.
Thứ nhất, tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thứ hai, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các đột phá chiến lược.
Thứ ba, tạo chuyển biến rõ nét trong cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Thứ tư, phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Thứ năm, chấn chỉnh công tác quản lý tài nguyên, môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.
Thứ sáu, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; tăng cường công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Thứ bảy, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Thứ tám, làm tốt hơn nữa công tác thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, tạo niềm tin và khát vọng dân tộc.
Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, trong bối cảnh quốc tế và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục hành động quyết liệt; ra sức khắc phục hạn chế, yếu kém; nỗ lực phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.